(VietNamNet) - Cách đây hơn 10 năm, các chiến sĩ công an quận Hai Bà Trưng đã triệt phá thành công một vụ buôn bán trái phép chất Uranium. Tuy nhiên, thời gian gần đây, được nghe có một số chiến sĩ sức khỏe sút kém, hoặc bị bệnh nan y như ung thư máu, u phổi, sụt giảm hồng cầu...
Chuyên án 027Z và những căn bệnh kỳ lạ
Giữa tháng 6/1995, đội cảnh sát kinh tế, Công an quận Hai Bà Trưng được lệnh tham gia chuyên án 027Z, triệt phá một vụ buôn bán trái phép chất Uranium. Đối tượng bán cục Uranium 4,6 kg là tên Nguyễn Anh Hùng, SN 1936, ngụ tại phường Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các chiến sĩ tham gia ban chuyên án đã đóng giả làm người mua, nhử mồi và bắt gọn Hùng cùng đàn em khi chúng chuẩn bị giao hàng.
Chuyên án 027Z kết thúc thắng lợi, song những người tham gia vụ án, có tiếp xúc ít nhiều với tang vật lại bắt đầu lo lắng, đặc biệt khi thấy cục Uranium tang vật của chuyên án 027Z đã bị vạt mất một góc lớp chì bao bọc bên ngoài. Nguyên nhân do vợ của một đối tượng không biết nên đã mang ra kê để chặt củi.
Cục Uranium này nằm lại hai ngày tại phòng họp giao ban của đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hai Bà Trưng. Trong thời gian đó, các chiến sĩ Công an vẫn ngồi họp giao ban, trực như ngày thường.
Sau đó tang vật đã được các chuyên gia ở Trung tâm An toàn phóng xạ, thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân xác định không phải là một nguồn phóng xạ mà là một chất Uranium kim loại, suất liều bên ngoài rất yếu, rồi chuyển cho cơ quan chức năng. Và chuyên án 027Z chìm vào quên lãng.
Hơn 10 năm sau, nhiều người liên quan tới chuyên án được báo là lâm trọng bệnh. Cụ thể thượng tá Lê Quý Dương, nguyên Phó trưởng công an Quận Hai Bà Trưng bị ung thư máu và rối loạn tuỷ xương. Trinh sát Lương Hoàng Dũng, một trong những người đầu tiên chạm vào cục Uranium, bị một khối u gần xương chậu. Chiến sĩ Nguyễn Quang Gia vừa bị u phổi, vừa u đại tràng. Trinh sát Lê Quý Hùng bị u não. Một số người khác được báo là bị suy giảm lượng hồng cầu hoặc tiểu cầu…
Nhiều người đã nghĩ tới thủ phạm gây nên trọng bệnh của các chiến sỹ Công an là cục Uranium tang vật trong chuyên án 027Z ngày nào. Nhưng cũng được biết thêm rằng, nhiều người tiếp xúc với cục Uranium ngày đó lại vẫn khỏe mạnh, như đồng chí Hòe v.v…
Giới khoa học nghi ngờ
Thông tin về việc 39 chiến sĩ công an nhiễm phóng xạ đã được dư luận quan tâm, dù rằng chưa có một cuộc tiếp xúc, điều tra khách quan và khoa học nào của báo giới hoặc các nhà chuyên môn liên quan.
Ngày 17/8, Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học Công nghệ đã có cuộc thảo luận về vấn đề này.
Tại cuộc thảo luận, TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân cho biết đã cử cán bộ gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các nhà khoa học, tìm hiểu về nguồn phóng xạ được phát hiện trong chuyên án 027Z. Cục trưởng cũng đã trực tiếp gặp các cán bộ có trách nhiệm của cơ quan Công an.
Theo những hồ sơ lưu trữ còn lại, rõ ràng nguồn phóng xạ tang vật thu được là khối Uranium nghèo (depleted uranium) có tổng khối lượng 4,6 kg.
Ông Nhân cho rằng, việc các cán bộ, chiến sĩ công an bị ung thư là rất đáng lưu tâm. Tuy nhiên, nhiều khả năng có sự trùng hợp ngẫu nhiên; ung thư có thể là do các nguyên nhân khác, ngoài khả năng do phóng xạ gây ra.
Được mời đến dự cuộc thảo luận, một chuyên gia vật lý hạt nhân đầu ngành, TS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, khẳng định: Uran nghèo là loại vật liệu uran mà chất Uranim 238 chiếm hầu hết. Tức là loại Uranium đã bị tách chiết cạn chất U235 (để dùng làm nhiên liệu hạt nhân trong lò phản ứng hay trong bom nguyên tử), chỉ còn lại chủ yếu là chất U238. Một số báo đưa tin nhầm rằng tang vật là loại Uran giàu (tức giàu U235).
