221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
969726
Hương Khê: Lũ chưa qua, tang gia đã tới
1
Article
null
Hương Khê: Lũ chưa qua, tang gia đã tới
,

(VietNamNet) - Cơn lũ gần như đã rời xa mảnh đất nghèo Hà Tĩnh. Những tưởng khi lũ đang rút, 23 người chết đã là con số cuối cùng. Nhưng thương đau vẫn chưa dừng lại...

Mặc dù trong chuyến về thăm Hà Tĩnh ngày 9-10/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sau khi thăm hỏi, động viên bà con miền lũ Hương Khê đã quán triệt rõ ràng “ Chính quyền bằng mọi giá không tiếp tục để người bị chết do lũ”. Thế nhưng…

Chưa dựng lại nhà, đã lại mất con

Ngày 10/8, nhóm phóng viên VietNamNet đã nghĩ rằng có thể thu xếp hành lý chuẩn bị rời khỏi mảnh đất lũ Hương Khê, trong lòng tự trấn an mình ”dẫu sao lũ cũng qua rồi, thiệt hại nặng nề nhưng từ nay người dân sẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả. Sẽ không có thêm đau thương, mất mát nào xảy ra cho những vùng quê nghèo này nữa”.

Di ảnh cháu Phạm Thị Hoài.
Di ảnh cháu Nguyễn Thị Lộc.
Vậy nhưng, chỉ 1 ngày sau, chúng tôi đã phải trở lại đây, khi biết tin có thêm ba em học sinh vừa mới lớp 7 lớp 8 đã bị nước lũ cướp đi sinh mạng. Cả ba em đều đang chuẩn bị hành trang bước vào năm học mới cùng bè bạn, tranh thủ chăn trâu phụ giúp cho gia đình. Thế mà…

Xe vừa vào đầu xã Gia Phố, đã thấy tiếng khóc ai oán đến lạnh người. Nước vừa rút, người dân ở đây chưa kịp khắc phục lại nhà cửa, đã lại phải đưa tang 3 cháu học sinh chết đầy oan nghiệt. 3 đám tang trong xã, trong cùng một ngày!

Chiều ngày 11/08/2007, ba em: Nguyễn Thị Lam (sinh ngày 10/05/1995), Phạm Thị Hoài (sinh ngày 20/08/1993), Nguyễn Thị Lộc (03/01/1991) cùng nhiều em nhỏ khác ở giáo xứ Ninh Cuờng (xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đưa trâu đi thả. Các em phải đưa trâu lên con đập Làng của xã Hương Thuỷ cách nhà 2 km để tìm nguồn thức ăn cho trâu khi mà cây cỏ trong xung quanh xóm đã bị phủ kín bùn sau khi nước lũ rút xuống.

Đến 16h cùng ngày, đàn trâu của các em đã vượt qua dòng lũ chạy sang xã bên. Để đưa trâu về, Lam, Hoài và Lộc đã cùng nhau bơi qua dòng nước đuổi theo. Đến giữa dòng ba em đã bị nước lũ tai ác cuốn xoáy. Hoảng hốt, cả ba em đều bấu víu vào nhau. Nhưng do tuổi nhỏ sức yếu, các em không thể chống cự lại dòng nước dữ…

Đám tang cháu Nguyễn Thị Lộc khiến những người chứng kiến không cầm được nước mắt xót xa. Ảnh: Vũ Hoàng.

Ông Phạm Đình Lê, bố của cháu Hoài, gương mặt gầy gò khắc khổ còn chưa hết bần thần :” Sao ông trời bắt tui khổ thế này. Suốt mấy ngày nay chống chọi với cơn lũ, nhà cửa tan hoang xơ xác, được ngày hôm qua nước rút bớt một tý, tui cố sửa sang lại căn nhà. Cháu Hoài thấy thế phụ giúp đem trâu đi thả, ai ngờ đâu sự việc lại ra như thế này”

Mẹ của em Lam, chị Phạm Thị Hồng đã khóc đến ngất đi vì nỗi đau mất đi đứa con ngoan hiền, chăm chỉ giỏi giang chỉ mấy ngày sau khi nước lũ đã hết tài sản của gia đình cách đó mấy ngày. Phạm Thị Hà, chị gái của Lam, cũng phải nhờ đến sự chăm sóc của các nhân viên y tế mới có thể gượng dậy để đưa tang đứa em nhỏ của mình sau 2 năm đi học xa nhà không thể gặp, không thể đưa được món quà mà chị đã hứa cho em…

"Năm nay em Lam lên lớp 8. Em tôi ngoan lắm, tôi đi học xa nên việc nhà em tôi làm hết. Hôm qua thấy suốt mấy ngày lũ trâu nhịn đói, em tôi đem trâu đi chăn, em tôi có biết gì đâu mà nên nông nỗi như vậy hả trời.”

Chị Hồng phải nhờ đến ba bốn người nâng đỡ bên cạnh mới thốt lên được mấy câu, rồi lại ngất đi vì kiệt sức. "Mẹ mua sách mua vở mới nhưng lũ nó cuốn đi hết rồi, con biết nên cố gắng giúp mẹ để mẹ đỡ lo âu phần nào. Con ngoan thế sao ông trời lại bắt mất con tôi đi…”, tiếng người mẹ nghẹn lại đến run người.

"Tại không biết bơi mà dám xuống sông"?!

Thêm một lần nữa nước lũ đã cướp đi sinh mạng của những con người ở vùng quê nghèo quanh năm khốn khó, đưa số người chết do trận lũ lịch sử sau bão số 2 của Hà Tĩnh lên tới con số 26. Ba em ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân trong gia đình, xóm làng và càng cắt sâu thêm vào nỗi đau của cả nước về những mất mát to lớn mà cơn bão số 02 đã gây ra.

Lũ lụt hằng năm, nếu chính quyền địa phương nào cũng chỉ biết lý giải "không biết bơi thì đừng xuống sông" như cách nói của ông Phó Chủ tịch xã Gia Phố tên Thành, việc người dân tiếp tục thiệt mạng âu cũng là điều... đơn giản!!!. Ảnh: Vũ Hoàng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Gia Phố diễn thuyết cho chúng tôi cách cứu người chết đuối là phải như thế này thế nọ, rồi tự hào khoe trong trận lũ vừa rồi công tác cứu hộ của xã là nhanh nhạy và kịp thời.

“Đợt lũ vừa rồi, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng của xã, chèo thuyền đến từng nhà dỡ ngói cứu người. Trường hợp ba cháu nhỏ vừa rồi, là do các cháu không biết bơi mà lại dám xuống nước. Đã không biết bơi mà còn xuống sông thì hậu quả như vậy thôi”, ông Thành kết luận lạnh tanh.

Lũ chưa kịp rút hết, hậu quả của nó còn hiển hiện ngay trước mắt chúng ta. Sẽ không thể nói mãi việc rút kinh nghiệm, hay đặt trường hợp giá như, bởi cái chết oan nghiệt của 3 em học sinh khi lũ đang rút là bài học không còn cơ hội cho bất kỳ ai có thể sửa sai.

Nước lũ oan nghiệt, nhưng trong chuyện này lỗi không chỉ riêng do lũ, cũng không phải là các cháu. Các cháu còn nhỏ quá, đã biết gì đâu?

  •  Vũ Hoàng - Văn Tuấn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,