221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
974770
Vì sao nhà đô thị mới chưa xây xong đã lún nứt?
1
Article
null
Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc:
Vì sao nhà đô thị mới chưa xây xong đã lún nứt?
,

(VietNamNet) - Hai dãy nhà liền kề TT18 và TT19 Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc (Hà Đông, Hà Tây) vừa xây xong phần thô đã lún khoảng 20cm. Không thỏa mãn với các báo cáo trên giấy, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) Trần Chủng vừa đích thân thị sát sự cố này và trao đổi với VietNamNet về kết quả kiểm tra.

Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ XD) Trần Chủng (Ảnh: T.A.N).

Cục trưởng Trần Chủng (Ảnh: T.A.N).

Theo Cục trưởng Trần Chủng, qua khảo sát trực tiếp một số nhà liền kề thuộc hai dãy này, dấu hiệu của lún dễ nhận thấy nhất là những vết nứt gãy trên tường rào ngăn chia sân từng căn tại vị trí nối của tường rào với kết cấu ngôi nhà. Hiện tượng này cho thấy căn nhà đã bị lún nhiều hơn so với tường rào. Tuy nhiên, không phát hiện nứt tại kết cấu của nhà (kể cả khung bê-tông cốt thép và tường chèn khung).

- Vậy qua những dấu hiệu ấy, Cục trưởng đánh giá ra sao về thực trạng các dãy nhà đang lún?

- Kết luận bước đầu của chúng tôi là, hệ kết cấu khung bê-tông cốt thép của ngôi nhà đủ cứng và đã phân phối lại nội lực do lún lệch nên không gây hư hỏng kết cấu của nhà. Rất may những dấu hiệu này đã được phát hiện sớm và chủ đầu tư đã dừng ngay việc hoàn thiện để tổ chức quan trắc nhằm lựa chọn giải pháp khắc phục kịp thời. Đến lúc này, độ lún đã ổn định, chỗ lún nhiều nhất đo được 25cm.

- Nguyên nhân gây lún nhà ngay khi còn chưa kịp đưa vào sử dụng được xác định là gì, thưa ông?

- Tôi đã xem các tài liệu khảo sát địa chất, báo cáo thẩm tra thiết kế của Trung tâm nền móng (ĐH Xây dựng HN) và của Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị & kiểm định xây dựng và nhất trí với nguyên nhân: công trình lún là do lớp đất yếu có độ dày thay đổi nằm dưới lớp đất sét đặt móng.

Lớp đất yếu này rất thường gặp tại các vùng châu thổ, như châu thổ sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long... là nơi điều kiện địa chất hết sức phức tạp. Như chúng ta đã biết, trên lớp đất cứng bao giờ cũng có một tầng bùn. Song ở nhiều nơi không đâu xa mà ngay Hà Nội thôi, tầng bùn này có khi dày tới 17 - 20m, lớp đất yếu thay đổi lớn và khôn lường.

Để có thể khắc phục và xây dựng ở những vùng này,  vấn đề xử lý nền móng thường rất tốn kém. Chi phí cho móng trong nhiều trường hợp "ngốn" non nửa, hoặc ít cũng 1/3 tổng mức đầu tư toàn bộ công trình. Ví dụ: Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang tiến hành, chỉ riêng xử lý nền móng chiếm 39% tổng vốn đầu tư.

Một số nhà tại Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc vừa xây xong bị lún (Ảnh: T.A.N).

Một số nhà tại Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc (Hà Tây) vừa xây đã lún (Ảnh: T.A.N).

Thông thường, trước khi tiến hành xây dựng tại những vùng phức tạp như vậy, cần khảo sát rất kỹ điều kiện địa chất để xác định xem chiều sâu của tầng bùn là bao nhiêu, tính chất cơ lý của tầng bùn như thế nào... Sau đó, để đảm bảo công trình phía trên khi xây sẽ ổn định, bền vững, cần nghiên cứu các giải pháp gia cố xử lý nền khác nhau như: bấc thấm bản nhựa; cọc cát nén... và nói chung là đắt đỏ!

Thế nên, nhiều công trình gần đây do tư nhân xây dựng, dù chỉ 2-3 tầng thôi nhưng đã bất ngờ đổ ụp (Quảng Ninh, TP.HCM, Long An...) có nguyên nhân chủ yếu do nền đất yếu kiểu này, nhưng đã bỏ qua, coi nhẹ quá trình khảo sát trước đó, phần vì thiếu hiểu biết, phần vì ngại "đội chi phí". Ngay tại Hà Nội, tôi đã chứng kiến một nhà ở phố Hàng Bông, chỉ tháo nhà cũ xây nhà mới thôi thì lớp đất yếu phía dưới đã bị tác động, thay đổi, trồi lên và những nhà bên cạnh lập tức nghiêng lún.

Từ sự thiếu điều tra, khảo sát dẫn đến không có biện pháp xử lý nền đất yếu khi xây dựng. Mà những vùng châu thổ lại là những nơi tập trung đông dân cư nhất. Mới có chuyện như ở Quảng Ninh, mới đào móng đã sập đổ công trình bên cạnh, và ở TP.HCM sập đổ hàng loạt công trình tư nhân...

- Ý Cục trưởng là sự cố lún nhà mới xảy ra ở Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc (Hà Tây) cũng do không chú trọng khâu khảo sát địa chất?

- Đúng vậy, và lỗi chính của tình trạng này thuộc về đơn vị tư vấn thiết kế. Kết quả khảo sát bổ sung (khi sự đã rồi) cho thấy, ngay trong một nhà, mặt cắt địa chất đã có những thay đổi khá lớn. Vì vậy, ứng với vị trí có tầng bùn lớn, mặc dù là nhà thấp tầng cũng phải tính toán xem có phải sử dụng giải pháp móng sâu (cọc) hay không, chứ không thể cứ dùng đại trà giải pháp móng nông như hiện nay cho tất cả mọi nhà.

