221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
777888
Chỉ có thể lấp các lỗ hổng Văn Thánh bằng trí tuệ!
1
Article
null
Chỉ có thể lấp các lỗ hổng Văn Thánh bằng trí tuệ!
,

(VietNamNet)- Sự hư hỏng của cầu đường 100% là do con người. Đất, Nước, Lòng tin cứ mất dần với thời gian vì sự “hụt hẫng về trí tuệ và đạo đức”. Đó là tiếng thở dài ngao ngán của GSTS Nguyễn Trường Tiến

Soạn: AM 733869 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Lỗ hổng dưới sàn giảm tải cầu Văn Thánh lại xuất hiện, đường Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục lún với tốc độ từ 1,2cm đến 2cm một tháng. Nhà thầu đang bơm vữa xi măng để lấp đầu các lỗ rỗng.
Trách nhiệm về một công trình tệ hại toàn diện - đầu đề của Báo Thanh niên ngày 23/3/2006)- được quy cho đơn vị tư vấn giám sát (Phân viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải phía Nam) và đơn vị tư vấn thiết kế Tedi South. Thành phố Hồ Chí Minh đang đợi giải pháp cứu chữa Cầu và đường của Bộ Giao thông vận tải.

Đổ lỗi và ... ái ngại

Nhiều đoàn kiểm tra đổ lỗi cho điều kiện đất yếu, yêu cầu đưa công trình vào sử dụng sớm và quy cho rủi ro nghề nghiệp … Người dân bức xúc về những sự cố liên tục xẩy ra với cầu Văn Thánh, hầm chui cầu Văn Thánh và ở trong những ngôi nhà sát cầu Văn Thánh. Nhiều “Bác sĩ” – “Nhà tư vấn” đã phát biểu về nguyên nhân gây lún và đề xuất phương án xử lý cầu Văn Thánh một cách toàn diện từ 2002 cho đến nay, song chưa được xem xét. Các nhà quản lý và một số chuyên gia đưa ra giải pháp chờ lún và đắp bù lún, trong lúc lún của công trình đã được bù lún hơn cả thước .

Thật ái ngại và có cảm giác không an toàn khi đi qua đường Nguyễn Hữu Cảnh và vượt cầu Văn Thánh và bên dưới đang lún, tiềm ẩn sự xuất hiện của các lỗ hổng và hang ngầm như cạm bẫy.
Thật lo lắng cho người dân sống trong những căn nhà ven đường bị nghiêng theo độ lún của công trình như tháp Pisa của Ý và chưa biết bao giờ công trình dừng lún và nhà hết nghiêng?

Thật ra trên đất nước chúng ta còn nhiều công trình bị lún, nứt, tiềm ẩn lỗ hổng và hang ngầm, đất bị trượt lở xuống sông biển … Đất, Nước, Lòng tin cứ mất dài với thời gian vì các Lỗ hổng và Hang ngầm đang bị lấp đầy bởi sự “hụt hẫng về trí tuệ và đạo đức” (câu chữ của nhà ngoại giao Nguyễn Trung).

Lún nứt, các lỗ hổng và hang ngầm, trượt lở đất đã và đang chứa đầy sự nghèo đói về Trí tuệ, về Văn hoá, về Nhân cách làm người, tinh thần vô trách nhiệm và trượt dài về Đạo đức và văn hoá của chúng ta.

Những lỗ hổng chết người trong chủ trương, quyết định

Chúng ta không nên đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan, đổ lỗi cho đất yếu. Đất được coi là Mẹ, Trời được coi là Cha. Khi đặt bất kỳ công trình gì lên đất phải hiểu đất mẹ sẽ ứng xử và suy nghĩ gì? Nên làm như thế nào để có sự cân bằng Âm Dương (Phần ngầm dưới đất là Âm, phần công trình nổi lên mặt đất là Dương).

Phải có giải pháp kỹ thuật gì để công trình ổn định, bền vững, trường tồn vì một cuộc sống có chất lượng hơn.

Dòng sông là con đường của Thiên tạo, đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh là con đường của Nhân tạo. Sự hư hỏng của cầu đường chỉ có lý do 100% là do con người. Người quản lý, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính.

Nếu chữa bệnh cho con người phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh và bác sĩ giỏi thì chữa bệnh cho cầu cũng vậy. Không có bác sĩ giỏi là người tư vấn chuyên nghiệp, có đạo đức nghề nghiệp (y đức) không thể chữa được bệnh Văn Thánh.

Một công trình “tệ hại toàn diện” đã bộc lộ những yếu kém toàn diện về chất lượng con người. Các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và cách ứng xử của các nhà quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn … (họ là 4 người liên quan đến công trình) đã bộc lộ những yếu kém của chúng ta về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và giáo dục đào tạo.

