(VietNamNet) - Con đường nối cảng Vũng Áng vừa mở xuyên rừng Thuận Hóa, dân Hà Tĩnh, Quảng Bình ven đường tận dụng ngay để ồ ạt đốn cây, chuyển "lộc" về xuôi.
|
Gỗ nằm dài trên đường xuyên Á |
Đổ xô vào rừng hạ cây
Một ngày đầu tháng tư, PV VietNamNet được K. - một người dân xã Thuận Hoá, (Tuyên Hoá, Quảng Bình) đưa vào rừng Thuận Hoá, vùng rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của phía bắc tỉnh này, nơi đường xuyên Á (nối cảng Vũng Áng) đang được mở xuyên qua.
Trước khi dẫn phóng viên vào rừng, K. ngần ngừ: "Xa lắm, vô đến tận chỗ người ta cưa xẻ gỗ trong rừng thì phải đi bộ cả ngày trời, trời mưa đường bùn lầy khó đi lắm... Chỉ khi nắng ráo, chạy xe máy theo đường xuyên Á mới mở, tạt vào triền núi ở hai bên đường khoảng chừng cây số mới đến điểm khai thác gỗ...”.
K. cũng cho biết thêm, rừng vùng này chủ yếu là gỗ táu, dầu và các loại cây gỗ từ nhóm 5 đến nhóm 8. Tuy nhiên, tại vùng ngoài của rừng, cây gỗ lớn không còn nhiều, nên phải vượt qua triền núi hai bên đường vài trăm mét mới đến được các điểm khai thác gỗ.
Tại cửa rừng lúc 5h sáng, mặc dù trời mưa tầm tã nhưng hàng chục nhóm người đã mang vác đồ nghề, dẫn trâu lặng lẽ theo đường xuyên Á vào rừng. PV VietNamNet nhập vào đoàn người ở thôn Ba Tâm (xã Thuận Hoá) để cùng vào rừng. Ông T kể không giấu diếm: “Mấy hôm nay trời mưa nên người vào rừng còn ít, ngày nắng ráo thì đông vui hơn nhiều...”.
Trời sáng dần, càng dễ thấy những vết trâu kéo gỗ còn mới hằn rõ trên mặt đường; thỉnh thoảng lại gặp những xe trâu kéo gỗ xuôi dốc về. Một người khai thác gỗ cho hay, trời mưa đường bùn lầy nên chỉ có trâu kéo gỗ thôi, ngày nắng ráo, đường khô thì sẽ chuyển gỗ bằng... công nông!
Xế trưa đoàn người mới tới được điểm khai thác gỗ. Từ đường xuyên Á, lần theo con đường mòn có dấu vết trâu kéo gỗ, tạt xuống triền núi vài trăm mét, thấy lấp ló nhiều điểm cưa xẻ gỗ mọc lên... Từ ngoài đường, đã nghe tiếng ầm ào của máy cưa, máy xẻ. Vượt qua triền núi hai bên đường vài trăm mét, âm thanh càng sôi động. Tiếng ù... ù của động cơ máy cưa tiếng bôm bốp của dao chặt cành chen lẫn tiếng cây đổ rào rào.
Bày trước mắt PV VietNamNet, hàng trăm cây gỗ lớn bị chặt hạ... Rừng tan hoang từng khu vực, gỗ chồng chất lên nhau, những mảnh ván gỗ bìa còn tươi rói văng tứ tung... Có những điểm gỗ đã được chuyển đi, có nơi gỗ được xếp đống chờ trâu kéo xuống núi...
|
Lán của lâm tặc trong rừng Thuận Hóa |
Khi đến gần một điểm cưa xẻ gỗ, chúng tôi được "mục sở thị" 4 người nhễ nhại mồ hôi dùng cưa máy cầm tay cật lực đốn hạ cây gỗ... Cây đổ, họ lại cắt gỗ thành những đoạn 3, 4m, xẻ thành từng tấm...
