221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
966656
Miền Trung: Vừa chạy bão, vừa nín thở theo dõi
1
Article
null
Miền Trung: Vừa chạy bão, vừa nín thở theo dõi
,

(VietNamNet) - Bão số 2 tiếp tục di chuyển theo dọc bờ biển miền Trung, đe dọa ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ghi nhận của nhóm phóng viên, CTV báo VietNamNet đang có mặt tại hiện trường.

Quảng Nam: Đô thị cổ Hội An chống bão

 

Ngôi nhà cổ 150 năm tuổi liệu có thể chống chọi được với cơn bão này? Ảnh: Vũ Trung.
Ngôi nhà cổ 150 năm tuổi liệu có thể chống chọi được với cơn bão này? Ảnh: Vũ Trung.
Theo thống kê, khu đô thị cổ Hội An có 50 di tích đang xuống cấp và 5 di tích đang trùng tu dở dang , có thể đổ sập bất kỳ lúc nào khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

 

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền Hội An khẩn trương tìm các biện pháp để chèn chống để bảo đảm an toàn cho tất cả các di tích trước cơn bão số 2.

 

Phường Minh An đã huy động lực lượng trên 100 đoàn viên, thanh niên xung kích của phường cùng các phương tiện được tăng cường, phối hợp cùng các chủ hộ có di tích bị xuống cấp chèn chống toàn bộ các di tích, đảm bảo các di tích có thể chống chọi với cơn bão số 2.

 

Tại các công trường thi công nhà máy thuỷ điện A Vương, Sông Tranh...các đơn vị thi công đã chạy đua với lũ. Tất cả các vị trí xung yếu như đập chính, cống xả lũ, đường hầm áp lực đang trong giai đoạn thi công cũng đã được bảo vệ an toàn.

 

Theo kỹ sư Nguyễn Hùng Quân, chỉ huy thi công tại bờ đập chính nhà máy thuỷ điện A vương, mưa lớn liên tục trong mấy ngày qua đã gây khó khăn cho công tác thi công. Tuy nhiên, các phương án phòng chống bảo đảm an toàn cho toàn công trường đã được triển khai đồng bộ.

 

Còn tại công trường nhà máy Thuỷ điện Sông Tranh, các phương tiện, thiết bị thi công đã được đưa về tập kết tại các khu vực an toàn đề phòng lũ quét có thể xảy ra.

 

TT-Huế: Ngập nặng gần 200ha lúa hè thu  

Chưa có gió to nhưng cây xanh ở Huế đã bắt đầu gãy đổ! Ảnh: Phương Trang.
Chưa có gió to nhưng cây xanh ở Huế đã bắt đầu gãy đổ! Ảnh: Phương Trang.
Đêm 4/8 và rạng sáng 5/8 tại TT-Huế đã có mưa to đến rất to. Mực nước tại sông Hương đã có lúc lên gần mức báo động II. Mực nước trên các triển sông trong tỉnh lên khá nhanh.

 

Do mưa lớn nên tại các vùng trũng đã xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ. Tại ba xã Lộc An, Lộc Bổn và Lộc Sơn (huyện Phú Lộc) đã có hơn 100ha lúa hè thu đã bị ngập nặng.

 

Ngay từ sáng 5/8 Sở NN và PTNT TT-Huế đang triển khai lực lượng phối hợp với địa phương tổ chức tiêu úng cho diện tích lúa này.

 

Tuy nhiên, nếu theo dự báo của KTTV đêm nay sẽ tiếp tục mưa to, thì diện tích lúa này sẽ có khả năng mất trắng.

 

Ngoài ra, tại các huyện Phú Vang và Quảng Điền một số diện tích lúc hè thu cũng đã bị ngập úng; công tác tiêu úng cứu lúa đang được triển khai khẩn trương.

 

Tại TP. Huế đêm 4/8 và rạng sáng 5/8, một số tuyến đường nội thành đã ngập. Một số cây xanh bị đổ ngã.

 

Ngày 5/8, tại TT-Huế trời giảm mưa có lúc hửng nắng nên tâm lý người dân và kể cả một số cơ quan, địa phương đã tỏ ra chủ quan trước những cảnh báo về cơn bão số 2.

 

Chiều tối cùng ngày, vùng ven biển phía nam TT-Huế đã có gió mạnh cấp 5, cấp 6.

 

Theo BCH bộ đội biên phòng tỉnh TT-Huế, đến nay toàn bộ tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi trú ẩn an toàn. Các trạm biên phòng ven biển đã cương quyết không cho tàu thuyền ra biển đánh bắt, dù là đánh bắt gần bờ.

 

Quảng Trị: Xác định vùng xung yếu để có phương án phòng chống

 

Chiều 5/8, mưa lớn đã xuất hiện trên diện rộng ở tỉnh Quảng Trị, lượng mưa trung bình đo được là 70mm.
 

Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đi kiểm tra tại các vùng xung yếu, kiểm tra công tác sắp xếp, neo đậu tàu thuyền trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

 

Cuối ngày 5/8, đã tổ chức neo đậu an toàn cho 409 chiếc tàu tại Cửa Tùng và Cửa Việt, một số bà con dân còn đưa tàu thuyền của mình lên neo đậu tại khu vực cảng Đông Hà và xã Gio Mai đảm bảo an toàn hơn.

 

Tỉnh Quảng Trị đã xác định các vùng xung yếu đó là huyện đảo Cồn Cỏ, các xã vùng ven biển, bãi ngang chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão, các xã vùng trũng thường xuyên ngập lụt cục bộ và các xã ở miền núi có nguy cơ xảy ra lũ quét.

 

Đối với các địa phương này đã xác định cụ thể phương án chằng chống nhà cửa chống bão và di dời dân khi có lệnh khẩn cấp.

 
Tại huyện đảo Cồn Cỏ ngày 4/8, đã có mưa to, gió lớn kèm theo giông sét. Giông sét đã làm tê liệt hoàn toàn hệ thống thông tin liên lạc trên toàn khu vực huyện đảo.

Ngay trong tối 4/8, lực lượng BĐBP huyện đảo Cồn Cỏ đã bắn pháo hiệu để kêu gọi tàu bè đang còn trên biển nhanh chóng quay vào bờ.

Lực lượng hải quân đã quét trong phạm vi 12 hải lý, không phát hiện còn tàu thuyền nào nữa.

Trong sáng 5/8, lực lượng hải quân đã vận động 2 tàu đánh cá ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa cập tại huyện đảo rời ngay âu tàu của đảo Cồn Cỏ để vào đất liền an toàn.

Quảng Bình: Gấp rút gọi thuyền trên biển và chuẩn bị chống bão trên bờ

Từ ngày 4/8 UBND tỉnh Quảng Bình, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh đã ráo riết chỉ đạo các địa phương, ban, nghành khẩn trương chuẩn bị đối phó với bão.

Tàu thuyền về trú bão trong mưa như trút tại cảng sông Nhật Lệ (Quảng Bình).

Theo thông tin từ Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Bình, tính đến 10h ngày 5/8 toàn tỉnh đã gọi về được 1.723 tàu thyền và 10.559 người vào bờ, trong đó tàu nội tỉnh có 1.413 chiếc (8.962 người), tàu ngoại tỉnh có 310 chiếc (1.597 người). Có 10 tàu và 83 người của tỉnh Quảng Bình đã vào trú ở Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.

Đến 6h sáng 6/8 toàn bộ tàu thuyền của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh bạn đang đánh bắt trên vùng biển Quảng Bình đã vào nơi trú ẩn. Trong khi lúc 16h chiều 5/8 cả tỉnh còn 13 tàu với 91 người vẫn còn ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh chưa kịp vào bờ trú ẩn. Trong đêm 5/8, bộ đội biên phòng đã phát tính hiệu kêu gọi số tàu thuyền này vào bờ trú ẩn an toàn.

Theo Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, đến 6h sáng 6/8 toàn tỉnh đã kêu gọi tất cả 1.755 tàu thuyền (với 10.786 người) trở vào bờ. Trong đó có 1.445 tàu nội tỉnh (9189 người) và 310 tàu ngoại tỉnh (1597 người) đang đánh bắt trên vùng biển Quảng Bình vào vùng trú ẩn tránh bão.

Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng  Biên phòng tỉnh phối hợp với Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh tiếp tục liên lạc với các phương tiện trên biển; tham gia đón, sắp xếp tàu thuyền vào bờ neo đậu tránh bão; di dời dân vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở khi có chủ trương của các địa phương; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão để thông báo cho ngư dân.

Tổng số lực lượng 100% cán bộ chiến sĩ hiện có của BCH Biên phòng tỉnh sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ với 4 chiếc tàu, 6 chiếc xuồng, ca nô, 6 chiếc ô tô thường trực cơ động phòng chống bão.

Ông Nguyễn Đức Tiến.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Phó văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết: "Công việc khẩn cấp trước mắt là tiếp tục kêu gọi ngư dân kịp thời đưa tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, theo dõi chặt chẽ số lượng tàu thuyền và người đang còn trên biển. Về phía trên bờ, phải thường trực tại các địa bàn trọng điểm, theo dõi diễn biến cơn bão, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tích cực để ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp".

Tại các địa phương trên toàn tỉnh, đặc biệt là các xã ven biển, vùng trũng, vùng có nguy cơ sạt lở cao đang ráo riết thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh, kiên cố nhà cửa, công trình, bảo vệ cây trồng, vật nuôi… Mặc dù từ hôm qua trên địa bàn tỉnh mưa lớn không nhiều và chiều nay trời hửng nắng nhưng mọi công tác chuẩn bị chống bão vẫn được khẩn trương thực hiện. 

