(VietNamNet) - Sau khi đăng thư xin lỗi ông Trương Ngô Đại trên báo chí, chiều 7/7 VKS Đà Nẵng lại xin lỗi công khai trước dân. Thế nhưng công dân này dường như chưa ''thoả'' do chưa được đền tiền lương từ khi bị hàm oan mà mất việc đến nay; đặc biệt, chưa thấy cán bộ gây oan sai bị xử lý.
Viện phó VKS Đà Nẵng Phan Trường Sơn: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc xảy ra cho công dân Trương Ngô Đại trước đây!" |
Theo ông Phan Trường Sơn, vấn đề còn lại cần giải quyết trong vụ việc của công dân Trương Ngô Đại là bồi thường thiệt hại. Hiện hai bên vẫn chưa thoả thuận được với nhau về mức bồi thường. Tuy nhiên dẫn theo quy định tại Nghị quyết 388, ông Phan Trường Sơn cho biết mức bồi thường là 1 ngày lương cơ bản/1 ngày bị khởi tố cho thời gian từ khi khởi tố bị can đến khi đình chỉ bị can và 3 ngày lương cơ bản/1 ngày bị tạm giam oan sai. Nhà nước sẽ trích ngân sách bồi thường cho công dân bị oan sai, sau đó những cán bộ trực tiếp gây nên sự oan sai đó phải có trách nhiệm bồi hoàn lại cho nhà nước và sẽ bị xử lý hành chính.
Tuy nhiên, người tham dự không thấy ông Phan Trường Sơn đề cập gì đến những thiệt hại vật chất, tinh thần mà công dân bị oan sai phải gánh chịu sau thời gian đình chỉ điều tra bị can cho đến khi được minh oan. Chỉ thấy ông nhấn mạnh: "Theo luật thì tôi không giải thích, không trả lời chất vấn tại đây!".
Trả lời đại diện VKS Đà Nẵng, ông Trương Ngô Đại không đồng tình chuyện "trả giá", thêm bớt của VKS đối với mức bồi thường thiệt hại cho ông. Ông nói: ''Tất cả sự nghiệp, vợ con, công ăn việc làm, tài sản của tôi đã bị tiêu tán do sự oan sai mà các cơ quan tố tụng gây ra. Suốt 10 năm qua, đi đâu tôi cũng phải cúi gằm mặt xuống vì những tội mình không hề phạm phải. Nhân phẩm, danh dự của tôi bị xúc phạm, tổn thương nặng nề. Tôi là một đảng viên, gia đình có 2 liệt sĩ, 4 thương binh, 1 huân chương độc lập và 2 huân chương quân công, bản thân trải qua 2 cuộc chiến tranh, tôi tin tưởng sâu sắc vào sự sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự công minh của pháp luật. Không có niềm tin đó, tôi đã không thể sống nổi đến ngày hôm nay để chờ được minh oan. Và tôi đến đây không phải để chờ xem sẽ được bồi thường bao nhiêu tiền? Số tiền đó sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu các anh không thấy cái sai của mình mà chỉ lo chuyện mặc cả với tôi. Tôi sẽ từ chối mọi sự bồi thường nếu thấy cách xử lý của VKS không thoả đáng''.
Ông Trương Ngô Đại nhấn mạnh, ông không đòi hỏi bồi thường thiệt hại, chỉ yêu cầu VKS trả lại tiền lương từ khi ông bị hàm oan mà mất việc cho đến nay.
Ông Trương Ngô Đại công bố với báo chí đơn tố cáo hành vi tiêu cực của điều tra viên Hoàng Minh Công mà ông từng nhiều lần gửi đến các cơ quan chức năng |
''Xá tội'' kẻ gây oan đòi ăn đút lót?
