(VietNamNet) - UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả ban đầu việc thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về dự án đường vành đai 3.
Xây dựng đường vành đai 3 - những năm qua toàn là phức tạp và... phức tạp! |
Dự án xây dựng đường vành đai 3 do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn Trung ương. UBND TP Hà Nội có trách nhiệm phối hợp tổ chức giải phóng mặt bằng, triển khai các thủ tục về quy hoạch kiến trúc.
1 hộ thành 8 hộ; 127 hộ thành 172 hộ!?
Theo UBND TP Hà Nội, đối với nút Thanh Xuân (vành đai 3 giao với đường Nguyễn Trãi), Bộ GT-VT và UBND TP đã kết luận "giai đoạn 1 là cầu vượt trực thông, bên dưới có đảo xuyến (đã được Bộ GT-VT phê duyệt) là phù hợp với Quyết định 597/QĐ-TTg ngày 16/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bộ GT-VT đang chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu giai đoạn hoàn chỉnh, thống nhất với UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Còn tại nút giao Trung Hòa, trước đây, các hộ dân đã được UBND TP Hà Nội giao đất làm nhà ở nên kiến nghị được tồn tại. Bộ GT-VT và UBND TP đã giao đơn vị tư vấn xem xét, nghiên cứu điều chỉnh nút giao này theo kiến nghị của các hộ dân. Tuy nhiên, sau nghiên cứu thấy việc điều chỉnh là không khả thi, Bộ GT-VT vẫn quyết định thực hiện theo đúng thiết kế. Các hộ dân đã di chuyển đến khu tái định cư tại quận Cầu Giấy, bàn giao mặt bằng.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, dự án đường vành đai 3 là dự án ngân sách Nhà nước bố trí vốn chậm và không kịp thời, trong khi quy mô dự án lại lớn, khung chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi trong quá trình triển khai - dẫn đến nhiều chính sách của Hà Nội cũng phải phê duyệt lại, điều chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho dân. Nhiều phương án bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt - khi bắt đầu có tiền chi trả thì chính sách của Nhà nước lại thay đổi, nên Thành phố đành "tạm ngưng" lại để bổ sung, khiến cho tiến độ giải phóng mặt bằng chậm trễ.
Thời gian qua, UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) đã phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra chuyện chia tách thửa đất, tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mua bán trao tay, chuyển nhượng nhà, đất sau khi Nhà nước đã có quyết định thu hồi. Cụ thể: 127 hộ tự mua bán trao tay thành 172 hộ!
Vành đai 3 Hà Nội: Tiếp tục giải phóng mặt bằng! (Ảnh: H.H) |
Cùng với đó, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Mai Dịch, Phòng Công chứng Nhà nước và Sở TN,MT&NĐ Hà Nội cùng phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc hộ gia đình bà Nguyễn Thị Liệp được tách thành 8 hộ. Hộ này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã chuyển nhượng cho 3 hộ, tặng cho 4 hộ. Do không nắm vững thông tin về quyết định thu hồi đất (bộ phận thu hồi đất và bộ phận làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác nhau) nên các cơ quan chức năng (kể trên) đã làm thủ tục chuyển dịch và tách thửa đất cho các trường hợp này.
Việc này tuy không thay đổi mức tiền bồi thường thiệt hại về đất nhưng lại khiến cho vấn đề giao đất tái định cư không chính xác.
Thu hồi đất rồi, Thành phố vẫn cấp Giấy chứng nhận?!
Cũng trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội khẳng định đã yêu cầu UBND quận Cầu Giấy, Sở TN,MT&NĐ Hà Nội, UBND phường Mai Dịch và Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Cầu Giấy nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm, có biện pháp khắc phục việc 17 hộ dân thuộc dự án này sau khi Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất mà UBND Thành phố vẫn cấp Giấy chứng nhận.
Các hộ dân này đã kê khai, đăng ký cấp Giấy chứng nhận từ năm 1998 (Thành phố tổ chức cho toàn bộ các hộ kê khai). Khi xét duyệt cấp Giấy chứng nhận, Nhà nước chưa ra quyết định thu hồi đất để xây dựng đường vành đai 3. Theo chính sách, dù chưa cấp Giấy chứng nhận cũng được bồi thường về đất và giao đất tái định cư như khi đã cấp Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã xác định nguồn gốc sử dụng đất của 17 hộ không chính xác và bồi thường cho các hộ không đúng qui định.
Ngoài ra, UBND TP cũng cho biết đã bố trí quỹ nhà tái định cư cho các hộ dân phải di dời tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (do Thành phố đầu tư bằng ngân sách). Tuy nhiên, do giá bán nhà UBND TP qui định thấp, lại không phân bổ hạ tầng kỹ thuật nên Bản Quản lý dự án Thăng Long phải đóng góp một phần kinh phí hạ tầng kỹ thuật cho Thành phố để bảo toàn vốn xây dựng nhà tái định cư. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư vẫn chưa hoàn tất.
-
Hoàng Huy