Đêm 5/8, nhiều nơi trên địa bàn Quảng Bình có mưa vừa và mưa to. Trong đó, cao nhất tại khu vực trạm Đồng Tâm (huyện Tuyên Hoá) lượng mưa đo được lúc 7h sáng nay là 149mm, tại Kiến Giang là 75mm.

Ban PCLB và TKCN tỉnh cho biết lượng nước tại đầu nguồn sông Danh, sông Kiến Giang đang lên cao, cần cảnh giác với sạt lở và nguy cơ lũ quét tại các khu vực miền núi của các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá.

Hà Tĩnh sẵn sàng đón bão! 

Sáng ngày 5/8, ở Hà Tĩnh đã có gió cấp 4, cấp 5, có khi đột ngột giật cấp 7 cấp 8, lượng mưa trung bình khoảng 50mm. Trong đó, có những nơi mưa lớn như TP. Hà Tĩnh 74,3 mm, Kỳ Anh 71 mm, Hương Khê 51 mm. 

Hà Tĩnh có khoảng 2.481 tàu thuyền nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ nên phần lớn đã vào bờ tránh bão an toàn.  

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 220 ngư dân trên 50 tàu (Kỳ Anh 80 người trên 20 tàu, Cẩm Xuyên 80 người trên 20 tàu, Lộc Hà 60 người trên 10 tàu) đang hoạt động ở vùng biển Thanh Hóa và Quảng Ninh vẫn chưa thể vào bờ để tránh bão được. Ở Cửa Sót (huyện Cẩm Xuyên) có 250 tàu thuyền của Nghệ An và Thanh Hóa vào tránh bão. 

Tàu thuyền về trú bão ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)

Ông Bùi Lê Bắc (Chánh văn phòng Ban phòng chống bão lụt tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Ngày 4/8, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn gửi các Sở và các Ban phòng chống bão lụt các huyện, thị về diễn biến của cơn bão số 2 và các biện pháp phòng chống bão”.

“Hiện nay, vấn đề cấp bách nhất vẫn là việc tiếp tục kiểm tra, rà soát chính xác và tìm cách liên lạc với số tàu thuyền đang hoạt động trên biển để hướng dẫn cho họ cách tránh bão an toàn, Hiện chúng tôi đã liên lạc với toàn bộ số tàu thuyền đang ở ngoài khơi. Đồng thời, Ban sẽ triển khai phương án di dời dân của hơn 30 xã ở những nơi nguy hiểm như cữa sông, cửa lạch”, ông Bắc nói. 

Ông Bắc cho biết thêm: “Với mức ảnh hưởng của bão số 2 tính đến thời điểm này Hà Tĩnh vẫn chưa có thiệt hại gì về người và của. Mực nước ở các cửa sông mới chỉ ở mức báo động 1, với lượng mưa như thế thì vừa đủ để chống hạn cho đợt nắng nóng vừa qua”. 

Còn theo ông Trương Thanh Long (Ban phòng chống bão lụt huyện Kỳ Anh) thì: “Trong số 7 xã nằm trong phương án di dời thì xóm Trung Tân và Trung Tiến xã Kỳ Khang  thuộc diện nguy hiểm nhất vì địa hình ở đây bị hạ thấp rất nhiều trong quá trình khai khác khoáng sản ti tan” 

Theo quan sát của PV VieNamNet, mặc dù bão chưa ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh nhưng người dân đã ý thức cao trong việc chủ động đối phó với bão như dằng chống nhà cửa, mua lương lực dự phòng… 

Nghệ An vẫn còn tàu, thuyền ngoài khơi 

Theo thông tin mới nhất từ Chi cục phòng chống lụt bão Nghệ An, đến 16h ngày 5/8, huyện Quỳnh Lưu có 746 thuyền đã cập bờ an toàn. Còn 571 phương tiện chưa về đến bờ. Huyện Diễn Châu đã về 1693 tàu thuyền trên tổng số 1696 thuyền. 3 chiếc còn lại đang trên đường về.

Tỉnh đội Nghệ An vừa mới báo tin có 1 tàu  mang biển số TS NA 4273 bị chết máy ở toạ độ 0050 đang xin cứu trợ. Hiện chưa xác định đựơc danh tính của chủ thuyền cũng như số thuyền viên có mặt trên tàu TSNA 4273.

Theo báo cáo mới nhất từ hai địa phương có số tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều là  huyện Nghi Lộc và thị xã Cửa Lò, tất cả tàu thuyền đã về bờ.

  • Vũ Trung - Thanh Hiền - Quang Hưng - Chi Mai - Hà Vy - Quang Cường - Văn Minh - Khải Huyền - C.Hiếu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,