(VietNamNet) - Được coi là tuyến đường "thương mại dịch vụ", "xuyên tâm" nhiều quận của Thủ đô nhưng việc xây dựng vành đai 2,5 có vẻ im ắng lâu dài, gần đây mới khẽ "khởi sắc"...
Đường vành đai 2,5 theo qui hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 nằm giữa đường vành đai 3 và vành đai 2, có tổng chiều dài 21,2km bắt đầu từ Khu đô thị mới Ciputra, kết thúc tại điểm giao cắt với vành đai 3 (đoạn gần cầu Thanh Trì). Vành đai 2,5 cũng được coi như một trục giao thông "huyết mạch" bởi không chỉ "xuyên trung tâm, liên khu vực" mà còn có đặc thù là tuyến thương mại dịch vụ (khác với vành đai 2, 3 là đường giao thông lớn).
Vành đai 2,5 Hà Nội đoạn qua quận Thanh Xuân dự kiến xây dựng (Tư liệu từ Dự án của TCty ĐT&PT nhà HN). |
Mấy năm trước, một số đoạn của vành đai 2,5 này ngang qua các khu đô thị mới: Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy)... cũng đã được thi công, tuy nhiên vẫn manh mún, chưa đồng bộ, hoàn chỉnh với tổng thể và đặc biệt vẫn tắc cục bộ tại khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Vừa qua, sau khi được giao làm chủ đầu tư khoảng 2,5km vành đai 2,5 đoạn qua quận Hoàng Mai, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã tiếp tục đề xuất UBND TP cho "khai thông" nốt đoạn vành đai 2,5 qua quận Thanh Xuân (nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 6), nhằm hoàn chỉnh, thông tuyến toàn bộ trục đường này vào năm 2012.
Theo nhà đầu tư này, đoạn vành đai 2,5 dài khoảng hơn 3km từ điểm giao cắt đường Tôn Thất Tùng đến điểm giao cắt với đường Nguỵ Như Kon Tum (thuộc các phường Khương Đình, Khương Trung, Hạ Đình, Thượng Đình và Nhân Chính) sẽ được đầu tư theo hình thức B-T (ứng vốn đầu tư xây dựng - chuyển giao tuyến đường cùng hạ tầng kỹ thuật) với điều kiện nhà đầu tư được "mở mang", phát triển quỹ đất 2 bên đường để tự cân đối, thu hồi vốn đầu tư, không dùng ngân sách.
Kiểu "mỡ nó rán nó" sẽ thúc đẩy nhanh dự án "im ắng lâu năm" này? (Tư liệu từ Dự án của TCty ĐT&PT nhà HN). |
Việc đầu tư này có thể hiểu như kiểu "mỡ nó rán nó" và dự kiến được triển khai theo hình thức "cuốn chiếu": tiến hành giải phóng mặt bằng lòng đường và 2 bên đường; bố trí tạm cư cho các hộ tại quỹ nhà trong các đô thị mới của Tổng Công ty; triển khai đầu tư xây dựng lòng đường song song với các công trình nhà ở cao tầng 2 bên đường để tạo quỹ nhà tái định cư; bàn giao nhà tái định cư rồi lại giải phóng mặt bằng đoạn tiếp theo...
Cứ như vậy, phân đoạn 1 dài 1.642m dự kiến triển khai từ quý IV/2007 đến quý IV/2011, phân đoạn 2 từ quý IV/2007 đến quý IV/2012. Tuyến hè, đường của cả hai phân đoạn này sẽ được tính toán thông tuyến sớm vào năm 2010 (dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội).
Đại diện nhà đầu tư khẳng định, việc triển khai đồng bộ như vậy sẽ đảm bảo độ công bằng trong đền bù GPMB cho các hộ dân, không phải "cắt gọt" các công trình hiện trạng sinh ra nhà "siêu gầy", "siêu mỏng"...
Hiện, các sở, ngành, Thành phố đang xem xét, cân nhắc đề xuất này của nhà đầu tư. Được biết, từ năm 2001, đoạn tuyến kể trên từng được UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư, song gần 6 năm trôi qua vẫn "im ắng"...
-
Hoàng Huy