(VietNamNet) - Người dân tới hỏi nhập hộ khẩu tại các quận ngoại thành rất đông trong khi tại các quận trung tâm TP.HCM, không khí lại hết sức vắng lặng. >> Hà Nội: Tăng đột biến số người đi làm hộ khẩu Ngoại thành "quá tải"
8h30 phút sáng nay, người dân đến tìm hiểu thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú tại trụ sở Công an (CA) quận Gò Vấp đã lên tới hàng trăm người. Mặc dù đã bố trí 6 cán bộ tại các bàn hướng dẫn và yêu cầu người dân chờ đến lượt, nhưng vẫn xuất hiện tình trạng chen lấn, quá tải… do lượng người tới đông hơn dự kiến.
Ngay từ sáng sớm đã có hàng chục người ngồi chờ để được hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu, nhưng phải 30 phút sau, tấm biển thông báo thủ tục nhập hộ khẩu (theo diện mới) mới được cán bộ treo lên.
Cảnh quá tải tại CA quận Gò Vấp. (Ảnh: T.Thiện)
Một trong số hàng chục người đến sớm nhất có ông Bùi Xuân Cư (80 tuổi, ngụ tại 48/7B đường Cây Trâm, phường 9) cho biết, hôm nay ông đi làm thủ tục nhập hộ khẩu cho con trai là Bùi Xuân Minh. Nhận xét về Luật Cư trú, ông Cư nói: “Các điều kiện để nhập hộ khẩu thường trú đã “mở”, tốt quá! Bây giờ CA họ làm tốt, thủ tục lại nhanh, nếu đủ điều kiện chỉ cần 5-10 phút là có thể ra về…”.
Bản thân ông Cư vừa trở thành công dân TP ngày 1/5 vừa qua, dù sống tại TP.HCM từ năm 1995 và gặp nhiều rắc rối về nhà đất. Con trai ông vào TP từ năm 1991 nhưng tới nay cũng mới làm thủ tục nhập hộ khẩu…
Tuy nhiên, tại Gò Vấp cũng có nhiều trường hợp làm thủ tục nhập khẩu bị từ chối ngay từ đầu. Điển hình là chị Trần Thị Song Yến, 28 tuổi, sống tại TP.HCM trên 1 năm và được chủ nhà đồng ý cho nhập khẩu vào gia đình. Tuy nhiên, theo CA quận này, “phải có quan hệ huyết thống, chủ nhà phải đăng ký lần đầu mới được nhập hộ khẩu”.
Chị Yến bức xúc nói: “Cán bộ tiếp dân giải thích không hợp lý, không phù hợp với Luật Cư trú vừa ban hành. Tôi sẽ gặp cán bộ cấp đội để được giải thích rõ hơn..."
"Thưa thớt" ở quận trung tâm
Trái ngược với cảnh chen lấn hỏi thủ tục nhập hộ khẩu tại Gò Vấp, tại quận 3 lượng người đến hỏi thụ tục khá thưa vắng. Theo ông Đoàn Đức Thân - Đội phó Đội Quản lý hành chính về trật tự CA quận cho biết, toàn quận có trên 25.000 nhân khẩu thuộc diện xem xét để để hướng dẫn thủ tục đăng ký thường trú theo khoản 1, điều 20 Luật Cư trú; tuy nhiên do có sự chuẩn bị tuyên truyền từ cấp phường (quận 3 có 14 phường) nên không xảy ra cảnh quá tải tại CA quận.
Ông Thân cho biết tới 11h sáng nay, chỉ có khoảng 27 trường hợp tới CA quận hỏi thăm thủ tục nhập hộ khẩu. Cán bộ CA chủ yếu hướng dẫn, cấp phát tờ khai cho người dân để họ về làm thủ tục chứ chưa nhận hồ sơ chính thức nào.
Theo nhận định của CA quận 3, phần lớn người dân đến hỏi thủ tục sáng nay xin nhập khẩu theo diện bảo lãnh của chủ hộ, diện có điều kiện nhà ở rất ít vì tại các quận trung tâm TP là giá nhà rất đắt, người nhập cư khó có điều kiện mua nhà.
Chị Trần Thị Song Yến cho rằng cán bộ giải thích thủ tục chưa hợp lý? (Ảnh: T.Thiện) |
Còn tại Đội Quản lý hành chính về trật tự, CA quận 1, khác với dự đoán, người dân đến nhập hộ khẩu không đến mức quá đông. Trong buổi sáng, chỉ có khoảng 10 trường hợp tới đăng ký xin cấp hộ khẩu, gần 20 trường hợp đến giải quyết thủ tục chưa hoàn tất từ trước.
