221
5081
Tin tức
tintuc
/vanhoa/tintuc/
929222
Xuân Hinh - Anh hề “chỉ chữa toàn ca khó”
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Xuân Hinh - Anh hề “chỉ chữa toàn ca khó”
,

Nhắc đến Xuân Hinh là nhiều người nhớ ngay tới những đĩa hình “cháy chợ”, khiến khán giả cười ngặt nghẽo, cho dù có những lúc phải đỏ mặt vì những câu nói “tục” dễ dãi, gần với sự sàm sỡ. Nhưng “tục” không đồng nghĩa với rẻ tiền. 

0.jpg
 
Xuân Hinh từng lôi chuyện mẹ Đốp bốc “cái ấy” của mình bỏ vào mồm xã xệ để thấy việc tục làm đúng lúc có khi lại là vũ khí của người yếu chống lại kẻ mạnh. 

Nói như thế cũng chỉ là để thanh minh cho cái “tai nạn nghề nghiệp” của Xuân Hinh thôi. Thực ra, Xuân Hinh không chỉ là gã hề chèo tếu táo trên TV, cuộc sống nghệ thuật của anh có những góc khuất tâm linh chưa mấy người biết đến…

Một giọng hát thôi miên

Xuân Hinh ra đường thường mặc quần áo đen, mũ che nửa mặt, trông kín đáo như mật thám thời Tây, vì anh sợ lộ mặt ra thì bất cứ chỗ nào cũng sẽ có thể trở thành sàn diễn. Người hâm mộ sẽ vây quanh, không thể thảnh thơi nhấm nháp tách cà phê hay nuốt trôi miếng phở. 

Điện thoại di động của Hinh cũng đăng ký dịch vụ không hiện số, Hinh bảo, đã quá mệt vì bị nhiều “fan” nữ sồn sồn hâm mộ gọi đến tán chuyện hỏi thăm, xuýt xoa, thủ thỉ tâm tình, rồi còn khóc rưng rức và kiện cáo ông chồng khiến Hinh không nỡ ngắt máy. 

Điều lạ là, những người hâm mộ ấy không phải là người bị Xuân Hinh cù bằng những ngón bị coi là rẻ tiền, mà chủ yếu là những người bị tiếng hát và diễn xuất của anh cưa xát trái tim. 

Cái tiết mục Ngựa người người ngựa trên ti vi dạo Tết năm Ất Dậu đã làm tan nát trái tim bao bà, bao cô đa cảm. Nhiều nơi Hinh diễn không có hợp đồng, để khách thưởng tùy tâm, nhưng những khán giả đa cảm luôn luôn bị thôi miên, không giúi tiền cho Hinh là không chịu được! 

Một lần Hinh diễn ở Hải Phòng, có cô lên hậu trường vừa khóc thút thít vừa móc cho 5 triệu: “Úi giời ơi, ở ngoài béo trắng mà sao lên ti vi trông thương thế!”. 

Hát mừng thọ tại nhà dân thì Hinh dốc hồn ra kể lể công đức của mẹ cha vất vả, khiến con cháu nghe thương, khóc rưng rức, rồi cứ tranh nhau móc tiền ra biếu.

Hinh mà hát chầu văn thì “thôi rồi Lượm ơi”, cứ gọi là mê mẩn như cóc say thuốc lào, tay lần túi này lại moi túc khác, móc hết tiền ra xông vào cánh gà giúi bằng được cho nghệ sĩ mới chịu lui ra. 

Nghe Hinh kể trong lúc trà dư tửu hậu, tôi cũng còn bán tín bán nghi. Nhưng một hôm nhân giảng về quảng cáo ám thị cho lớp đạo diễn trong Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, tôi đem chuyện Xuân Hinh ra kể lại, một cậu học trò xác nhận: “Bố em nghe Xuân Hinh hát chầu văn mà moi hết cả mười mấy triệu đưa cho anh ấy, thầy ạ!”. 

Dường như có một sợi dây liên hệ tình cảm tâm linh giữa Hinh với nhiều khán giả. Vì thế, anh luôn có ý thức củng cố mối đồng cảm hay cộng cảm sâu xa ấy, chứ không phải lo củng cố thương hiệu một danh hài có duyên.

