221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
930714
Hôm nay, xử vụ đòi bồi thường oan sai 8,8 tỷ đồng
1
Article
null
Hôm nay, xử vụ đòi bồi thường oan sai 8,8 tỷ đồng
,

(VietNamNet) - TAND thị xã Bến Tre đang xét xử vụ kiện đòi bồi thường oan sai lần đầu tiên ở tỉnh này giữa nguyên đơn là ông Lưu Việt Hồng (trú xã Nhơn Thạnh, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre) và bị đơn là VKSND tỉnh Bến Tre.

Ông Lưu Việt Hồng
Ông Lưu Việt Hồng.
Theo đơn khởi kiện, ông Hồng đòi VKSND tỉnh phải bồi thường thiệt hại về tài sản lẫn tinh thần cho ông hơn 8,8 tỷ đồng.

VietNamNet từng có bài viết về trường hợp oan sai li kỳ xảy ra tại Bến Tre. Từ một ông chủ giàu có nhất vùng lại mang đầy nhiệt huyết với quê hương, là chủ nợ tỉnh… nhưng bỗng chốc ông Hồng trở thành kẻ trắng tay. Ứng tiền ra làm công trình cho địa phương, nghiệm thu xong đòi hoài không trả; bất ngờ ông bị bắt vì tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” khi vay tiền để làm công trình?

Khi ông Hồng bị bắt, cơ quan tố tụng kê biên tài sản, giao gia đình quản lý nhưng UBND xã đã bán hết số tài sản kê biên. Không những thế, phần tài sản không bị kê biên cũng bị bán nốt. 

Khi được minh oan, ông Hồng chỉ còn hai bàn tay trắng. Gần 6 năm ròng rã ngược xuôi đòi lại công bằng, đòi lại tài sản nhưng đến đâu ông cũng chỉ nhận được sự im lặng. 

Không chịu nổi, ông Hồng đâm đơn ra tòa kiện đòi bồi thường thiệt hại do bị hàm oan. 

Lúc này, cơ quan được xác định gây ra oan sai cho ông là VKSND tỉnh Bến Tre mới mời ông đến thương lượng bồi thường. Tuy nhiên, khoản thiệt hại về tinh thần chưa đến 100 triệu thì cơ quan này đồng ý chi trả, còn những thiệt hại tài sản trị giá hơn 7 tỷ đồng thì cương quyết chối từ với nhiều lí do!

Nhờ can thiệp đòi nợ: Bị bắt

Năm 1988, ông Lưu Việt Hồng đại diện tổ hợp tác xây dựng Hồng Hà ký hợp đồng với phòng giao thông thị xã Bến Tre thi công lộ 887. Công trình hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng từ ngày 6/12/1988. Sở Giao thông lập quyết toán cho công trình là hơn 80 triệu đồng. Phòng giao thông thanh toán được 48 triệu đồng, số còn lại phòng tài chính không chịu thanh toán.

Khu vườn, căn nhà trơ trụi sau biến cố.
Khu vườn, căn nhà trơ trụi sau biến cố.

Cho rằng phòng giao thông thị xã Bến Tre vi phạm hợp đồng nên ông Hồng đã đưa vụ việc ra kiện ở trọng tài kinh tế tỉnh Bến Tre. 

Ngày 02/2/1989, trọng tài kinh tế đã ra quyết định buộc phòng giao thông thị xã Bến Tre phải thanh toán cho ông Hồng số tiền còn thiếu. 

UBND thị xã Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre, trọng tài kinh tế nhà nước (phía Nam) đều có công văn khẳng định tính đúng đắn quyết định của trọng tài kinh tế tỉnh Bến Tre và yêu cầu phòng giao thông thị xã Bến Tre phải thi hành ngay quyết định này. 

Thế nhưng, tất cả văn bản nói trên của cấp có thẩm quyền không được phòng giao thông thị xã Bến Tre thi hành.

Chờ đợi hơn một năm không được giải quyết, ngày 03/05/1990 ông Hồng làm đơn yêu cầu VKSND tỉnh Bến Tre can thiệp để phòng giao thông thị xã Bến Tre thi hành quyết định của trọng tài kinh tế. Lý do ông Hồng đưa ra là để làm con lộ 887, ông phải đi vay của tổ chức tín dụng, cá nhân nay đến hạn phải thanh toán. 

Thật bất ngờ, ngày 12/05/1990 VKSND tỉnh Bến Tre có công văn số 51/KS trả lời rằng ông Hồng phải tự lo lấy việc trả nợ tín dụng.

Một tháng sau, ngày 12/06/1990 cơ quan điều tra Công an tỉnh Bến Tre ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Hồng. Lệnh này được VKSND tỉnh Bến Tre phê chuẩn lệnh bắt tạm giam ông Hồng về tội “Lạm dụng tín nhiệm CĐTS”. Trong khi bắt ông Hồng, cơ quan điều tra ra quyết định kê biên một số tài sản như nhà cửa, bàn ghế, chén đĩa… và giao cho gia đình ông quản lý.

Sau khi tài sản của ông Hồng bị cơ quan điều tra kê biên, UBND xã Nhơn Thạnh đã cho người đến mang tất cả những vật dụng đó về xã và “phát mại”. Không chỉ vậy, cá dưới ao ông Hồng nuôi đang đến thời kỳ thu hoạch cũng bị UBND xã cho người kéo lên bán sạch. Chưa hết, gần 29.000m2 đất vườn trồng dừa của ông Hồng cũng bị UBND xã đem bán nốt.

