Một hành trình văn học
09:04' 11/03/2003 (GMT+7)

...'' Linh Sơn có nhiều nhân vật thực và nhiều đoạn mô tả xác thực, nhưng rốt cuộc nó là một cuốn tiểu thuyết. Nó kể về cuộc hành trình thực tế của tôi, nhưng cả về hành trình tinh thần. Nó cũng ghi lại cuộc đối thoại riêng tư giữa "mi" và "ta". Trong Linh Sơn tôi có ý thức không lấy cốt truyện làm cơ sở cho tiểu thuyết. Còn có những điều khác, như cuộc sống chẳng hạn. Tôi lấy trái tim và trí tuệ tôi làm cơ sở cho tiểu thuyết...''. - Bài nói của nhà văn Cao Hành Kiện (tác giả tiểu thuyết Linh Sơn) tại Đại học thành phố Hongkong, 31/1/2001.

Trước hết, tôi muốn xin lỗi vì đã không chuẩn bị được kỹ bài nói hôm nay. Cuộc sống của tôi những ngày này bị gián đoạn luôn nên đã không chuẩn bị được gì cho bài nói cả. Tôi rất lấy làm tiếc về điều đó. Nhưng cũng may mà chủ đề hôm nay là nói về việc viết văn của tôi. Như thế tôi sẽ nói được thoải mái hơn và có thể chia sẻ được với quý vị những suy nghĩ của mình. Và vì văn học là một lĩnh vực rất rộng, mà thời gian của chúng ta lại có hạn, nên tôi sẽ tránh đi vào những những quan niệm tư tưởng mông lung rắc rối bằng cách dùng cuốn tiểu thuyết Linh Sơn để minh họa cho những suy nghĩ của tôi về tiểu thuyết và văn học nói chung.

Viết Linh Sơn

Linh Sơn viết mất bảy năm. Tôi có ý tưởng viết nó vào năm 1982, thời gian đó không nhà xuất bản nào chấp nhận in tác phẩm của tôi. Tôi phải nói thẳng điều này: tác phẩm của tôi chẳng dính dáng gì đến các vấn đề chính trị hay xã hội cả - các tiểu thuyết của tôi không liên quan gì đến những chuyện đó hết. Tôi nghĩ lý do hiểu nhầm ở đây là nhiều độc giả thấy tác phẩm của tôi khó hiểu. Thực tế, các nhà xuất bản cũng thường vứt bỏ bản thảo của tôi vì lý do như vậy. Một số người nói tôi không biết viết văn. Số khác thì bảo nhân vật của tôi khắc họa yếu. Số nữa thì cho cốt truyện của tôi thô, đề tài u ám, mơ hồ và khó đọc. Vâng, tôi có cả đống thư từ chối - nhưng chúng càng thúc đẩy tôi suy nghĩ nghiêm túc về ý nghĩa của những hình thức tiểu thuyết khác nhau và về kỹ năng viết khi sáng tạo một tác phẩm như thế.