Với thương hiệu của mình, Hinh cứ đem các tiết mục sẵn có ra diễn cũng có thể chạy xô đến hết đời. Nhưng Hinh vẫn muốn xây dựng các tiết mục mới hay hơn. Thỉnh thoảng rỗi rãi, Hinh lại gọi điện cho tôi, anh em gặp nhau bàn về kịch bản. 

Nghệ sĩ Xuân Hinh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nghệ sĩ Xuân Hinh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hinh muốn tôi viết cho Hinh một kịch bản gì đó như các chùm hài kịch Đời cười 3 hay Internet về làng, loại vừa ăn khách lại vừa làm khán giả xúc động. Lạ cái là một nghệ sĩ hài mà cứ chăm chăm tìm những kịch bản có thể làm khán giả rơi nước mắt. 

Hinh bảo: “Cái kịch Sống nhờ Telephon trong Đời cười 3 của anh mà em đóng vai ông bố thì chết với em. Em sẽ làm cho khán giả khóc sướt mướt”. Có lần, Hinh diễn ở nước ngoài, người trong đoàn đi xem về, do khóc nhiều mệt quá, lả hết cả người ra, còn lo bị quỷ thần ám! 

Cái phép lạ thôi miên trong giọng hát của Xuân Hinh quyết không phải là từ những lời bông đùa tếu táo chọc cười, mà phải là sức quyến rũ của một năng lượng tâm linh. Khi ấy, Hinh giống như con đồng được hồn xưa nhập vào, hát nỉ non thánh thót. 

Những người có ăng ten bắt được tần số ấy rất hiếm. Cái hồn vía thăm thẳm mơ hồ không nằm ở bộ râu hề hay chiếc áo cổ xưa, mà nằm trong thần thái của lời ca giọng tấu, những luyến láy nhấn nhá rất chèo, rất Việt Nam chỉ riêng Hinh có. 

Hinh nói bí quyết: “Diễn cho người ta cười thì hơi khó, chứ diễn cho người xem khóc thì em diễn hơi siêu, có quỷ thần làm. Câu người ta hát một lèo thì mình nhấn nhá, luyến láy có những cái ư cái i làm cho câu hát có thần có hồn, thì mới thôi miên được khán giả, trông thấy mình là mắt họ lờ đờ, cứ như ma vía nó nhập vào”. 

Bảo Hinh là nghệ sĩ mang giọng ca dân dã có sức thôi miên thì chính xác hơn gọi Hinh là anh hề chèo hiện đại cù nách người xem bằng những ngón rẻ tiền.

Trước đây NSND Mạnh Tuấn cũng có cái duyên dân tộc, nhưng chưa có sức thôi miên ma mị như giọng Xuân Hinh. Để có được một giọng ca, sức diễn thôi miên như vậy, Hinh đã trải qua nhiều khổ luyện. 

Thuở đi học, nhà nghèo lắm, phải đi buôn chó lấy tiền ăn học và nuôi các em, nhưng vẫn say mê học, suốt bốn năm không bỏ buổi học nào. Có đêm mang chó đi buôn chợ xa, lỡ xe phải ngủ lại ở bến, lũ chó trong rọ sủa nhiều quá bị người ta mắng, phải thả ra cho chúng khỏi kêu, sáng hôm sau lần mò đi tìm từng con bắt lại. 

Ai bảo những câu hát làm rơi nước mắt khán giả không phải bắt nguồn từ những niềm đau nỗi khổ của anh nghệ sĩ nghèo Xuân Hinh lăn lộn giữa đời thường, từng tắm mình trong cuộc sống cùng cực và dân dã?

Anh chồng gia trưởng và yêu vợ

Hinh đi diễn liên miên, không mấy khi ở nhà, nhưng anh vẫn luôn luôn yên tâm chuyện gia đình vì anh đã có một người vợ “giữ gôn” xuất sắc. Hoá ra, để có được một Xuân Hinh làm vui thiên hạ, còn có một người phụ nữ đóng vai trò quan trọng đứng đằng sau!

Trên sàn diễn các nơi Hinh có thể là anh hề, cậu gia nhân cho các ông đội ông cai bợp tai sai khiến, nhưng về nhà Hinh là một ông chủ rất oai. Hinh vẫn tự hào khoe được vợ mê từ khi còn là anh chàng gầy nhom mặc áo chim cò, đến bây giờ đã có mấy mụn con mà vợ vẫn cứ mê, cứ chiều như thế.

