(VietNamNet) - 35m2 kè bảo vệ bờ Rạch Tôm (TP.HCM) bỗng sạt xuống khi đang thi công đắp cát tạo mái. Phải mất 2 tháng để khắc phục sự cố này.
Khó có khả năng tiếp tục sạt lở
23h ngày 18/5, trong lúc nhà thầu đang thi công đắp cát tạo mái đoạn kè từ cọc km 0+150 đến km 0+185, hàng cọc ván bê tông từ km 0 + 130 đến km 0+205 bị xô nghiêng, đổ lệch ra bên ngoài so với vị trí ban đầu từ 3-5m. Diện tích sạt lở khoảng 35m2.
Công trình xây dựng kè bảo vệ bờ Rạch Tôm là một trong 14 dự án đang khởi động để chống sạt lở ở những khu vực ven sông, chủ yếu tại huyện Nhà Bè, quận 8, quận 2 và Bình Thạnh. Các công trình này đều do Khu Đường sông làm chủ đầu tư. Kè bảo vệ Rạch Tôm có quy mô dài 369,78m; mặt kè rộng 1m với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng. Cùng với 3 công trình khác đang trong giai đoạn thi công, theo dự kiến ban đầu, kè bảo vệ Rạch Tôm sẽ hoàn thiện trong tháng 5/2007. |
Phần cát đắp tạo mái phía bên trên mặt kè bị trượt theo đỉnh cọc, dẫn đến xuất hiện một số vết nứt phần đất phía bên trong kè. Một số nhà cửa, công trình phụ của 9 căn nhà nằm sát đỉnh kè bị nứt và hư hại. Phần cát đắp thân kè bị trôi dạt theo hướng xô lệch của cọc ván bêtông, chiều dài đoạn cọc ván bêtông bị xô ngang là 75m, chuyển vị khá lớn so với tuyến thiết kế.
Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở kể trên, các chuyên gia của đơn vị tư vấn thiết kế, Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam qua công tác kiểm tra hiện trường đã đưa ra nguyên nhân và đánh giá dự báo diễn biến có thể xảy ra trong thời gian tới.
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân là do mặt bằng phía ngoài bờ kè bị xói sâu do dòng chảy so với thiết kế được duyệt. Nhà thầu thi công đã dùng bao cát đắp phía ngoài cọc bêtông để tạo lại mặt bằng như thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, quá trình đắp chưa đạt đến cao độ như mong muốn, đồng thời chưa thả thảm đá chống xói phía ngoài kè thì phần cát đắp từng lớp phía trong để tạo mái kè đã trượt và gây xô ngang đầu cọc ván bê tông gây ra vụ sạt lở.
Khắc phục sự cố sạt lở công trình kè bảo vệ Rạch Tôm. |
Thêm vào đó, một số nhà cửa, công trình phụ của các hộ dân ven bờ đã mọc lên trong thời gian thi công kè cũng đã tạo thêm áp lực ngang lên bờ kè. “Những cơn mưa đầu mùa từ 14 - 17/5 đã làm phần đất tự nhiên phía trong bờ kè bị nước kết hợp đợt triều đầu tháng dâng cao và xuống cạn nên đã gây áp lực xô ngang lớn vào hàng cọc ván bê tông.Một số nhà cửa, công trình phụ của các hộ dân ven bờ đã tự xây dựng trong thời gian thi công kè cũng đã tạo thêm áp lực ngang lên bờ kè” - một chuyên gia thuộc Viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam nhận định.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, trong ngày 21/5, chính quyền địa phương và các bên liên quan đã tiến hành vận động nhân dân tháo dỡ, di dời các vật kiến trúc trên khu vực tránh trường hợp xảy ra đáng tiếc. Đa số người dân đều chấp hành lệnh di dời, tự tháo dỡ các vật dụng, các công trình phụ trợ ngay sau kè để giảm áp lực lên bờ. Một số người dân có nguyện vọng xin được bố trí chỗ tái định cư. Tuy nhiên, theo chủ tịch xã Nhơn Đức Nguyễn Ngọc Thảo, đề nghị này khó có thể giải quyết vì thiếu quỹ đất tái định cư.
Khu đường sông đã phối hợp cùng đơn vị thi công vận động hỗ trợ những hộ có phần diện tích phụ trợ tháo dỡ từ 200.000 - 300.000đ. Một số hộ không nhận vì cho rằng có thể tự trang trải được.
Qua đánh giá của các bên có liên quan, sự cố xảy ra do lượng cát đắp bên trong bờ kè lớn, trong khi đó phía bên ngoài kè do xói lở mạnh nên chưa kịp gia cố kịp thời; cọc ván mất cân bằng và đã bị xô ngang. Vì vậy sau khi bị xô ngang, phần đất đắp đã đi vào thế ổn định nên khó có thể tiếp tục xảy ra sạt lở.
Nhà thầu có trách nhiệm khắc phục
Ngày 21/5, bà Hoàng Thị Mai Loan, Phó Giám đốc Khu đường sông TP.HCM cho biết về biện pháp khắc phục sự cố tại công trình xây dựng kè bảo vệ bờ Rạch Tôm (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè). Theo đó, trước mắt nhà thầu tháo dỡ các đan bêtông, cát đắp bên trong kè và đoạn dầm mũ tại đoạn cọc bị xô ngang có thể gây trượt khối đất vừa đắp. Đồng thời tiến hành bao tải cát phía ngoài kè để tạo phản áp và chống xô ngang cọc ván bêtông.
Nhà dân bị ảnh hưởng do bờ kè đang thi công sạt lở. |
Song song đó, Khu đường sông đã yêu cầu đơn vị thiết kế công trình này là Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa trong ngày 21/5, phải nhanh chóng tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục để nhà thầu có thể tiếp tục thi công và hoàn thiện công trình đáp ứng nhu cầu chống xói lở mùa mưa lũ sắp đến.
Bà Loan khẳng định với PV VietNamNet, sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng và công trình chưa được nghiệm thu nên Công ty Cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương (nhà thầu) có trách nhiệm thực hiện sửa chữa và thi công lại để sớm hoàn thành công trình. Dự kiến, thời gian khắc phục sự cố phải mất đến 2 tháng và công trình này sẽ hoàn thành vào quý III/2007.
-
Trần Duy