Những lỗ hổng và hang ngầm, sự lún sụt của đường, các vết nứt là sự biểu hiện không thể chối cãi được của các lỗ hổng và hang ngầm gây chết người về chủ trương, quyết định giao nhiệm vụ, quan niệm, hiểu biết, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của mỗi chúng ta với cộng đồng, với xã hội và với người dân.

Bác sĩ kê đơn sai, nhần lẫn có thể một bệnh nhân thiệt mạng. Một công trình hư hỏng, tệ hại, kém chất lượng, đổ vỡ có thể gây chết nhiều người. Mọi người mất thời gian, nhiên liệu và có cảm giác không an toàn khi tham gia giao thông trên các cầu đường có chất lượng kém. Song nguy hại hơn cả là xã hội, cộng đồng mất niềm tin vào chính con người và sự lãnh đạo.

Xin hãy bỏ ngay “sáng tạo kiểu Việt nam”

Thực tế công trình cầu Văn Thánh và đường Nguyễn Hữu Cảnh còn tiếp tục lún. Nhiều điểm sẽ lún hơn 1m và kéo dài với giải pháp bù lún. Lún do nền đất yếu, chờ lún và đắp bù lún sẽ tiếp tục chất thêm tải trọng lên nền đất yếu. Công trình lại tiếp tục lún, lại chất thêm tải trọng … sẽ là quá trình lặp đi lặp lại.

Xin các nhà quản lý và các nhà kỹ thuật loaị bỏ ngay khái niệm chờ lún và đắp bù lún. Khái niệm này là một “sáng tạo kiểu Việt Nam” và chỉ làm ta “yên tâm” nằm trên những lỗ hổng chứa đầy sự thiếu trách nhiệm và thiếu sự trung thực nghề nghiệp.

Việc CIENCO 6 đang bơm vữa xi măng làm đầy các lỗ rỗng để đảm bảo giao thông là một giải pháp “cực chẳng đã”. Đất yếu đang bị chất thêm tải trọng với dung lượng lớn hơn đất đắp và trong tương lai lại phải bơm tiếp vì còn tiềm ẩn nhiều lỗ hổng.

Lún sụt đường Nguyễn Hữu Cảnh và Cầu Văn Thánh là sự tụt hậu của chúng ta. Giải pháp sử dụng bấc thấm (bản nhựa) để xử lý đất yếu là lựa chọn đúng đắn của tư vấn thiết kế. Kỹ thuật này đã được các bạn Thuỵ Điển chuyển giao cho Việt Nam từ cách đây 26 năm (1980) với sự chỉ đạo giúp đỡ của đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, đồng chí Nguyễn Mạnh Kiểm …

Bấc thấm cho phép rút ngắn thời gian cố kết và khử độ lún công trình trong giai đoạn thi công. Giải pháp kỹ thuật này đã được sử dụng thành công cho hàng trăm dự án ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh … Rất tiếc tại công trình cầu Văn Thánh đã chất tải không đủ thời gian theo yêu cầu kỹ thuật. Việc sử dụng cọc cừ tràm quá ngắn (so với chiều dầy lớp đất yếu và bề rộng của đường) là một giải pháp không phù hợp. Cho dù nhà thầu đóng đủ cọc và đủ chiều dài (khoảng 4 – 5 m) thì chỉ có tác dụng tăng sức chịu tải của nền song công trình vẫn bị lún. Việc đắp đất tôn nền trên đất yếu tại Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang, Hải Phòng, Hà Nội … để xây dựng công trình Thị Vải, (LPG), đường xá, nhà ở vượt lũ … khu công nghiệp đều là những bài học quý cho các nhà quản lý, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu.

Không ít công trình mắc “bệnh Văn Thánh”

Chúng ta có hàng loạt công trình có căn bệnh mang tên Văn Thánh. Tiềm ẩn lỗ hổng, bị lún tới hàng thước, bị trượt lở … lý do chính là sự hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp của các kỹ sư tư vấn. Khoảng 1.000 cụm tuyến dân cư vượt lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng trong 3 năm vừa qua thiếu tài liệu khảo sát địa chất công trình, thiếu kết quả dự báo lún, thời gian lún. Nhiều kỹ sư không biết tính lún và không kể đến tải trọng của khối đất đắp khi tính lún công tình nhà ở, trường học, bệnh viện … trên nền đất đắp. Cách đây 20 năm chúng ta đã có bài học về cứu chữa công trình Nhi Thuỵ Điển (Hà Nội) khi xây dựng công trình trên nền đất đắp và không xử lý.