Xuân Hinh cũng đang tính bỏ tiền xây một trại dưỡng lão ở bên Gia Lâm để nuôi những người già khó khăn, cô độc. 

“Mấy bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân nghe thấy thế thích lắm bảo em là chị có chỉ có hai đứa con gái mà có ba cái nhà, chị cho chúng nó một cái, còn hai cái bán bớt đi lấy tiền đưa em xây trại dưỡng lão rồi chị chuyển sang đấy ở cho vui... ”

Hinh hài hước kể chuyện trong nhà, khoe khéo cái đức của vợ mình khiến chị trở thành người vợ yêu duy nhất: “Vợ mà chán mình thì chấm dứt ngay cho nó đỡ day dứt. Bây giờ mà bà ấy giở mặt mình lấy ngay cô nữa luôn, trong mấy phút, có được không anh? Nhưng em ngồi ăn ở đâu là bà ấy mang khăn cho em lau mồm, mang chậu nước cho em rửa tay. 

Em đi thể dục quanh năm về bao giờ cũng pha nước nóng sẵn cho em tắm, tắm xong em vứt quần áo lung tung ra đấy là tự động mang đi giặt. Đêm ngủ, bà ấy mắc màn thì mắc, em cứ nằm không, cho muỗi cắn chết thì thôi. 

Vợ mình, bà ấy không có máu điên, chẳng bao giờ nói một câu gì làm mình phải mắng nữa. Em có nói nặng lời vẫn cứ ngồi yên, chẳng nói câu nào to, cũng chẳng thèm tiền nữa”.

Việc lớn như đất cát nhà cửa tự Hinh làm, vợ chẳng hỏi han, cũng chẳng kiểm tra. Có khi làm một cái nhà từ khi mua đất đến khi xây xong gần mười năm giời, vợ anh không bao giờ đến, thậm chí chồng mua nhà ở đâu cũng không biết, kệ Hinh muốn làm gì thì làm, không can thiệp bảo tôi thích kiểu nhà này, thích màu vôi nọ. Đến hôm cúng nhập trạch, Hinh mời vợ mới đến, nhưng rồi lại bảo nhà mới xa quá em không ở, vẫn ở nhà kia. 

Cứ tưởng là giời sinh ra thế, ai ngờ đó là kết quả giao kèo của đức ông chồng gia trưởng. “Em quan điểm là, một là bà đứng ra làm luôn, còn tôi làm thì đừng tham gia gì, mệt lắm. Loạn hết cả nhà lên. Thế là thôi không ý kiến ý cò gì hết. 

Em muốn mua gì thì mua, muốn bán gì thì bán, muốn làm gì thì làm. Em muốn cho ai cái gì thì cho, về nhà quê muốn xây gì thì xây, xây xấu còn bảo xây thêm cho đẹp nữa! Chỉ có lo cơm nước ăn uống, đưa con đi học, rồi dạy con thôi. Thế mới tài chứ lỵ. 

Nhưng mà vợ nó không can thiệp là nó khôn, nó sướng, nhà mình lăn lưng ra làm mà cuối cùng vẫn đứng tên hai vợ chồng, chứ đứng tên ai. Em quy định thế này, nhà chỉ có một chủ thôi. Đi mua đất em cũng hỏi người bán, bà làm chủ hay ông ấy làm chủ? Bên này tôi làm chủ, nếu bà là chủ thì tôi bàn chuyện mua luôn. 

Tôi mua là mua theo cơn, cơn nó lên là phải mua ngay, mai hết cơn là thôi luôn khỏi bán khỏi mua gì nữa. Nếu cả hai cùng lên cơn thì dứt điểm ngay, không hỏi han ai nữa. Người ta muốn mua còn phải họp họ, hỏi con dâu con rể, còn tôi là thống soái, bà muốn bán là tôi chơi luôn”. 

Hay là máu gia trưởng nông dân xưa từ các vai diễn đã ít nhiều “nhập” vào trong chàng nghệ sĩ hề chèo Xuân Hinh? 

