(VietNamNet) - Vậy là một cây đại thụ nữa của làng báo đã ra đi. Trên nhiều tờ báo lớn trong Nam, ngoài Bắc, từ nay vắng bút danh quen thuộc mà dấu ấn cá nhân không thể lẫn với bất kỳ ai khác: Trần Bạch Đằng.
Tôi biết nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng bệnh nặng kéo dài, vậy mà khi được tin ông qua đời, tôi không khỏi thẫn thờ. Chợt nhớ ý của một bạn văn, nay cũng đã thành người thiên cổ. Hôm tiễn đưa nhà thơ Xuân Diệu, thay mặt Hội Nhà văn và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương đọc lời vĩnh biệt, nhà phê bình lý luận Hà Xuân Trường có câu nói đại ý: Một cây đại thụ đổ xuống, trống vắng cả khoảng trời. Vậy là một cây đại thụ nữa của làng báo đã ra đi. Trên nhiều tờ báo lớn trong Nam, ngoài Bắc, từ nay vắng bút danh quen thuộc mà dấu ấn cá nhân không thể lẫn với bất kỳ ai khác: Trần Bạch Đằng.
Hội nhà báo Việt Nam ghi nhận sự nghiệp báo chí cách mạng của nhà báo Trần Bạch Đằng.
Chắc hẳn nhiều người không đồng tình khi tôi gọi ông chỉ bằng một danh hiệu nhà báo. Bởi ông là cây bút đa dạng, đa tài. Trong con người anh Tư Ánh – tên thường nhật của ông – còn có nhà thơ Hưởng Triều, nhà văn Nguyễn Hiểu Trường, nhà viết kịch nói và kịch bản điện ảnh Nguyễn Trương Thiên lý, nhà chính luận Trần Quang, nhà nghiên cứu lịch sử, địa chí Trần Bạch Đằng…, lĩnh vực nào cũng đều có nét riêng; và quán xuyến trên tất cả và kỳ cựu nhất là nhà cách mạng tham gia hoạt động từ tuổi 17, được Huân chương Hồ Chí Minh. Nhưng, như lời ông tự bạch trước khi bước vào tuổi 80 “báo chí là trận địa mà tôi ưa thích, và viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi đến khi tôi không còn viết được nữa”.
Đặc trưng nổi bật trong hoạt động báo chí của Trần Bạch Đằng là tính chiến đấu cao về nội dung và sự giản phác về văn phong. Hầu như bất kỳ bài nào của ông, từ thiên bút ký dài cho đến tiểu phẩm mươi, mười lăm dòng, người ta cũng có thể lẩy ra những ý mới, những nhận xét, suy ngẫm ít người nghĩ tới.
Tư duy của ông thường sớm hơn người khác một bước. Cái sắc sảo, độc đáo của Trần Bạch Đằng, theo thiển nghĩ của tôi, là ở chỗ đó. Và cái “hơi sớm” ấy đôi khi cũng gây nên cho ông chút hiểu lầm phiền hà bởi chưa phải ai cũng nhận thức giống ông. Lúc nào và ở đâu cũng vậy, dự báo là đặc trưng quý, là yêu cầu cao trong công tác báo chí, lãnh địa biểu thị rõ rệt năng lực và dấu ấn cá nhân mỗi cây bút, song dự báo quá sớm về thời cuộc, về vấn đề xã hội đôi khi lại tạm thời, không tranh thủ được sự đồng tình của đông đảo, thậm chí va phải nếp mòn tư duy của một số người nào đó.
Nhưng rồi thực tiễn sẽ chứng minh đâu là nét sắc sảo của tác giả. Tôi chắc chẳng mấy độc giả hôm nay đọc hết các bài viết của tác giả Trần Bạch Đằng, vì vậy muốn hiểu bút danh tung hoành trên mặt trận báo chí vài chục năm lại đây, có lẽ nên tìm đọc tập tuyển một số bài viết của ông từ sau giải phóng 1975 đến hết thế kỷ 20 “Đổi mới, đi lên từ thực tế” (Nhà xuất bản Trẻ, 2000).