Ông Lê Hoàng Nam, Phó trưởng công an quận phụ trách công tác quản lý hành chính, cho biết: Số lượng người dân đến nhập hộ khẩu gần như không đông hơn so với ngày thường, vì cùng với báo đài, quận 1 đã thông tin về tiêu chuẩn, thủ tục nhập hộ khẩu trên website của UBND quận từ trước đây nhiều ngày. Công an các phường cũng đã rà soát và thống kê số hộ đạt tiêu chuẩn nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú. (Dự tính số hộ này là hơn 5.400).
Chính vì nhiều người dân đã nắm rõ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu và hiểu mình thuộc diện nào, nên ít có trường hợp hộ chưa đủ tiêu chuẩn cũng đi lo thủ tục nhập hộ khẩu.
Theo quy định, người dân sẽ được cấp hộ khẩu trong vòng 15 ngày, sau khi đã hoàn tất hồ sơ. Nhưng Công an quận 1 phấn đấu giải quyết cấp hộ khẩu trong nửa thời gian quy định. Thời gian đầu, khối lượng công việc nhiều, các cán bộ chịu trách nhiệm giải quyết hộ khẩu sẽ làm việc cả thứ 7.
Một người dân đang xem cuốn sổ hộ khẩu, hy vọng là sẽ nhập thêm cho những người thân. (Ảnh: T.Thiện) |
Theo quan sát của PV VietNamNet, vấn đề phổ biến mà người dân đăng ký cấp hộ khẩu theo Luật Cư trú gặp phải là thủ tục nhà ở hợp pháp. Dù ở diện nào, người dân cũng phải chứng minh được nhà ở hợp pháp.
Những trường hợp đã sinh sống và làm việc tại TP.HCM nhiều năm nhưng chưa có hộ khẩu, trong khi hộ khẩu ở nơi cũ đã bị xoá, phải về nơi đăng ký hộ khẩu xác nhận lại và cắt hộ khẩu.
Chị Ca Thị Oanh, phường Nguyễn Cư Trinh, là một trường hợp như thế. Chị Oanh thuộc diện thuê nhà của Nhà nước, sổ hộ khẩu được đăng ký tại Long Thành, Đồng Nai từ năm 1976. Chị Oanh được yêu cầu về lại Long Thành để xin xác nhận lại và cắt hộ khẩu. Tuy nhiên, chị Oanh băn khoăn: Địa danh trên sổ hộ khẩu là địa danh cũ, liệu có dễ được xác nhận?
Khác với quận 1, quận 7 - quận mới có nhiều người dân nhập cư, tình trạng nhà đất đa dạng, phức tạp - số người đăng ký xin cấp hộ khẩu theo Luật Cư trú khá đông. Ngay từ 8h sáng, căn phòng tiếp dân của đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự đã liên tục có khoảng hơn 20 người đến làm thủ tục.
Các điều kiện cởi mở, thủ tục nhanh hơn, nhiều người dân hy vọng có cơ hội là người TP? (Ảnh: T.Thiện) |
Trong số những người đăng ký nhập hộ khẩu sáng nay có khá nhiều hộ có nhà mua bán theo giấy tay, chưa được cấp sổ đỏ.
Đáng chú ý có một số người trình bản xác nhận hộ khẩu quá cũ, địa danh hoàn toàn cũ (như Hà Nam Ninh, trong khi tỉnh này đã được tách làm 3 tỉnh), nên cũng khai theo địa danh này và không được chấp nhận. Dù vậy, bản thân không biết địa danh mới là gì.
Quá trình chia tách ở các địa phương sẽ gây khó khăn nhất định cho người muốn tìm về xác nhận hộ khẩu, bởi không chỉ địa danh đã thay đổi mà địa phương cũng được chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, không biết địa phương nào chịu trách nhiệm xác nhận.
Vào khoảng giữa buổi sáng, người đến lo thủ tục càng đông hơn. Ba chị cán bộ chịu trách nhiệm giải quyết đôi lúc bực dọc: “Xã nào? Huyện nào? Ghi vào”.
Chị Nguyễn Thị Bình, một người dân đi lo thủ tục cho biết, đây là lần thứ tư chị đến đây để hoàn tất hồ sơ. Mỗi lần đến, chị lại được thông báo còn thiếu giấy tờ, trong khi nếu tất cả giấy tờ còn thiếu được thông báo một lần, thì đỡ phải đi lại hơn.
