(VietNamNet) - Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) vẫn đang di chuyển rất chậm và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 6h30 sáng nay (3/8), còn 282 tàu với gần 4.300 ngư dân vẫn đang hoạt động ở vùng nguy hiểm thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Áp thấp nhiệt đới vẫn đang di chuyển chậm và nhiều khả năng mạnh lên thành bão (ảnh KTTV).
Theo Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, 7h sáng nay, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 12,7 đến 13,7 độ vĩ bắc; 112,6 đến 113,6 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là 39- 61 km/h), giật trên cấp 7.
24 giờ tới, ATNĐ vẫn di chuyển chậm theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Do mặt nước vùng phía nam biển Đông có nhiệt độ cao tới 27-28oC nên nhiều khả năng tạo điều kiện cho ATNĐ mạnh lên thành bão.
Hiện ATNĐ đã gây gió mạnh cấp 7, giật trên cấp 7 ở khu vực giữa biển Đông, bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa. Tàu thuyền cần hết sức lưu ý vì biển động mạnh. Kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông còn có mưa to và gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Trong cơn dông đề phòng có tố lốc mạnh.
Tại cuộc họp giao ban sáng nay, Ban chỉ đạo PCLB TƯ cho biết, số liệu tổng hợp từ Bộ Tham mưu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và các địa phương cho thấy, hiện có 10.460 tàu, với 67.938 ngư dân các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau đang hoạt động trên biển, nhiều nhất là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà, Bình Định, Quảng Ngãi...
Tàu thuyền vừa về bờ tránh bão.
Trong đó, có 282 tàu, 4296 người đang hoạt động tại khu vực nguy hiểm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; 105 tàu/1103 người ở Bạc Liêu đăng ký hoạt động ở khu vực giáp Malaysia hiện vẫn chưa liện lạc được, nhưng không thuộc vùng nguy hiểm.
Trong khi đó, mưa giông, lốc, sét từ 29/7 đến 2/8 diễn ra tại Cà Mau đã gây thiệt hại nặng về vật chất. Lốc xoáy đã làm sập hoàn toàn 15 căn nhà và tốc mái 6 căn ở xã Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Hoà và Khánh Tiên (U Minh); sét đánh vào nhà dân ở ấp Dinh Hạng, xã Tân An (Ngọc Hiển); lở đất ven sông làm sập 7 ngôi nhà ấp kênh 3, xã Tân An, ước tính thiệt hại khoảng 120 triệu đồng.
Mưa gió cũng làm anh Ngô Văn Trường, 41 tuổi ở số nhà 133/18B đường Cây Sung, quận 8, TP.HCM tử vong ngày 2/8 do mưa to, gió mạnh gây tốc mái nhà, làm gạch rơi trúng đầu nạn nhân. Ngoài ra, lốc còn làm đổ 1 căn nhà và tốc mái 13 căn khác.
Phú Yên: Còn 150 phương tiện, 1.235 ngư dân trên biển |
Sáng nay, qua hệ thống thông tin liên lạc tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội biên phòng Phú Yên phối hợp với gia đình ngư dân đã thông báo gọi được 24 tàu thuyền với 209 ngư dân câu cá ngừ đang hoạt động trên biển vào bờ.
Trong chiều qua, đã có 29 tàu thuyền với 261 lao động đang hành nghề tại vùng biển nguy hiểm cũng đã được thông báo kịp thời để di chuyển đến nơi an toàn.
Đáng chú ý là hiện có 1 tàu với 9 lao động đang hành nghề câu cá ngừ đại dương tại vùng biển có toạ độ 13 độ vĩ bắc - 119 độ kinh đông là vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới.
Đại tá Nguyễn Văn Minh - Phó Tham mưu trưởng tác chiến, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết: “Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đã yêu cầu gia đình chủ tàu thuyền thông báo cho người thân biết để di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu thuyền còn lại vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình và lực lượng Bộ đội biên phòng để cập nhật thông tin về áp thấp. 20 tàu thuyền với 175 ngư dân cũng đã được trạm, đồn biên phòng ngăn chặn không cho ra biển hoạt động đánh bắt xa bờ.”
Ngoài ra, để chủ động ứng phó với các tình huống xấu do áp thấp gây ra, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cũng đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra địa bàn khu vực đồn biên phòng 356 xã Hoà Hiệp Nam, vùng trú tránh bão trọng điểm của tỉnh Phú Yên.
Biên phòng tỉnh cũng huy động 110 cán bộ chiến sỹ, 5 xe ôtô, 2 tàu, 4 canô sẵn sàng tại các đơn vị để cơ động phòng chống áp thấp nhiệt đới. |
-
H.Y - Trình Kế