(VietNamNet) - Với 4 suất chiếu tại LHP Pusan, Áo lụa Hà Đông đã gặt hái được nhiều cảm tình của khán giả quốc tế...
* Phóng viên Linh Thúy đang theo dõi liên hoan phim Pusan tại Hàn Quốc thực hiện bài viết này.
Tờ Veriety – trang thông tin chính thức của LHP quốc tế Pusan đã dành trọn trang nhất để đăng 4 poster phim Việt Nam: Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông - hai bộ phim được trình chiếu chính thức và Sài Gòn nhật thực (phim chưa phát hành); Ngày mưa đầu tiên (dự án phim).
Với 4 suất chiếu tại LHP Pusan, Áo lụa Hà Đông đã gặt hái được nhiều cảm tình của khán giả quốc tế. Bốn buổi chiếu chật kín chỗ ngồi và làm khán giả trong rạp khóc nức nở ở những trường đoạn cao trào. Trên các diễn đàn của sinh viên điện ảnh Hàn Quốc đã có nhiều bài viết, ý kiến bày tỏ tình cảm yêu thích bộ phim.
Câu chuyện về chiếc áo dài gắn bó với cuộc đời của những thế hệ người phụ nữ Việt Nam: người con gái tên Dần được cầu hôn với món quà là chiếc áo dài. Rồi đến khi cô làm mẹ, lam lũ khổ sở, làm vú nuôi cho ông già bạc tóc, chiếc áo dài lại theo đứa con gái đến trường. Cuộc sống gia đình họ đổi thay theo những biến cố lớn của nhất nước qua hai sự kiện năm 1954 và 1975.
Những thành công của Áo lụa Hà Đông so với tình hình điện ảnh chung của nước nhà là đã “dám” làm khác đi giọng điệu chung: cấu trúc phim đan cài thực tại và phục hiện khéo léo, nhiều phép ẩn dụ được đưa vào không gượng ép, tính hài được thể hiện nhuần nhuyễn hơn.
Đặc biệt, phần âm thanh được làm một cách kĩ lưỡng và chuyên nghiệp. Nhạc sĩ Đức Trí và đạo diễn Lưu Huỳnh đã tỏ ra khá tinh tế trong những trường đoạn không lời, chỉ có âm nhạc hoặc những đoạn câm lặng hoàn toàn.
Bộ phim Chuyện của Pao cũng gây ấn tượng với nhiều người. Đáng chú ý là sự xuất hiện của diễn viên xinh đẹp Đỗ Hải Yến trong bộ đầm quyến rũ và khả năng nói tiếng Anh lưu loát giúp cô tự tin và giao thiệp tốt hơn.
Về bộ phim này, đạo diễn Phillip Noyce nhận xét: “Chuyện của Pao là một chuyến thăm kì ảo về những ngọn núi xa xôi của Việt Nam, nơi mà cuộc sống trong thế kỉ 21 vẫn bị giới hạn bởi văn hoá và truyền thống từ nhiều đời trước. Bộ phim đánh dấu một giọng điệu mới trong điện ảnh Việt Nam”.
LHP quốc tế này không chỉ là dịp để tranh tài, mà là cơ hội vàng để quảng bá nền điện ảnh nước nhà. Song, so với cách thức quảng bá điện ảnh của các nước trong khu vực, thì điện ảnh Việt Nam vẫn là hình ảnh thiếu phố biến. Điều dễ nhận thấy là ở khắp các bàn thông tin, các giá báo, các cửa ra vào rạp chiếu phim, hội nghị... đều đặt những cuốn sách nhỏ, hoặc chí ít là tờ gấp bằng tiếng Anh giới hiệu khái quát về điện ảnh nước đó trong năm. Đó chính là một cách tiếp cận dễ dàng với bạn bè quốc tế, giúp họ có cơ hội biết thêm về điện ảnh nước đó: những sự kiện nổi bật trong năm, những tên tuổi đáng chú ý, dự án sắp làm.
Để Việt Nam trở thành cái tên phổ biến trong làng điện ảnh, công lớn thuộc về những nhà làm phim, nhưng phương cách truyền thông và gây thiện cảm cũng sẽ góp một phần nhỏ không thể thiếu.
Áo lụa Hà Đông có thể sẽ được phát hành ra thị trường quốc tế. Phóng viên Linh Thuý đã có cuộc phỏng vấn ngắn ông bầu Phước Sang tại Liên hoan phim Pusan
Một trong những điểm hấp dẫn nhất của bộ phim Áo lụa Hà Đông là phần âm thanh. Anh có thể bật mí gì về điều này?
- Công lớn thuộc về nhạc sĩ Đức Trí. Để làm xong phần nhạc nền cho bộ phim này, Trí đã phải dồn tâm sức mất cả năm. Còn thoại thì hầu hết được lồng tiếng trực tiếp, chỉ có một số nhân vật phụ phải chỉnh sửa đôi chút. Có thể nói bộ phim này là phim được đầu tư kĩ nhất về mặt âm nhạc trong phim hiện nay ở Việt Nam với loại âm thanh surroud (âm thanh vòm), có thể nói là đạt chuẩn quốc tế.
Với độ dài 136 phút, anh có nghĩ bộ phim có độ dài hơn mức thông thường sẽ khiến khán giả mệt?
- Độ dài ngắn sẽ không còn quan trọng khi khán giả bị cuốn vào chính bộ phim đó. Những người làm phim muốn đưa người xem đến sự thấu hiểu tận cùng về nỗi khổ cực của Dần và Gù, dần đến cuộc bỏ trốn, rồi cuộc sống mới của họ, kèm theo đó là bối cảnh lịch sử chung của dân tộc.
Chi tiết hai cô bé đổi chiếc áo dài cho nhau có thể khiến khán giả liên tưởng ngay đến những tình huống nổi tiếng trong phim "Xe đạp Bắc Kinh" (Trung Quốc) và "Những đứa trẻ của thiên đường" (Iran). Anh có e ngại điều này?
- Không! Tôi nghĩ như thế. Quan trọng là chi tiết đó cần thiết cho sự phát triển câu chuyện.
Với vai trò là nhà sản xuất, anh đã can thiệp vào quá trình làm phim ở mức độ nào?
- Tôi tôn trọng tuyệt đối quyền sáng tạo của đạo diễn. Còn công việc của tôi là tính toán. Nhà sản xuất phải tỉnh táo để quyết định cái gì là đáng giá, cái gì không để đầu tư tài chính đúng mức vào đó.
Anh đã có kế hoạch phát hành bộ phim này ra thị trường quốc tế?
- Khán giả Hàn Quốc sắp được xem Áo lụa Hà Đông rộng rãi, vì chúng tôi đã bán phim này cho một công ty điện ảnh Hàn Quốc. Việc bộ phim gây được thiện cảm trong LHP Pusan đã là một thuận lợi cho việc phát hành phim ra thị trường quốc tế. Chúng tôi hi vọng sẽ sớm phát hành bộ phim này trong nhiều thị trướng khác nữa.
-
Linh Thúy