Trả lời cơ quan báo chí về vấn đề phân loại xử lý công trình vi phạm, ông Bùi Văn Chiểu- Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: Công trình xây dựng tồn tại trước ngày QĐ 39 có hiệu lực thì được xem xét xử lý theo QĐ này.
Theo nguồn tin của Báo chí, trong báo cáo của UBND thành phố Hà Nội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ có đề xuất nội dung: Nhóm các công trình xây dựng trước Luật Xây dựng có hiệu lực (1/7/2004), sẽ thực hiện theo QĐ 39, nghĩa là cho phép công trình tồn tại nếu không vi phạm quy hoạch.
Liên quan đến việc để một loạt các công trình “chọc trời” xây dựng không phép, sai phép, quan điểm của UBND thành phố Hà Nội đối với vấn đề này là xử lý triệt để, kiên quyết. Bước đầu đã có 21 cán bộ, đảng viên từ cấp Phường đến cấp Sở bị xử lý kỷ luật do buông lỏng công tác quản lý dẫn đến việc một số công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Thành phố cũng yêu cầu các chủ công trình vi phạm tháo dỡ phần vi phạm. Động thái kiên quyết trên của thành phố Hà Nội nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận. Từ đó, nhiều chủ công trình vi phạm đã nhận ra lỗi và tự đưa ra phương án khắc phục bằng biện pháp nộp phạt nhưng chưa được thành phố Hà Nội chấp nhận.
Mặc dù, các công trình xây dựng sai phép trên địa bàn thành phố Hà Nội khi bị phát hiện đều rơi vào diện “vi phạm trật tự xây dựng” nhưng mức độ, tính chất và thời gian vi phạm lại lại khác nhau. Theo đó, nhất thiết nên có một sự sàng lọc các công trình vi phạm để phân loại xử lý. Có lẽ, cũng bởi lý do này mà đến nay UBND thành phố Hà Nội vẫn chưa đưa ra được phương án cụ thể đối với các công trình vi phạm nổi cộm.
Ông Lê Văn Phú, Chánh Thanh tra Sở Xây Dựng Hà Nội cho biết: Tòa nhà số 4 phố Đặng Dung là một trong nhiều công trình vi phạm nổi cộm đang bị UBND thành phố Hà Nội xem xét, xử lý vì xây dựng quá giấy phép xây dựng 13,1m. Lạ thay, trong khi đa số công trình vi phạm khác kiến nghị UBND thành phố cho Chủ đầu tư được “lách luật” bằng cách nộp phạt thay cho việc phải tháo dỡ phần vi phạm thì Chủ đầu công trình số 4 phố Đặng Dung là Công ty Cổ phần Nam Hưng (số 7 Triệu Việt Vương- Hà Nội) lại liên tiếp gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị được xử đúng Luật? Tại sao lại có chuyện hi hữu như vây?
Thế nào cho đúng luật?
Khác với một số công trình vi phạm khác, công trình nhà số 4 phố Đặng Dung xây dựng từ năm 2002, đến cuối năm 2004 thì hoàn thành phần xây dựng cơ bản. Theo Chủ đầu tư công trình cho biết, đáng ra công trình đã được đưa vào kinh doanh, khai thác phục vụ Hội nghị APEC cuối năm 2006 nhưng do thay đổi một số vật liệu nội thất nên thời gian đưa công trình vào sử dụng bị chậm lại.
Công trình xây dựng trong khuôn viên đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, phù hợp với quy hoạch. Theo giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng Hà Nội cấp thì công dựng kéo dài như trên nên vừa qua Công ty Cổ phần Nam Hưng đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị lên thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội xin được xử lý theo quyết định số 39/2005/QĐ-TTg ngày 28/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại điều 2 của quyết định này nêu: Công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch nhưng chưa phù hợp với các quy định về kiến trúc, cảnh quan khu vực của cơ quan có thẩm quyền ban hành như quy định về hình khối kiến trúc công trình, số tầng công trình, kiến trúc mặt đứng công trình…thì được phép tồn tại theo hiện trạng. Hiệu lực của quyết định 39 là sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Ngày đăng Công báo là ngày 4/3/2005 nên kể từ ngày 19/3/2005 quyết định 39 có hiệu lực thi hành.
Nếu chiếu theo quyết định này thì công trình số 4 Đặng Dung rơi vào diện xử lý theo quyết 39 vì thời gian thi công trình kéo dài từ 2002 đến 2004, tức là công trình này xây dựng vi phạm trước ngày hiệu lực của quyết định 39 nên sẽ được áp dụng xử lý theo quyết định này.
Ông Phạm Ngọc Quảng- Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Hưng đã liên tiếp kiến nghị lên thành phố Hà Nội xin được xử lý theo Quyết định 39 nhưng chưa nhận được hồi âm. Thay vào đó UBND quận Ba Đình tiếp tục ra thông báo yêu cầu Chủ đầu tư phải tháo dỡ phần xây dựng sai phép tại công trình số 4 phố Đặng Dung. Ông Quảng trăn trở: nếu chúng tôi không được xử lý đúng Luật thì thiệt hại cho công ty là vô cùng lớn, phần xây dựng quá phép theo kiến trúc là khu vực quan trọng nhất của tòa nhà gồm: khu kỹ thuật, hệ thống điều hành …
Việc thành phố Hà Nội kiên quyết xử lý nhà sai phép là thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cũng là quyết tâm của Hà Nội trong việc lập lại trật tự xây dựng đô thị. Tuy nhiên, cũng nên ra soát, sàng lọc công trình vi phạm hết sức cẩn thận để có biện pháp xử lý đúng đối tượng vi phạm, đúng pháp luật và tránh thiệt hại không cần thiết cho doanh nghiệp.
(Theo Bảo vệ Pháp Luật)