Cuộc Cách Mạng Văn Hóa khi đó vừa kết thúc, và ông tổng biên tập tạp chí Huacheng ở Quảng Châu rất quan tâm đến những tư tưởng của tôi về tiểu thuyết đã mời tôi viết chúng ra để đăng. Các tư tưởng đó sau này được xuất bản thành cuốn sách nhỏ nhan đề Khám phá kỹ năng viết tiểu thuyết hiện đại. Trong sách đó, tôi không đụng chạm gì đến các chuyện chính trị, tư tưởng, triết học cả. Tôi cũng không có ý đề ra một lý thuyết viết văn. Tôi chỉ muốn bàn về những cách tiếp cận khác nhau đối với việc viết tiểu thuyết và những kỹ năng cần thiết để thực hiện việc đó. Mục tiêu của tôi là nghiên cứu tiểu thuyết từ một góc độ mới, khai thác các kỹ năng viết mới, và giải thích ý nghĩa các tiểu thuyết của tôi mà phần đông độc giả thấy là vô nghĩa hoặc khó đọc.
Cuốn sách đó đã gây ra một cuộc tranh luận sôi động về Chủ nghĩa hiện đại đối lại Chủ nghĩa hiện thực ở Trung Quốc vào những năm 1980. Thấy thế ông chủ bút báo Văn Học Nhân Dân đề nghị tôi viết một cuốn tiểu thuyết dựa trên các tư tưởng đó. Ông ta bảo sẽ tạm ứng trước cho tôi 200 đồng. Tôi nhận lời với hai điều kiện: thứ nhất, không được đặt thời hạn hoàn thành tác phẩm, vì tôi không biết khi nào thì viết xong. Thứ hai, cuốn tiểu thuyết đó phải được in đầy đủ, không cắt bỏ, không biên tập. Khi ông ta đồng ý, tôi bắt đầu nghiêm chỉnh viết cuốn tiểu thuyết minh họa cho các quan niệm của mình. Linh Sơn nảy sinh từ đó.
Tuy nhiên, hồi ấy cuốn Khám phá kỹ năng viết tiểu thuyết hiện đại đang gây nhiều tranh cãi, còn vở kịch Nhà ga của tôi sau đó bị cấm. Để tránh những chuyện rắc rối khác, tôi liền rời Bắc Kinh đi về phía Nam, nơi tôi định lấy làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết. Lúc đó sức khỏe tôi rất kém, bị chẩn đoán nhầm là ung thư giai đoạn cuối. Nhưng tất cả những việc đó chỉ càng làm tôi thêm quyết tâm làm một chuyến đi dài để viết Linh Sơn.


Một nền móng văn hóa rộng lớn

Khi rời Bắc Kinh tôi như một người sắp chết. Tôi như không còn nữa. Không địa chỉ không nơi đến. Tôi chẳng biết đích xác là đi đâu. Với cái nhìn chẳng có gì là thực như thế, tôi bắt đầu lên đường làm cuộc hành trình.
Tôi thực hiện ba chuyến đi, bằng mọi phương tiện, dọc theo sông Dương tử. Tôi đi bằng giao thông công cộng, vẫy nhờ ôtô và thuê xe đạp. Cứ thế tôi đi. Chẳng tính là trong ba chuyến đó tôi đã đi được bao nhiêu dặm đường. Nhưng tôi biết có một chuyến kéo dài 15000 kilômét, và mất năm tháng, qua bảy khu bảo tồn thiên nhiên. Từ thượng nguồn tới cửa sông Dương tử, tôi đã thấy nhiều loài động vật và gặp nhiều nhóm người thiểu số. Tôi nghiên cứu lịch sử một cách cẩn thận và chăm chỉ đọc Sử Ký, Thủy Kinh Chú. Thậm chí tôi dùng cả những tấm bản đồ cổ để kiểm tra những chỗ được nói đến trong Sơn Hải Kinh. Tôi cũng tìm hiểu kỹ các truyện thần thoại về con sông.

Và thế là tôi nghiên cứu nguồn gốc sông Dương tử từ viễn cảnh lịch sử cổ xưa và địa lý. Đó là nhờ vào đọc nhiều loại sách biên niên của địa phương và trong nước, cũng như các sách về Phật giáo, Đạo giáo đang bị cấm hồi ấy. Tôi cũng đã đến thăm nhiều di tích lịch sử và hỏi chuyện cặn kẽ 100 học giả và chuyên gia, bao gồm các nhà nhân loại học, khảo cổ học và sử học. Quan điểm của họ giúp khẳng định lý thuyết của tôi về sự hình thành nền văn hóa sông Dương tử - đó là vào thời Đồ Đá Mới cả một vùng rộng lớn dọc sông Dương tử đã là một khu vực văn hóa phát triển cao.

Tại nhiều di tích lịch sử dọc sông Dương tử tôi đã tìm thấy những bình gốm có khắc các hình vẽ hình học ở đáy. Các hình vẽ đó có nhiều dạng khác nhau: hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, hình tam giác. Tôi tin chúng là những dấu hiệu sớm nhất của văn hóa Trung Hoa. Chúng không chỉ có ở bình gốm tại một điểm, mà ở toàn bộ thượng lưu, trung lưu và hạ lưu sông Dương tử. Các hình vẽ đó cho thấy người dân ở thời Đồ Đá Mới cách đây khoảng bảy nghìn năm đã có khả năng đi lại bằng đường thủy. Từ đó đã hình thành nên khu vực văn hóa rộng lớn của họ. Các nhà khảo cổ học sau này tôi hỏi chuyện đã tán thành gợi ý đó của tôi. Họ bảo tôi là họ thường làm việc tại một địa điểm hàng năm trời nên không có được sự nghiên cứu bao quát như của tôi.