Người kỹ sư phải tiếp tục học, học suốt đời, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và được đăng bạ theo tiêu chuẩn quốc tế để hội nhập. Họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về các ý kiến tư vấn độc lập của mình và chữ ký của mình trên bản vẽ. Khó khăn lớn của chúng là thiếu đội ngũ kỹ sư có chất lượng, có tính chuyên nghiệp, biết tiếng Anh để học tập, giao lưu quốc tế và cập nhập thông tin. Khó khăn thứ hai là chính sách lựa chọn và sử dụng người tài. Chúng ta chưa khai thác được tiềm năng con người, tiềm năng của các nhà khoa học kỹ thuật để xây dựng cầu Văn Thánh và hàng loạt công trình không bị lún, nứt, sụp đổ và tồn tại các lỗ hổng …

Quyền lực hành chính trói tay chuyên môn!

Văn Thánh còn dạy cho chúng ta bài học về phương pháp làm việc và quản lý. Cách đây hơn 4 năm, một đồng chí Bộ trưởng kiểm tra cầu Văn Thánh và kết luận không có vấn đề gì về kỹ thuật … sự cố cầu Văn Thánh và đường Nguyễn Hữu Cảnh đã liên tục được kiểm tra, thanh tra, cảnh báo … song vẫn “chờ đợi cấp trên cho ý kiến chỉ đạo” hoặc sự cố thuộc về trách nhiệm tập thể nhưng thành tích lại thuộc về cá nhân.

Đây là thói quen dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp và dũng khí của con người. Lựa chọn sai người đứng đầu, lựa chọn sai chủ đầu tư, lựa chọn sai người chủ trì thiết kế, chủ trì giám sát, chủ trì thi công thì làm sao chúng ta có công trình có chất lượng và đầu tư có hiệu quả được. Chúng ta vẫn dùng hành chính hoá thay cho chuyên nghiệp hoá.  Nhiều người vẫn dùng “văn hoá phong bì” thay cho văn hoá dân tộc. Nhiều cán bộ lãnh đạo vẫn “dụy ý chí” sử dụng quyền lực của mình để thay thế lời tư vấn của các nhà khoa học kỹ thuật chân chính.

Tiền, Quyền lực, Trí tuệ là ba đỉnh của một tam giác đều. Ba điểm mới dựng được một mặt phẳng để xây dựng công trình. Nếu thiếu trí tuệ, thì tiền và quyền lực chỉ là một đường thẳng, và có thể dẫn đến thẳng T16 như vụ án PMU18. Nếu gặp một ca bệnh khó chữa ngành y có thói quen là “Hội chẩn” và mời các bác sĩ đầu ngành tham gia. Bệnh nhân Văn Thánh cũng vậy cần có Hội chẩn của các nhà kỹ thuật chuyên nghiệp và tư vấn độc lập. Họ không bị ràng buộc bởi quyền lực và tiền bạc. Họ có trí tuệ, văn hoá, bản lĩnh nghề nghiệp và dũng khí để nghiên cứu, phân tích và đề xuất giải pháp cứu chữa một cách hiệu quả nhất.

Văn Thánh dạy chúng ta trong những ca bệnh cấp cứu như thế này nên phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội KHKT, Tổng Hội xây dựng, Hội cầu đường, Hội địa chất công trình, Hội cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình … Nên lựa chọn các đơn vị tư vấn chuyên ngành như Viện KHKT xây dựng, Giao thông, Viện Địa kỹ thuật, Công ty cổ phần tư vấn AA … và quan trọng nhất là lựa chọn chuyên gia đầu ngành để bắc mạch, kê đơn.

Trong xu thế hội nhập và muốn làm bạn với tất cả mọi người, người kỹ sư phải đạt trình độ, kỹ năng nhất định và có bản lĩnh nghề nghiệp. Xã hội phải tôn vinh kỹ sư chuyên nghiệp, ý kiến tư vấn phải có giá trị. Người tài phải được trọng dụng …
.
Công trình cầu Văn Thánh, đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn toàn có thể cứu chữa với những giải pháp kỹ thuật và công nghệ ưu việt nhất như chúng ta đã thực hiện cho nhiều công trình. Các lỗ hổng – hay ngầm cầu Văn Thánh sẽ được lấp đầy bằng trí tuệ, tình yêu và bản lĩnh nghề nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng. Lún và nứt sẽ được chặn đứng bằng văn hoá và dáng đứng Việt Nam trên đường băng Tân Sơn Nhất của nhà thơ Lê Anh Xuân, của đất nước Vạn xuân với văn minh tình người.

  • GS. TS. Nguyễn Trường Tiến
    (Chủ tịch Hội cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình  Việt Nam)

Quan điểm của bạn?

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,