221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
969232
Rốn lũ Hương Khê: Dân sống cả tuần trên... nóc nhà
1
Article
null
Rốn lũ Hương Khê: Dân sống cả tuần trên... nóc nhà
,

(VietNamNet) - Từ TP. Hà Tĩnh, vượt qua hơn 80 km, nhóm PV VietNamNet có mặt tại Hương Khê, đi sâu vào rốn lũ, tường trình những diễn biến từ vùng đang bị lũ cô lập.

Diễn biến trận lũ lịch sử 2007

Dòng sông Ngàn Sâu những ngày này đỏ quạch, cuồn cuộn chảy xiết. Hương Khê sau cơn đại hồng thuỷ chỉ còn gói gọn trong hai chữ: hoang tàn và tang thương.

Chỉ còn biển nước

6h sáng ngày 10/8, chúng tôi có mặt tại dòng sông Ngàn Sâu. Ông Nguyễn Duy Nghị (Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê) mặt phờ phạc thông báo qua tình hình: "Cả huyện hiện còn 9 xã ngập sâu trong nước. Nhân dân trong cơn đại hồng thuỷ đang từng ngày mỏi mòn chờ những gói mì tôm, thuốc men từ đoàn cứu trợ".

Nhà bà Điền ở xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Sang

Vừa nói, ông vừa liệt kê cho chúng tôi nghe về những xã đang bị cô lập hoàn toàn, đang nằm trong "ốc đảo", bốn bề là nước: Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thuỷ, Hà Linh, Phương Điền, Phương Mĩ...".

“Trong các xã nói trên, Phương Mĩ hiện là xã khó khăn nhất. Từ trung tâm thị trấn, hàng cứu trợ muốn đến với người dân phải vượt qua hơn 40 km đường thuỷ. Đường đi tới Phương Mĩ nguy hiểm không chỉ vì nước lũ quá lớn mà còn bởi những khúc cua khúc khuỷu. Cái khó nhất là khó phân biệt được địa hình, vị trí, nước lại chảy xiết"- ông Nghị cho biết thêm.

Nhét vội miếng luơng khô vào bụng cho đỡ đói, chúng tôi quyết định làm một chuyến ngược nguồn lên Phương Mỹ. Trước khi đi, ông phó chủ tịch còn không quên căn dặn:"Các chú vào đó nguy hiểm lắm! Nhớ cẩn thận !".

Chiếc xuồng 85 mã lực, chở đầy hàng cứu trợ rẽ nước hướng về Phương Mĩ.

Xuồng đi qua các xã Lộc Yên, Gia Phố, làng xóm xơ xác tiêu điều ngập sâu trong nuớc lũ. Những cây tre, bạch đàn cúi rạp theo dòng nước chảy.Trên đường đi, thỉnh thoảng lại gặp những đôi tay vẫy theo, miệng luôn gọi:" Cho chúng tôi ít mỳ tôm với! Đói quá rồi".

Cám cảnh nhất là những bà già cùng trẻ nhỏ ngồi trên nóc nhà, mắt luôn dõi theo dòng sông, xem có chiếc xuồng cứu hộ nào tới hay không.

Xuồng đi qua xã Hương Thuỷ thì bị mắc cạn, cả nhóm nhảy tùm xuống để đẩy. Bác lái xuồng phân trần:"Không thể phân biệt được đâu là sông Ngàn Sâu để mà định hướng, chỉ đi theo kinh nghiệm và bản năng mà thôi. Chúng tôi chỉ phán đoán dòng sông nhờ những ngọn tre tả tơi sau lũ". 

Vừa nói, bác lái xuồng vừa chỉ tay ra phía xa. Dõi mắt nhìn theo chỉ thấy mênh mông một biển nước đỏ quạch.

Đã mấy hôm nay gia đình anh Nguyễn Đình Lam (thôn 5, Phương Mỹ)sinh hoạt trên nóc nhà. Ảnh: Hoàng Sang

Vật lộn một lúc, xuồng mới tiếp tục chạy tiếp. Lúc này trời bỗng đổ mưa, tuy nhỏ nhưng ai cũng lo. Cơn lũ kinh hoàng vừa xảy ra vẫn còn ám ảnh những người dân nơi đây.

9h, xuồng đến địa phận xã Hà Linh. Từ xa, đã thấy mấy chiếc thuyền rách nát chờ khoảng chục người già trẻ. Một bà lão người ướt sũng, tay bế đứa cháu, cầm áo vẫy đoàn cứu trợ.

Xuồng giảm tốc độ, đến sát bên chiếc thuyền của người dân Hà Linh. Bà lão giọng khản đặc: "Các chú thương tình cho thân già này cùng mấy đứa trẻ. Hai ngày hôm nay, bà cháu bầy tui mỗi người chỉ được một gói mì tôm. Thân già này thì chịu được, chứ mấy đứa nhỏ thì chịu không nổi. Cả đêm qua, chúng nó khóc ré lên vì đói. Lão nóng ruột quá".

Đoàn cứu trợ vội trao cho bà 1 thùng mì tôm rồi tiếp tục lên đường. Đón những gói mì, lão quệt nước mắt và dỗ cháu. Chiếc thuyền bé tin hin lảo đảo giữa đại dương mênh mông nước và khuất sau những lùm tre.

