Huyện "hợp lý hoá" gỗ lậu?
Những xe gỗ ùn ùn kéo về xuôi dưới sự "tạo điều kiện" của chính quyền. Ảnh: Vũ Trung
Theo tài liệu VietNamNet có được, trong suốt quá trình khai thác tận thu gỗ vùng lòng hồ, công ty của Lê Văn Ngọc đã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện đến 17 vụ vi phạm với số gỗ lên đến hơn 200m3.
Tuy nhiên, trong số vụ này phải kể đến vụ lực lượng kiểm lâm bắt giữ hơn 70m3 gỗ do Lê Văn Ngọc khai thác, thu mua trái phép tại khu vực lòng hồ.
Ông Diệp Thanh Phong (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) cho biết: "Kiểm lâm đã phát hiện trong các ngày 18-20/1/2006, số gỗ đã bị ông Lê Văn Ngọc khai thác, thu mua gồm 211 bản, khối lượng hơn 70m3. Chi cục đề nghị tịch thu, xử lý theo luật định, song lúc đó UBND huyện Quế Sơn liên tục gửi đơn xin được xem xét".
Theo ông Phong, gỗ trái phép đã bắt thì không có cách giải quyết nào khác ngoài việc UBND huyện Quế Sơn phải lập hồ sơ để xử lý theo pháp luật.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 29/CCKL - PCTT ngày 08/02/2006 gửi UBND huyện Quế Sơn về việc xử lý số gỗ này. Trong công văn này nêu rõ: Toàn bộ số gỗ bị tạm giữ đều khai thác trái phép. Chi cục kiến nghị UBND huyện có hướng giải quyết, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Trước đó, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cũng đã có công văn giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm Quế Sơn điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm minh những kẻ triệt phá rừng xanh.
Thế nhưng, kiểm lâm chưa kịp điều tra làm rõ, thì ngày 13/2/2006 UBND huyện Quế Sơn có công văn số 30/UBND-THKT gửi Hạt Kiểm lâm yêu cầu Hạt làm thủ tục chuyển giao toàn bộ số gỗ trên cho Công ty Ngọc Sơn quản lý và đưa vào hồ sơ kế hoạch khai thác?!
Điều đáng quan tâm là vào thời điểm số gỗ trên bị phát hiện và thu giữ, huyện Quế Sơn chưa có giấy phép mở rừng, và cũng chưa làm hợp đồng khai thác gỗ tận thu với Công ty Ngọc Sơn!
Ngày 8/2/2006, Sở NN và PTNT Quảng Nam cấp giấy phép số 85 cho phép huyện Quế Sơn khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên vùng lòng hồ thuỷ điện Khe Diên. Theo giấy phép này, huyện Quế Sơn được khai thác 12.717m3.
Điều đáng nói là, nếu hợp thức hoá số gỗ bị thu giữ nêu trên vào giấy phép này thì hoàn toàn sai lệch về số lượng với hồ sơ bài cây của kiểm lâm đã lập. Bởi vậy, nhằm hợp thức hoá bằng được số gỗ trên, huyện Quế Sơn tiếp tục “chạy” giấy phép bổ sung.
Ngày 27/4/2006, tức là sau 2 tháng cấp giấy phép số 85, sở NN và PTNT Quảng Nam ký tiếp
giấy phép số 384 cho Quế Sơn. Trong giấy phép này số lượng gỗ được phép khai thác được nâng lên là 12.811 m3, mặc dù diện tích được phép khai thác không đổi là 329ha. Số lượng gỗ nâng lên này vừa đủ để hợp thức hoá số gỗ khai thác và thu mua trái phép bị kiểm lâm thu giữ.
Kiểm lâm bắt quả tang vận chuyển gỗ trái phép tại rừng Khe Diên. Ảnh: Kỳ Nhân
Trước thái độ “cương quyết” hợp thức hoá số gỗ nói trên cho Công ty Ngọc Sơn của UBND huyện, Hạt Kiểm lâm Quế Sơn đã phải ban giao toàn bộ số gỗ cho Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Và theo chỉ đạo của UBND huyện số gỗ trên “chạy” về công ty Ngọc Sơn một cách an toàn.
Như vậy, tang vật của vụ án đã chuyển qua tay người khác, Hạt Kiểm lâm Quế Sơn muốn điều tra tiếp cũng bó tay.
Cũng cần phải nói thêm rằng, ngày 8/2/2006 khi làm việc với Hạt Kiểm lâm Quế Sơn, Lê Văn Ngọc đã thừa nhận số gỗ trên Công ty Ngọc Sơn đã thu mua của dân? Và qua xác minh, số gỗ này được khai thác từ năm 2005!