Một yêu cầu nữa được ông Trương Ngô Đại đưa ra khá gay gắt trong buổi xin lỗi của VKS Đà Nẵng là phải xử lý những cán bộ đã gây oan sai cho ông. Ông nói: "Trong đơn của tôi có hai phần của một vấn đề. Một là khiếu nại việc bị oan sai, và hai là tố cáo những cán bộ có tiêu cực trong vụ việc của tôi. Tuy nhiên ở đây VKS chỉ mới giải quyết phần khiếu nại, còn phần tố cáo thì vẫn chưa đề cập đến. Tôi yêu cầu phải làm ra lẽ động cơ của những cán bộ gây oan sai cho tôi và xử lý thích đáng. Nếu không xử lý người gây ra oan sai thì vẫn sẽ còn những oan sai khác tiếp tục tái diễn!".
Trước sự chứng kiến của lãnh đạo VKS Đà Nẵng cùng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Hoà Khánh, một lần nữa công dân Trương Ngô Đại tố cáo điều tra viên Hoàng Minh Công (Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an QN - ĐN cũ) trong quá trình thụ lý điều tra vụ án, đã đòi ông phải chung chi 4,7 cây vàng. Ông Đại không chấp nhận và vì thế mà sự oan sai đã xảy ra đối với ông.
Mặc dù Viện phó VKS Đà Nẵng Phan Trường Sơn lên tiếng đề nghị không đề cập về việc này nhưng ông Trương Ngô Đại vẫn nói tiếp: "Tôi phải công khai việc này trước mọi người vì các anh không chịu giải quyết. VKS Đà Nẵng bảo đã chuyển tố cáo của tôi lên Cục Điều tra (VKS tối cao) nhưng tại sao 3 năm rồi vẫn chưa thấy trả lời?”.
Sau đó, ông Trương Ngô Đại đưa cho PV VietNamNet xem một số văn bản liên quan đến sự việc của ông. Những giấy tờ này cho thấy đến tháng 5/2002, các cơ quan tố tụng của TP Đà Nẵng vẫn chưa thừa nhận làm sai trong vụ việc đối với ông Đại, thể hiện qua văn bản 80/PC16 (10/5/2002) của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an Đà Nẵng) trả lời rằng việc đình chỉ điều tra bị can đối với ông Đại là do "có sự chiếu cố về quá trình tham gia cách mạng của ông". Thực chất của sự "chiếu cố" này như thế nào thì đã rõ!
Riêng về lời tố cáo của ông Đại đối với điều tra viên Hoàng Minh Công, văn bản này khá lập lờ: "Trong đơn ông nêu việc điều tra viên Hoàng Minh Công trong quá trình thụ lý điều tra có gợi ý ông để lấy tiền nhưng ông không chấp nhận. Như vậy hậu quả chưa xảy ra nên chưa đủ căn cứ kết luận điều tra viên Hoàng Minh Công có tiêu cực!".
Chính sự lập lờ này khiến những người có mặt tại hội trường UBND phường Hoà Khánh chiều 7/7 càng khó chấp nhận sự giải thích như sau của Viện phó VKS Đà Nẵng Phan Trường Sơn: "Đơn của ông Đại có phần khiếu nại riêng và phần tố cáo riêng. Về phần khiếu nại thì chúng tôi có trách nhiệm giải quyết, còn phần tố cáo thì trách nhiệm thuộc phạm vi của nhiều cơ quan nữa. Chúng tôi tiếp nhận thông tin tố cáo của ông Đại và sẽ chuyển cho các cơ quan chức năng giải quyết. Còn trách nhiệm của chúng tôi ở đây là công khai xin lỗi công dân bị oan sai!". Nói rồi ông Phan Trường Sơn tuyên bố kết thúc buổi xin lỗi. Không một ai trong những người đến dự được phát biểu một lời nào.
