221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
931818
Chờ 12 năm không thấy đất tái định cư...
1
Article
null
Chờ 12 năm không thấy đất tái định cư...
,

(VietNamNet) Sau hơn 5 mùa mía, tháng 3/2004, Nhà máy Đường Quảng Nam tuyên bố phá sản, 32 hộ dân nằm trong diện qui hoạch dành đất cho nhà máy này trở thành không một tấc đất nương thân...

Nhà ông Lê Cần sau 12 năm chờ đợi!
Nhà ông Lê Cần sau 12 năm chờ đợi!

"Ở treo"

Khu dân cư này kéo dài khoảng 400 mét trước khu vực nhà máy ( giờ chỉ còn là đống sắt vụn không người trông coi), toàn những căn nhà che tạm, ọp ẹp đến mức có thể
sập đổ bất kỳ lúc nào, và cũng không được phép sửa chữa. 

Năm 1985, huyện Quế Sơn cấp đất cho các hộ dân (đa số là cán bộ hưu trí) làm nhà ổn định. Đến ngày 21/9/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 591/TTg về việc cho phép Công ty Lương thực Trung ương III (CTLTTƯ3) thuê đất để xây dựng nhà máy đường Quảng Nam, trên diện tích 78.760 mét vuông đất tại xã Quế Cường. Diện tích đất được thu hồi giao cho công ty xây dựng nhà máy (trong đó diện tích của nhà máy là 65.180 m2, 13.580 m2 còn lại giao cho công ty này mở rộng đường giao thông theo quy hoạch), thời hạn thuê đất là 50 năm.

 

Toàn bộ phần đất của 32 hộ dân này đều thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên chỉ có 8 hộ dân nằm trong khuôn viên nhà máy và hai cổng là được nhà máy bồi thường thiệt hại, di dời ngay. Các hộ còn lại thì... chờ.

 

Ngày 25/9/1998, UBND huyện Quế Sơn, nhà máy đường Quảng Nam và các hộ dân đã có một cuộc họp bàn về phương án giải toả, đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn II đối với 24 hộ dân còn lại này.

 

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, toàn bộ 24 hộ dân chẳng được cơ quan chức năng nào đề cập đến chuyện đi hay ở. 


Tính đến nay, đã hơn 12 năm trôi qua, người dân đã gửi hàng kg đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng huyện, tỉnh, trung ương, vẫn không được giải quyết. Chỉ một số đơn được một số cán bộ giải thích và động viên người dân cố gắng chờ đợi.


Nhiều thư khiếu kiện gởi ra tận Trung ương được Văn phòng Chính phủ trả về với nội dung: “Đề nghị huyện Quế Sơn giải quyết” và đặt dấu chấm hết từ đó đến nay.

Không thể sống mãi trong những ngôi nhà sắp sập bất kỳ lúc nào mà không được
 
phép sửa chữa, có 5 hộ dân đã phải tự động đi ở nơi khác.

hai hộ bị sập nhà, gồm nhà ông Lê Cần (được nhà máy bồi thường một… nửa căn nhà) và ông Nguyễn Trọng Vinh, phải về tá túc nhà con cháu. 

 

12 năm chồng đơn ngày một cao!
12 năm, chồng đơn ngày một cao!

"Không tấc đất cắm dùi"!

Thấp thỏm nỗi lo "đi hay ở", trong những ngôi nhà ọp ẹp có thể sập bất cứ lúc nào, 24 hộ dân một lần nữa té ngửa khi biết rằng các quyết định cấp đất của UBND huyện Quế Sơn từ năm 1985 cho họ cũng bị sai.

 

Bởi theo Nghị định 2003 của Hội đồng bộ trưởng (ban hành ngày 21/12/1982), phần đất của họ đang sinh sống… đã nằm trong hành lang đường bộ!

Không hiểu vì sao, huyện Quế Sơn khi lập thủ tục cấp đất cho dân lại quên mất chuyện này (?!)

 

Nhưng cũng chưa đến nỗi “mất tất cả” vì phần đất của các hộ dân này vẫn còn kéo dài về phía sau, nếu nhà Nước mở đường, họ vẫn còn chỗ để lui.

 

Ngặt nỗi, phần đất còn lại ấy cũng bị Nhà máy đường lấy đi rồi! Đến nước này, UBND huyện Quế Sơn mới kịp nhận ra nguyên nhân vì sao nhà máy đường chần chừ suốt chừng ấy năm trời không chịu đền bù cho dân.

 

Một cán bộ lãnh đạo huyện Quế Sơn tỏ ra “hối tiếc” bảo rằng: “Hồi đó mà huyện kiên quyết hơn thì bây giờ khỏi vướng, dân đỡ khổ!”

 

Huyện Quế Sơn đến giờ vẫn chẳng biết phải giải quyết thế nào đối với các hộ dân này.

 

Nhà máy đã giải thể, tiền không có để hỗ trợ dân đi, nếu cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ thì chẳng có “quan” nào dám ký để " sửa sai" của các bậc tiền nhiệm…

Ông Lê Văn Tam - một cán bộ quân đội về hưu buồn rầu nói : “Thiếu 3 tháng nữa là chúng tôi đủ 12 năm sống “treo” ở đây. Chờ dài cổ, khổ lắm, mất tất cả mọi quyền sử dụng đất, trắng tay rồi. Kiểu ni lỡ có nằm xuống, không có chỗ để bàn thờ...".

  • Vũ Trung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,