221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
952166
Hà Nội: Tăng đột biến số người đi làm hộ khẩu
1
Article
null
Hà Nội: Tăng đột biến số người đi làm hộ khẩu
,

(VietNamNet) - Chỉ riêng sáng nay (2/7), công an quận Cầu Giấy đã tiếp đến gần 100 trường hợp người dân đến hỏi và làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú vào Hà Nội.

Ông Bình đến công an Q.Cầu Giấy làm hộ khẩu (Ảnh: C.M)
Ông Bình đến công an Q.Cầu Giấy làm hộ khẩu (Ảnh: C.M)

Ngay từ đầu giờ sáng, đã có khá đông người dân của 8 phường thuộc quận đến làm các thủ tục về hộ khẩu. Phần lớn nhân dân đều biết về Luật Cư trú.

Ông Đỗ Thanh Bình (tạm trú tại số nhà 29K tổ 32, phường Dịch Vọng) nói: Tôi không biết là hôm qua (Chủ nhật 1/7- Thời điểm Luật cư trú chính thức có hiệu lực) công an cũng làm việc, thành ra tưởng hôm nay quận mới bắt đầu triển khai luật mới".

Ông Bình ở Lạng Sơn, mua ngôi nhà tại địa chỉ trên từ năm 1999. Cả hai năm vừa qua (2005-2006), năm nào ông cũng tới địa chính phường để hỏi thủ tục làm sổ đỏ, tuy nhiên câu trả lời luôn là: Diện KT3 chưa có hướng dẫn kê khai làm sổ đỏ. 

"Sổ đỏ thì đòi hộ khẩu, hộ khẩu lại đòi sổ đỏ - cứ như chuyện trứng trước hay gà trước, nên ông Bình mặc kệ chuyện sổ đỏ cho tới giờ.
Sáng nay là buổi sáng đáng nhớ của ông vì Công an quận Cầu Giấy chính thức thông báo ông có đủ điều kiện để nhập khẩu vào Hà Nội, chỉ cần hoàn thiện về mặt giấy tờ. Có hộ khẩu đồng nghĩa với việc ông sẽ làm được sổ đỏ cho ngôi nhà.

Rất đông người đến làm đăng ký HK thường trú (Ảnh: C.M)

Rất đông người đến làm đăng ký HK thường trú (Ảnh: C.M)

Một trường hợp khác là chị Đào Thanh Mai (Hải Phòng), chị Mai đi làm thủ tục nhập khẩu cho con gái là Lê Thị Mai Anh, đang học cao học tại Hà Nội. Gia đình đã mua một mảnh đất tại tổ 36 phường Dịch Vọng từ năm 2000 và đưa cô con gái về tạm trú tại đây. Mảnh đất này tách ra từ một miếng đất thổ cư, UBND phường đã xác nhận từ ngày 20/12/2000 là đất có nguồn gốc không tranh chấp, mua bán hợp pháp.  

Tuy nhiên khi làm sổ đỏ thì phường vẫn cấp cho cả miếng đất thổ cư cũ, không tách sổ làm 2. Thành ra gia đình chị Mai gặp khó khăn với chủ cũ mỗi khi muốn sử dụng miếng đất của mình, bởi họ là người cầm sổ đỏ. Với Luật Cư trú, con chị Mai đã có thể nhập hộ khẩu; từ đó, tách được sổ đỏ.

Được làm thủ tục nhanh nhất là chị Nguyễn Bích Yến (phường Nghĩa Tân). Chị Yến đến nhập khẩu cho chồng là anh Trần Ngọc Tuấn (học viện Quân y). Do giấy tờ đầy đủ, hồ sơ của chị được tiếp nhận và hẹn trả sau 21 ngày (15 ngày theo luật cộng thêm các ngày thứ 7 và Chủ nhật).

Đội trưởng đội quản lý hành chính Công an quận Cầu Giấy, Trung tá Vũ Anh Dũng cho VietNamNet hay: "Toàn quận có khoảng 11.000 trường hợp thuộc diện giải quyết theo luật mới. Ngày đầu tiên triển khai luật, Cầu Giấy cũng bị "ế" như các quận khác của Hà Nội, chỉ có vỏn vẹn 12 trường hợp đến hỏi thủ tục".

Tuy nhiên, chỉ riêng sáng thứ 2 đã có tới gần 90 trường hợp người dân đến hỏi thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú và 5 trường hợp khác đã nộp hồ sơ (đã đủ giấy tờ). Một số trong số này là sinh viên và bộ đội nghĩa vụ, tuy nhiên đây là 2 đối tượng chỉ được cấp giấy tờ tạm trú theo luật.

Tại Công an Quận Thanh Xuân, nhiều người dân phải xếp hàng từ sáng sớm mà đến trưa vẫn chưa đến lượt. Nhiều người tranh thủ cả giờ làm việc để đến đây đăng ký nhập khẩu cho người thân.

Bác Nguyễn Ngọc Anh - Đại tá quân đội về hưu, trú tại số nhà 22, ngõ 12, phố Nguyễn Ngọc Nại tâm sự: Tôi đến từ đầu giờ sáng mà đến bây giờ là hơn 10h rồi vẫn chưa đến lượt. Ở đây chỉ có 4 bàn, mỗi bàn giải quyết cho hai, ba phường nên rất lâu. 