Sự kết thúc vội vàng của lãnh đạo VKS Đà Nẵng khiến nhiều người đến theo dõi buổi xin lỗi ông Trương Ngô Đại bất bình. Họ cho rằng, không thể tách rời việc xử lý cán bộ làm sai với việc xin lỗi công dân bị oan sai. Chính vì có những cán bộ làm sai như vậy nên mới xảy ra oan sai cho công dân. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu ông Trương Ngô Đại lên tiếng tố cáo hành vi tiêu cực của điều tra viên Hoàng Minh Công mà trước đó nhiều năm, ông từng gửi đơn khắp các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương. VKS tối cao cũng đã giao trách nhiệm cho VKS Đà Nẵng làm rõ vấn đề này, nên bây giờ lãnh đạo VKS không thể vẫn cứ nói sẽ "tiếp nhận và chuyển" thông tin tố cáo!
Ông Võ Duy Thiểu (75 tuổi, Nguyên Giám đốc Nhà máy thuốc lá Đà Nẵng): "Thời tiết hôm nay tuy nóng bức nhưng khi đến đây tôi lại thấy rất mát lòng mát dạ. Sự công minh vốn đã được xã hội ta đề cao từ lâu, nhưng do một số người thi hành pháp luật nhận thức không đúng, thực hiện không nghiêm nên đã gây bất bình trong dư luận xã hội. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của những năm mới bước vào nền kinh tế thị trường (vụ án của công dân Trương Ngô Đại xảy ra từ năm 1993), một số người thiếu lương tâm, đạo đức đã vận dụng luật pháp theo ý muốn riêng của họ; không xem xét vấn đề một cách có nguồn gốc và thực tiễn, làm cho trắng đen lẫn lộn. Nhưng nay thì mọi việc đã được sáng tỏ! Tôi từng làm giám đốc của nhiều đơn vị liên tục từ năm 1966 - 1993 nên tôi hiểu được những nỗi oan ức, bức xúc mà anh Trương Ngô Đại phải gánh chịu khi bị hàm oan. Vì vậy, hôm nay tôi đến đây là muốn xem những người đương chức giải thích những việc làm sai trái trước đây như thế nào? Tất nhiên là cũng khó cho những người đến hội trường này để giải thích vì họ không hề trực tiếp gây ra sự việc. Vụ việc của anh Trương Ngô Đại là do những người khác gây ra nhưng nay hoặc họ đã nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc vẫn đương chức nhưng không tới đây. Dù sao việc VKS Đà Nẵng công khai xin lỗi công dân Trương Ngô Đại cũng thể hiện rõ chủ trương, đường lối rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, giúp chúng tôi càng tin tưởng vào sự công minh trong xã hội ta. Thấy sai là phải sửa, quan trọng là đủ bản lĩnh và nhiệt tâm để tự nhìn nhận sai lầm mà sửa chữa. Có vậy thì mới hy vọng không còn oan sai nữa. Vì vậy chúng tôi rất trông chờ cơ quan chức năng sẽ nói lên được tiếng nói công minh trong buổi xin lỗi này!". Ông Lê Ngọc Xuân (75 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng): "Mọi người trong chi bộ chúng tôi đều đến dự buổi xin lỗi này với hy vọng mọi việc sẽ được làm rõ trắng đen. Thế nhưng có vẻ như người ta chỉ tiến hành buổi xin lỗi này cho qua chuyện, vừa làm vừa sợ xấu hổ, vừa như vẫn muốn che giấu điều gì đó. Lẽ ra lãnh đạo VKS phải nói rõ đã làm sai những gì? Sai ở đâu? Vì sao sai? Phải nhận thức cho được sự sai trái đó đã gây nên những tổn thất nặng nề như thế nào cho công dân. Nhất là phải nêu rõ ra trước công luận những cá nhân, bộ phận nào đã gây ra oan sai cho công dân? Sự sai trái đó xuất phát từ đâu? Vì trình độ nghiệp vụ, nhận thức non kém hay vì động cơ gì khác? Rất tiếc là lãnh đạo VKS Đà Nẵng đã tiến hành buổi xin lỗi không đến nơi đến chốn, chưa thể hiện được sự công minh, thái độ cầu thị, quyết tâm sửa sai theo tinh thần Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội! Quả thật là chúng tôi cảm thấy hụt hẫng sau khi dự buổi xin lỗi này!" |
-
Hải Châu