221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
729486
TP.HCM: Động đất lại xảy ra, nhiều nơi hoảng loạn
1
Article
null
TP.HCM: Động đất lại xảy ra, nhiều nơi hoảng loạn
,

(VietNamNet)- Hàng trăm nhân viên đang làm việc tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn (37 Tôn Đức Thắng, Q1, TP.HCM) hoảng hốt ùa chạy ra khỏi tòa nhà trong cơn dư chấn xảy ra vào khoảng 15h ngày 8/11.  

Người dân TP.HCM hoảng loạn vì động đất

 

Chị Hương, chủ dịch vụ gởi xe bên cạnh tòa nhà cao tầng trên cho biết, hầu hết nhân viên đang làm việc tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn (Saigon Trade Center) hốt hoảng chạy ùa ra khỏi tòa nhà. Một số người vội vàng bấm điện thoại gọi về cho gia đình và thân nhân. Họ đứng tràn ra đầy đường Tôn Đức Thắng, khuôn mặt đầy lo lắng.

 

Soạn: AM 612899 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cảnh nhốn nháo tại Trung tâm Thương mại Sài Gòn chiều ngày 8/11.

 

PV VietNamNet có mặt ngay sau trận dư trấn đã chứng kiến cảnh mọi người ở đây còn thở dốc, chưa thể lấy lại bình tĩnh kể lại: “Chúng tôi thấy tòa nhà rung động mạnh quá nên đã vội vàng chạy ra khỏi văn phòng. Sợ quá!”.

 

Anh Quốc Tuấn, nhân viên của Công ty Bảo hiểm Prudential (nằm trong tòa nhà Saigon Trade Center) kể lại: “Tôi nghe tiếng loa phóng thanh vang lên. Sau đó là giọng nói của các nhân viên bảo vệ tòa nhà yêu cầu mọi người đang làm việc di tản xuống tầng dưới. Tôi chỉ biết chạy theo quán tính vì lúc đó cũng quá sợ không còn kịp nghĩ đến điều gì nữa”.  

 

Từ khoảng 15h đến 15h30 ngày 8/11, các nhân viên, PV, Biên tập viên của Báo điện tử VietNamNet đang làm việc tại tòa nhà 12C Phan Kế Bính, P. Đakao, Q1 cũng ghi nhận được sự rung động mặt đất kéo dài khoảng 3 giây. Chi Thu Phương, nhân viên tiếp tân cho biết, chị đang ngồi làm việc trên ghế bỗng thấy ghế rung lên. Đồng thời, vào khoảng thời gian trên, chúng tôi đã nhận được nhiều email, điện thoại của bạn đọc gọi tới tấp cho chúng tôi thông báo họ vừa trải qua một cơn động đất. Một bạn đọc tên Ngô Hàn Chiêu (địa chỉ email: ngoha..@yahoo.com) viết: “Lúc 15g05, tại Q5 (TP.HCM) xảy ra một đợt dư chấn động đất mạnh, Tôi đang làm việc mà có cảm giác không gian rung chuyển mạnh”. Tại Q. Bình Thạnh, Q.8, Q2, Hóc Môn…cũng xảy ra hiện tượng rung chuyển tương tự. 

 

Nhà càng cao, nỗi sợ hãi càng tăng lên


Trước đó, rạng sáng ngày 8/11, vào khoảng 0h15 phút, liên tiếp hai trận động đất xảy ra đã được chúng tôi ghi nhận, mỗi trận kéo dài khoảng 4 giây .

 

Có mặt ngay trong đêm tại nhiều địa điểm khác nhau, PV VietNamNet được biết, hàng trăm người dân sống ở các chung cư cao tầng tại TP.HCM như: Lê Quý Đôn, Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Nguyễn Thị Nghĩa, Bùi Viện, Ngô Tất Tố… đã hốt hoảng tháo chạy từ lầu cao xuống đất  vì cảm nhận nhiều đợt rung chuyển mạnh.