Anh Nguyễn Thanh Tùng, công tác tại Bưu điện TP.Hà Nội, nhà ở phố Hạ Đình tranh thủ hôm nay làm ca đêm đến trụ sở Công an quận Thanh Xuân để làm thủ tục nhập khẩu cho ba bố con giãi bày: Anh thuộc diện KT3 từ năm 1995. Anh đã đủ tiền mua nhà nhưng không thể trực tiếp đứng tên ngôi nhà của mình mà phải nhờ tên người khác.

Không có hộ khẩu Hà Nội, anh gặp rất nhiều khó khăn từ việc đăng ký chiếc xe máy mới mua cho đến việc đăng ký mắc điện thoại. “May mà có luật mới chứ sắp tới, con tôi đi học mà không có hộ khẩu sẽ không được học ở trường công lập” - anh Tùng nói.

Trung tá Trần Duy Ba, Đội trưởng quản lý hành chính, Công an Quận Thanh Xuân cho biết: Cả ngày hôm qua chỉ có 19 người dân đến làm thủ tục về hộ khẩu. Nhưng hôm nay, đến 10h21 phút, đã có 60 lượt người đến hỏi và được hướng dẫn về thủ tục nhập khẩu.

Theo điều tra, quận Thanh Xuân có hơn 40.000 diện được đăng ký thường trú. Vì vậy dự đoán những ngày tiếp theo, số người đến làm thủ tục sẽ rất đông.

Tại trụ sở Công an quận Đống Đa, phòng làm thủ tục nhập khẩu không còn vắng vẻ như hôm trước.

Cả ngày hôm qua, tại đây có 16 trường hợp được hướng dẫn làm thủ tục nhập khẩu. Đến 9h30 ngày hôm nay, Công an quận Đống Đa đã tiếp nhận hồ sơ của 40 trường hợp. Có 24 trường hợp đến hỏi về thủ tục được nhập khẩu, trong đó chủ yếu là sinh viên và lao động tự do.

Trung tá Mai Công Bắc, Đội trưởng Đội Quản lí hành chính Công an huyện cho biết: đến trưa nay, trong số các trường hợp đến xin làm thủ tục đăng ký tại Công an huyện, chỉ có 15 hồ sơ đủ điều kiện được tiếp nhận.

Ông Bắc cũng cho biết, phạm vi áp dụng luật rất rộng, nhưng có rất nhiều trường hợp phức tạp như mượn nhà, thuê dài hạn, thậm chí còn tranh chấp cũng muốn nhập khẩu, trong khi bản thân người dân chưa hiểu hết luật. 

Vì vậy, sáng nay, phần đông bà con đến đây xin được tư vấn cụ thể xem liệu có thể "áp" hoàn cảnh của họ vào đối tượng nào trong luật nói đến hay không.

Theo ông Bắc,  nhiều trường hợp chưa được nhập hộ khẩu ngay bởi chưa có mẫu giấy chuyển hộ khẩu mới theo quy định chung. Dù ông có "nghe nói" sẽ phát về công an phường, xã. Thế nhưng nhiều người dân vẫn đến đây hỏi. Và công an huyện Từ Liêm cũng chỉ biết hướng dẫn "tạm thời" dùng theo mẫu cũ! 

Cả huyện Từ Liêm có 4.000 hộ với trên 15.000 khẩu đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu. Song vì những lí do như trên mà cho đến sáng nay, chỉ có khoảng 10 hồ sơ đủ điều kiện và sẽ được nhập thường trú sau 15 ngày theo luật quy định.

Chỉ duy nhất một trường hợp đã được nhập ngay trong sáng nay. Đó là chị Nguyễn Thị Nghiêm, ở thôn Ngọc Trục, xã Đại Mỗ.

Chị Nghiêm phấn khởi kể: Năm 1978, chồng chị là Bạch Đăng Hùng tham gia chiến trường biên giới trở về, bị thất lạc giấy tờ, nên dù có nhà nhưng không được làm hộ khẩu. Cả nhà ở Hà Nội đã tròn 20 năm nhưng cũng chỉ thuộc diện "tạm trú". Nhờ Luật Cư trú, các con chị đang công tác tại TP.HCM mới có "gốc" để nhập khẩu vào TP. HCM, ổn định công tác.

Ông Đỗ Xuân Ba, Đội trưởng Đội Quản lí hành chính Công an quận Thanh Xuân cho biét: những đối tượng đủ điều kiện nhận hồ sơ vừa qua chủ yếu là diện KT3, đã có nhà hợp pháp, ổn định; chưa có trường hợp nào là sinh viên.

Cũng theo ông này, Thanh Xuân là quận "trẻ" so với Hoàn Kiếm, Ba Đình, nên số người nhập cư chưa có hộ khẩu vào loại đông nhất. Theo luật mới này, Thanh Xuân có hơn 40.000 người thuộc diện được nhập hộ khẩu thường trú, trong đó, nhiều nhất là phường Nhân Chính, Thanh Xuân Nam.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, một trong những vướng mắc lớn nhất mà những người dân đủ điều kiện nhập hộ khẩu vào Hà Nội theo Luật Cư trú là họ chưa nhìn thấy mẫu đăng kí chuyển hộ khẩu mới. 

Một người dân quận Đống Đa cho hay, anh phải sưu tầm mẫu này trên trang web của Công an TP.HCM.

  • Đỗ Minh - Tuyết Nhung - Chí Hiếu

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,