(VietNamNet) - Buổi trưa trong trạm kiểm dịch Hòa Phước, 2 cán bộ đang an giấc. Ngoài đường, xe tải bịt kín rùng rùng chạy qua. Có heo trong đó hay không, cán bộ "không biết" bởi việc chặn xe thuộc thẩm quyền CSGT. Mà CSGT phối hợp chặn heo dịch cùng trạm thì... về nhà có việc!
>> Đà Nẵng chính thức công bố dịch heo “tai xanh”
Dịch heo "tai xanh" đã bùng phát trên địa bàn Đà Nẵng. Ảnh: HC Chốt chặn dịch "đẻ muộn" Như tin đã đưa, chiều 20/7, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã quyết định công bố dịch heo “tai xanh” ở 7 xã, phường. Theo Chi cục Thú y Đà Nẵng, nguyên nhân dẫn tới bùng phát dịch bệnh này trên địa bàn không xuất phát từ nội tại đàn heo của TP mà chủ yếu do Đà Nẵng là nơi tiêu thụ số lượng lớn heo từ các tỉnh - đặc biệt là từ tỉnh lân cận Quảng Nam - nhập về để chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ… Trước đó, từ ngày 13/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố dịch heo “tai xanh” trên địa bàn. Đặc biệt, các địa phương nằm sát Đà Nẵng như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên đều bị liệt vào danh sách có dịch heo “tai xanh” nặng. Xác heo chết ngập biển Cửa Đại cạnh biển Đà Nẵng và tình trạng người dân Quảng Nam tìm mọi cách bán chạy heo bệnh cũng được cảnh báo liên tục… Vậy mà mãi đến ngày 19/7, Sở Thuỷ sản - Nông lâm Đà Nẵng mới tham mưu cho UBND TP ra lệnh cấm nhập heo và các sản phẩm của heo từ Quảng Nam. Hậu quả là chỉ một ngày sau khi ra lệnh cấm nhập heo từ Quảng Nam, TP. Đà Nẵng đã phải công bố dịch heo “tai xanh” trên địa bàn! Đến lúc này, lãnh đạo Chi cục Thú y Đà Nẵng vẫn khẳng định, khả năng lây lan dịch heo “tai xanh” trong nội bộ đàn heo của TP là không lớn, do việc tiêm phòng đạt tỉ lệ cao nên không có tình trạng heo nhiễm bệnh “tai xanh” kế phát các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn… dẫn tới chết nhanh hàng loạt. Nguy cơ lớn nhất, theo Chi cục Thú y Đà Nẵng, vẫn là từ nguồn heo bệnh xuất phát từ vùng dịch Quảng Nam lén lút tuồn vào địa bàn TP. Trạm chính Hoà Phước... "ngủ trưa" Trạm kiểm dịch động vật Hoà Phước khá vắng vẻ dù chỉ mới 11h trưa. Ảnh: HC
>> Hà Nội: Ngủ để... "canh" cúm gia cầm!
Do vậy, ngoài hai trạm kiểm dịch động vật hoạt động thường xuyên ở Hoà Phước và Kim Liên, từ ngày 19/7, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo huyện Hoà Vang và quận Ngũ Hành Sơn lập thêm các chốt kiểm dịch tạm thời trên các tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, Hoà Hải - Hội An, QL 14B, ĐT605 để kiểm soát việc vận chuyển heo và các sản phẩm của heo vào TP. Các trạm, chốt kiểm dịch này được yêu cầu hoạt động 24/24h với sự tham gia của lực lượng thú y và công an.
Để tìm hiểu rõ thêm hoạt động của các trạm này, trưa 21/7 PV VietNamNet đã vượt hàng chục km trực tiếp đến trạm kiểm dịch động vật Hoà Phước nằm giáp giới với Quảng Nam trên tuyến QL1A. Mới 11h trưa nhưng trạm tỏ ra khá vắng vẻ, mặc dù trên đường xe cộ vẫn qua lại nườm nượp. Phải đến khi chúng tôi gõ cửa, anh Lê Văn Chánh, một cán bộ của trạm đang… nằm nghỉ mới giật mình ngồi dậy tiếp.
Theo anh thì tình hình không có gì đặc biệt. Xe chở heo qua trạm chủ yếu vào buổi sáng, buổi chiều (nên buổi trưa có thể nghỉ?). “Nếu phát hiện xe tải chở heo, thậm chí họ có vượt trạm thì chúng tôi cũng đuổi theo buộc quay trở lại. Xe máy chở heo chỉ với số lượng ít, khi qua trạm cũng bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Do trạm làm kiên quyết nên mấy ngày gần đây, xe tải, xe máy chở heo từ Quảng Nam qua đây hầu như không còn. Nếu có thì chỉ qua các trục khác như tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, Hội An - Hoà Hải, Đại Lộc - Hoà Vang…” - anh nói.
