221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
926304
Không đội mũ bảo hiểm: Phạt không xuể!
1
Article
null
Không đội mũ bảo hiểm: Phạt không xuể!
,

(VietNamNet) - Ba ngày đầu ra quân thực hiện "Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu" lần thứ nhất, cảnh sát giao thông Hà Nội đã kiên quyết xử lý nhưng số người vi phạm quá nhiều.

Qua hai ngày đầu triển khai “Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ nhất” mà trọng tâm là nâng cao nhận thức của người đi mô tô xe máy về đội mũ bảo hiểm (trên những tuyến đường bắt buộc), số lượng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giảm, nhưng số người vi phạm tăng cao (so với ngày thường) - Ghi nhanh của phóng viên VietNamNet tại một số tuyến đường ngoại thành Hà Nội.

Chỉ 30-40% số người đội mũ trên những tuyến đường bắt buộc

Xu-ly-vi-pham.jpg

Xử lý vi phạm giao thông tại đoạn đường Pháp Vân - Cầu giẽ. Ảnh Chí Hiếu.

Trong khoảng một giờ có mặt tại ngã ba Pháp Vân - Cầu Giẽ, cửa ngõ phía nam Hà Nội vào chiều 24/4, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều người ngồi trên xe gắn máy (từ cả hai hướng: Hà Nội đi các tỉnh phía nam và từ phía đường cao tốc vào Hà Nội) không đội mũ bảo hiểm. 

Thậm chí, nhiều người còn treo mũ hoặc cầm mũ trên tay (đối với người ngồi sau), chỉ khi gần đến trạm cảnh sát giao thông họ mới dừng lại ngay trên đường cao tốc để đội nhằm đối phó với cảnh sát giao thông.

Anh Nguyễn Văn Hùng, quê ở Phú Xuyên, Hà Tây, chở mẹ đi từ hướng đường cao tốc vào Hà Nội, khi lực lượng cảnh sát giao đội số 04, Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội xử lí, anh đưa ra lí do như, vào bệnh viện thăm người nhà ốm gấp nên chỉ chuẩn bị được một chiếc mũ cho mình, còn mẹ anh không có mũ. Cũng không ít người nghĩ rằng chỉ người cầm lái mới cần đội mũ bảo hiểm.

Thăm người ốm trong viện, (bệnh viện bộ Nông nghiệp cách đó không xa - PV), nhà ở gần... là những lí do mà những người này đưa ra khi bị cảnh sát giao thông bắt giữ và xử lí.

Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng nối dài đến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, chiều cùng ngày, mặc dù đã có sự phối hợp của cả thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động tăng cường, nhưng, vì lượng xe gắn máy từ các tỉnh phía bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên đổ về rất đông nên không thể xử lí hết những người vi phạm dù các lực lượng đã rất kiên quyết. Theo các CSGT, lực lượng cảnh sát chỉ có thể xử lí được khoảng 70% số người vi phạm vì số người vi phạm quá đông và lực lượng CSGT lại quá mỏng.

Tại chốt ngã ba đường Quốc lộ 5 đi Hưng Yên, đội cảnh sát số 5 - CSGT Hà Nội phối hợp với công an huyện Thanh Trì hướng dẫn đi đúng làn đường cho người tham gia giao thông. Cách ngã ba đường quốc lộ 5 khoảng 5km, Công an huyện Thanh trì đã xử lý được từ 40 - 50 người không đội mũ bảo hiểm, phần đông trong số này là các em học sinh, sinh viên từ nội thành về nghỉ lễ. 

Theo các cảnh sát tại những chốt này, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông tỏ ra đối phó, "sợ" cảnh sát giao thông hơn là ý thức chấp hành đội mũ bảo hiểm trên những tuyến đường bắt buộc này.

Nâng chế tài xử phạt lên 80.000 - 120.000

Thượng tá Trần Sơn - Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ cho biết, hiện nay, chế tài xử phạt người ngồi trên xe gắn máy và người điều khiển xe mô tô, gắn máy không đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm còn rất nhẹ, không đủ sức để răn đe và giáo dục. Trong Nghị định số 152CP của Chính phủ có quy định phạt từ 20.000 - 40.000 đồng (mức trung bình là 30.000 đồng) đối với người không đội mũ bảo hiểm trên tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

Cũng theo Thượng tá Trần Sơn, lực lượng cảnh sát giao thông xử lý tất cả các hành vi vi phạm giao thông trong đó có đội mũ bảo hiểm, nhưng số lượng người tham gia giao thông đi xe gắn máy rất đông, do vậy công an xử lý không xuể. Đặc biệt, trên các tuyến đường quốc lộ hay tỉnh lộ người vi phạm thường tìm mọi cách để trốn tránh như: ghé vào quán nước trước khi đến đoạn đường có tổ cảnh sát, đợi cảnh sát về thì đi tiếp, hoặc rẽ vào các đường ngang ngõ tắt...