Cuối cùng, chị Bình nhận được giấy hẹn đến lấy sổ hộ khẩu vào ngày 20/7, tức là 18 ngày sau (có lẽ đã trừ ngày thứ 7, Chủ nhật).
"Dễ thì nhập, khó... thì thôi"
Sáng sớm nay (2/7/2007), nhiều người dân ngụ ở quận Tân Bình, TP.HCM đã kéo đến trụ sở Công an quận rất đông để tìm hiểu thủ tục, nhận hồ sơ đăng ký hộ khẩu theo quy định mới. Mặc dù quận Tân Bình là một trong 4 quận có số hộ tạm trú có đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định mới khá đông (trên 45.000 người, chỉ sau quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Bình Tân) nhưng áp lực trong ngày đầu áp dụng Luật Cư trú không tăng đột biến.
Căn phòng tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục nhập, tách, chuyển hộ khẩu rộng chừng 30m2 trước trụ sở công an quận vẫn đủ ghế cho người dân đến tìm hiểu, làm thủ tục nhập, tách, chuyển hộ khẩu ngồi đợi đến lượt mình.
Trước đó, để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận hồ sơ nhập hộ khẩu theo quy định mới, Ban chỉ huy Công an quận Tân Bình đã chuẩn bị cả hội trường lớn để tiếp đón, hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu theo quy định mới cho người dân trong trường hợp người dân kéo đến đông, tuy nhiên phương án này đã không sử dụng đến.
Tính đến hết buổi làm việc sáng 2/7, Công an quận tân Bình đã tiếp, phát hồ sơ và hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ khẩu theo quy định mới cho hơn 30 trường hợp.
Trung tá Lê Văn Nhiễu, Đội trưởng đội quản lý hành chính Công an quận Tân Bình mặc dù là số người đủ điều kiện nhập khẩu ở quận Tân Bình khá đông nhưng áp lực về hộ khẩu không còn lớn lắm. Trước khi Luật Cư trú có hiệu lực (1/7/2007) thì dạng có nhà ở hợp pháp và cư trú từ 3 năm trở lên đã được giải quyết cho nhập hộ khẩu hơn 90%. Do vậy, việc triển khai, giải quyết thủ tục hộ khẩu theo Luật cư trú ở Tân Bình hiện nay là giải quyết hộ khẩu cho những người tạm trú dưới 2 năm.
Cũng theo Trung tá Lê Văn Nhiễu, mặc dù Tân Bình có trên 45.000 người có đủ điều kiện nhập hộ khẩu theo luật mới nhưng thực tế số người đăng ký nhập hộ khẩu sẽ không đạt đến con số này. Bởi qua khảo sát, rất nhiều chủ hộ có nhà cho thuê (có hợp đồng cho thuê nhà trên 6 tháng) đều từ chối không đồng ý bảo lãnh cho người thuê nhà nhập hộ khẩu và nhà họ (trừ trường hợp người trong bà con, dòng họ).
Trong khi đó, Điều 20 Luật Cư trú lại quy định: Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là công dân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Bên cạnh đó, một số ngành, quy định ăn theo hộ khẩu đã, đang dần dần bị loại bỏ.
Tiếp xúc với những người dân đến tìm hiểu thủ tục nhập khẩu theo quy định mới tại Công an quận Tân Bình đều có tâm trạng giống nhau "dễ thì nhập không thì thôi". Anh Trần Văn Sơn (34 tuổi) tạm trú tại nhà số 72/3 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9 quận Tân Bình cho biết, vợ chồng anh đã tạm trú tại TP.HCM đã hơn 7 năm nay theo diện KT3. Vừa qua, qua theo dõi các phương tiện truyền thông biết việc nhập khẩu vào TP.HCM đã đơn giản nhiều hơn xưa nên mới tìm hiểu xem nếu dễ thì đăng ký còn khó thì thôi. Mặc dù là tạm trú theo diện KT3 nhưng theo anh Sơn thì giữa KT3 và cái hộ khẩu bây giờ không khác nhau gì mấy. Bây giờ nhà đâu còn đòi hộ khẩu và hộ khẩu đâu còn đòi nhà. Bên cạnh đó một số thứ như con cái học hành, điện, nước... đâu còn bắt buộc là phải có hộ khẩu...
- Thái Thiện - Phạm Cường - Tấn Thuấn