(VietNamNet) - Sau cơn mưa như trút nước chiều nay, nhiều con đường tại TP.HCM ngập mênh mông, có nơi sâu đến 60cm. Xe gắn máy bị ngập đến yên, xe tải nhỏ cũng chết máy.
Ngập nữa, ngập mãi
Ngập nặng nhất vẫn là "rốn lũ" khu vực vòng xoay Cây Gõ, nơi hội tụ của đường 3 tháng 2, Minh Phụng, Hùng Vương.
Trên đường 3 tháng 2, ngập nước kéo dài gần 2km. Và ngập nặng nhất là đoạn trước Học viện Hành chính Quốc gia đến ngã tư 3 tháng 2 - Lê Hồng Phong, mực nước sâu nhất đo được 40cm. Nước ngập sâu khiến việc đi lại rất khó khăn, gây ra cảnh kẹt xe kéo dài. Nhiều miệng cống bị rác chặn kín. Hàng chục công nhân công ty thoát nước đô thị thành phố phải dầm mưa móc rác lấp miệng cống để thông thoáng dòng chảy, rút bớt thời gian rút nước.
Sống khỏe nhờ lau bu-gi. |
Tuy nhiên, mức độ ngập ở đường 3 tháng 2 không thấm vào đâu so với đường Minh Phụng. Nơi sâu nhất mà PV VietNamNet đo được trên con đường này lên đến 60cm.
Có khoảng 6 xe tải loại nhỏ bị nước táp chết máy, nằm kẹt cứng trên đường. Xe gắn máy bị ngập đến yên xe; xe chết máy, hàng chục người phải xuống dắt bộ. Vòng xoay Cây Gõ kẹt xe trầm trọng.
|
|
Tương tự, cảnh ùn tắc cũng diễn ra trên đường Hồng Bàng đến cầu ông Buông (quận 5), đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Hàn Hải Nguyên, Lũy Bán Bích, Tân Hòa Đông, Bà Hom... Nhiều điểm ngập mới xuất hiện tại các quận Tân Phú, Bình Tân, quận 5.
Tận dụng cơ hội làm ăn, nhiều thanh niên mở dịch vụ lau chùi bu-gi, chở xe chết máy ra khỏi vùng ngập với giá dịch vụ cao ngất.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, giá cho mỗi chuyến vận chuyển xe gắn máy từ đầu đường Minh Phụng đến đường Hậu Giang là 10.000 đồng/xe.
Anh Thiện, quê ở Thái Bình, thường ngày đạp xe ba gác chở vật liệu thuê cho biết, từ lúc 2h đến 3h20, anh đã chở được 10 xe gắn máy. “Ngày nào cũng được thế này thì tốt quá” - anh cười.
Ngay đầu đường Tân Hòa, dưới chân cầu ông Buông, giá dịch vụ lau chùi bu-gi là 5.000đ. “Mới làm một lúc cũng được 35 xe rồi” - một thiếu niên nói.
Bao giờ hết ngập?
Hầu như mỗi lần có trận mưa lớn hoặc vào thời điểm mực nước triều cường dâng, TP.HCMlại ngập khắp nơi. Trong khi đó, các dự án chống ngập hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ở khu vực quận Bình Thạnh, nơi có hàng chục điểm ngập nặng và được liệt vào loại “ngập sâu, ngập lâu” của thành phố, công trình kiểm soát triều cầu Bông, Bình Lợi, rạch Lăng với tổng số vốn đầu tư trên 192 tỷ đồng hiện chưa thể hoàn chỉnh.
Ngập mênh mông. |
Cửa cống Bình Lợi đã tạm ngưng thi công do vướng giải phóng mặt bằng khu vực nhà ăn, nhà kho và một phần nhà xưởng của Công ty Cổ phần may Bình Minh và Công ty Cổ phần len Việt Nam.
Còn tại cửa cống cầu Bông, chưa thể khởi công vì gặp khó khăn trong việc trình thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật - dự toán hạng mục xây dựng mới trạm biến thế.
|
|
Ở khu vực quận Tân Bình, Phú Nhuận, dự án nạo vét cải tạo mương Nhật Bản cũng đang vướng mặt bằng hiện phải tạm ngưng thi công. Công ty thoát nước đô thị thành phố cho biết để có thể tiếp tục thực hiện dự án, quận Phú Nhuận cần phải nhanh chóng hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Không thể phân biệt đường và lề. |
Tương tự như trên, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tô Hiến Thành - cống Bà Xếp (quận 3, 10), dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) không biết ngày nào xong do vấp phải công trình kỹ thuật và thiếu quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai thi công dự án.
Câu hỏi “Bao giờ hết ngập?” lần não cũng được đặt ra trong các kỳ họp HĐND TP.HCM. Và câu trả lời, theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC thành phố là: Phải đến 2020, khi các dự án chống ngập lớn sử dụng vốn ODA phát huy tác dụng...
- Trần Duy