Morgan Sportés là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, như: Sự trôi dạt của các lục địa, Mồi câu, Vì điều thiêng liêng nhất của Chúa, Dân Bắc Bộ... Nhân dịp ngày Pháp ngữ tổ chức tại Việt Nam, ông đã tới Hà Nội theo lời mời của Đại sứ quán Pháp và Hội Nhà văn Việt Nam. Sau những cuộc trò chuyện, gặp gỡ, người đàn ông 56 tuổi đang sống độc thân này thích lang thang khắp các phố phường Hà Nội, thăm thú cảnh quan và... ngắm các cặp tình nhân nơi ghế đá ven hồ, để tìm ra những ''điều ngạc nhiên thú vị không thể có ở Paris''. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông.
- Tiểu thuyết Dân Bắc Bộ của ông được xuất bản vào năm 1997, trở nên khá nổi tiếng ở Pháp và một số nước nói tiếng Pháp, nhưng rất tiếc là chưa được dịch ra tiếng Việt nên chúng tôi chỉ mới được nghe tên. Ông có thể giới thiệu đôi nét về đứa con tinh thần này?
- Câu chuyện bắt đầu từ việc mọt người lính uống rượu say trong quán bar ở Sài Gòn rồi tình cờ nhặt được cuốn hồi ký vứt trong sọt rác. Điều đặc biệt là cuốn hồi ký này nhiều màu mực, nhiều kiểu chữ ghi lại những sự kiện xảy ra ở Việt Nam - Đông Dương suốt thời kỳ 1940-1945... Cuốn sách của tôi phần nào tái hiện giai đoạn lịch sử phức tạp này thông qua những số phận.
- Được biết, mãi năm 1993 ông mới tới Hà Nội, và ông đã khai thác tư liệu như thế nào cho gần 500 trang viết?
- Đúng là năm 1993 tôi mới lần đầu đặt chân đến đất nước các bạn nhưng trước đó, tôi dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu và thu thập tài liệu có liên quan đến giai đoạn lịch sử này tại thư viện quốc gia Pháp, từ các tài liệu lưu trữ của thư viện đến các cuốn sách nghiên cứu lịch sử, các bài báo và gặp gỡ với nhiều nhân chứng.
- Ông đã gặp được những ai vậy mà cuốn sách có tính hài hước?
- Vâng, trong chuyến đi tìm về quá khứ, đến Việt Nam, tôi được gặp gỡ nhiều con người bình dị và thật ngạc nhiên rằng sau những mất mát đã trải qua, họ vẫn giữ được cái nhìn đầy nhân bản về chiến tranh. Câu chuyện của họ làm tôi xúc động và càng thôi thúc tôi tìm hiểu về giai đoạn lịch sử ít ai biết đến này. Tôi cũng có dịp may gặp được một người lính Nhật từng tham chiến ở Việt Nam hiện đang sống ở Malaysia...
- Nghe nói sau đó ông còn có nhiều dịp đến Việt Nam. Vậy chuyến đi này có đem lại cho ông cảm xúc gì mới mẻ?
- Đây là lần thứ ba tôi tới Hà Nội nhưng lại là lần đầu tiên ở khách sạn Metropole. Tôi quyết định nghỉ ở đây vì Metropole là một trong những nhân chứng chính của cuốn Tonkinoise. Hầu như mọi mẩu chuyện, mọi tư liệu, mọi bài báo viết về thời kỳ 1940-1945 ở Việt Nam đều nhắc đến Metropole, trung tâm của các sự kiện lịch sử. Lần trước, do phải di chuyển nhiều nên tôi không có điều kiện lưu lại Metrople mà chỉ tới đây tìm hiểu thông tin. Sau gần chục năm quay lại, Hà Nội vẫn thế, đẹp, yên bình, cổ kính và Metropole vẫn là cái nôi của những sự kiện mà sau này chắc chắn sẽ có giá trị lịch sử lớn. Làm sao bảo tồn vẻ đẹp này mà không làm cản trở các bước phát triển của thành phố trong quá trình toàn cầu hóa là vấn đề đặt ra cho các bạn.
- Còn cuộc gặp gỡ với các đồng nghiệp Việt Nam trong ngày hội Pháp ngữ tổ chức tại Văn Miếu vừa qua?
- Tôi đánh giá cao bài phát biểu của ông Đỗ Chu và ông Nguyễn Huy Thiệp. Tại đó, tô bắt đầu làm quen với một số tác phẩm văn học Việt Nam và rất ấn tượng với cuốn Vàng và lửa (bản dịch tiếng Pháp) của Nguyễn Huy Thiệp. Cách đây 10 năm, tôi đã đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Đọng lại trong tôi là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời chiến, vừa sâu sắc, vừa lãng mạn nhưng lại chịu nhiều buồn khổ và đắng cay. Thực ra, tôi không biết nhiều lắm về văn học Việt Nam. Điều mà tới nay tôi vẫn quan tâm hơn cả là lịch sử Việt Nam, đặc biệt sau Thế chiến thứ 2.
(Theo TT & VH) |