(VietNamNet) - Vụ dư chấn động đất nhỏ đã làm Hà Nội nháo nhác. Nhưng ở Điện Biên, người dân coi chuyện động đất rất bình thường, thậm chí là... coi thường!
>> Hà Nội: Nhà cao tầng nháo nhác vì động đất
"Cứ tưởng ai trêu mình lắc bàn!"
Ông Nguyễn Thái Sơn, phụ trách Trạm Quan sát địa chấn Điện Biên cho biết: Điện Biên nằm trong vùng phát sinh động đất bởi có đứt gẫy lớn địa chất chạy qua.
Vào hồi 15 giờ 56 phút ngày 16/5, một trận động đất mạnh 6,1 độ richter cường độ kéo dài 15 - 20 giây, tâm chấn ở vào khoảng 20,54 độ Vĩ Bắc; 101,1 độ Kinh Đông đã xảy ra cách TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) khoảng 200 km về phía Tây Bắc (thuộc địa phận nước CHDC Nhân dân Lào).
Trong vòng 100 năm qua, Điện Biên xảy ra nhiều trận động đất, trong đó có 2 trận động đất lớn nhất Việt Nam. Theo đánh giá của Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, tỉnh Điện Biên nằm trong vùng phát sinh động đất bởi có đứt gẫy lớn địa chất chạy qua. Trận động đất lúc 15h 56 phút, ngày 16/5, Điện Biên chịu ảnh hưởng cấp độ 6, nhưng không ít người Điện Biên rất thờ ơ với sự chao đảo từ lòng đất.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tỉnh Điện Biên bị ảnh hưởng trận động đất không nhỏ chút nào. Những toà nhà cao tầng lắc rung; cánh cửa sổ, cửa ra vào nhà cao tầng va đập, cọ vào nhau ken két; đồ vật trong phòng chao đảo; những chén nước đặt trên bàn sóng sánh; các ao, hồ sóng nước cuộn lên...
Trận động đất xảy ra vào giờ hành chính, nhiều công chức làm việc trong văn phòng trên các toà nhà cao 3 - 4 tầng. Nhà lắc, bàn làm việc rung lên, mọi người trong văn phòng nhìn nhau, nhìn mọi vật rung chuyển và bình thản nói ’’lại... động đất đấy!’’.
Người dân không những không hoang mang mà còn coi như chuyện ’’đến hẹn... lại động đất!’’. Ông Phạm Văn Khánh, phường Mường Thanh nói: ’’Động đất à? Tôi cứ tưởng ai trêu mình lắc bàn làm việc...’’.
Kể từ khi động đất 6,1 độ richter chiều ngày 16/5, tỉnh Điện Biên liên tục xảy ra dư chấn. Điển hình lúc 20h18 phút ngày 16/5 và lúc 0h09 phút ngày 17/5, dư chấn cường độ mạnh 4,3 độ richter, tâm dư chấn trùng với tâm động đất. Trước đó, vào 21h36 phút, ngày 15/5, trạm quan sát địa chấn đặt tại TP. Điện Biên Phủ đo được trận động đất 4,1 độ Richter, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 300 km về phía Bắc.
Ông Nguyễn Thái Sơn, phụ trách Trạm Quan sát địa chấn Điện Biên cho biết: Điện Biên nằm trong vùng phát sinh động đất bởi có đứt gẫy lớn địa chất chạy qua. Vết đứt gẫy kéo dài từ Thị xã Mường Lay về huyện Điện Biên. Các xã phía Tây lòng chảo Mường Thanh như Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa và vùng ven sông Nậm Rốm ảnh hưởng nhiều vùng đứt gẫy; địa chất yếu nên khi động đất xảy với cường độ cao, thời gian chấn động kéo dài sẽ thiệt hại. Nhiều khả năng tiếp tục sẽ xảy ra một số trận dư chấn của trận động đất 6,1 độ Richter.
’’Sống chung với... động đất?’’
TP.Điện Biên Phủ liên tục có động đất nên người dân coi đó là chuyện bình thường!
