(VietNamNet) - Khi các con đường chính tại Sài Gòn kẹt xe, người ta tìm một giải pháp khác: đi vào các con hẻm nhỏ. Nhưng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”...
Lối thoát ở hẻm
Khoảng thời gian buổi sáng từ 8h-9h30 và buổi chiều từ 17h-18h30 là giờ cao điểm kẹt xe trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Dù đây là trục đường chính có đến bốn làn xe dẫn vào nội thành và được phân luồng thành đường một chiều, hướng từ Bến xe Miền Đông ra đường Điện Biên Phủ, nhưng cảnh kẹt xe vẫn tái diễn như điệp khúc quen thuộc trong trường ca ùn tắc đường phố.
Chướng ngại vật trên một con hẻm ở đường Tô Hiến Thành. (Ảnh: NMP). |
8h sáng 29/8, PV VietNamNet hòa vào dòng xe chật kín như nêm, chậm rãi, chen chúc, nhích từng nhút một như rùa bò trên đường Đinh Bộ Lĩnh. “Mắt đui hay sao cha nội!” - tiếng người phụ nữ mắng nhiếc khi xe chúng tôi lỡ chạm vào đuôi chiếc xe gắn máy “đồ cổ” hiệu Honda cup 81 của chị. Hiện diện xung quanh là những ánh nhìn bực bội, vẻ mặt nóng vội, cau có, khó đăm đăm của người đi đường đang trong cùng cảnh ngộ “kẹt xe, tắc đường”.
Qua khỏi tòa nhà văn phòng Nam An, một toán người điều khiển xe gắn máy lấn sang làn xe ôtô lách qua kẽ hở một người đi lọt và chạy nhanh vào con hẻm nhỏ. Như “đánh hơi” được hướng thoát, xe gắn máy lần lượt chạy theo tốp người này vào con hẻm.
Đây là con hẻm nhỏ nằm cắt ngang đường Đinh Bộ Lĩnh và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Qua khỏi con hẻm, chạy ngược chiều trên lề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh khoảng 100m sẽ luồn ra được đầu đường Bạch Đằng và ung dung chạy vào đường Điện Biên Phủ rộng thênh thang để vào trung tâm thành phố.
Đã báo trước là cầm vào rồi!. (Ảnh: NMP). |
Tuy nhiên “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”. Lâu dần, con hẻm “bí mật” - lối thoát cho những người tìm cách tránh đường ùn tắc - được nhiều người “bật mí” và số lượng người chạy vào hẻm tăng lên theo cấp số nhân. Thế nên hẻm nhỏ cũng kẹt cứng.
Chị Hoàng Ánh Nguyệt, nhà ở tại con hẻm nhỏ đường Chu Văn An bức xúc: “Hẻm hẹp mà ngày nào xe gắn máy, thậm chí ôtô cũng chạy vào. Tiếng còi xe, động cơ làm náo động không gian vốn yên tĩnh. Con nít đùa giỡn chạy chơi có khi còn bị xe gắn máy đâm sầm vào té ngửa giữa đường”.
Vốn không được thiết kế dành cho lượng xe lớn đi qua, nên mặt đường nhiều con hẻm dân sinh xuống cấp nghiêm trọng. Ổ voi, ổ gà mọc lên nhan nhản.
Nhiều nắp hố ga bị cán nát, sập xuống đến nỗi có nơi, người dân phải dùng miếng ván ép che chắn tạm bợ rồi đặt nhành cây xanh lên nhằm báo hiệu nguy hiểm cho người trong hẻm.
“Con giun xéo lắm cũng quằn” và người dân trong hẻm phải tìm cách tự bảo vệ.
“Hẻm cấm, không được vào!”
Chiếc xe tải nhẹ từ từ xi nhan rẽ ngang vào con hẻm 525 Tô Hiến Thành, phường 14 (quận 10). Chạy chừng 10m, bác tài thắng khựng lại. Trước mắt, “song trụ” xi măng đúc bằng thùng phuy nằm chắn đường thách thức. Bác tài loay hoay, lấy tay lái qua trái, qua phải cũng chẳng thể tìm lối chạy tiếp đành về số lui chạy trở ra.
Qua nhiều ngày khảo sát, PV VietNamNet phát hiện ra điều thú vị. Đó là tồn tại song song với những trục đường chính, thường xuyên xảy ra nạn kẹt xe, các con hẻm nhỏ có thể thông ra đường khác đều có “chướng ngại vật” dựng lên đầu hẻm như con hẻm ở đường Tô Hiến Thành nói trên.
Mục đích cấm là hạn chế phương tiện vào quá nhiều gây kẹt xe trong hẻm. “Chướng ngại vật” cũng khá đa dạng, nào trụ xi măng, thanh chắn, thùng phuy, ghế gỗ, ghế đá, bảng cấm...
Đi dọc theo đường lớn như 3/2, Nguyễn Tri Phương (quận 10), Lý Thường Kiệt, Cộng Hòa (quận Tân Bình), Đỗ Xuân Hợp (phường Tân Bình, quận 9) có rất nhiều hẻm treo bảng cấm có nội dung: “Cấm các loại xe vào hẻm”, “Hẻm cấm không được vào”, “Vào cổng hỏi bảo vệ”, “Cấm đậu xe trước cổng”...
Đường chính kẹt xe và hẻm cũng không khá hơn. (Ảnh: NMP). |
Anh Phong nhà ở một con hẻm trên đường Nguyễn Tri Phương cho biết, trước đây con hẻm này được tráng xi măng rất tươm tất. Tuy nhiên, khi nhiều xe gắn máy, ôtô tìm vào đây tránh đường ùn tắc, càng ngày mặt đường bong tróc càng nhiều. Việc đi lại của người dân trong hẻm gặp khó khăn. “Bà con trong hẻm đã tự bỏ kinh phí ra sửa chữa và sau khi hoàn thành, liền treo bảng cấm đầu hẻm có nội dung: Đường do dân góp tiền tự làm. Cấm xe ben, xe tải, xe nặng” - anh Phong kể.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, bảng cấm được người dân dựng lên để bảo vệ hẻm chung và hạn chế tai nạn giao thông. Nhưng cũng có nhiều nơi đặt ra rào chắn với mục đích thu tiền.
Một ông nọ sống tại con hẻm nằm trên QL1A rẽ vào khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Tân Bình đã tự thiết kế cổng rào bít hẻm. Xe nào muốn vào phải được ông “duyệt”. Đến nỗi, xe cấp cứu của một bệnh viện tư nằm trong hẻm này “xin” qua ông cũng không cho, buộc phải đi đường vòng. Không biết nếu xảy ra cháy nổ nhà người dân trong hẻm, ông có chịu cho xe chữa cháy chạy qua (?)
Một cán bộ của Phòng Quản lý giao thông vận tải TP.HCM nói cần phải thông cảm với người dân ở trong các hẻm nhỏ. Lỗi cũng chỉ vì nạn kẹt xe diễn ra quá phổ biến.
Tuy nhiên, cán bộ này cho rằng theo điều lệ biển báo hiệu đường bộ, các biển báo giao thông phải được đặt ở những vị trí hợp lý, không khuất tầm nhìn. Việc người dân tự đặt các thanh chắn hay trụ xi măng là không đúng. “Hẻm là của chung. Nếu quan niệm vì xe cộ đi vào nhiều quá phá hỏng đường sá mà đặt bảng cấm là sai rồi!”- cán bộ này nói.
-
Trần Duy