 

Soạn: AM 612907 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nhiều người dân sinh sống tại các toà nhà cao tầng cho biết cảm nhận rất rõ hiện tượng động đất.

Chị Nguyễn Thanh Thủy ở phòng 902 (chung cư Ngô Tất Tố) cho biết, tủ đựng chén bát trong nhà chị va đập vào nhau kêu loảng xoảng.

 

Nhân viên bảo vệ của chung cư Ngô Tất Tố tường thuật lại như sau: Khoảng 0h20 phút, tại lô C gồm 14 tầng, nhiều người dân sống ở lầu cao hốt hoảng chạy xuống dưới đất trong tâm trạng lo lắng, trong đó đa phần là người nước ngoài. Một trong số này kể lại: “ Tôi đang ngủ bỗng thấy không gian chao đảo, chiếc quạt treo tường đang mở cũng lắc lư”.

 

Tiếp xúc với chúng tôi sáng ngày 8/11, ông Đỗ Đăng Kiều – Trưởng Ban quản lý chung cư Bùi Viện thuật lại: “Nửa đêm, tôi vẫn đang thức nằm trên giường bỗng có cảm giác như có người đánh võng. Nhà tôi ở tầng cao (tầng 6, chung cư Bùi Viện) nên cảm nhận rất rõ rệt không thể lầm vào đâu được”.

 

Rạng sáng ngày 8/11, nhiều người dân ở các chung cư cao tầng đã rất hoang mang trước những thông tin rộng rãi về động đất xảy ra cách đây vài tháng nên đã không còn giữ được bình tĩnh. Từ những tầng cao, họ khóa cửa, đùn đẩy nhau chạy xuống đất lánh nạn vì sợ chung cư sập. Theo lời người dân sống tại chung cư Bùi Viện, họ phát hiện có một số vết nứt ở khu vực lầu 7.

 

Thành phố Phan Thiết rung chuyển

 

Rạng sáng ngày 8/11, người dân ở huyện Hàm Tân (Bình Thuận) náo động vì trận động đất xảy ra giữa đêm khuya.

 

Nhiều người chứng kiến cho biết, ngay trong đêm, một tiếng nổ lớn phát ra khiến nhiều người càng thêm lo sợ vì đây là trận dư trấn xảy ra lần thứ hai tại địa phương này và cường độ mạnh hơn lần trước.

 

Bà Nguyễn Đình Phúc, xã Tân Thắng, Hàm Tân cho biết, bà đang nằm ngủ ở võng thì nghe thấy tiếng nổ lớn như tiếng mìn nổ đồng thời chiếc võng lắc lư mặc dù bà không đưa võng. Chị Thúy, ở xã Tân Thiện nói: “ Đất rung mạnh lắm! một số vật dụng làm bằng thủy tinh còn rớt xuống đất, bể loảng xoảng”.

 

Ông Huỳnh Văn Mạnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân xác nhận có một cơn địa chấn đã xảy ra hầu hết các nơi trong huyện. Tuy nhiên, tiếng nổ lớn mà người dân nghe được theo ông Mạnh có thể là sự “va chạm, dịch chuyển của các quả núi do ảnh hưởng của địa chấn chứ không phải là tiếng mìn nổ như nhiều người  ngộ nhận”.

 

Soạn: AM 612905 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một cô gái đang gọi điện về nhà tường thuật lại trận động đất vừa mới xảy ra chiều 8/11.

 

Tại trung tâm TP. Phan Thiết, ông Hồ Quốc Ấn (223 Thủ Khoa Huân, P. Phú Thủy) cho biết, khoảng 0h15, chiếc phản mà ông nằm thường ngày vẫn kê sát vào tường bỗng xê dịch khỏi tường 5cm. Ông rất hoang mang vì nghĩ “ma dọa” nhưng sáng nay nghe các thông tin thông tin đại chúng mới biết tối qua có động đất. Đến 14h45 phút ngày 8/1, thêm một trận chấn động nữa xảy ra tại trung tâm TP. Phan Thiết. Nhiều nhân viên đang làm việc trong các văn phòng chạy ra khỏi cơ quan “lánh nạn”. 

