221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
946328
"Máu" rừng Khe Diên (Quảng Nam) đã chảy như thế nào?
1
Article
null
'Máu' rừng Khe Diên (Quảng Nam) đã chảy như thế nào?
,

(VietNamNet) - Lật từng trang hồ sơ vụ "tiêu diệt" rừng Khe Diên (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), mới thấy cuộc "tảo thanh" rừng xanh này đã được thực hiện với một quy mô hoành tráng và cực kỳ bài bản.

Có được giấy phép khai thác gỗ tận thu gỗ trong lòng hồ nhà máy thủy điện Khe Diên do cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cấp vào cuối năm 2005 như một “tấm bùa” hộ mệnh, Công ty TNHH Xây dựng Ngọc Sơn (Cty Ngọc Sơn, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) đã bắt đầu công cuộc “tảo thanh” rừng đầu nguồn Khe Diên suốt trong năm 2006 và đầu năm 2007.

Giấy phép phá rừng!

Cả đoàn xe pháo cùng hàng trăm người của công ty Ngọc Sơn do Giám đốc Lê Văn Ngọc chỉ huy đã ào ạt khai thác gỗ đưa về xuôi. Hàng nghìn m3 gỗ được khai thác trái phép đã bị nhân dân vùng tây Quế Sơn phát hiện và cấp báo cho chính quyền địa phương.

Rừng Khe Diên (Quảng Nam) bị đốn hạ. Ảnh: Vũ Trung.
Thế nhưng không hiểu sao, nhiều cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng vẫn phải làm ngơ để cho Giám đốc Lê Văn Ngọc (Sáu Ngọc) tổ chức phá rừng. Các báo cáo kiểm tra được lập đều cho rằng đơn vị khai thác đúng chức năng đã được UBND huyện Quế Sơn ủy quyền và đúng như giấy phép cho khai thác tận thu gỗ trong lòng hồ nhà máy thủy điện Khe Diên.

Cho đến khi nhân dân phản đối, cơ quan báo chí vào cuộc, kéo dài hàng năm trời và kết thúc sau khi cơ quan công an Quảng Nam ra lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam giám đốc Lê Văn Ngọc cùng một cán bộ của Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam vào sáng ngày 9/6 vừa qua, thì chân dung kẻ phá rừng nguyên sinh đầu nguồn, được nấp dưới vỏ bọc khai thác rừng tận thu được các cấp chính quyền địa phương Quảng Nam cho phép, mới lộ mặt.

... Để phục vụ cho việc xây dựng thuỷ điện Khe Diên, năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định thu hồi trên 4,6 triệu m2 đất rừng thuộc 3 xã Quế Phước, Quế Ninh và Quế Trung, giao Công ty đầu tư - phát triển điện Sông Ba thuê trong vòng 50 năm.

Để không bỏ phí tài nguyên, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho UBND huyện Quế Sơn khai thác tận thu gỗ lòng hồ (công văn số 2074 ngày 16/8/2005).

Được sự cho phép của tỉnh, UBND huyện Quế Sơn đã hợp đồng giao khoán trọn gói việc khai thác gỗ tại lòng hồ Khe Diên với Công ty TNHH xây dựng Ngọc Sơn của ông Lê Văn Ngọc (thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) với khối lượng gỗ hơn 12.811 m3.

Trong hợp đồng giao khoán trọn gói của UBND huyện Quế Sơn với Cty Ngọc Sơn có kèm theo điều khoản là mỗi mét khối gỗ sau khai thác, ngoài các khoản thuế theo quy định, Cty Ngọc Sơn phải Trích một phần thu nhập cho ngân sách huyện" 98.000 đồng.

Có giấy phép, có hợp đồng ủy quyền và giao khoán khai thác trong tay, Cty Ngọc Sơn bắt đầu một mình một sân, triển khai khai thác gỗ ào ạt trong khu vực.

Bắt đầu từ đầu năm 2006, khu vực lòng hồ nhà máy thủy điện Khe Diên thuộc địa bàn 4 xã vùng tây Quế Sơn đều do Cty Ngọc Sơn độc chiếm, đưa phương tiện xe cơ giới vào mở đường khai thác gỗ. Bất kỳ người lạ mặt nào, trừ đơn vị thi công nhà máy thủy điện, đều không được vào khu vực được xem là "thế giới riêng" của công ty Ngọc Sơn.

Thậm chí người dân trong khu vực vào khu vực lòng hồ để khai thác củi cũng bị cấm!

Con đường đất về các xã Quế Trung, Quế Ninh, Quế Lâm vốn gập ghềnh, nát be bét vì xe chở than từ mỏ Nông Sơn, nay càng tệ hại bởi những đoàn xe chở gỗ của Cty Ngọc Sơn. Cây cầu nghĩa tình đồng bào cả nước hướng về làng mỏ Nông Sơn sau thảm nạn 19 em học sinh tại bến Cà Tang 2003 vừa được xây dựng xong đã phải oằn mình chịu đựng những đoàn xe chở gỗ lặc lè về xuôi...