Tất cả những điều này là để nói rằng có cả một nền móng văn hóa rộng lớn phía sau Linh Sơn. Tôi không đồng ý với cách mô tả giản lược Linh Sơn là câu chuyện đi tìm cội rễ. Đúng hơn, tôi muốn nói rằng tôi hết sức quan tâm đến lịch sử Trung Quốc. Toàn bộ lịch sử được viết cho đến nay chỉ là các bộ sử biên niên về các hoàng đế, hay các bộ sử ký về những người cầm quyền, không có cuốn nào nói về nền tảng lịch sử của văn hóa. Vậy là ở lại Trung Quốc và không viết tác phẩm sáng tạo nào, tôi đặt cho mình mục đích viết một cuốn sách về lịch sử văn hóa Trung Hoa.

Đi tìm một hình thức tiểu thuyết mới

Bởi thế, cuốn tiểu thuyết của tôi lớn lên không phải chỉ từ những chuyến đi dã ngoại, mà còn từ mối quan tâm sâu sắc đến lịch sử và văn hóa. Nhưng điều đó đặt ra vấn đề là phải tìm một hình thức thích hợp trước khi bắt tay vào viết. Tôi đã ý thức được ngay là cuốn tiểu thuyết của mình không phải là một truyện lịch sử, nó cũng không thể phát triển theo một tuyến truyện như thường có. Nhưng nó vẫn phải là một tiểu thuyết. Trong khi tìm kiếm một hình thức thích hợp, tôi buộc phải nghĩ đến những vấn đề như "Tiểu thuyết là gì?" và "Hình thức tiểu thuyết là gì?". Và tiếp đến là hai câu hỏi sâu hơn: "Văn học là gì?" và "Cái gì sẽ phải được chuyển tải trong tiểu thuyết?".
 
Những câu hỏi này ám ảnh đầu óc tôi. Vào những ngày đó tôi thường chỉ một mình, lại thường ở những nơi hẻo lánh. Đôi khi đi trong núi hàng mấy ngày trời tôi không gặp một ai. Một mình với thiên nhiên, tôi tự nhiên thấy mình đang nói chuyện với mình, và dễ dàng bắt được vào những cuộc trò chuyện đó. Vậy là xuyên suốt hành trình tôi thường suy nghĩ và nói chuyện với mình. Và mỗi khi làm thế, tâm trí tôi phóng chiếu ra như một người thực và thành bạn chuyện của tôi. Điều này đã gợi ý cho tôi đặt nền tảng toàn bộ cuốn tiểu thuyết trên hai nhân vật "mi" và "ta". Cấu trúc gốc của cuốn tiểu thuyết đã được hình thành như thế.

Linh Sơn có nhiều nhân vật thực và nhiều đoạn mô tả xác thực, nhưng rốt cuộc nó là một cuốn tiểu thuyết. Nó kể về cuộc hành trình thực tế của tôi, nhưng cả về hành trình tinh thần. Nó cũng ghi lại cuộc đối thoại riêng tư giữa "mi" và "ta". Trong Linh Sơn tôi có ý thức không lấy cốt truyện làm cơ sở cho tiểu thuyết. Còn có những điều khác, như cuộc sống chẳng hạn. Tôi lấy trái tim và trí tuệ tôi làm cơ sở cho tiểu thuyết. Cuốn sách không theo đường dây cốt truyện, mà dựa vào thế giới bên trong của tác giả. Thay vì cốt truyện và tình tiết, trái tim tôi là cấu trúc gốc của nó. Điều này giải thích vì sao nó thực sự không nằm vừa bất kỳ phạm trù nào với tư cách là tiểu thuyết. Thực tế chưa có cuốn tiểu thuyết nào như thế trong lịch sử văn học.
 