 

Tại khu vực chợ Phan Thiết người dân rất hoang mang. Một anh chạy xe ôm kể lại: anh đang ngồi trên xe đợi khách thì có cảm giác giống như đi trên thuyền. Đặc biệt, do quá hoảng sợ, nhiều người đang ngủ trưa chạy vội ra khỏi nhà. Tính đến chiều tối ngày 8/11, 4 cơn địa chấn đã xảy ra tại Bình Thuận, đặc biệt là tại TP. Phan Thiết, Hàm Tân, Mũi Né, Hàm Thuận Nam.

 

Trước những hiện tượng trên, ông Nguyễn Minh Triết- Chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: “Qua những trận động đất xảy ra hôm qua, nhiều người lo ngại sẽ xảy ra sóng thần. Tuy nhiên, dựa trên chứng cứ khoa học, chúng tôi nghĩ ở Việt Nam khó có khả năng xảy ra sóng thần. Vì hiện ượng sóng thần xảy ra phụ thuộc vào rất nhiều yếu  tố như độ chấn tiêu (tính từ độ sâu nơi hình thành động đất), vùng bị đứt gãy…Ngoài ra, địa hình đáy biển luôn có sự trồi sụt do vậy nếu có xảy ra sóng thần thì thời gian xảy ra là rất chậm có thể dự báo từ rất sớm nên có thể chủ động được. Còn về hiện tượng động đất thì cho đến nay Việt Nam chưa thể dự báo trước được.

Việt Nam sẽ lắp đặt thêm 2 trạm vi địa chấn ở Côn Đảo và Phú Quốc để ghi lại những cơn địa chấn qua đó cảnh báo được mức độ của sóng thần có thể xảy ra.

 

Ông Triết cho biết thêm, thời gian gần đây, liên tục xuất hiện nhiều vụ động đất. Nguyên nhân là do xảy ra một chu trình địa chấn mới tại các điểm đứt gãy từ vùng Duyên Hải đến mũi Cà Mau; từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Tây Ninh - khu vực Sông Sài Gòn. Tuy nhiên mức độ động đất ở khu vực phía Nam chưa bao giờ vượt quá 5,2 độ rích- te. Khu vực miền Trung và Tây Bắc là những nơi có nguy cơ xảy ra động đất và mức độ cảnh báo tới ngưỡng 7 độ rích-te.

 

Vừa qua những khu vực trên có xuất hiện một số vụ động đất nhỏ nhưng ít được quan tâm vì khu vực này có nhiều rừng núi, khi xảy  ra các cơn địa chấn có rất ít thậm chí không có người biết.

 

Soạn: AM 612903 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Vẫn còn nét bàng hoàng sau trận động đất chiều 8/11.

 

 

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia xây dựng, tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, khi thiết kế xây dựng các công trình nhà cao tầng, đường hầm, cầu vượt…đơn vị tư vấn thiết kế chưa tính đến gia tốc trong điều kiện địa chấn có thể lên tới 6 độ rích-te.

 

Các kỹ sư người Nhật đang làm việc tại Việt Nam mà chúng tôi liên hệ được cho rằng, khi đến xây dựng hay làm ăn trong ngành xây dựng tại Việt Nam, các công ty nước ngoài, tính toán kỹ lưỡng những tiêu chí kỹ thuật về vấn đề dư chấn.

 

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, rất cần thiết lập bản đồ phân vùng động đất. Vì nó giúp những đơn vị đầu tư, và nhà thầu thi công có phương án thích hợp khi xây dựng các công trình trên những vùng được khuyến cáo có khả năng xảy ra động đất.   

  • Trần Duy- Tấn Thuấn- Anh Huy
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,