“Chỉ chữa toàn ca khó”

Nghệ sĩ Xuân Hinh. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Sinh thời khi đóng phim Dạy chồng, NSND Mạnh Tuấn vẫn tự hào khoe “Xuân Hinh là học trò của tôi đấy, nó làm ăn khá lắm”. Quả thực, Hinh không chỉ diễn hài, hát trên sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ, mà thường xuyên đi lưu diễn, đến các địa phương phục vụ các cơ quan, thậm chí đến tận nhà phục vụ người hâm mộ. Mới qua Tết mà lịch diễn của Hinh đã kín cả năm. 

Hinh tâm sự: “Mệt lắm vì cứ đi diễn liên miên, nhưng nhiều lúc muốn chối cũng không được. Người ta thấy mình hiền lành phúc hậu nên toàn thuê xông đất (!), đêm 30 năm nào em cũng đi xông đất, xông cả cho truyền hình. 

Rồi nào là động thổ, mừng thọ, giải chiếu cho tân lang tân nương động phòng. Những đôi mới cưới nhau muốn đẻ con trai thì cứ phải bảo em rải chiếu cho họ. Em thế này mà mát tay ra phết đấy!”. 

Không chỉ hát không, Hinh còn đạo diễn dâng rượu cho các cụ. Khi Xuân Hinh vừa cất tiếng “Dâng rượu!” là tằng tờ rằng tằng tằng âm nhạc nổi lên, các cô xếp hàng bước nhịp nhàng dâng rượu y như trên sân khấu chèo vậy. 

Ở Quảng Ninh có người đầu tư làm lò thiêu xác tư nhân họ cũng mời Hinh khánh thành. Hinh đến rắc hoa, thể hiện nhiều trò nghi lễ, rồi hát chúc phúc cho dòng họ người ta, rồi “điều động” các sư đến tụng kinh gõ mõ. 

Các đại gia đi làm ăn ở xứ người nặng lòng với văn hóa quê nhà vẫn thường xuyên mời Hinh ra nước ngoài biểu diễn, hát văn mở phủ tận châu Mỹ, châu Âu. Mấy ông chủ người Việt ở Ucraina mê nghệ thuật dân gian, đặc biệt là chèo, thỉnh thoảng lại mời các văn nghệ sĩ sang biểu diễn, khán giả lần nào cũng cả ngàn người. 

Có người chỉ được mời một hai lần rồi thôi, nhưng Xuân Hinh được mời sang tới bảy lần, mỗi năm một lần, mỗi lần một kiểu. Diễn chương trình chính là hài, sau đó hát sa lông, Hinh chuyển sang hát quan họ, hát đủ các loại luôn. Có hôm hát salong suốt bảy tiếng đồng hồ Hinh vẫn đủ vốn để “chơi tới bến”. 

Một số người trong nghề cho là Hinh mải chạy sô, diễn ngoài nhiều nơi quá, ít gắn bó xây dựng nhà hát của mình. Thấy Xuân Hinh hay đi diễn ở nước ngoài, được cát xê cao, cũng có không ít người suy bì và khó chịu. 

Hinh tâm sự: “Mấy lão Vincom mời sang Ucraina tới lần thứ bảy, em đã toan từ chối, vì đi nhiều rồi, đi nữa sợ nhàm, hơn nữa đang có nhiều lịch diễn cho các cụ ở quê, bây giờ bỏ đi sợ người ta bảo mình ham đồng sang bóng lịch của nước ngoài, chê đồng cua đồng ốc trong nước. 

Thế nhưng khi nghe họ bảo lần này không biểu diễn bình thường mà khánh thành tượng Thánh Gióng vừa xây xong bên ấy, em lại phấn chấn đi luôn. Họ bảo lần này mời 40 diễn viên, nhưng phần chính của buổi lễ vẫn là bài hát em, em chỉ cần hát đúng một bài Về quê là xong, tiền thù lao cao ngất. 

Anh xem em người thì thấp bé, mới chỉ là anh nghệ sĩ ưu tú mà được trả em gấp mười anh nghệ sĩ nhân dân, chắc chắn nhờ các cụ phù hộ (!) Họ dùng người căn cứ vào hiệu quả, chứ không căn cứ vào danh hiệu, vào tuổi tác”. 

