221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
946268
GPPAC cùng nạn nhân chất độc da cam VN đòi công lý
1
Article
null
GPPAC cùng nạn nhân chất độc da cam VN đòi công lý
,

(VietNamNet) - Tổ chức “Đối tác toàn cầu về chống xung đột vũ trang” (GPPAC) lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam VN tìm công lý.

 

>> Peace Boat ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN

 

Nhập mô tả vào đây

Các thành viên GPPAC ký tên ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN đấu tranh đòi công lý. Ảnh: HC

“GPPAC sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi tất cả các thành viên ký tên vì công lý và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN trên hành trình đòi công lý!” - Cô Marte Hellena, Thư ký GPPAC (Tổ chức "Đối tác toàn cầu về chống xung đột vũ trang") cho biết như vậy tại Diễn đàn Châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề “Những di chứng chiến tranh - Chất độc da cam và hậu quả của nó” diễn ra tại Đà Nẵng sáng 16/6.

 

Một thống kê của các nhà khoa học Đại học Columbia (Mỹ) được công bố tại Diễn đàn cho thấy, ở VN hiện có khoảng 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc da cam, nhưng số nạn nhân chất độc da cam chưa thể xác định hết.

 

Qua điều tra ở 174.189 nạn nhân chất độc hoá học thì có 169.193 người là thế hệ con (F1) và 5505 thế hệ cháu (F2). Nhưng rồi 20 năm sau, sẽ còn thêm những thế hệ F3, F4... Bởi trên đất nước VN có tới 3.104.000ha rừng bị rải chất độc da cam. Tại các khu vực vốn là kho tàng, sân bay... của quân đội Mỹ, nồng độ dioxin hiện vẫn còn rất cao.

 

Chính vì vậy, việc tàu Hoà Bình (Peace Boat - Nhật Bản), GPPAC và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức Diễn đàn “Những di chứng chiến tranh - Chất độc da cam và hậu quả của nó” được xem là một hoạt động có ý nghĩa nhằm ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam VN trong phiên tranh tụng với 37 công ty hoá chất Mỹ sẽ được bắt đầu vào ngày 18/6 tại New York.

 

Nhập mô tả vào đây

Các nạn nhân chất độc da cam VN tại Diễn đàn. Ảnh: HC

21 thành viên đại diện của GPPAC tỏ ra khá “sốc” khi xem những hình ảnh về di chứng của chiến tranh hoá học mà người Mỹ đã gây ra cho VN qua bộ phim tài liệu do Vũ Trần (Việt kiều Mỹ) thực hiện. Và họ càng xúc động đến đau đớn khi được tiếp xúc trực tiếp với các nạn nhân chất độc da cam VN có mặt tại Diễn đàn cùng những nỗi đau quá sức tưởng tượng đang phải trải qua từng ngày từng giờ.

 

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng Nguyễn Vân Lan kêu gọi: “Chúng tôi tha thiết với hoà bình, mong muốn không bao giờ có xung đột vũ trang. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các đại biểu tham dự Diễn đàn và mọi người trên thế giới ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam. Chúng ta hãy ký tên ủng hộ vụ kiện của những nạn nhân chất dộc da cam VN đối với 37 công ty hoá chất Mỹ. Các nạn nhân chất độc hóa học trong chiến tranh do Mỹ gây ra phải được bồi thường xứng đáng”.

 

Ông Augusto Niclat - đại diện GPPAC tại Đông Nam Á bày tỏ: “Được tận mắt chứng kiến, tôi mới biết thế nào là di chứng của chất độc da cam. Có thể thấy di chứng này ảnh hưởng rất lớn đến thể xác, tinh thần của nạn nhân và người thân của họ. Tôi nghĩ rằng các công ty đã sản xuất ra những hoá chất độc hại này không nên trốn tránh sự thật và phải có trách nhiệm với những gì mình đã sản xuất ra!”.

 

Tổng Giám đốc Peace Boat Yoshioka Tatsuya kể lại, năm 1983, khi đến thăm Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) ông chứng kiến tận mắt những đứa trẻ bị dị tật do thảm hoạ da cam gây ra. Từ đó, ông nung nấu ý nghĩ sử dụng tàu Hoà Bình như một phương tiện để đưa những bạn trẻ trên thế giới, nhất là các bạn trẻ Nhật Bản đến VN để hiểu được nỗi đau của chiến tranh. Từ đó, họ sẽ biết mình phải làm gì để góp phần bảo vệ hoà bình.

 

Nhập mô tả vào đây

TGĐ Peace Boat Yoshioka Tatsuya phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: HC

“Mục đích của Peace Boat là nâng cao nhận thức của cộng đồng để ngăn chặn chiến tranh và tổ chức các hoạt động vì hoà bình. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp các nạn nhân chất độc da cam VN đòi công lý. Chất độc da cam là chất độc kinh khủng nhất mà chúng tôi từng biết.

 

VN cần nhiều thời gian và nhiều sự giúp đỡ để vượt qua nỗi đau này. Diễn đàn lần này không nằm ngoài quyết tâm ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam VN trong hành trình đòi công lý mà gần nhất là phiên tranh tụng diễn ra vào ngày 18/6 tại New York!” – Ông Yoshioka Tatsuya nhấn mạnh.

 

Tại Diễn đàn, các thành viên đại diện GPPAC đã “ký tên vì công lý”, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN trong vụ kiện 37 Công ty hoá chất Mỹ. Thư ký GPPCA Marte Hellena cho biết thêm, sau khi rời VN, phái đoàn đi đến các nước khác cũng sẽ kêu gọi nhân dân ở đó ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý của các nạn nhân chất độc da cam VN.

 

“Hy vọng rằng mỗi ngày sẽ có thêm nhiều người hiểu thêm về cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam VN và các bạn sẽ giành chiến thắng. Bởi đây là cuộc đấu tranh vì công lý cho cả nhân loại chứ không chỉ cho quyền lợi của riêng của các bạn!” - Cô Marte Hellena nói một cách xúc động.

 

Theo Thư ký GPPAC Marte Hellena, tổ chức này được thành lập từ năm 2002 với mục tiêu tạo ra một mạng lưới chặt chẽ để ngăn chặn xung đột vũ trang, xây dựng một nền hòa bình cho thế giới. Hiện GPPAC có đại diện tại 15 khu vực trên toàn thế giới, quan hệ với 1.026 tổ chức hoạt động hoà bình thế giới và có quan hệ mật thiết với Liên Hiệp Quốc.

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,