221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
957834
Chơi đồ cổ vỉa hè ở Huế
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Chơi đồ cổ vỉa hè ở Huế
,

(VietNamNet)- Những năm gần đây, du khách đến Huế không khỏi tò mò và ngạc nhiên khi trên đường Trần Hưng Đạo đoạn dọc bờ sông Hương bày bán la liệt... đồ cổ. 100m vỉa hè bỗng nhiên trở thành địa điểm giới thiệu sản phẩm cổ xưa của đất Cố Đô.

 

Vắng khách, buồn vì không có người tán chuyện!Ảnh: Phương Trang.

Vắng khách, buồn vì không có người tán chuyện! Ảnh: Phương Trang.

Tại đây, đồ cổ - vốn tưởng chỉ hợp với không gian viện bảo tàng hay tủ kính nhà những tay chơi chuyên nghiệp - được bày bán rất đa dạng và phong phú về chủng loại, từ “thượng vàng" đến "hạ cám”. Từ đồ cổ xịn đến đồ cũ, đồ giả cổ...; từ những vật dụng cá nhân như lược chải đầu, đèn dầu, đèn pin, mũ, ba lô... đến những đồ cổ có giá trị như: đồ gốm thời Chu Đậu, Chăm, Minh, Thanh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn...

 

Các loại tiền đồng cổ có khắc tên bằng chữ Hán như: Ba loại tiền Tự Đức Thông Bảo; Hàm Nghi Thông Bảo (mặt lưng có hai chữ “Lục Văn”) hay tiền Tự Đức Bảo Sao (mặt  lưng có  bốn chữ “Chuẩn Tứ Thập Văn”)... bày ra trước mắt khiến du khách không khỏi ngạc nhiên về sự đa dạng.

 

Các mặt hàng cổ được sắp đặt khiêm tốn, có phần lọt thỏm giữa không khí náo nhiệt của thành phố, nhưng lại có sức cuốn hút kỳ lạ với những du khách, tạo nên một nét nhỏ nhưng hấp dẫn của văn hóa Huế.

 

Đồ bày bán ở đây đa số là do những người dân vạn đò phát hiện và trục vớt ở sông Hương. Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Tấn Phan gọi đó là sự kiện “vô tiền khoáng hậu”, bởi chính những người dân vạn đò chất phác ấy đã đánh thức đồ cổ sau một thời gian dài ngủ quên dưới lòng sông. Vốn là những người chuyên lấy nghề lặn vớt phế liệu làm kế sinh nhai, họ vô tình vớt được những vật quí. Có cái họ bán ngay, có cái trông đẹp thì đem cất làm kỷ niệm đến khi có người hỏi mua giá cao lại bán. Cứ thế, dần dà họ trở thành những người lặn tìm đồ cổ dưới đáy sông chuyên nghiệp.

 

Tiền cổ cả nắm! Ảnh: Phương Trang.
Tiền cổ cả nắm! Ảnh: Phương Trang.

Trên một đoạn đường ngắn có tới 6 hàng bày bán đồ cổ gần nhau, chủ hàng lại là con cháu những tay chơi đồ cổ có tiếng ở Huế. Họ thu mua đồ cổ từ dân vạn đò, đồ quý hiếm sẽ giữ lại chơi hoặc đem chào bán cho những tay chơi chuyên nghiệp, còn lại thì bán vỉa hè cho phần lớn người mua là dân du lịch...

 

Người bán dường như ngồi đây không chỉ để bán, bởi họ sẵn sàng bỏ ra cả giờ đồng hồ hầu chuyện một du khách thừa thời gian lẫn sự tò mò về đồ cổ. Khách gật gù, chủ cứ thế thao thao, chẳng giấu giếm gì, cứ như thể được tâm sự về nghề với du khách cũng là niềm vui.

 

Vãn chuyện, khách mua được thì mua, không chọn được món đồ nào cũng chẳng sao. Anh Thanh - chủ một quầy đồ cổ vỉa hè, đưa một tập card visit khoe với tôi: "Khách cả đấy, nhưng chẳng ai mua! Họ say đồ cổ, không mua mình cũng sướng!"

 

Có lẽ, du khách tìm đến đồ cổ vỉa hè để tìm về với văn hóa Việt cổ, để mục thị, để chất vấn, để thẩm định, để đối thoại với những giá trị văn hóa tưởng chừng như đã ngủ quên.

 

Còn khách du lịch nước ngoài tìm đến đồ cổ vỉa hè cũng là cơ hội để các chủ hàng đồ cổ quảng bá văn hóa Việt ra bạn bè quốc tế. Từ những câu chuyện nhỏ thôi, du khách sẽ biết đến Việt Nam, biết đến Huế nhiều hơn.

  

Niêu đồng niên đại thế kỷ ...20! Ảnh: Phương Trang.

Niêu đồng niên đại thế kỷ... 20! Ảnh: Phương Trang.

Chỉ tiếc, đồ cổ bày bán ở vỉa hè Trần Hưng Đạo phần lớn do dân vạn đò trục vớt nên đa phần không được vẹn toàn như xưa. Công cụ trục vớt quá thô sơ dẫn đến tình trạng cổ vật hư hỏng ít nhiều.

 

Huế đã có những con phố có “tên”: phố “cà phê”, phố “cơm hến”, thậm chí cả phố “nhậu”, nhưng phố đồ cổ thì chưa thấy. Có ý kiến cho rằng, nên chăng đưa những quầy “đồ cổ vỉa hè” tự phát kia về phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu!?

 

Làm được điều ấy, con đường đẹp nhất Huế sẽ có thêm một nét chấm phá thú vị. Và “nhân đạo” hơn khi mỗi dịp lễ tết, những tay chơi đồ cổ vỉa hè phải nghỉ bán, nghỉ chơi vài ngày vì lý do giữ cảnh quan thành phố!

  • Phương Trang
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,