Tôi được biết, chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị) đã nghiêm khắc xử lý ngay một số cá nhân. Theo Luật Xây dựng 2003 - "người có lỗi gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các chi phí có liên quan". Chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị tư vấn lập ngay phương án khắc phục là đúng luật.

Rất may những dấu hiệu này đã được phát hiện sớm và chủ đầu tư đã dừng ngay việc hoàn thiện để tổ chức quan trắc

Những dấu hiệu lún tại Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc đã được phát hiện sớm và chủ đầu tư dừng ngay việc hoàn thiện để tổ chức quan trắc (Ảnh: T.A.N)

- Việc khắc phục những ngôi nhà lún ở Văn Quán - Yên Phúc hiện thế nào và có bảo đảm an toàn không, thưa ông?

- Kết quả quan trắc lún do đơn vị tư vấn thiết kế báo cáo cho thấy độ lún đến nay đã ổn định nhưng chủ đầu tư vẫn yêu cầu kiểm tra lại, đồng thời bổ sung cọc bê-tông cốt thép để đảm bảo công trình không tiếp tục lún thêm. Về phía Cục Giám định, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư phải mời các đơn vị tư vấn và các nhà khoa học có kinh nghiệm góp ý chi tiết cho giải pháp bổ sung cọc, nhằm đảm bảo độ tin cậy. Giải pháp này chỉ làm đại trà khi đã có kết quả thử nghiệm.

Các phương pháp tiên tiến hiện nay cho phép khắc phục các sự cố một cách kịp thời, tin cậy hơn. Tuy nhiên, tôi muốn nói, đây là những phương pháp bổ sung, bởi lẽ ra các ngôi nhà đó cần có đủ cọc ngay từ đầu nhưng đã thiếu, và bây giờ bổ sung vào giai đoạn sau thế này thì vất vả, tốn kém hơn rất nhiều (cả về kinh phí, thời gian)...

- Qua việc lún nhà ở Văn Quán - Yên Phúc nói riêng và hàng loạt sự cố trên khắp đất nước nói chung, ông có khuyến cáo gì với các chủ công trình xây dựng và người dân?

- Về nguyên tắc, để đảm bảo công trình đạt chất lượng, phải có sự tuân thủ chặt chẽ quy trình thực hiện đầu tư xây dựng mà đầu tiên là đầu tư thích đáng cho khảo sát điều kiện địa chất. Hiện nay, nhiều công trình đô thị khi xây dựng cứ nghĩ khảo sát là đào bới mà không biết rằng còn phải khảo sát cả các công trình lân cận, xem to, nhỏ thế nào... để từ đó chọn giải pháp móng.

Tối ưu là mọi biện pháp xử lý phải được đưa ra ngay từ đầu, tức là chúng ta "giành thế chủ động", chọn giải pháp tối ưu về kỹ thuật, tối ưu về kinh phí...

Ví dụ, có những dự án chúng ta cần kíp về tiến độ, bắt buộc dùng phương pháp xử lý đắt tiền hơn như nhà máy điện Cà Mau: muốn tổ máy số 1 phát điện vào tháng 4/2007 phải rút ngắn thời gian xử lý nền đất yếu ở Cà Mau đi 5 tháng và phải đầu tư hơn 10 triệu USD để giải quyết vấn đề rút đi 5 tháng này. Thế nhưng sau đó, nhà máy điện chạy trước được 5 tháng và rõ ràng mang lại lợi ích xã hội còn lớn hơn cả 10 triệu USD kia vì đã cung cấp điện ổn định cho cả nước, góp phần phát triển nền kinh tế...

Nhà nọ kéo nhà kia cùng sập tại TP.HCM (Ảnh: Phan Công)
Nhà nọ kéo nhà kia cùng sập tại TP.HCM (Ảnh: Phan Công)

Cầu Văn Thánh cũng thế, bài toán xử lý nền lẽ ra phải kéo dài 8 tháng, nhưng mới 4-5 tháng đã muốn thông xe rồi - không đúng qui trình! Muốn tăng tốc như vậy thì phải chọn giải pháp khác, tốn kém hơn...

Tôi đưa ví dụ trên để nói rằng đối với các công trình xây dựng, chúng ta phải đầu tư thích đáng công sức, trí tuệ cho khảo sát thực trạng địa chất, thuỷ văn, môi trường... Các nhà đầu tư cần thiết và phải chấp nhận tốn kém để khảo sát và xử lý nền đất, nếu không muốn còn tốn kém hơn gấp nhiều lần sau đó!

Những việc này hiện nay chưa được coi trọng, mặc dù công trình xây dựng là những cái chúng ta sẽ chung sống lâu dài với nó. Thử tưởng tượng xem, nếu giành thế chủ động, chúng ta sẽ toàn quyền cân đối cả về kinh phí, thời gian, chất lượng!

Riêng về hai dãy nhà bị lún ở Khu đô thị mới Văn Quán - Yên Phúc, dự kiến khoảng 2 tháng nữa việc khắc phục cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư khẳng định khi khắc phục xong, công trình sẽ được giám định lại, chừng nào đạt yêu cầu mới chính thức đưa vào sử dụng. Để yên tâm, người dân khi nhận bàn giao nhà nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp "Giấy chứng nhận chất lượng công trình xây dựng" (theo qui định tại Thông tư 11/2005/TT-BXD của Bộ Xây dựng).

- Xin cảm ơn Cục trưởng!

  • Hoàng Huy (thực hiện)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,