Vụ việc khai thác, thu mua trái phép hơn 70m3 gỗ được huyện Quế Sơn giải quyết một cách “an toàn”, mà lẽ ra phải điều tra làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật!
Đây là điểm mà Thanh tra nhà nước tỉnh Quảng Nam đã phát hiện trong quá trình UBND huyện Quế Sơn hợp thức hoá số gỗ bị kiểm lâm bắt nói trên, để giúp ông Lê Văn Ngọc thoát tội khai thác, thu mua gỗ trái phép.
Phá rừng cả trên... giấy
Những bãi gỗ đồ sộ nằm rải rác khắp cung đường quanh hồ Khe Diên. Ảnh: Kỳ Nhân |
Tháng 7/2006, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện trên bản đồ thiết kế cho phép công ty Ngọc Sơn khai thác đã bị kiểm lâm viên Lê Thế Thành (Hạt Kiểm lâm Quế Sơn) cho ông Giám đốc Lê Văn Ngọc... mượn. Từ đó, Lê Văn Ngọc chủ động bôi vẽ thêm trên bản đồ, làm sai lệch, tăng diện tích hàng chục héc-ta để "giúp" ông Lê Văn Ngọc "khai thác" trái phép ngay trên giấy.
Sự việc được báo cáo UBND huyện Quế Sơn, song ông Thành chỉ bị... khiển trách và Hạt kiểm lâm Quế Sơn chỉ buộc Giám đốc Lê Văn Ngọc phục hồi lại bản đồ như nguyên trạng (???).
Ngày 20/8/2006, công trình thuỷ điện Khe Diên hoàn tất chặn dòng, tích nước đến cao trình. Tức là rừng lòng hồ cần tận thu đã hết. Tuy nhiên, UBND huyện Quế Sơn vẫn tiếp tục làm công văn đề nghị Sở NNPTNN phê duyệt hồ sơ thiết kế bổ sung để công ty Ngọc Sơn được phép khai thác thêm 58ha ngoài khu vực ngập nước, với khối lượng trên 1.000m3 gỗ (?).
Thêm một lần nữa, Sở NN&PTNN Quảng Nam lại ưu ái, cấp giấy phép bổ sung số 953 ngày 27/9/2006 (sau 1 tháng kể từ ngày nước ngập tràn hồ). Lần này, ông Sáu Ngọc thay đổi đơn vị thiết kế hồ sơ khai thác, thay công ty lâm đặc sản Quảng Nam bằng Công ty TNHH tư vấn xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng 1 thiết kế.
Ông Nguyễn Tấn Tuấn (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng 1) cho biết: "Tất cả chúng tôi thuê ông Bảy, đơn vị thiết kế cũ cùng với 2 cán bộ thực hiện. Mọi cơ sở, dựa trên hồ sơ thiết kế cũ".
Toàn bộ hồ sơ thiết kế bổ sung theo giấy phép 953 này (bản đồ UTM - bản đồ địa hình), đã được thay đổi bình độ với mục đích thể hiện (trên bản đồ) mực nước hồ dâng sâu thêm vào rừng hàng chục cây số để tiếp tục giúp công ty Ngọc Sơn tiếp tục khai thác rừng nguyên sinh.
Hơn một năm sau vụ công ty Ngọc Sơn ngang nhiên tổ chức phá rừng, đến cuối tháng 3/2007, khi nhận được thông tin, UBND tỉnh Quảng Nam mới tổ chức cuộc họp khẩn cấp bàn về vấn đề này.
UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo cho UBND huyện Quế Sơn phong tỏa và dừng ngay tất cả mọi hoạt động liên quan đến việc vận chuyển gỗ ra khỏi địa bàn khai thác. Đồng thời, thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra vụ việc.
Sau hơn 2 tháng kiểm tra đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng của việc các đơn vị lợi dụng khai thác gỗ tận thu để phá rừng nguyên sinh tại Quế Sơn. Toàn bộ hồ sơ vụ phá rừng qui mô lớn này đã được cơ quan điều tra công an vào cuộc sau hơn 1 tuần tiếp nhận hồ sơ của thanh tra nhà nước chuyển sang.
CQĐT đã ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Giám đốc công ty Ngọc Sơn Lê Văn Ngọc và Nguyễn Bảy (cán bộ Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam), người phụ trách thiết kế phá rừng.
-
Kỳ Nhân
Ý kiến của bạn?