221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
823086
Người Việt ở Lebanon: "Đang đếm từng ngày để trở về"!
1
Article
null
Người Việt ở Lebanon: 'Đang đếm từng ngày để trở về'!
,

(VietNamNet) - Trong sự liên lạc đứt quãng, đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Lebanon cho biết, mọi người đã sẵn sàng trở về nước dù còn một vài lấn cấn.

>>>Thủ tướng chỉ thị giúp công dân VN tại Lebanon về nước
>>>Bộ Ngoại giao nhờ 12 nước giúp công dân VN rời Lebanon
>>>Danh sách cập nhật những người Việt chuẩn bị sơ tán

23h ngày 26/7, liên lạc với anh Hoàng Minh Trung (đại diện đầu mối thông tin của những người Việt tại Lebanon), trong sự ngắt quãng của điện thoại và rớt mạng Internet liên tục, rốt cuộc VietNamNet cũng thấy được sự hồ hởi của những người Việt Nam trong vùng giao tranh, sau nhiều ngày sống dưới làn mưa bom chiến sự...

"Biết mình đã có đường về"

"Qua thông tin báo chí, biết Thủ tướng đã chỉ thị, chúng tôi biết mình đã có đường về", anh Trung không giấu được sự hồ hởi.

Một gia đình người Lebanon chạy khỏi vùng giao tranh ở miền Nam Lebanon.

Chính anh Hoàng Mạnh Trung, còn có tên là Hoàng Mạnh Hà đã gửi thư tới các phương tiện truyền thông, thông báo về tình hình những người Việt Nam đang mắc kẹt lại Lebanon và đề nghị giúp đỡ di tản họ ra khỏi vùng chiến sự.

Chiến sự tại Trung Đông đã bước sang ngày thứ 15. Hàng trăm người Việt tại Lebanon vẫn đang mắc kẹt giữa vùng chiến sự. Ít nhất, có 4 người: Đỗ Thị Lan, Lê Thị Xoa, Hoàng Thị Tuyết, Đinh Thị Phương đã "lọt thỏm" giữa vùng trọng điểm đánh bom của Israel.

"Chị Lê Thị Xoa đã có mặt tại nhà tôi từ sáng hôm nay (26/7)", anh Trung cho biết. Mấy ngày gần đây, khu vực anh Trung ở không còn cảnh bom rơi trực tiếp, mặc dù vẫn nghe tiếng bom nổ, rất gần.

Như vậy, còn 3 người vẫn ở trong vùng bom đạn. Liên lạc với chị Hoàng Thị Tuyết vào rạng sáng nay (27/7), VietNamNet chỉ gặp 1 phụ nữ giúp việc người Philippines. Chị này cho biết chị Tuyết đã rời nhà tới tạm trú cùng 1 người bạn. Chị Đỗ Thị Lan cũng đã rời khỏi nhà chủ.

Trước đó, gia đình chủ nhà mà chị Tuyết phục vụ trước khi lánh nạn đã mang theo hết toàn bộ giấy tờ của chị. Cả chị Tuyết và chị Lan đang bị chủ nhà nợ nhiều tháng lương, đến hàng ngàn USD.

Anh Trung cũng cho hay, tất cả người Việt ở Lebanon ở vùng nguy hiểm hiện nay đã tập trung hết về những nơi an toàn.

Liên tục trong mấy ngày gần đây, ông Lê Tiến Ba (Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập), thường xuyên gọi điện thoại cho anh Trung để cập nhật thông tin hoàn cảnh những người Việt Nam đang mắc kẹt tại Lebanon. 5h chiều 26/7 (23h, giờ Việt Nam), những người Việt ở Lebanon đang chờ đợi sự có mặt của ông Trần Việt Tú (Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập) tại Beirut để bàn bạc về phương án di tản.

Hiện nay, những người Việt tại Beirut cũng đã chủ động liên lạc với đại diện tổ chức IOM để chuẩn bị di tản. Tuy nhiên, việc di tản khỏi Lebanon bằng con đường nào, hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Trong khi đó, đại diện cao cấp của IOM tại Việt Nam, ông Trần Quốc Nam cho biết, việc di chuyển bằng ô tô vẫn là phương án được ưu tiên.

"Hiện nay việc di tản khỏi Beirut bằng đường thuỷ là an toàn nhất", anh Trung khẳng định với VietNamNet. Lý do của việc này vì khoảng cách tới quốc đảo Síp là khá gần. Rất nhiều quốc gia đã sử dụng con đường này để đưa công dân nước họ rời khỏi Lebanon. Đồng thời, hàng viện trợ của các nước hiện nay phần lớn phải đưa vào Lebanon qua cảng Beirut.

Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng đường biển để di chuyển, thì Chính phủ Việt Nam cần thiết phải có sự đồng ý của phía Israel. Hiện nay, cảng Beirut đã bị quân đội Israel phong toả.

"Đếm từng ngày để trở về"

Đến thời điểm này, căn nhà anh Trung đang ở tại Beirut cũng chính là địa điểm tập kết mà rất nhiều người Việt tìm đến. Trong số đó, có 5 người bị mất hộ chiếu. Anh Trung cho hay, anh đã phải thuê thêm 1 chỗ trọ gần nơi mình ở cho mọi người tạm trú.

Điều rất may mắn, trong số những người Việt Nam đã liên lạc được, không có ai bị thương.

Soạn: AM 849273 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một gia đình người Pháp được giúp đỡ lên tàu thuỷ rời khỏi Beirut ngày 25/7/2006. Ảnh: AP.