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, trong vòng một thế kỷ qua, Việt Nam có 2 trận động đất mạnh thì đều xảy ra ở Điện Biên. Năm 1935, tại dãy núi Pamâytun, địa bàn xã Núa Ngam, huyện Điện Biên xảy ra trận động đất mạnh 6,8 độ richter. Năm 1986, trận động đất mạnh 6,7 độ richter khu vực thị trấn Tuần Giáo làm lở núi, đổ cây; gây thiệt hại nhiều tài sản Nhà nước: kho tàng, trường học, công sở và nứt nhà ở của nhân dân.
Nhận định của các cơ quan chức năng cho thấy, TP. Điện Biên Phủ là vùng đông dân cư, hầu hết nhà xây dựng từ thập kỷ 90 thế kỷ trước, không thiết kế khung chịu lực mà là tường chịu lực, nếu tâm động đất xảy ở vị trí trung tâm thành phố sẽ thiệt hại nặng nề.
Điển hình đêm 19/2/2001, trận động đất mạnh 5,3 độ richter, tâm chấn ở khu vực phía Tây lòng chảo Mường Thanh (giáp ranh với TP. Điện Biên Phủ), đã làm nứt toác nhiều toà nhà cao tầng công sở, khách sạn, nhà dân khu vực thành phố và huyện Điện Biên.
Tổng giá trị thiệt hại Nhà nước và nhân dân tiêu tốn để khắc phục hậu quả động đất gây nên là 210 tỷ đồng. Nhiều công sở đã phải chi đến hàng tỷ đồng để sửa chữa, hàn gắn vết nứt; rỡ bỏ nhà; hạ thấp độ cao nhà; nhiều gia đình có nhà nhưng không giám ở vì tường đã bị chấn động lòng đất làm tách rời giữa gạch và vữa.
Trận động đất năm 2001 đã làm trên 10 người bị thương do vữa, ngói rơi; người dân hoang mang nhảy qua cửa sổ, cầu thang, lan can nhà để thoát thân. Sau trận động đất, không ít hộ hoảng sợ tính chuyện làm nhà có khung chịu lực, kháng chấn; phá nhà xây làm nhà sàn. Thậm chí, có người còn nghĩ đến việc rời bỏ Điện Biên đi nơi khác lập nghiệp.
Sau vụ động đất 5,3 độ richter, hầu hết công sở xây mới được gia cố đảm bảo kháng chấn từ 7 độ richter trở lên.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, sự hoang mang của người dân Điện Biên nguôi ngoai. Người dân có tâm lý "sống chung với động đất", một số người thờ ơ với sự rung động, tiếng nổ phát ra từ lòng đất.
Chẳng hạn, trận động đất chiều ngày 16/5, nhiều người dân Hà Nội và các thành phố khác hoang mang, hoảng loạn tháo chạy từ các toà nhà cao tầng xuống lòng đường nháo nhác bình luận, lo ngại. Nhưng người dân TP. Điện Biên Phủ vẫn làm việc bình thường như không có chuyện gì xảy ra. Trong khi đó, Hà Nội ảnh hưởng động đất ở cấp độ 3, Điện Biên ảnh hưởng cấp độ 6.
Có thể, người Điện Biên đã quen với môi trường rung chuyển từ lòng đất nên không để ý khi thấy cảm giác người lắc lư vài chục giây. Hay phải chăng người Điện Biên đang mang tâm lý chủ quan: Hậu quả của động đất không gây chết người, chính những toà nhà cao tầng giết chết người nên họ không chạy, bởi chạy từ trên nhà cao tầng xuống đường mất mấy phút, nhưng chỉ vài chục giây chấn động nhiều toà nhà bị san phẳng.
Viện Vật lý địa cầu đã cung cấp dữ liệu cho các tỉnh Tây Bắc về tình hình địa chất, trong đó TP. Điện Biên Phủ có riêng bản đồ vi phân vùng động đất cần có sự kháng chấn.
Theo cảnh báo, trong điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, trong môi trường thường động đất xảy ra, những toà nhà thiết kế kiểu tường chịu chưa thay thế bằng khung chịu lực, người dân cần cảnh giác trong thời gian dư chấn. Đối với các công trình đang thiết kế, thi công cần có sự gia cường đảm bảo kháng chấn, bảo đảm an toàn khi động đất. Có lẽ, nhà sàn dân tộc là kết cấu an toàn trong môi trường động đất.
-
Long Giang