(VietNamNet) - Số liệu thiệt hại do cơn lốc dữ chiều 14/4 mỗi lúc một tăng. Cùng lúc, những nỗ lực vượt qua hậu quả thiên tai cũng rất quyết liệt!
Người dân giúp lợp lại trường mẫu giáo Đại Hồng đã bị tốc mái Ảnh: LN
Ngày 16/4, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trương Công Kích cho biết: Đến nay, tại xã Đại Hồng đã xác định có 26 người bị thương, 29 ngôi nhà và 3 phòng nhà kho HTX bị sập hoàn toàn, 145 nhà bị tốc mái hoàn toàn và gần 630 nhà tốc mái ở những mức độ khác nhau. Có trên 15ha cây đậu phụng bị lốc cuốn, 35ha lúa sắp thu hoạch bị rụng hạt hơn 60% và gần 100ha bắp bị ngã đổ.
Hiện có trên 200 học sinh của xã Đại Hồng phải nghỉ học. Trường mầm non Đại Hồng và cụm trường mẫu giáo bán trú của xã bị tốc mái, hư hại chưa thể khôi phục một sớm một chiều. Hầu như toàn bộ cơ sở vật chất bên trong ngôi trường đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cơn lốc dữ còn tàn phá nặng nề tại các thôn Hà Dục Đông, Tịnh Đông Tây và Hà Tân của xã Đại Lãnh. Cả xã này có 53 ngôi nhà, 5 phòng học và 2 trạm bơm bị tốc mái; 55ha lúa và 30ha bắp bị gió lốc “cày” ngã rạp.
Khám bệnh, phát thuốc cho người dân vùng bị lốc xoáy tàn phá Ảnh: HT
Trưởng thôn Tịnh Đông Tây (xã Đại Lãnh) cho biết: “Do nằm bên hông xã Đại Hồng nên khi lốc dữ tràn qua, thôn Tịnh Đông Tây đã có 42 nhà sập và tốc mái, 6 người bị thương. Đáng lo là các gia đình bị sập và tốc mái nhà đều vừa chịu tổn thất nặng nề do cơn bão số 6/2006. Người dân chỉ làm nông nên nhà cửa, hoa màu hư hại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống trong những ngày tới”.
Có thể nói, mặc dù cơn lốc đi qua đã 2 ngày nhưng hậu quả để lại cho người dân trong vùng vẫn hết sức nặng nề. Trong những ngày này, việc khắc phục hậu quả thiên tai đang được UBND huyện Đại Lộc và chính quyền hai xã Đại Hồng, Đại Lãnh triển khai rất quyết liệt.
Trong khi chờ tiền hỗ trợ từ tỉnh chuyển về, UBND huyện Đại Lộc trích 1,2 tỉ đồng từ Quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai và ngân sách dự phòng hỗ trợ cho những người bị thương, những hộ có nhà bị sập và tốc mái hoàn toàn... mua tôn lợp lại nhà và ổn định lại cuộc sống. Ngoài số tiền hỗ trợ của UBND tỉnh cho các đối tượng bị thương, bị sập nhà, tốc mái hoàn toàn…, huyện sẽ hỗ trợ thêm 300.000 đồng cho các hộ có nhà bị tốc mái dưới 50%.
Bòn mót chút hoa lợi còn sót lại trên cánh đồng sau cơn lốc dữ Ảnh: LN
Ngày 16/4, mỗi nhân khẩu tại vùng bị lốc xoáy đã nhận được 10 kg gạo. Các em học sinh ở đây cũng nhận được 1.000 quyển vở do học sinh ở các xã không bị lốc xoáy quyên góp. Nhiều phụ huynh tuy có nhà bị thiệt hại nhưng vẫn tập trung giúp dựng lại mái trường để con em có chỗ học hành. Ông Trương Công Kích cho biết, trong sáng 17/4 sẽ tiến hành lợp và khắc phục tất cả các phòng học đã bị tốc mái để chiều cùng ngày các học sinh có thể đi học lại bình thường.
Bên cạnh đó, việc dựng lại nhà cửa, khôi phục đường giao thông cũng là công việc quan trọng hàng đầu đang được triển khai tích cực. Huyện Đại Lộc huy động mỗi xã 1 tiểu đội dân quân cơ động và thanh niên tình nguyện của huyện đến giúp dân hai xã bị lốc dữ tàn phá.
Trong ngày 16/4, hơn 300 đoàn viên thanh niên và lực lượng dân quân tự vệ tiếp tục đến xã Đại Hồng và Đại Lãnh giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai. Riêng lực lượng dân quân tự vệ xã Đại Hồng đã giúp dân dọn dẹp 24 nhà sập, đóng và lợp lại 8 nhà tốc mái, dọn dẹp gần 1km đường giao thông.
Chuyển gạo cứu trợ đến cho người dân vùng bị lốc xoáy tàn phá Ảnh: HT
Đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam tiếp tục khám và chữa bệnh tại chỗ cho những người bị thương. Đồng thời tăng cường thêm 15 cơ số thuốc để phát cho người dân 2 xã Đại Hồng và Đại Lãnh. BS Tô Mười, quyền Giám đốc Bệnh viện này cho biết: Sức khoẻ 3 nạn nhân của cơn lốc xoáy chiều 14/4 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Nam tương đối tốt. Ban Giám đốc Bệnh viện quyết định miễn toàn bộ chi phí điều trị cho các nạn nhân này.
Riêng em Bùi Thị Lan, học sinh lớp 9 trường THCS Phù Đổng, do chấn thương quá nặng đã được chuyển ra cấp cứu và điều trị tại Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng khá nguy kịch: chấn thương đốt sống cổ, gãy xương hàm dưới. Tối 15/4, trực tiếp BS Tô Mười đã ra Bệnh viện Đà Nẵng thăm hỏi cháu Lan và động viên chia sẻ cùng gia đình.
Tuy chưa thể khôi phục được ngay hoạt động sản xuất trên địa bàn nhưng chính quyền các địa phương bị thiên tai cũng đang động viên người dân tập trung nhân lực để tiếp tục thu hoạch vụ mùa. Biết là thất bát nhưng có còn hơn không, người dân hai xã Đại Hồng và Đại Lãnh đang nỗ lực thu gom lúa, bắp, đậu phụng… còn sót lại trên các cánh đồng.
Ông Trương Công Kích nhấn mạnh: “Trước mắt, huyện huy động lực lượng tại chỗ và người dân giúp nhau với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Tinh thần chung của huyện là không để các gia đình có nhà bị sập và tốc mái không có chỗ tạm trú và bị đói trong những ngày tới!”.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi ân cần đến các gia đình bị thiệt hại do lốc xoáy tại tỉnh Quảng Nam
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam có biện pháp giúp đỡ nhân dân vùng bị thiên tai sớm ổn định đời sống và sản xuất. |
-
Lê Nguyên