Một miếng khi đói...

Hơn 10h, xuồng cập xã Phương Mỹ, xã xa nhất đang bị cô lập trong cơn lũ vừa qua. Thông tin đoàn cứu trợ đến Phương Mỹ hình như đã được ông chủ tich xã Nguyễn Hồng Quân thông báo cho người dân. Những chiếc thuyền lá được huy động để vận chuyển hàng cứu trợ. Những đôi mắt thâm quầng, mỏi mệt, những bộ quần áo sũng nước, những đôi mắt tre nhỏ ngây dại vì đói...

Ông Quân khoát tay chỉ ra xa:" Đời tui chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ kinh hoàng như thế. Buổi chiều 7/8, trời mây vần vũ, sấm chớp đì đoằng, mưa như ném đá vào mặt. Chỉ hơn 3 tiếng đồng hồ, toàn xã gồm 645 hộ và 3.222 nhân khẩu đã ngập chìm trong mênh mông biển nước. Chiếc cầu phao dài 300m bắc qua 2 thôn Tùng Sơn và Nam Mỹ đã bị dòng nước dữ cuốn trôi mất rồi...".

Mượn một chiếc xuồng nhỏ của người dân, chúng tôi len lỏi vào nhà từng hộ dân xã Phương Mỹ. Anh Nguyễn Đình Lam (thôn 5, Phương Mỹ) vừa chèo thuyền luồn lách qua những lùm cây, vừa kể cho chúng tôi những câu chuyện đau lòng, những tấm lòng trong cơn lũ.

Mấy ngày hôm nay, mặc dù chỉ có một gói mì tôm lót dạ, nhưng anh vẫn chèo thuyền đi hỏi thăm những ngưòi hàng xóm gặp hoạn nạn. Chiếc thuyền nhỏ xíu của anh luồn lách, vượt qua dòng nước chảy xiết để kịp thời đưa những ngưòi gặp nạn về nơi trú ẩn an toàn. Nhà còn 2 cân gạo, mặc dù mấy đứa con còn đói meo nhưng anh lấy hết đưa cho 2 ông bà già hàng xóm.

Anh Lam kể: "Mình còn trẻ, còn có sức lực. Còn các cụ tuổi đã già, con cháu đều đi xa, đồ đạc, lương thực trong nhà đều bị lũ cuốn trôi. Thương hai vợ chồng già, mình đã lén vợ, đem hết gạo sang, kiếm thêm ít nước và một ít rơm khô dự trữ, nấu cháo cho 2 ông bà".

Vợ mình lúc đầu khóc lóc, bảo:"Con anh phải nhịn đói mấy hôm nay mà anh không thương, lại đi lo cho người ngoài. Nhưng mình kệ, có khó khăn thế này thì họ mới cần đến mình chứ. Họ cũng như cha mẹ mình thôi mà!".

Phương tiện đi lại quen thuộc của người dân các xã vùng sâu huyện Hương Khê những ngày này. Chỉ có điều, quá mỏng manh giữa dòng nước dữ... Ảnh: Vũ Hoàng.

Vượt qua hàng chục nóc nhà bị ngập sâu trong lũ, chiếc xuồng của anh Lam đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Điền. Căn nhà ngập sâu trong nước. Bên ngoài, những vật dụng gia đình trôi lềnh bềnh , mắc vào ngọn cây.

Bà Điền đã ngoài 80. Mấy hôm nay, dù mưa lũ lớn nhưng bà không chịu di dời mà ngồi trên chạn nhà. Tay bà ôm lấy di ảnh của ngưòi chồng quá cố. Cô Truyền, con gái bà Điền vừa đi lấy nước sạch về, tay cầm nắm gạo nói: "Thương mẹ già, tui đã vượt hơn 10 km để lấy nước từ Khe Nậy về, xin làng xóm ít gạo về nấu cháo cho mẹ".

Được biết, nhà bà Điền có 5 đứa con thì cả 4 đã chết vì bệnh tật. Hai mẹ con bà sống lay lắt trong căn nhà tranh cũ nát. Cả mấy hôm nay, bà chẳng chịu ăn uống gì, tay ôm khư khư bức ảnh của ngưòi chồng quá cố và nhìn xuống dòng nước dữ.

Tại nhà thờ của xã Phương Mỹ, mà theo lời anh Lam thì mấy ngày mưa gió, đây là đại bản doanh của cả xã. Bước vào, toàn bà già và trẻ em. Những ánh mắt tròn xoe của mấy em nhỏ ngước nhìn khách lạ vì tưởng đến tiếp tế hàng cứu trợ, vội xúm lại. Cháu Nguyễn Thị Thơ oà khóc: "Lũ đến, sách vở của cháu bị cuốn trôi hết. Cháu không xin chú cho cháu cái ăn, chỉ xin các chú cho cháu bộ sách vở để chuẩn bị cho năm học".

(còn nữa)

  • Hoàng Sang - Chi Mai - Phi Long - Hà Vy - Vũ Hoàng - Lê Thủy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,