(VietNamNet) - Báo chí vô cùng ghét tôi, thậm chí vô cùng đề phòng tôi, nhưng không vì thế mà tôi không dám nói thật.
Thói quen luôn cầm vật dụng trên tay. (V.T) |
ĐD Lê Hoàng nổi tiếng về sự sắc sảo, chua ngoa và nhiều khi cay nghiệt. Anh thường trả lời phỏng vấn báo giới rất ngắn gọn, có phần bốp chát. Phóng viên thiếu kinh nghiệm thi thoảng còn bị Lê Hoàng "bắt nọn" như một bà cô bên chồng rất khó chịu. Thậm chí thời gian gần đây Lê Hoàng còn kiên quyết từ chối những cuộc phỏng vấn trực tiếp, và đòi trả lời bằng văn bản.
Sau đận tâm sự và khóc tại cuộc hội thảo trong LHP Việt Nam lần thứ 14 tại Buôn Ma Thuột vì cảm giác cô độc và bị cô lập ở quan điểm làm phim thị trường, người ta ít thấy Lê Hoàng nói thật mặc dù anh luôn nói thẳng. Phải đến giờ đây, chuẩn bị bắt tay vào bộ phim mới Thủ tướng, mới thấy một Lê Hoàng khác, nói dài hơn, giãi bày những câu chuyện về phim ảnh không còn bằng giọng điệu ngoa ngoắt nữa, mà liên tục sử dụng cụm từ "tôi xin nói thật"...
Về phim Thủ tướng
Chẳng mấy khi được tâm sự nên tôi xin được nói dài. Nhân vật tôi viết trong kịch bản không phải kiểu người mơ làm thủ tướng, tỉnh dậy thấy mình vẫn là... sinh viên, mà nhân vật đó đã làm thủ tướng thực sự, ngay từ đầu phim.
Cũng sẽ có người nói sao không để thủ tướng yêu một giáo sư, tiến sĩ hay giám đốc gì đó. Điều đó cũng tốt nhưng nó lại quá hợp lý, mà chính sự hợp lý đâm ra không hay. Thủ tướng yêu một cô gái bình thường, trượt đại học và đang không có việc làm, đơn giản như thế. Tình yêu của hai người có tất cả mọi điều mà những đôi tình nhân nam nữ bình thường khác có. Cũng có đi chơi, có giận dỗi, có cãi cọ, có va chạm, có hồi hộp,...
Tôi muốn trình bày một câu chuyện mà tính lãng mạn và mơ mộng của nó cao, chứ không phải một bộ phim với tính chiến đấu lớn. Bởi cũng xin nói thật là tầm vóc của tôi cũng vừa phải thôi, tôi không thể biết được nhiều vấn đề lớn tầm quốc gia để cho nhân vật của mình giải quyết các vấn đề đó được. Thêm nữa đây là một bộ phim dành cho giới trẻ, và giới trẻ quan tâm đến một vị nguyên thủ theo cách riêng của họ. Nên tôi làm phim theo hướng đó.
|
Nói cho cùng thì ông đạo diễn nào trước khi làm phim cũng đều nói những điều hay ho, những mong ước rất lớn, trong khi bộ phim ấy có thể hay, có thể dở. Khi làm phim, chính chúng tôi tự đặt ra áp lực cho mình. Đó là không thể đặt nhân vật thủ tướng trong những mâu thuẫn theo kiểu thông thường. Thủ tướng ấy không gặp kiểu khó khăn giống người bình thường. Thủ tướng thì không thể túng thiếu. Cũng không thể dựng những cảnh theo kiểu xã hội đen hoặc dùng những thủ pháp ăn khách, tuy không hề xấu. Chúng tôi chỉ có thể đi theo một con đường cực kỳ chính thống, đó là một thủ tướng trẻ, năng động, nghiêm túc và có một tình yêu.