Trong đời hoạt động báo chí của Trần Bạch Đằng có một mảng ít người biết và theo tôi, đây chính là một nét hết sức độc đáo của lịch sử báo chí Việt Nam ta qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rất tiếc chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức. Ấy là vừa làm báo chí bí mật vừa làm báo công khai trong các đô thị thuộc quyền kiểm soát của đối phương, đặc biệt tại Sài Gòn trước 1975. Trong số những cây bút ấy có nhiều tên tuổi quen thuộc như Dương Tử Giang, Nguyễn Văn Hiếu, Thiếu Sơn, Viễn Phương, Triệu Công Minh, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Lư…
Tôi chắc những người làm báo chúng ta ngày nay chẳng mấy ai hay anh cán bộ từng giữ trọng trách Bí thư Thành uỷ Sài Gòn – Gia Định của Đảng lại có thời lận lưng Thẻ nhà báo mang tên ký giả Lê Văn Ba do chính quyền Ngô Đình Diệm cấp. Một mình phụ trách trang thời sự cùng trang hài hước. Trên báo Buổi sáng xuất bản với số ấn bản tương đối lớn tại Sài Gòn, nhà bình luận Văn Lê (bút hiệu của Lê Văn Ba) viết đều đặn trang thời sự, còn nhà phiếm luận Tổng Tào Lao, cũng chẳng ai khác ngoài Lê Văn Ba, lo trang trào phúng (Tổng ở đây ám chỉ Tổng thống họ Ngô).
Nhà báo Trần Bạch Đằng và tác giả
Cái gì làm nên nét đặc sắc của cây bút Trần Bạch Đằng, một trong ba nhân vật họ Trần nổi tiếng thời nay: Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng được nhiều người mến mộ? Tôi nhiều lần suy nghĩ về điều ấy. Ở người ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống học hành thâm hậu, lịch lãm của nhân sĩ Bắc Hà với lòng yêu nước chân chất phóng khoáng của dân Nam Bộ và lý tưởng cán bộ cách mạng được rèn luyện suốt đời qua lửa đấu tranh.
Tổ tiên ông người gốc Hà Tĩnh, thuộc các thế hệ đi mở đất phương Nam, thoạt tiên đến Quảng Ngãi rồi dần vào Biên Hoà, Gia Định… Một hậu duệ của họ Trương mang bút danh Trần Bạch Đằng ra đời tại một ấp xa xôi thuộc quận Giồng Riềng, tỉnh Rạch Giá vùng cực Nam của Tổ quốc. Cụ tổ ba đời của ông là cụ Trương Thừa Huy, tước Thái Trinh Bá, từng làm thầy học vua Minh Mạng khi vua còn nhỏ và là bạn thân của An Toàn Hầu Trịnh Hoài Đức, tác giả bộ sách Gia Định thành thông chí nổi tiếng. Một cô cháu gái nội danh sĩ Trịnh Hoài Đức gả cho cụ Trương Gia Tuân thành bà nội của Trần Bạch Đằng. Cụ Trương Gia Tuân tập ấm Tri phủ Bình Thuận nhưng lui về dạy học. Một người con gái của cụ, cô ruột nhà báo Trần Bạch Đằng, làm vợ nhà văn hoá lừng danh đất Nam Bộ trước Cách mạng Tháng Tám: Trần Hữu Độ (1887-1945).
Có thể nói tinh hoa của dòng họ cộng với trí tuệ của Đảng đã hun đúc nên người cán bộ và cây bút Trần Bạch Đằng. Chắc hẳn đấy là những nguyên nhân, như lời ông nói, khiến ông “không có con đường nào khác làm nên cách mạng và cầm bút”.
-
Phan QuangGửi lời chia buồn tại đây: