(VietNamNet) - Chỉ kiểm tra sáng nay, TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ vi phạm giao thông đường thủy. Tại bến đò Bến Đá, một chiếc tàu cũ kĩ chở 46 hành khách cùng 30 xe gắn máy chen chúc nhau.
>>>Vụ chìm tàu Hoàng Đạt 36 qua ảnh
>>>"Tàu chìm nhanh đến mức không kịp kéo còi"
>>>Đùa giỡn tử thần trên những chuyến tàu cánh ngầm
Tai nạn giao thông đường thuỷ tại nhiều bến đò đưa đón khách và bến khách ngang sông tại TP.HCM đang ở mức báo động". Thông tin trên được ông Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở GTCC TP.HCM đưa ra sáng 11/9, trong lễ phát động hưởng ứng tháng an toàn giao thông do Ban An toàn giao thông TP.HCM phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III tổ chức.
Ngay trong ngày, đoàn công tác đã chia ra hai hướng kiểm tra tuyến bến tàu khách Nguyễn Kiệu; dọc tuyến sông Sài Gòn; tuyến khu vực xi măng Hà Tiên; tuyến bến phà, sông Kênh Tẻ, kênh Đôi, sông Chợ Đệm, Bến Lức. Đặc biệt là các điểm nóng tại khu vực Cụm cảng Trường Thọ, kênh Tẻ, bến Bình Đông và rạch Bà Gốc.
Trong sáng cùng ngày, nhiều vụ vi phạm lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa đã bị đoàn công tác lập biên bản vi phạm hành chính.
Tàu cũ nhưng chủ liều.
Điển hình, tại bến đò Bến Đá, đoàn kiểm tra phát hiện thuyền trưởng tàu số SG2264 Nguyễn Văn Hùng (ngụ tại thị trấn Hồng Ngự, Đồng Tháp) chở vượt quá sức chứa của phương tiện. Trên phương tiện cũ kĩ này, có đến 46 hành khách, 30 xe gắn máy chen chúc nhau rất nguy hiểm.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phan Văn Duy, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III cho biết tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy ở TP.HCM còn rất phức tạp do lưu lượng phương tiện hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa rất lớn, trên 2.000 lượt phương tiện/ngày.
“Tình trạng vi phạm Luật giao thông đường thủy nội địa của người tham gia giao thông còn nhiều, hành lang an toàn luồng tuyên bị xâm phạm tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông đường thủy” - ông Duy nhận định.
Đại tá Vũ Văn Dũng, Phó cục trưởng C25 cho biết theo báo cáo của 56 địa phương có đường thủy trong cả nước, trong 6 tháng đầu năm 2007, đã xảy ra 122 vụ tai nạn giao thông làm chết 105 người, bị thương 20 người, chìm đắm 11 phương tiện thủy thiệt hại tài sản gần 3 tỷ đồng. Số vụ tai nạn giao thông đường thủy tăng 25 vụ so với cùng thời điểm năm ngoái, số người chết, bị thương cũng đều tăng.
Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2007 có nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây chết người do phương tiện chở hàng, phương tiện đánh bắt thủy sản chở khách tham quan du lịch ở tuyến ven biển, các tuyến sông gây ra. Công tác quản lý nhà nước của cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở tại những nơi này vẫn còn buông lỏng.
Theo đại tá Dũng, nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông xuất phát từ ý thức của người tham giao giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, lỗi chủ yếu vẫn là vi phạm quy tắc tránh vượt, phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật khi hoạt động. Phương tiện dưới 15 tấn gây tai nạn, chiếm trên 50%. Đây là loại phương tiện có tỉ lệ đăng ký, đăng kiểm rất thấp, phương tiện thiếu thiết bị an toàn, người điều khiển phương tiện không bằng cấp chứng chỉ.
Tại TP.HCM, vào ngày 15/5, tại khu vực cảng Lotus, tàu Hoàng Đạt 36 bị một tàu biển quốc tế đâm phải làm 8 người chết. Đây được coi là vụ tai nạn giao thông đường thủy lớn và nghiêm trọng nhất trên tuyến đường thủy nội địa đi qua địa phận thành phố trong vòng 10 năm qua.
- Trần Duy