K. cho biết, cứ mỗi lần tìm được điểm khai thác gỗ là dân khai thác lại lập lán trại, dựng xưởng cưa di động tại chỗ, dùng cưa máy, hạ cây xuống, xẻ thành tấm. Cưa xong cây gỗ này lại chuyển lán sang chỗ có nhiều cây gỗ khác để tiếp tục cưa xẻ. Cứ một máy cưa xách tay này trung bình một ngày có thể cưa hạ và xẻ được trên 1 khối gỗ. Và để có được 1 khối gỗ thì phải đốn hạ ít nhất 2-3 cây gỗ lớn. Một cây gỗ bị đốn hạ xuống thì làm gãy hàng loạt cây rừng khác và độ phát quang rừng để cưa một cây gỗ là 30-40 m2.
Theo K. chỉ riêng tại vùng rừng này có khoảng 40 - 45 máy cưa xách tay chạy bằng xăng hoạt động.
Đây đó, tại những vạt rừng đã bị chặt hạ, sót lại những cây gỗ có đường kính nhỏ khoảng 30 -40cm, đã được đánh dấu gốc để chuẩn bị đợt khai thác lần thứ hai.
Hả hê xơi "lộc rừng" nhờ... mở đường!
Đến vùng rừng Thuận Hoá thuộc các tiểu khu 29, 51, 52 và 53, mới thấy tài nguyên của rừng Tuyên Hoá còn phong phú lắm. Cây gỗ của rừng Thuận Hoá cao bời bời, thẳng tắp, mọc chen nhau, toàn là táu, dầu... Có những khu rừng thuần loài gỗ táu - một trong bốn loài gỗ quý (tứ thiết) thuộc nhóm 2. Táu mọc ken dày, thẳng tắp và càng gần đỉnh dốc mật độ càng nhiều. Có những cây cao hai ba chục mét, đường kính gốc 50-60 cm, mà theo dân đi rừng, thì những cây như thế là rất hiếm hoi đối với loài gỗ này.
Quan sát xung quanh, PV VietNamNet nhận thấy rừng này rất thoáng, ít cây tạp, chỉ có lớp cây gỗ có giá trị to cao, mọc thẳng, nên "lâm tặc" vào khai thác dễ dàng.
|
Gỗ còn lại trong rừng |
Theo tiết lộ của một cán bộ lâm nghiệp ở huyện Tuyên Hoá, rừng Thuận Hoá là điểm nóng nhất về nạn khai thác gỗ lậu của tỉnh Quảng Bình còn bởi đường xuyên Á đang mở xuyên qua. Dân các xã vùng ven tuyến đường này (của cả 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) lập tức tận dụng con đường mới mở để vận chuyển gỗ, chớp thời cơ các cơ quan chức năng “bỏ ngỏ” tuyến đường này để tranh chấp nhau từng cây gỗ quý, tranh thủ từng khoảng thời gian nắng ráo để vào rừng hưởng "lộc"... Thậm chí, “lâm tặc” của Hà Tĩnh cũng “lăm le” nhảy vào “xí phần” khai thác gỗ ở đây.
Người dân vùng này vẫn thừa nhận, gỗ lậu qua lại trên địa bàn suôn sẻ, cả đường bộ lẫn đường sông. Có người còn bảo: Nếu không như thế thì làm sao có thể chuyển hết được lượng gỗ lớn chặt hạ hàng ngày trong các cánh rừng?
Dư luận đang rộ lên: Khai thác và vận chuyển gỗ trái phép dễ như thế là nhờ có sự thông đồng của một số người có trách nhiệm trong bảo vệ rừng ở địa phương. Bởi cách đây hơn một năm, tổ chống lâm tặc, bảo vệ rừng của xã Thạch Hoá, do ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng cũng đã “thông đường” cho lâm tặc một cách trắng trợn, bị công an bắt quả tang.
Mặc dù chưa thể có được những bằng chứng cụ thể về tiêu cực của một số cá nhân thuộc lực lượng bảo vệ rừng, nhưng dễ trả lời cho việc tại sao lâm tặc ồ ạt khai thác gỗ trong rừng Thuận Hóa một cách công khai và sau đó gỗ lậu lại ồ ạt về xuôi “ung dung” như vậy.
Dư luận lo ngại đến một ngày, rừng Thuận Hoá chỉ còn là rừng “dây leo, bụi rậm”!
|
Gỗ mới khai thác, được xẻ thành tấm lớn | |
|
Trâu kéo gỗ trên đường xuyên Á | |
|
Cây bị đánh dấu để khai thác "lần 2" | |
|
Những cây gỗ chưa kịp xẻ | |