Hôm biểu diễn khai mạc lễ khánh thành tượng Thánh Gióng khổng lồ ở xứ người, Xuân Hinh lên ngâm một bài thơ vừa sáng tác, không khí nghi lễ nhuốm màu sắc các buổi tế thần truyền thống, trở nên trang trọng hẳn lên:

Bốn phương con cháu hướng về nguồn
Tưởng nhớ công ơn đức Thiên vương...

Hàng ngàn người lặng phắc nghe những lời thơ kể về tấm lòng ngưỡng vọng tổ tiên của các thế hệ hôm nay. Hinh vừa dứt lời, trống nhạc nổi lên, Hinh hát tiếp chầu văn “Được mở thung dung ngày lành…” rồi đi phát lộc cả nửa bao tải tiền mang từ Việt Nam sang, cả xôi oản trầu cau đầy đủ. 

“Xúc động lắm! Họ giàu, nhưng không kinh doanh nghệ thuật như các đám khác đâu. Làm khủng khiếp luôn! Chơi cũng đàng hoàng lắm! Cái tượng Thánh Gióng họ xây bên Ucraina trông hoành tráng lắm! Em lặng cả người. Suýt nữa mà không đi thì tiếc lắm!”. 

Mấy vị đại gia ở nước ngoài tin Hinh lắm, có vị bố vợ chết trong Sài Gòn, trước khi về chịu tang gọi điện cho Hinh nhờ chọn ngày giờ mai táng, Hinh lại nhờ mấy vị sư chọn giúp rồi báo sang cho họ. 

Khi vị đại gia này về Việt Nam, Xuân Hinh dẫn đi thăm chùa nghèo cảnh khó là chùa Tình Quang ở Gia Lâm. Ông ta hỏi sao chùa chật thế này, Hinh bảo xin đất mấy năm nay chưa được. Ông ta bảo, để tôi xin cho, thế là đúng hai tháng sau ông ta xin được hai ngàn mét đất thật, đầu tư vào đấy 5 tỷ xây lại ngôi chùa. 

Rồi thì những người nước ngoài lắm tiền nhưng không con không cái muốn về quê dưỡng già... - Hinh cười hài hước - Em chỉ chữa toàn ca khó thôi. Những ca khó không ai làm được thì em mới làm!”. 

Xuân Hinh đã biết cách đưa nghệ thuật chèo, những khúc ca quan họ, và những vũ điệu dân gian vào cuộc sống, vào từng ngôi nhà, phục vụ đến từng người bằng một nhịp cầu của văn hóa tâm linh. 

Chính vì thế Xuân Hinh đã tạo được một thương hiệu riêng hấp dẫn từ những bà nông dân ít chữ đến những vị lắm tiền nhiều của và những trí thức yêu tiếng cười dân dã. Thương hiệu ấy không dễ mấy ai có được.

Vào thời buổi canh tân hội nhập, người ta đổ xô đi xem nhạc Rock, nhạc Blue hay Hip hop, người xem tuồng, chèo, dân ca ngày một hiếm hoi, thế mà Xuân Hinh vẫn chinh phục hàng vạn con người bằng cái giọng hề chèo duyên dáng. 

Xuân Hinh cũng đang tính bỏ tiền xây một trại dưỡng lão ở bên Gia Lâm để nuôi những người già khó khăn, cô độc. “Mấy bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân nghe thấy thế thích lắm bảo em là chị có chỉ có hai đứa con gái mà có ba cái nhà, chị cho chúng nó một cái, còn hai cái bán bớt đi lấy tiền đưa em xây trại dưỡng lão rồi chị chuyển sang đấy ở cho vui. 

Tôi ngờ rằng chính những người như Xuân Hinh mới là nghệ sĩ của nhân dân thứ thiệt. Hinh không còn chỉ là người của sân khấu chèo, Hinh đã trở thành một kiểu sứ giả của nghệ thuật dân gian, mang đến cho bao người những nghi lễ cổ truyền, những âm vang truyền thống, những run rẩy muôn đời, những trang trọng ngàn xưa. Một nghệ sĩ như vậy thực là của hiếm của hôm nay?

(Nhà thơ  Đỗ Minh Tuấn - Tiền Phong)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,