Chứng kiến cảnh rừng "chảy máu" ồ ạt, người dân miền tây Quế Sơn đã liên tục gửi đơn thư kêu cứu. Nhưng tất thảy đều chìm vào im lặng suốt một thời gian dài (?!).

Tận diệt rừng xanh

Sẽ không có gì đáng nói nếu Công ty TNHH Ngọc Sơn thực hiện đúng giấy phép tận thu tài nguyên rừng tại khu vực lòng hồ. Rừng trong lòng hồ được khai thác đã đành, Công ty Ngọc Sơn vô tư “mạnh dạn” tiến quân vào rừng nguyên sinh đầu nguồn để khai thác gỗ quí hiếm.

Nhân viên kiểm lâm đi đo những gốc cây rừng đã bị Sáu Ngọc đốn hạ để xác định thiệt hại của cuộc "tảo thanh" rừng xanh được thực hiện cực kỳ bài bản. Ảnh: Kỳ Nhân.

Bắt đầu từ những ngày cuối năm 2006, đến đầu năm 2007, chúng tôi đã nhiều lần lên Khe Diên để chứng kiến cảnh... phá rừng.

Khi chúng tôi đặt vấn đề xin các tài liệu liên quan đến việc khai thác gỗ tận thu này, đều bị chính quyền địa phương từ chối cung cấp. Mà nếu có, cũng không thể nào biết được đâu là khu vực cho phép, đâu là khu vực rừng nguyên sinh, khi trong tay không có phương tiện định vị.

Bằng mắt thường khó lòng nhận biết đâu là rừng được phép khai thác và đâu là không.

Cuộc "tảo thanh" rừng xanh nóng lên từng ngày, lực lượng phá rừng chuyên nghiệp với phương tiện hiện đại của Cty Ngọc Sơn dựng nhà, đóng trại tại rừng, ngày đêm mở đường, đốn hạ, xẻ gỗ, chuyển ra khỏi rừng đưa về xuôi hàng nghìn m3 gỗ các loại.

Tại những khu vực hiểm trở, phương tiện cơ giới không vào được, Cty Ngọc Sơn đã thuê hàng đàn trâu từ các nơi trong vùng ngày đêm xuyên rừng gom gỗ về những bãi tập kết chờ ô tô vận chuyển...

Đầu năm 2007, khi công trình đập chính nhà máy thủy điện Khe Diên hoàn thành bắt đầu tích nước, đến khi nước hồ đã tràn đập (đỉnh cao nhất của quá trình tích nước), thì ranh giới lòng hồ và rừng nguyên sinh đã phân định rõ ràng. Nhưng, những thân cây cổ thụ trong khu vực ngoài lòng hồ vẫn bị chặt hạ.

Cả khu vực chung quanh lòng hồ, gỗ nằm xếp lớp chồng chất lên nhau từ mép rừng xuống bến nước. Gỗ được giấu chìm trong lòng nước của hồ. Gỗ gối đầu nhau thành bãi dài ven theo những con đường mới mở.

Vượt khe Ring chừng 5 - 6km, gỗ xẻ từng phách xếp lớp thành đống hai bên đường, được phân công người canh phòng cẩn mật. Ngay tại bãi gỗ gành Đá Cục, chúng tôi không thể tin những gì mắt mình chứng kiến. Gỗ phách la liệt, chồng chất thành núi, ước chừng cả ngàn mét khối. Đây chỉ là một trong số hơn 10 bãi gỗ của Công ty Ngọc Sơn đang khai thác.

Đường vào các bãi gỗ Chòi Ván, Hòn Mõ...rừng đã hoang tàn trơ trọi dưới nắng. Hàng nghìn gốc chò, lim, kiền kiền....đường kính từ 50cm đến hơn 1m đang ứa nhựa đỏ quạch như máu. Lán trại, lều bạt nylon của người khai thác gỗ dựng khắp rừng. Khi chúng tôi đưa máy chụp những bức hình cảnh tàn phá rừng xanh thì lập tức bị những công nhân mặt mày bặm trợn ngăn cản. Bởi đây là khu vực cấm!?

Bây giờ thì mọi việc đã rõ, đâu là khu vực lòng hồ, đâu là khu vực rừng nguyên sinh khi mà lòng hồ nhà máy thủy điện đã tích nước và đang chuẩn bị đi vào phát điện, đã giúp cơ quan thanh tra và cơ quan điều tra phân định rõ ràng.

Chưa có con số thống kê chính thức từ phía cơ quan chức năng, nhưng ít nhất hàng trăm ha rừng nguyên sinh cạnh lòng hồ đã bị chặt phá. Các ngành chức năng của huyện Quế Sơn cũng như của tỉnh Quảng Nam không thể biện minh rằng không biết ranh giới của lòng hồ để công ty Ngọc Sơn vô tình khai thác... nhầm!

Phương tiện máy móc định vị trong tay, tại sao ngành chức năng của huyện, tỉnh không biết (?!)

  • Vũ Trung - Kỳ Nhân

>> Quảng Nam: Bắt tạm giam giám đốc phá rừng nguyên sinh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,