(VietNamNet) - Hắn không khùng, hắn chỉ lãng đãng chứ không giống hỗn danh người ta dặt cho gã và chính gã cũng tự nhận mình khùng.
Một gã xù xì lang thang chụp ảnh Đà Lạt, không ngờ nhả những chữ "cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ..." nghe còn lạnh hơn cơn mưa phùn thật đang lướt qua đường phố ngoài kia! Thật may, một MPK khác đã hiện ra như thế trong một khuya Đà Lạt mưa buốt lạnh, khi gã ngồi ôm đàn hát và kể về một góc đời mình. Bởi nói đến MPK - Phước khùng, mà lại nói về ảnh thì cũng đã nhàm, dù rằng chuyện chơi ảnh của gã luôn có nhiều điều để bàn.
Chỗ ở của gã giống như nhiều ngôi nhà khác ở Đà Lạt, chênh vênh trên dốc cao, phía dưới là con đường hun hút. Nhưng bên trong thì chắc hẳn chẳng có căn phòng nào ở xứ này giống được. Nó bừa bộn khủng khiếp. Tất cả những gì gọi là tài sản, dụng cụ để xài và để chơi, được quăng hết ra sàn. Nhưng lộn tất cả các túi trong người chủ nhân của nó, cùng lắm chỉ thấy mấy cuốn phim với một số dụng cụ chụp ảnh, chứ chẳng có cắc bạc nào lận lưng!
Như thế gã sống bằng gì, ăn bằng gì là cả một sự ngạc nhiên lớn đối với những kẻ quen đến bữa phải ăn, trong túi phải có tiền. "Vô sản" như thế, chơi ảnh không thôi đã mệt, gã còn sáng tác nhạc, vẽ tranh. Tranh thì mới thấy căng khung bố ra chất đầy căn phòng, nguệch ngoạc vài ba nhát cọ, còn nhạc chỉ thấy gã hát cho bạn bè nghe. Nghêu ngao chút nỗi niềm nhưng cũng khá "bợm": "Này em không yêu tôi nữa, thì tôi đi lên chùa gõ mõ...".
Người như gã chắc không chùa nào nhận. Nhưng người đã yêu gã thì vẫn có một vài cô. Có cô yêu gã rất nhiều nhưng gã không dám đáp lại vì sợ nàng khổ vì mình, có cô gã đáp lại nhưng rồi nàng một đi không trở về. Bây giờ gã đang yêu một cô, cô ấy cũng yêu gã nhưng "hồi kết" hẳn nhiên chưa biết thế nào.
Đơn giản vì gã mê chơi hơn yêu đương. Nhận lời chụp ảnh đám cưới cho một người bạn. Bỗng dưng sớm ấy ra đường thấy sương đẹp quá, gã mải mê chụp quên luôn cô dâu chú rể. MPK thì người Đà Lạt ai cũng biết, nhưng dạo phố với bạn nơi khác đến, bạn bị "chém" mười nghìn đồng... ba củ khoai lang mà Phước ta không hề biết, vì gã có mua thứ gì bao giờ đâu!
Phước khùng chỉ lãng đãng như thế chứ chẳng khùng tí nào như hỗn danh mà người ta vẫn gọi và gã tự nhận. Người ngợm xộc xệch, quanh năm chỉ có vài tấm áo thổ cẩm thay tới thay lui. Râu tóc như rễ tre. Dù xa dù gần cũng chỉ độc mỗi "món" cuốc bộ. Chẳng biết gã không thích đi xe hay vì... không có xe. Trừ dân Đà Lạt và những ai đã biết gã, còn người không biết cũng dễ nhầm là... khùng lắm.
Ngày trước gã bán cả hàng cấm đến độ vào tù, đi bốc vác, chụp ảnh dạo... để sống. Bây giờ gã chẳng làm gì để mưu sinh, vẫn cứ sống phây phây. Có lẽ chỉ có Phước khùng mới hiểu được sự nghịch lý này.
Chẳng biết từ bao giờ, MPK trở thành một phần của Đà Lạt. Nếu chịu khó lang thang phố núi, có thể người ta sẽ bắt gặp Phước khùng đang lui cui đâu đó chụp ảnh bằng cái máy cũ mèm. Nếu không, vào cà phê Tùng, chiếc bàn trong góc cửa là nơi gã thường ngồi. Đây là quán cà phê nổi tiếng nhất Đà Lạt, ra đời năm 1958. Phước khùng cũng vậy, sinh năm 1958 và dường như cũng là kẻ thuộc hàng được biết đến nhiều nhất ở xứ sương mù.
Gắn bó gần cả đời với thành phố hoa, gã tường tận từng bờ cỏ, hàng rào hoa dại. Mỗi đổi thay nhỏ của thành phố này gã đều nhận ra. Gã khẳng định một cách cực đoan rằng Đà Lạt bây giờ không còn là Đà Lạt nữa. Gã đang nhớ về Đà Lạt những năm xưa, đến cái hoa dại bé tí rung rung trong gió sớm cũng đẹp. Bây giờ phố núi đang nóng dần lên, hoa anh đào xuân nở, xuân không, còn dã quỳ nở loạn cả lên vì thời tiết bất thường.
Gã vẫn sáng tác những ca khúc về Đà Lạt, vẫn thực hiện một bộ ảnh chuẩn bị cho festival hoa tháng 12 tới, vẫn hứa... chụp ảnh cho đám cưới một thằng em kết nghĩa... Sau cái đêm mưa Đà Lạt uống rượu phúc bồn tử với bạn hữu trong căn gác như cái nhà kho của mình, chẳng biết gã còn nhớ đến từng ấy việc không. Chắc Phước khùng chẳng nhớ hết, bởi gã cũng đã quên nhiều thứ rồi, như đã từng quên ăn ngon, mặc đẹp, xài tiền, quên cả việc kiếm một cô vợ...
Nhưng bắt đầu từ câu xưng hô cửa miệng: "Khùng đây!", gã luôn làm người ta nhớ đến mình.
-
Võ Tiến