(VietNamNet) - Khe cạn, nước đen nhờ nhờ, dân khu phố 3 (phường 4, thị xã Đông Hà, Quảng Trị) vẫn phải xếp hàng chờ gạn từng ca. Không ai thấy sợ, dù nguồn nước này rỉ ra từ những khu nghĩa địa dày đặc mồ mả trên sườn đồi...
|
Chắt từng ca nước |
Từ quốc lộ 9 (Quảng Trị) rẽ theo con đường nhỏ, vòng vèo khoảng 1 km là đến nơi ở của gần 100 hộ dân của khu phố 3 (phường 4, thị xã Đông Hà). Anh thanh niên Trần Văn Thảo dẫn PV VietNamNet vượt lên một con dốc nhỏ phía sau nhà để ngược đồi đi vào con suối cạn, nơi cả xóm đang phải gạn từng ca nước để dùng.
Khe nước này dài khoảng 50m, nhưng đoạn khe có nước chỉ khoảng 5m. Nước khe đùng đục, nhờ nhờ, đoạn cuối thì đổi sang màu đen...
Từ sáng sớm, bà con trong xóm đã đến đây chờ lấy nước. Nước ít nên phải xếp hàng. Nhiều người ra đây từ tờ mờ sáng để múc được nhiều...Họ múc từng ca nước đùng đục này cho vào can, mang về gạn lắng, lọc lại để dùng.
|
Khu nghĩa địa đầu nguồn khe cạn |
Ngược lên hai bên triền khe là sườn đồi thoai thoải, trên đó những khu nghĩa địa dày đặc. Hầu hết các ngôi mộ này được dân thị xã Đông Hà lên xây cất cho người thân, chứ dân ở đây lo chuyện ăn, ở đã “tái mặt”, còn sức đâu để lo xây cất mồ mả.
Anh Thảo, chỉ tay lên khu nghĩa địa nói: “Trên ấy người ta bốc mộ suốt. Trên đó, hòm (quan tài) sau khi bốc bỏ lại nhiều lắm...”.
Anh Thảo không tỏ vẻ ngạc nhiên khi PV VietNamNet thắc mắc: nguồn nước rỉ ra ở con suối nhỏ bắt nguồn từ phía các khu nghĩa địa. Anh bảo: "Vẫn phải dùng, còn cách nào khác đâu?".
|
Bà con lấy nước ở khe cạn |
Khát nước
Nhà anh Đào VănThái (khu phố 3), cách khe nước nói trên một quãng khá xa nên ngoài việc thỉnh thoảng lên khe lấy nước, anh phải mua nước máy từ phường 3 để dùng. Anh cho hay, nước này giá 1.000 đồng/can. Mỗi ngày, cả nhà dùng dè sẻn cũng hết 5 can.
Anh Thái còn cho biết, khu phố anh ở, có 7 giếng nước do người dân tự đào nhưng không có nước. Chỉ có giếng nhà bà Luyến (mẹ anh Thái) có nước dùng chung cho cả xóm, nhưng đến mùa hè cũng trơ đáy…
|
Gánh nước về nhà |
Ông Bùi Xuân Am, Bí thư chi bộ khu phố 3, phường 4 cho biết: Tuy có địa chỉ là phố phường nhưng đây là khu tái định cư... cơ cực. Hầu hết các hộ ở đây là dân vạn đò trên sông Hiếu, được đưa lên bờ định cư 30 năm nay, chủ yếu sống bằng nghề tìm phế liệu chiến tranh... Nước thì khan hiếm như vậy, điện thắp sáng thì mới có 1 năm nay.
Ông Phan Thanh Dũng, chủ tịch UBND phường 4 bức xúc cho biết: “Nhiều lần bà con kiến nghị lên phường, phường cũng đã kiểm tra thực tế như vậy. Song để phường giải quyết thì không lấy đâu ra nguồn kinh phí. Chũng tôi chỉ mong Cty Cấp thoát nước hỗ trợ một ống dẫn dài 800m từ quốc lộ 9 vào trung tâm khu phố, phần còn lại người dân sẽ tự làm...”.
Được biết, cuối năm 2006 mỗi hộ dân ở đây được vay ngân hàng trên 2 triệu đồng để nộp tiền kéo nước về. Song, tính toán theo dự án thì mỗi hộ dân phải nộp 4-5 triệu thì Cty Cấp thoát nước mới đưa được nước về. Do không đủ tiền nên dự án kéo nước về không thực hiện được... “Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống”, tiền thì tiêu hết rồi, còn nước thì không biết “treo" mãitận đâu?
Trong cái nắng khét của vùng gió Lào, lác đác người gồng lưng gánh hai nửa can nước chắt từ suối cạn, băng qua con đường ngược dốc, qua các ngôi mộ về nhà, trong lòng hớn hở: “Rứa là đã có nước để dành cho ngày mai…”.