Tuy nhiên, tôi không muốn cuốn tiểu thuyết của mình chỉ thuần túy là sự mô tả tâm lý của bản thân. Tôi cũng đã thêm vào những suy nghĩ về văn hóa và lịch sử Trung Hoa nằm trong nhiều đoạn trình bày tư tưởng phê phán riêng của tôi. Do đó, không nên coi cuốn sách như là một câu truyện hoặc một mảng cốt truyện. Thực vậy, cuốn sách chứa đựng các suy nghĩ của tôi về triết học, về hình thức tiểu thuyết, về ngôn ngữ, văn học, lịch sử và văn hóa Trung Hoa. Tôi tự hỏi liệu ngôn ngữ có thực sự thể hiện được sự tri giác bên trong của chính mình không. Ngôn ngữ không tồn tại nếu không có người diễn đạt nó. Phải cần có người tư duy và diễn đạt. Và đấy là cái "ta", kẻ có thể ném hoài nghi vào chính hắn. Cái "ta" không chắc chắn, không rõ ràng, không xác định, tới mức, vấn đề cái "ta" không chỉ là chuyện ngữ pháp hay ngôn ngữ học mà còn là chuyện triết học.


Không có lý do để lật đổ văn hóa truyền thống


Những điều trên làm cho Linh Sơn thành cuốn sách tra vấn. Tuy nhiên, khi tôi tra vấn, tôi cũng nhận thấy rằng không cần phải có thái độ nổi loạn hay lật đổ. Đa số nghệ sĩ có xu hướng dùng cách lật đổ hay nổi loạn chống lại mọi thứ cho đến khi rốt cục chẳng được gì ngoài những quan niệm viển vông. Triết học của Nietzsche một thời rất phổ cập ở Trung Quốc - thực tế, nhiều môn đồ của ông tự gọi mình là các ông thánh. Tôi nghĩ đó là những người dở hơi. Những người muốn lật đổ nghệ thuật thực tế đã tuyên bố mình là những ông thánh. Thâm tâm họ nghĩ những lời họ nói ra là lời phúc âm. Đó là trường hợp cực đoan của thuyết vị kỷ.
Điều này giải thích vì sao tôi không quan tâm đến những cách viết mang tính cách mạng như vậy. Lật đổ văn hóa truyền thống để mà làm gì? Nếu muốn viết điều gì mới mẻ thì cứ việc viết, hà tất phải lật đổ trật tự đã được xác lập. Đồng ý hay không đồng ý, người ta sẽ chẳng bao giờ thoát được trật tự đã có, bởi vì nó đã có đó. Những người định làm thế cũng là những kẻ dở hơi. Người ta chỉ nên thể hiện một cách tự do tư tưởng của mình. Như thế chẳng cần gì gạt bỏ trật tự đã xác lập. Khiêm nhường là điều quan trọng khi viết. Nó chẳng dính dáng gì với tính chính trực. Chúng ta chỉ cần một thái độ thực tế.
 
Chúng ta là những cá nhân yếu ớt. Một cá nhân thì làm được gì? Những người tuyên bố mình là anh hùng và quyết tâm thay đổi thế giới lại rất hay kết thúc thành những kẻ ốm yếu hoặc điên khùng. Trong mắt nhà văn, họ thật là những người khốn khổ. Tôi thấy tốt hơn là nên dũng cảm tự chế giễu mình. Do đó Linh Sơn là cuốn sách về sự tra vấn cũng như là sự tự chế giễu. Một số người có thể cho đó là thái độ yếm thế. Nhưng vì tôi thấy sự yếm thế này tương đối tốt hơn sự ngạo mạn, nên tôi thà làm người yếm thế còn hơn.
Sau khi định được hình thức và cấu trúc của Linh Sơn, tôi bắt đầu viết. Cuốn sách có nhiều chương, trong đó nhiều chương được viết rất dễ dàng và thoải mái. Tôi thích vừa viết vừa nghe nhạc. Tôi cũng thích dùng băng ghi âm. Nó giúp tôi viết được dễ dàng. Tôi không thích ngồi viết trong một tư thế nghiêm nghị, tẻ nhạt. Tôi nghĩ viết theo cách đó tác phẩm sẽ không có sức sống. Tốt hơn là ngồi trong phòng tối. Khi đó tôi có thể vừa nghe nhạc vừa đọc vào máy ghi âm. Trong bóng tối, với chỉ một bóng đèn đỏ nhỏ lập lòe, tôi bắt đầu đắm mình vào thế giới bên trong của tôi.
 