Về cơ lý, uran nghèo rất nặng và đặc biệt rất cứng. Trong quân sự, uran nghèo được dùng làm vỏ bọc đầu đạn chống tăng hoặc dùng để che đạn cho xe tăng. Trong dân dụng, uran nghèo dùng làm bộ phận thăng bằng trong máy bay và tàu thủy, hoặc để chế tạo các công-tơ-nơ chứa chất phóng xạ hoạt độ mạnh.
Theo khoa học, do hoạt tính phóng xạ yếu, tác động của uran nghèo không thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và dù có cũng không gây ra ung thư đối với những người có thời gian tiếp xúc từ vài giờ đồng hồ đến vài ngày.
Chất này “có phát ra bức xạ, nhưng tác động do chiếu xạ ngoài đối với cơ thể con người là không đáng kể. Nó chỉ có thể gây nguy hiểm bằng chiếu xạ trong nếu con người hít thở hoặc ăn uống vào cơ thể một lượng lớn vi hạt uran”.
Một Giáo sư, bác sĩ đầu ngành về Y học hạt nhân, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y 103, Trưởng Ban chỉ đạo kiểm tra sức khỏe cho 31/39 cán bộ, chiến sĩ công an tham gia chuyên án 027Z, TS Nguyễn Xuân Phách, kể lại: Các cán bộ, chiến sĩ công an tham gia chuyên án 027Z ngay sau đó đã được kiểm tra xem có bị nhiễm xạ cấp tính không. Kết quả cho thấy, họ đều không có các dấu hiệu bị nhiễm xạ cấp tính như bị nôn, giảm bạch cầu. 31 chiến sỹ cũng đã được theo dõi một thời gian sau đó và không thấy có dấu hiệu bị nhiễm xạ.
Theo TS Nguyễn Xuân Phách, nhiễm xạ mãn tính khó có khả năng xảy ra đối với những người chỉ tiếp xúc với uran nghèo trong vòng vài ba ngày. Nhiễm xạ vào bên trong cơ thể chỉ có thể xảy ra khi có bụi uran mà trong chuyên án 027Z không có hiện tượng bụi phóng xạ.
TS Phách cho biết, sau chuyên án, đã dùng thiết bị đo toàn thân và không phát hiện có dấu hiệu nhiễm xạ do tồn đọng phóng xạ bên trong cơ thể các chiến sĩ Công an. Nếu ung thư do phóng xạ, thì thường có hiện tượng giảm bạch cầu lympho liên tục từ ngày tiếp xúc đến khi phát bệnh.
Nếu đột xuất phát sinh ung thư mà không có số liệu về giảm bạch cầu thì khó có thể khẳng định là ung thư do phóng xạ. Cũng theo GS Phách, tuổi trung bình bị ung thư, di căn vào xương là 51. Nên nếu có hiện tượng một vài người bị ung thư thì có thể căn cứ vào tuổi trung bình của họ để xác định có là phù hợp với thống kê của ngành y tế hay không.
Trao đổi với PV VietNamNet, GSTS Phách cho biết, hiện ở Việt Nam đã có các máy móc như máy cộng hưởng từ, máy Spect để xác định một người có bị nhiễm phóng xạ hay không. Chính vì vậy, việc xác định 39 chiến sỹ Công an có bị trọng bệnh do nhiễm xạ hay không là việc hoàn toàn có thể thực hiện được.
TS Ngô Đặng Nhân: Chúng tôi đã làm việc với TS Thái Bá Cầu, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Xạ Hiếm giai đoạn 1992- 1995 và nhận được câu trả lời rằng ông Cầu chưa bao giờ cử bất kỳ một cán bộ nào xuống trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng để giám định bất kỳ một cục phóng xạ nào như một số báo đã nêu.
Nhiều nhà khoa học đều khẳng định, uran giàu hiện ở nước ta vẫn phải nhập ngoại, đang sử dụng làm nhiên liệu chạy Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, được bảo quản hết sức nghiêm ngặt. Hoàn toàn không có thông tin nào về chuyện uran giàu trôi nổi trên thị trường Việt Nam. |
* Tòa soạn VietNamNet thành thật xin lỗi Trung úy công an Lương Hoàng Dũng về chú thích ảnh trong bài này. Do sơ suất trong tác nghiệp, phóng viên Tuyết Nhung đã chuyển về tòa soạn chú thích ảnh sai "Trung úy Lương Hoàng Dũng bên cục uranium tang vật vụ án 027Z". Trên thực tế, người trong ảnh là đối tượng bị Công an Q.Hai Bà Trưng bắt giữ trong chuyên án này. Dưới đây là bức ảnh.
Một đối tượng bị bắt trong vụ án 027Z
-
Tuyết Nhung