Nhưng trong phim mà thủ tướng lúc nào cũng hay, luôn trẻ trung, quyết đoán cả trong công việc lẫn tình yêu thì phim cũng... dở. Trong công việc, thủ tướng trẻ làm rất tốt, bởi không thì làm sao làm tới chức đó, nhưng trong tình yêu thì không phải lúc nào cũng giỏi. Cô người yêu tuy là người học thức chưa cao, địa vị còn thấp nhưng có nhiều điều ở cô ấy mà vị thủ tướng cảm thấy cần phải học hỏi. Tôi không muốn đưa ra một nhân vật quá hoàn hảo, cả địa vị lẫn công tác, tình yêu, vì như thế phim sẽ một chiều.
Về chuyện bỏ đề tài gái nhảy, trai nhảy
Nói cho công bằng thì không có chủ đề cao hay thấp với điện ảnh. Cái tên không nói lên điều gì cả, quan trọng là cách giải quyết chủ đề ấy. Trên thế giới có nhiều phim về đề tài ăn mày đoạt giải Oscar, trong khi phim về nguyên thủ thì không ai xem. Không phải tôi làm phim về Thủ tướng vì muốn chứng tỏ mình cũng sang trọng... như ai. Gái nhảy, Trai nhảy hay Thủ tướng đều là những đề tài của xã hội Việt Nam, mà theo tôi đề tài nào cũng đáng trân trọng, miễn là làm hay, xúc động người xem.
Về diễn viên Việt Nam
Đã làm phim thì ai cũng muốn có những diễn viên ngôi sao. Tôi cũng vậy, cũng muốn phim mình có những người nổi tiếng được công chúng chú ý, những người đã được công nhận trong làng nghệ thuật. Nhưng cũng xin nói thật rằng, riêng về điện ảnh, Việt Nam chưa có ngôi sao.
Khổ thật. Một năm chúng ta chỉ làm có vài ba phim nhựa thì lấy đâu ra ngôi sao? Bởi ngôi sao thì phải có một tần số xuất hiện thế nào đó. Nếu đặt bạn vào vị trí một đạo diễn ngay ngày mai phải triển khai làm phim thì bạn sẽ thấy vấn đề (thiếu diễn viên) không đơn giản tí nào.
Không có ngôi sao điện ảnh thì chúng tôi cố gắng tìm ngôi sao trong các lĩnh vực khác. Tôi rất kinh ngạc khi báo chí cứ nói về chuyện ca sĩ, người mẫu đóng phim. Chuyện đó trên thế giới rất bình thường. Vấn đề là đóng hay hoặc dở mà thôi, chứ không có chuyện tại sao phải như vậy.
Có ngôi sao, tuy không hợp nhưng nếu anh ta, cô ta gây được sự chú ý thì chúng tôi không dại gì bỏ qua. Vì chúng tôi là những người rất thực tế. Còn nếu phim không có ngôi sao thì tôi cố gắng làm cho bộ phim đó là ngôi sao. Trong quá khứ cũng có những bộ phim không có ngôi sao nào cả nhưng vẫn ăn khách.
Tôi vẫn nói thật dù bị ghét
Bỏ ra 5 tỷ đồng, tôi muốn phim mình dù chỉ thu về tỷ rưỡi thôi nhưng sẽ rất được nhân dân ủng hộ, lãnh đạo thích thú. Tôi tin là phim của tôi các vị nguyên thủ cũng xem. Tôi hứa với nhà sản xuất là không lỗ nhiều. Chứ nếu lãi, lãi nhiều mà sau đó người ta lại nói "ôi giời ơi, phim thế thì có hơn gì mấy ông kia" thì sung sướng gì.
Tôi là người cực kỳ cẩn thận. Các bạn cũng quá biết sự cẩn thận của tôi là đáng ghét như thế nào rồi. Báo chí vô cùng ghét tôi, thậm chí vô cùng đề phòng tôi nhưng không vì thế mà tôi không dám nói thật.
-
V.T ghi