(VietNamNet) - Theo Đài Hồng Kông, lúc 10h, giờ Việt Nam, ngày 3/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão cách bờ biển Phú Yên khoảng 450 km về phía đông, toạ độ ở vào khoảng 13,4 độ vĩ bắc và 113,1 độ kinh đông.
Áp thấp nhiệt đới sắp thành bão. |
Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương phát bản tin hồi 14h30 nhận định, áp thấp nhiệt đới chưa mạnh lên thành bão nhưng diễn biến phức tạp .
Hồi 13 giờ ngày 3/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,1 đến 14,1 độ vĩ bắc; 112,3 đến 113,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật trên cấp 7.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và khu vực nam Biển Đông có mưa to và gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Trong cơn dông, đề phòng có tố lốc mạnh.
Trước tình hình mưa trên, 15 giờ chiều 3/8, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn số 30/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố. Công điện nêu rõ trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm của bão được xác định là khu vực giữa biển Đông bao gồm cả khu vực Hoàng Sa và phía bắc quần đảo Trường Sa. Vì vậy, kiên quyết yêu cầu chủ các phương tiện có tàu thuyền đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão và tìm nơi trú ẩn.
Các tỉnh có số lượng lớn tàu thuyền chưa ra khỏi vùng nguy hiểm phải thường xuyên giữ thông tin liên lạc, tổ chức ứng cứu kịp thời, kiểm soát nghiêm ngặt việc ra khơi của các tàu thuyền đánh bắt ven bờ (trong phạm vi 50 hải lý).
Đối với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẵn sàng triển khai phương án đối phó với bão, tổ chức chằng, chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, đề phòng mưa, lũ, dông, lốc.
Các cơ quan thường trực Tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão – TKCN các Bộ, ngành và các địa phương duy trì lực lượng, phương tiện thường trực tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống.
Yêu cầu bố trí lãnh đạo trực để xử lý các tình huống đột xuất đặc biệt là các ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết.
-
Lệ Hà