Bị tạm giam hơn 8 tháng thì ông Hồng được thay đổi biện pháp ngăn chặn. Vụ án sau đó được TAND tỉnh Bến Tre đưa ra xét xử và tuyên ông Hồng không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm CĐTS” như qui kết của VKS. Đến ngày 16/6/2000, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm. 

Như vậy là sau hơn 10 năm bị điều tra, truy tố, ông Hồng đã được minh oan.

Ai phải bồi thường tài sản cho ông Hồng?

Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 388

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản của người bị oan bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu bị xâm phạm được quy định như sau:

a. Trong trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất, bị hư hỏng, bị hủy hoại thì thiệt hại được xác định tương đương với giá trị tài sản tại thời điểm giải quyết bồi thường.

b. Trong trường hợp có thiệt hại phát sinh từ việc không sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thiệt hại thực tế; trong trường hợp tài sản bị kê biên được giao cho người bị oan hoặc thân nhân của họ quản lý thì chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại tài sản được xác định những thiệt hại thực tế.

Sau khi được tuyên vô tội, ông Hồng đã nhiều lần làm đơn gửi VKSND tỉnh Bến Tre yêu cầu bồi thường thiệt hại do đã truy tố oan ông. 

Theo đơn đòi bồi thường thiệt hại gửi cho VKSND tỉnh Bến Tre, ông Hồng yêu cầu cơ quan này trả cho ông hơn 8 tỷ đồng, bao gồm các khoản thiệt hại tổn thất về tinh thần do bị bắt giam oan, thiệt hại về vật chất do tài sản (đất đai, vườn tược, hoa màu, tủ bàn ghế…) mà cơ quan điều tra kê biên đã bị UBND xã Nhơn Thạnh “phát mại” trái phép. 

Do không thấy VKSND tỉnh Bến Tre trả lời đơn nên ông Hồng đã kiện cơ quan này ra TAND thị xã Bến Tre vào năm 2005.

Sau khi TAND thị xã Bến Tre thụ lý vụ kiện, VKSND tỉnh Bến Tre mời ông Hồng đến thương lượng bồi thường thiệt hại. Trong quá trình thương lượng, VKSND tỉnh Bến Tre chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại về tinh thần do truy tố oan ông với số tiền tổng cộng là 84,8 triệu đồng. 

Đối với phần thiệt hại về vật chất hơn 7 tỷ đồng (tính theo thời giá hiện nay), VKSND tỉnh Bến Tre không đồng ý bồi thường.

Theo quan điểm của VKSND tỉnh Bến Tre thì thiệt hại về vật chất theo khoản 2 điều 8 nghị quyết 388 là những tài sản do cơ quan tố tụng trực tiếp kê biên, quản lý; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Nhưng trong vụ ông Hồng, tài sản do cơ quan tố tụng kê biên giao cho gia đình quản lý, nhưng UBND xã Nhơn Thạnh là cơ quan đứng ra bán, không thuộc quyền kiểm soát của cơ quan tố tụng. 

Do vậy, hành vi “phát mại” trái phép tài sản đang bị kê biên, theo VKSND tỉnh Bến Tre, UBND xã Nhơn Thạnh phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Chiếc vespa, tài sản có giá nhất của ông Hồng còn sót lại.
Chiếc vespa, tài sản giá trị nhất của ông Hồng còn sót lại.

Với lập luận đó, VKSND tỉnh Bến Tre cho rằng ông Hồng không thể kiện VKS tỉnh để đòi bồi thường thiệt hại về tài sản theo Nghị quyết 388 mà phải kiện UBND xã Nhơn Thạnh ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật do chính UBND xã gây ra.

Thế nhưng, theo quan điểm của giới luật sư, luật gia cũng như một số thẩm phán, những thiệt hại theo quy định tại khoản 2 điều 8 Nghị quyết 388 phải được hiểu là những thiệt hại vật chất từ việc ra các quyết định khởi tố, truy tố, xét xử oan gây thiệt hại cho người bị oan thì cơ quan tố tụng được xác định gây oan sai phải bồi thường. 

Do vậy, thiệt hại tài sản của ông Hồng đều bắt nguồn từ việc khởi tố, truy tố oan của các cơ quan tố tụng tỉnh Bến Tre nên những thiệt hại đó đều được tính là thiệt hại về vật chất cho người bị oan do người có thẩm quyền trong tố tụng hình sự gây ra và phải đưa chung vào vụ kiện đòi bồi thường theo Nghị quyết 388, không thể tách rời thành một vụ kiện riêng.

Như vậy, VKSND tỉnh Bến Tre phải là bị đơn trong vụ kiện của ông Hồng và phải có nghĩa vụ bồi thường những thiệt hại cho ông Hồng. Còn việc UBND xã Nhơn Thạnh “phát mại” trái phép tài sản của ông Hồng đã bị kê biên là vi phạm pháp luật cần phải được xử lý và VKSND tỉnh Bến Tre có quyền yêu cầu UBND xã Nhơn Thạnh bồi thường lại phần thiệt hại mà họ đã gánh thay.

Liệu phiên tòa đòi bồi thường thiệt hại do bị hàm oan lần đầu tiên được đưa ra xét xử tại tỉnh Bến Tre do TAND thị xã Bến Tre thụ lý và sẽ đưa ra xét xử vào ngày mai có bù đắp được thiệt hại về tinh thần khó đong đếm, khi ước mơ học thành kỹ sư, bác sĩ của con cái ông Hồng tan tành khi cha phá sản và bị tống giam...

  • Gia Khang

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,