(VietNamNet) - "Vấn đề không chỉ nằm ở kịch bản mà nằm ở ban chỉ đạo. Chỉ còn 3 năm nữa là đến 2010, nếu làm lấy được thì mới kịp"- Đạo diễn Hải Ninh khẳng định
NSND Hải Ninh là Chủ tịch Hội đồng tư vấn (Ban chỉ đạo Quốc gia), Trưởng ban giám khảo phim truyện cuộc thi kịch bản phim truyện phim truyện lịch sử 1000 năm Thăng Long. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về sự chậm chạp trong quá trình sản xuất bộ phim có ý nghĩa đặc biệt này:
Đạo diễn Hải Ninh bên poster phim Em bé Hà Nội bằng tiếng Đức. |
Thưa ông, kịch bản phim 1000 năm Thăng Long đã được chọn
cách đây hai năm nhưng kế hoạch sản xuất vẫn chưa rục rịch gì. Theo ông, khúc mắc lớn nhất trong việc làm phim kỷ niệm này là gì?- Khác với phim về đề tài đương đại, phim về thời kỳ phong kiến hết sức phức tạp, phải tái tạo rất nhiều thứ. Khi làm Đêm hội long trì, chưa có trường quay, tôi phải đi khắp nước để đưa được không gian thời Lê, Trịnh lên phim. Tôi cũng đã làm tờ trình tư vấn cho Ban chỉ đạo cuộc vận động 1000 năm Thăng Long rằng, khi chưa có kinh nghiệm làm phim cổ trang thì phải cử người sang Trung Quốc học về thiết kế, phục trang, hoá trang và lập ban nghiên cứu kiến trúc, phục trang các thời thế nào. Tức là phải có thời gian.
Về chất lượng kịch bản cũng như cách chọn kịch bản dư luận và người trong cuộc đã có điều ra tiếng vào, với tư cách là Trưởng Ban giám khảo ông có ý kiến gì?
- Tôi cho rằng kịch bản nào đoạt giải nhất thì phải được đưa vào sản xuất, chứ không chấp nhận việc sản xuất kịch bản nhì vì nếu vậy thì cần gì Ban giám khảo? Tôi thấy thất vọng vì khi không chọn Hội thề của Nguyễn Quang Thân. Ban chỉ đạo đã tự quyết định mà không trao đổi với tác giả cũng như Ban giám khảo. Tôi cho đó là cách làm việc thiếu dân chủ, thiếu hiểu biết. Theo tôi, một kịch bản đã thấy không có chất lượng thì sửa mấy cũng không ăn thua, cho nên "duyên" kịch bản là rất quan trọng. Phải mau chóng hoàn thành kịch bản, đằng này người ta lại mất hai năm để tiến hành đấu thầu, làm những công đoạn không liên quan đến nghề nghiệp.
Chưa giải quyết ổn thoả khâu kịch bản thì lại vướng chuyện đấu thầu đạo diễn, ông có nhận xét gì về hiện tượng này?
- Đến đây tôi thấy đã có dấu hiệu nghiệp dư. Tôi chưa thấy ở đâu lại thi đạo diễn cả, trừ các LHP. Rõ ràng phải có kịch bản đã thì mới chọn ra được đạo diễn giỏi, chứ không phải chỉ đến nói miệng với nhau. Đây là cách làm nghiệp dư bởi người nghĩ ra cách này có thể không hiểu đầy đủ về công việc của những nhà làm phim. Trong 10 đạo diễn tới dự thi đã 7 người bỏ cuộc, chỉ còn 3 người với hai kịch bản: Đặng Nhật Minh - Lưu Trọng Ninh (kịch bản về Lý Công Uẩn nhưng không đề tên) và Đỗ Minh Tuần (kịch bản chữa của Huy Phúc và một kịch bản viết riêng về Lý Công Uẩn). Thi đạo diễn cuối cùng lại thành thi kịch bản!
- Tôi nghĩ họ muốn có một bộ phim để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nhưng quan điểm của tôi là một bộ phim thiêng liêng và được chờ đợi như vậy phải được làm cho cẩn thận. Phim Hà Nội 12 ngày đêm của đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng phải mất bảy năm, phim Giải Phóng Sài Gòn của đạo diễn Long Vân phải mất 12 năm, phim truyền hình Dưới cờ đại nghĩa cũng mất 6 năm, huống chi đây là bộ phim về thời phong kiến. Riêng phim Đêm hội long trì, riêng việc tìm hiểu kiến trúc, chuẩn bị bối cảnh, trang phục mà đạo diễn, quay phim và bốn hoạ sĩ phải mất trọn một năm rong ruổi. Cái kiểu làm phim kỷ niệm nhanh cho xong thì tôi không tin tưởng lắm bởi khi kịch bản tốt thì hãy làm.
Nghĩa là chúng ta không thể cố và không thể làm kịp bộ phim 1000 năm Thăng Long theo dự kiến?
- Tôi nghĩ vấn đề không chỉ nằm ở kịch bản mà nằm ở ban chỉ đạo. Kịch bản đã được duyệt từ năm 2004 đến giờ vẫn chưa đi đến đâu trong khi chỉ còn 3 năm nữa là đến 2010. Nếu làm lấy được thì sẽ kịp 2010, nhưng để tương xứng với lịch sử và có chất lượng về nghệ thuật thì chưa được vì chưa có gì để nhìn vào. Thêm nữa, đạo diễn chưa có, chưa thể nói đến chuyện diễn viên sẽ thế nào. Tôi nghĩ phải đủ chất lượng thì mới làm, kịch bản nào có tiềm năng thì mới bắt đầu quay. Nên lấy tinh thần của 1000 năm mà làm, chứ đừng dựa vào thời điểm cụ thể. Có như vậy mới giải phóng được sự sáng tạo.
-
Bích Hạnh
Theo bạn khúc mắc của vấn đề nằm ở đâu?