Và để chứng minh, anh Chánh vào gọi trạm trưởng Trần Đăng Vương (cũng đang… nghỉ trưa!) dậy cung cấp số liệu. Theo đó, trong khoảng 10 ngày qua, trạm Hoà Phước đã ngăn chặn 41 xe mô tô chở 311 con heo; 4 ô tô và 9 mô tô chở 4.800kg thịt heo từ Quảng Nam ra Đà Nẵng. Đồng thời chuyển cho Thanh tra thú y phạt 3 trường hợp cố tình chở heo vượt trạm, không dừng lại khi có yêu cầu. Trạm trưởng Vương cũng khẳng định, đây là số liệu từ mấy ngày trước chứ 3 ngày gần đây hầu như không còn xe chở heo qua trạm này.
“Xe tải chở heo dễ biết lắm, họ không dám bịt bạt vì sợ heo chết. Nếu phát hiện trên xe tải có rọ heo là chúng tôi ra chặn ngay!” - cán bộ thú y Lê Văn Chánh nói. Nhưng rồi cũng chính anh chỉ vào một chiếc xe tải Hyundai loại nhỏ bịt kín thùng xe vừa vượt qua trạm và nói: “Với những xe như thế thì chúng tôi chịu, phải có CSGT mới dừng lại để kiểm tra được!”. “Theo chỉ đạo của TP thì ở các trạm kiểm dịch có sự phối hợp của CSGT, nhưng sao bây giờ không thấy ai cả vậy?” - chúng tôi hỏi. “À, có chứ, các anh CSGT có tham gia với chúng tôi nhiệt tình lắm, nhưng lúc nãy mới… đi về có việc!” - anh Chánh giải thích.
Xe tải bịt kín vô tư vượt trạm kiểm dịch Hoà Khương. Ai dám chắc trong đó không chở heo hoặc sản phẩm của heo bệnh? Ảnh: HC
Trạm tạm thời Hoà Khương: Có như không!
Rời trạm Hoà Phước, PV VietNamNet ngược QL14B lên trạm kiểm dịch mới lập tạm thời ở Hoà Khương nằm giáp giới với huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Trạm có dựng biển, cắm cờ hẳn hoi, nhưng xe tải các loại - kể cả những xe được bịt kín - đều chạy vượt qua một cách vô tư mà không hề bị ngăn lại để kiểm tra.
Anh Trần Lê Văn Việt, cán bộ của Đội Y tế dự phòng huyện Hoà Vang đang trực tại trạm cho biết, trạm này có 4 người, gồm 2 cán bộ y tế và 2 công an viên xã Hoà Khương, chia làm 2 ca trực 24/24. Từ khi lập trạm hôm 19/7 đến nay, họ chưa hề phát hiện có một xe nào, dù là ô tô hay xe máy, chở heo qua đây. Thế nhưng chính anh không dám khẳng định chắc chắn là hoàn toàn không có việc vận chuyển heo trên trục đường này để xuống Đà Nẵng.
Anh Việt cho hay: “Anh công an viên Hoà Khương ngồi đây chủ yếu để truy bắt những chiếc xe máy chở heo vượt trạm rồi luồn lách vào các thôn, xóm. Nhưng xe máy chở heo thì dại gì họ đi trên đường lộ qua trạm cho mình thấy, nên mấy ngày nay cũng không bắt được chiếc nào. Với xe tải, nếu chở công khai thì mình mới biết, còn họ bịt kín bạt thì chịu. Nhưng dù họ chở công khai hay che đậy thì mình cũng bó tay, phải có CSGT mới có thể dừng xe để kiểm tra!”
Điều đáng nói là, để thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc phối hợp lực lượng công an và thú y tại các trạm kiểm dịch tạm thời, huyện Hoà Vang đã cử đến đây những công an viên cấp xã hầu như không phát huy được tác dụng. Trong khi đó, lực lượng rất cần là CSGT thì lại hoàn toàn vắng mặt.
“Trước đây, khi trạm này được lập để phòng chống dịch cúm gia cầm thì có sự tham gia của CSGT nên hoạt động rất hiệu quả. Không hiểu sao lần này huyện lại không bố trí CSGT ở đây?” - tự hỏi, rồi anh Việt che miệng ngáp - “Ngồi suốt mấy ngày chẳng làm được gì cả, chán quá!”…
Trong khi đó, những chiếc xe tải bịt kín vẫn đang nối nhau qua trạm. Không ai dám chắc trong đó không có xe chở heo bệnh hay sản phẩm của chúng. Đáng nói nữa là trong 7 xã, phường đã công bố dịch heo “tai xanh” ở Đà Nẵng, có đến 4 cái tên nằm trên tuyến QL14B là Hoà Khương, Hoà Nhơn, Hoà Phong và Hoà Thọ Tây. Vậy mà đi qua các địa phương này vẫn chưa hề thấy có bảng thông báo vùng dịch, bảng cấm vận chuyển heo ra vào vùng dịch…
Liệu tiếp sau việc phản ứng chậm chạp để heo bệnh từ Quảng Nam làm bùng phát dịch trên địa bàn, sự lỏng lẻo trong công tác phòng chống như hiện nay có làm dịch heo “tai xanh” lan rộng thêm ở Đà Nẵng?
-
Hải Châu