So-nguoi-doi-mu-bao-hiem.jpg

Số người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đoạn đường bắt buộc chỉ chiếm 30-40%. Ảnh Chí Hiếu

Do vậy để giải quyết triệt để vấn đề này, theo Thượng tá Trần Sơn, cần kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 152CP nâng chế tài xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm lên mức 80.000 - 120.000/một lần vi phạm. Bỏ việc giữ phương tiện đối với hành vi này bởi vì việc giữ ba ngày rất cách rách. Đồng thời, Chính phủ cần có lộ trình quy định bắt buộc người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, gắn máy trên tất cả mọi tuyến đường.

Thượng tá Trần Sơn cho biết, ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém và mang tính chất đối phó, họ chỉ sợ công an và sợ phạt, họ không sợ luật. Hơn nữa, bản thân người tham gia giao thông còn rất chủ quan, họ không biết cách tự bảo vệ mình chỉ vì một sự bất tiện nào đó: như nóng nực, khó chịu...

Anh cho biết thêm, trong thời điểm giám sát, số người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có tăng lên, nhưng cũng chỉ tăng lên trong những ngày cao điểm đó. Sau chiến dịch, việc kiểm tra xử lý của cảnh sát giao thông chùng xuống nên tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm rất thấp, trên các tuyến quốc lộ khoảng 30-40%, còn trên các tuyến tỉnh lộ chỉ được khoảng 15-20%.

Một vấn đề nảy sinh khác là do lực lượng cảnh sát giao thông của Việt Nam hiện nay quá mỏng, trung bình một người phải quản lý 70km, do vậy nếu chỉ tập trung vào xử phạt mũ bảo hiểm thì các vấn đề vi phạm khác như: uống rượu bia hay các vi phạm khác không kiểm soát nghiêm ngặt được.

Nguyên nhân: "Khổ lắm nói mãi"

CA-phat.jpg

Vì rất nhiều lý do khác nhau, người ngồi sau xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm. Ảnh Chí Hiếu

Chị Lê Hoài Linh, 32 tuổi, trú tại ngõ 42 - Đường Phạm Văn Cừ, phường Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, hàng ngày chị phải đèo con sang nội thành cách nhà 5km, vì qua đoạn đường nguy hiểm nên rất muốn cả mẹ và con đội mũ bảo hiểm nhưng mũ to rất kồng kềnh, ở trường học của cháu không có ngăn để mũ, công việc của chị lại phải đi giao dịch nhiều nên treo ở xe không tiện. Do vậy chị biết tác hại của việc không đội mũ bảo hiểm nhưng không có cách nào để thực hiện một cách thuận lợi.

Trong khi đó, anh Nguyễn Giang Nam, 23 tuổi, trú tại khu tập thể Thanh Xuân, Hà Nội, hàng ngày anh phải đi 15km sang khu Công nghiệp Nội Bài để làm việc cho rằng "nếu không vì sợ công an, không có lý do gì phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông", anh cho rằng đội mũ kín mít đôi khi không nghe thấy gì và rất ngại mỗi khi gặp bạn bè. Hơn nữa, xe máy lại không có chỗ treo tiện lợi nên rất vưởng mỗi khi vào cơ sở giao dịch...

Còn theo chị Nguyễn Lan Phương, 20 tuổi, trú tại 142 Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội, hàng ngày phải đi xe máy 10 km đến trường, cho rằng: "Trong đầu tôi chưa bao giờ có suy nghĩ phải đội mũ bảo hiểm". Chị cho biết mỗi khi đi chơi ra ngoại thành cùng bạn bè, nhóm bạn của chị thường "trốn" công an đi đường tắt hoặc chạy nhanh để đối phó...

Theo ông Greig Craft - Trưởng đại diện Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIPF), mỗi nhà đều có thể sắm cho mình những chiếc xe máy nhưng họ không có sự chuẩn bị về kỹ năng, hiểu biết về giao thông và Luật Giao thông... Hơn nữa, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người Việt Nam rất thấp, chế tài xử phạt chưa nghiêm ngặt nên số vụ tai nạn giao thông.

Ông John Hendra, trưởng đại diện các tổ chức LHQ tại Việt Nam nói: "Hầu hết nạn nhân tai nạn giao thông ở Việt Nam ở độ tuổi 15 đến 49, nhóm tuổi chiếm 56% tổng dân số, nhóm tuổi năng động nhất, nguồn lao động chính của xã hội. Và như vậy, tai nạn giao thông không chỉ là vấn đề y tế công cộng mà còn là một vấn đề kinh tế, xã hội".

  • Ngọc Huyền - Chí Hiếu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,