(VietNamNet) - Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần, do Thủ tướng CP Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định 78/2007/QĐ-TTg ban hành, nêu rõ, việc phát tin cảnh báo sóng thần, động đất không chỉ được thực hiện qua các phương tiện truyền thông mà cả điện thoại di dộng.
Theo Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần, việc phát tin động đất, cảnh báo sóng thần được thực hiện thông qua các kênh của Đài Tiếng nói, Đài Truyền hình, hệ thống thông tin nội bộ của các bộ, ngành, các phương tiện thông tin đại chúng.
Sóng thần có thể dâng cao hàng chục mét (Ảnh imh.ac.vn).
Khi nhận được tin này, đài Tiếng nói và Truyền hình phải dừng ngay chương trình đang phát để thực hiện việc phát tin động đất, cảnh báo sóng thần.
Chính quyền địa phương các cấp, các trạm báo động trực canh sóng thần, đài phát thanh và truyền hình địa phương, đài thông tin duyên hải và mọi tổ chức, cá nhân cũng phải thông báo kịp thời tin trên đến cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng để chủ động phòng, tránh.
Trong quy chế này, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép sử dụng mạng viễn thông để nhắn tin cảnh báo động đất, sóng thần. Bộ Bưu chính - Viễn thông cần chỉ đạo các DN trong ngành đảm bảo liên lạc để chuyển kịp thời thông tin cảnh báo về động đất, sóng thần từ Viện Vật lý Địa cầu đến phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan hữu quan.
Đồng thời, chỉ đạo các DN thông tin di động chuyển thông tin cảnh báo động đất và sóng thần do Viện Vật lý Địa cầu cung cấp đến các thuê bao di động trong khu vực bị ảnh hưởng dưới hình thức tin nhắn.
Sau khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. UBND các cấp, bằng mọi hình thức, tổ chức hướng dẫn sơ tán dân đến nơi an toàn.
Quy chế này cũng nêu rõ, Viện Vật lý Địa cầu - đơn vị chịu trách nhiệm nghiên cứu, cảnh báo động đất, sóng thần - luôn phải ở trong tình trạng báo động, trực ban 24/24 giờ để theo dõi, thu thập, xử lý thông tin và phát tin. Các trạm báo động trực canh cũng phải trực 24/24 giờ để nhận và phát tin cảnh báo và báo động về động đất, sóng thần.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, UBND các tỉnh phải khảo sát, tính toán đến yếu tố tác động của động đất, sóng thần. Đối với các vùng có nguy cơ cao, cần tổ chức thực hiện phương án phòng chống thảm họa này tại địa phương. Riêng vùng ven biển có nguy cơ sóng thần, cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp để hạn chế ảnh hưởng của sóng thần đối với các khu đô thị, khu dân cư tập trung, công nghiệp và du lịch ven biển, hải đảo.
Quy chế cũng quy định, cần xây dựng công trình phòng ngừa sóng thần như hệ thống báo động trực canh ven biển. Vùng có nguy cơ ảnh hưởng sóng thần phải có quy hoạch, kế hoạch trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển vững chắc đảm bảo phòng, chống bão và giảm tác động của sóng thần.
-
Hà Yên