Những cái chết thương tâm
Mưa lớn đầu mùa đổ xuống thành phố như trút nước làm cho những hố đào sâu đặt ống thoát nước thuộc dự án đại lộ Đông Tây trên đường Trần Văn Kiểu (quận 6) ngập đầy nước. Nước không lối thoát đọng thành vũng, thành ao và sâu dần qua nhiều cơn mưa liên tiếp.
Với lũ trẻ hiếu động đang mùa nghỉ hè, đây là "sân chơi: hấp dẫn nhất, nơi thỏa chí bơi lội, đùa giỡn.
Đám tang của một em học sinh chết đuối trên công trường thi công thuộc dự án đại lộ Đông Tây (đường Trần Văn Kiểu, quận 6, TP.HCM). |
Dọc đường Trần Văn Kiểu, PV VietNamNet thấy nhiều bãi nhầy nhụa, nhão nhoẹt quyện chặt lấy chân người. Mảnh vụn bê tông cốt thép nhọn hoắt, mảnh chai vỡ sắc lẻm lú nhú trong đám xà bần rải rác hai bên đường.
Bọn trẻ gồm năm đứa đi chân trần vô tư chạy nhảy, tranh nhau lục lọi sắt bán ve chai; mót đồ chơi cũ bị người ta vứt đi. Bỗng một đứa trong nhóm kêu lớn: “Á!”. Lòng bàn chân đẫm máu, mặt em nhăn nhó, đau đớn. Chúng tôi hỏi chuyện em cho biết tên Hoàng Lâm, đang học lớp 4.
Cách đây đúng 1 tháng, cũng trên con đường này, tại công trường thi công đối diện với cổng Trường mầm non Rạng Đông 1, cháu Vương Khải Nghĩa, 12 tuổi trong lúc đùa giỡn với bạn bè đã chết đuối trong hố sâu ngập đầy nước.
Ở Củ Chi, vào ngày 9/6, cháu Hồ Thanh Khuyên, bằng tuổi với cháu Nghĩa, học sinh lớp 5 Trường tiểu học An Nhơn Tây ở ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TP.HCM) đang ngồi câu cá trên miệng hầm đất không rào chắn đã ngã xuống hố chết đuối. Người ta tìm thấy cháu nằm trong hố nước sâu hơn 3m.
Chị Phạm Thị Thúy, mẹ cháu Khuyên đau đớn cho biết hầm đất nơi con chị chết đuối rộng hơn 5.000m2 do DNTN Đào Hùng khai thác cát từ năm 2001 đến nay. Sau khi móc đất, mưa xuống để lại những hố nước sâu lút đầu người lớn. Thế mà xung quanh khu vực hầm không hề có rào chắn.
Một vụ chết đuối thương tâm khác cũng xảy ra tại khu đất đang xây dựng thuộc dự án Khu công nghệ cao phường Hiệp Phú, quận 9. Hai cháu Trần Thị Thanh Trúc, Bùi Thanh Hoàng (cùng 7 tuổi, học sinh lớp 1, Trường tiểu học Hiệp Phú) đã chết chung trong hố nước ép cọc.
Đi dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, nơi đang triển khai dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dễ dàng bắt gặp nhiều miệng giếng rộng, sâu hoắm đang thi công dở dang. Một số miệng cống thoát nước không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người dân, nhất là trẻ em hiếu động sống trong khu vực.
Theo một báo cáo về giám định xã hội dự án vệ sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM thực hiện đối với cư dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, người dân đều bày tỏ sự không hài lòng với các đơn vị thực hiện dự án.
Người dân không hài lòng bởi nhiều nhà dân nằm sát công trường đã bị lún, sụt nền đất. Các tác động của hoạt động thi công gây hư hỏng đường sá và nguy hiểm cho người đi đường.
Phạt cứ phạt...
Trước thực trạng nói trên, ngay từ năm 2004, UBND TP.HCM đã ban hành quy định về đào đường và tái lập mặt đường trong các công trình xây lắp hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố cũng như quy định về rào chắn, biển báo quanh khu vực công trường thi công. Nhiều quy định nghiêm ngặt đối với nhà thầu được đưa ra để hạn chế những ảnh hưởng bất lợi của công trình thi công đối với cuộc sống của người dân.
Hố nước sâu - bẫy trên công trường. |
Thế nhưng, nhiều nhà thầu khi bị thanh tra GTCC phát hiện sai phạm đã cố tình kéo dài hoặc chây lỳ không chấp hành các quyết định xử phạt hành chính. Thậm chí khi thanh tra GTCC kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đơn vị thi công còn cố tình lảng tránh, không ký vào biên bản.
Theo ông Trần Hồng Nam, Phó Chánh thanh tra Sở GTCC, hiện có đến 11 nhà thầu không chịu nộp phạt hàng trăm quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền lên đến gần nửa tỷ đồng. Có thể điểm mặt như Công ty Công trình hàng không, nhà thầu N.E.S.J.V, liên danh Obayashi - P.S Mitsubishi, liên danh nhà thầu xây dựng TMEC - CHEC 3...
Để đáp ứng nhu cầu phát triển về kinh tế, xã hội của TP.HCM, hàng chục công trình, dự án lớn, đồng loạt triển khai, biến toàn thành phố như một “đại công trường”. Thế nhưng trong lúc thi công, nhiều nhà thầu "quên" đảm bảo an toàn cho người dân sống quanh công trường. Nên những cái "bẫy" nguy hiểm cứ tồn tại ngày này qua tháng khác.
Dư luận lo ngại khả năng tiép tục xảy ra những chết thương tâm do những cái bẫy ấy, trong tương lai...
- Trần Duy