Những ngày qua, trong hoàn cảnh khó khăn, những người Việt ở Beirut đang cố gắng đùm bọc lẫn nhau. Phần lớn trong số họ sang Lebanon để làm thuê (thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 200 - 300 USD) nên số tiền tích luỹ được rất hạn chế. Vì vậy, trong hoàn cảnh khó khăn, lương thực cần nhiều, ai có khả năng thì cố gắng giúp những người còn lại.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, "tâm trạng mọi người đều đang bất ổn và mệt mỏi. Cũng chẳng còn ai có bụng dạ để mà ăn uống", anh Trung nói. Rất đông người ở nhà anh Trung tại Beirut chỉ ăn cầm hơi hằng ngày, còn ban đêm thì thức trắng, thay nhau canh chừng tiếng bom.

Tất cả họ đang đếm từng ngày để có thể nhận được sự trợ giúp để nhanh chóng lên đường về nước. Nghe tin chuẩn bị sơ tán khỏi Lebanon, đa số người Việt rất phấn khởi và cho biết đã đóng đồ để sẵn sàng lên đường. “Tôi vui quá nên đã làm vỡ cả vali nhựa”, chị Trần Thị Mừng không giấu được sự hồ hởi khi nói qua điện thoại.

Có một điều lo lắng hiện nay, là "rất nhiều người không biết về nhà sẽ tiếp tục làm gì để sống", anh Trung cho biết thêm. Khá nhiều người trước khi sang Lebanon lao động đều "là niềm hy vọng của cả gia đình, ôm theo một món nợ". Vì vậy, những người đang bị chủ nhà nợ lương thì "việc phân vân vì tiền lương là có thật".

"Ngày ra đi ai chẳng có kỳ vọng. Vậy mà nay, nếu về được, thì cũng với hai bàn tay trắng cộng với những món nợ gia đình. Vật chất thì có thể làm lại được. Nhưng tâm lý thất trận thì mọi người đều nghĩ ngợi rất nhiều", anh Hoàng Minh Trung thuật lại tâm trạng của những người Việt anh đã gặp.

Số người Việt cần di tản có thể dưới 150

Liên tục nhiều ngày qua, những đầu mối thông tin của người Việt tại Lebanon (anh Hoàng Minh Trung, Bùi Văn Dũng) đã cố gắng tìm kiếm, tập hợp danh sách những người Việt Nam đang mắc kẹt trong vùng chiến sự.

Thậm chí, họ đã vào tận những vùng tử thần để tìm kiếm, liên lạc với những người đang mắc kẹt giữa làn bom đạn.

23h40' ngày 26/7, anh Trung cho hay, anh đang cầm trên tay bản danh sách vừa cập nhật, số người Việt Nam đã liên lạc được đã là 130 người. Đó là con số thống kê mới nhất sau khi anh Hoàng Minh Trung, anh Bùi Văn Dũng liên lạc với nhau lúc 5h chiều 26/7 (23h ngày 26/7, giờ Việt Nam).

"Tất cả mọi người đều đã chuẩn bị sẵn sàng có mặt tại điểm tập trung khi có lệnh di tản. Người ở xa nhất, có thể đến Beirut trong vòng 1h đồng hồ", anh Trung nói.

Hiện nay, những người Việt Nam đã xác định được địa chỉ, số điện thoại liên lạc đang cố gắng bằng mọi giá tìm kiếm tất cả những người còn lại, đặc biệt là những người có thể còn sót lại trong vùng bị đánh phá.

VietNamNet cũng đã chuyển tới đại diện người Việt tại Beirut bản danh sách thống kê 147 người đang mắc kẹt tại Lebanon vừa được Bộ Ngoại giao Việt Nam cập nhật cuối ngày 26/7. Anh Hoàng Minh Trung cho hay, anh biết phần lớn số người trong bản danh sách này. Rất nhiều người trong số đó đang có mặt tại những điểm tạm trú mà người Việt Nam đã chuẩn bị sẵn cho nhau tại Beirut.

Sáng ngày 27/7 (giờ Việt Nam), ngay sau khi ông Trần Việt Tú có mặt tại Beirut, sẽ có cuộc gặp gỡ với đại diện người Việt Nam tại đây, đồng thời làm việc với IOM bàn phương án di tản.

Đồng thời, việc đối chiếu, rà soát giữa 2 bản danh sách của Đại sứ quán Việt Nam (147 người) và bản danh sách đang có tại Beirut (130 người) để có chính thức bản danh sách những người Việt Nam đang có mặt tại Lebanon, sẽ được tiến hành ngay lập tức, trước khi phát lệnh tập trung di tản.

Hiện nay, việc liên lạc với những người Việt Nam đang mắc kẹt tại Lebanon đang được tiến hành rất khẩn trương.

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức mình, để không bỏ sót 1 người nào ở lại, trước khi lên đường di tản. Ngày mai, tôi sẽ tiếp tục vào những vùng đang bị đánh bom, để tìm kiếm thêm. Nhưng số người nếu chưa liên lạc được, chắc chắn là rất ít", anh Trung nói với VietNamNet.

VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin về việc tìm kiếm và di tản những người Việt Nam đang mắc kẹt tại Lebanon trong thời gian sớm nhất.

  • Hà Trường - Việt Lâm

Công dân Việt Nam cũng có thể liên hệ qua di động của đại sứ Lê Tiến Ba00.20.10.443.67.56, số của tham tán Trần Việt Tú là 00.20.10.256.43.46. Ông Tú hiện đang trên đường tới Lebanon để hỗ trợ công dân Việt Nam sơ tán khỏi nước này.

Ngoài ra, VietNamNet cũng rất mong nhận được thêm các chi tiết chính xác về tên tuổi và sốngười Việt ở Lebanon. Xin gửi các thông tin về theo địa chỉ hotnews@vasc.com.vn hoặc theo mẫu bên dưới.

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,