Linh Sơn như vậy là một chuỗi độc thoại dài. Tuy nhiên, anh có người đối thoại với anh. Đôi khi đó có thể là "mi". Đôi khi đó có thể là một nhân vật khác. Nếu "mi" là đàn ông, người đối thoại sẽ là phụ nữ. Điều này giải thích vì sao tôi đã tạo ra "chị ta", người có thể là nhiều phụ nữ khác nhau - hoặc là một phụ nữ mang nhiều tính cách, giọng nói và khuôn mặt khác nhau. Tôi dùng nhân vật "chị ta" để thể hiện những nhân vật nữ khác nhau đối thoại với "mi" và "ta". Thêm vào "mi" và "ta" còn có "hắn", người suy tư. Bắt nguồn từ sự siêu nghiệm của cái tôi-ý thức và cái tôi-phản ánh, "hắn" thể hiện một quan điểm trung lập. Đó là lý do vì sao nhân vật của tiểu thuyết khi thì "hắn", "mi" hoặc "ta". Cuốn sách vì vậy thực chất là một cuộc độc thoại phức, hoặc là đối thoại, của trái tim. Tôi coi đấy là tiểu thuyết.

Tiểu thuyết không chết

Tôi đã nói sơ qua chuyện viết Linh Sơn. Bây giờ ta hãy xem tiểu thuyết là gì. Theo tìm hiểu của mình, tôi thấy tiểu thuyết có thể là bất cứ gì cũng được. Tư tưởng này không mới, nó đã có từ lâu ở Trung Quốc. Theo từ điển Từ Hải bản sớm nhất thì "Tiểu thuyết là cuốn sách ghi lại mọi chuyện bàn tán trên phố của mọi người nói với nhau". Thế nghĩa là nó bao gồm tất cả các loại chuyển kể, ghi chép, truyện ngụ ngôn, truyện du ký, bất kể tầm thường thế nào hoặc chẳng dính dáng gì đến việc giáo huấn hay chuyện quốc gia đại sự. Đây quả thực là một định nghĩa rất rõ ràng và rộng rãi về tiểu thuyết. Trong lịch sử văn học Trung Quốc, tiểu thuyết thường bị coi là kém thơ. Tuy nhiên, từ quan điểm hôm nay, tiểu thuyết chứa đựng những cái nhìn phong phú nhất và những sự mô tả sống động nhất về con người, cuộc sống, và lịch sử. Tiểu thuyết không hề thấp kém so với thơ, mà chính là một hình thức diễn đạt phong phú. Giống như nắm bột có thể vắt theo đủ mọi hình thù, tiểu thuyết là uyển chuyển và bao gộp được các hình thức thay đổi cho nhà văn khai thác.
 
Thường mọi người tuyên bố rằng tiểu thuyết đã chết. Câu đó nói lên một thái độ kiêu căng và cách mạng, nhưng tôi muốn tránh xa nó. Với cái nhìn trung lập về lịch sử, cá nhân và chính mình, tiểu thuyết không chết. Đối với tôi, đó vẫn là hình thức diễn đạt rất phong phú. Tôi sẽ còn viết tiếp các tiểu thuyết và khai thác những cách kể truyện mới - và tôi tin chắc nhiều người sẽ kế tục làm thế sau khi tôi chết đi. Lịch sử là một dòng chảy liên tục, giống như một con sông, không ngừng nghỉ, không tận cùng. Lịch sử nghệ thuật cũng vậy.

Gửi tin qua Email In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
McEwan đoạt giải tiểu thuyết hay nhất (28/02/2003)
''Thơ tình tặng vợ'' - cuốn sách cần cho mọi gia đình (27/02/2003)
Sách văn học cho tuổi mới lớn đã bắt đầu được trân trọng (26/02/2003)
Hồi ký Bà Tùng Long: ''Viết là niềm vui muôn thuở của tôi...'' (25/02/2003)
Người dịch sách bên dòng Trà Lý (25/02/2003)
Chương trình Giai điệu Đồng bằng 20: Giới trẻ vẫn ủng hộ cải lương (25/02/2003)
Giải Nobel cho văn chương Việt Nam? Vừa khóc vừa buồn cười vừa mơ mộng! (15/02/2003)
Mark Winegardner sẽ viết tiếp ''The Godfather'' (10/02/2003)