221
5082
Chuyên đề
chuyende
/vanhoa/chuyende/
974318
Sân khấu Việt: Chưa nói được những điều khán giả băn khoăn
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Sân khấu Việt: Chưa nói được những điều khán giả băn khoăn
,

(VietNamNet) - Sân khấu hiện nay không đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của khán giả, không nói được những vấn đề mà khán giả băn khoăn. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở đề tài hậu chiến, còn hơi thở của cuộc sống đương đại thì hầu như vắng bóng...

>> Khai mạc Liên hoan nửa thế kỷ Sân khấu Việt Nam

Các nghệ sĩ trong Đêm sân khấu miền Nam.

50 năm sân khấu Việt với những trích đoạn được coi là đặc sắc, tiêu biểu trình làng suốt một tuần ròng rã nhưng lại khá im ắng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không chỉ công chúng thờ ơ, mà ngay những nghệ sĩ gạo cội của sân khấu kịch dường như cũng ý thức rõ họ đang làm những việc phải làm chứ không hy vọng gì vào sự cổ vũ, động viên của người xem! Men say cảm hứng sáng tạo, mối cộng cảm mật thiết giữa nghệ sĩ và công chúng đã nguội tắt giống như cặp vợ chồng chán nhau đang chờ ngày ra tòa giải quyết ly hôn!

Trong tiểu luận về thơ Chutchev, nhà lý luận phê bình kiệt xuất Soloviev đã có một  nhận xét minh tuệ về thơ ca đương thời ở Nga (đầu thế kỷ XX): Đến các tư tế của ngôi đền nghệ thuật thơ ca còn không coi trọng thơ ca thì công chúng thờ ơ với thơ ca là điều dễ hiểu. Nhận xét này có thể áp dụng với sân khấu kịch hiện nay ở ta, không cần chú thích chú giải mà vẫn đúng đến kinh ngạc.

NSND Đình Quang cho rằng: "Sân khấu hiện nay không đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của khán giả, không nói được những vấn đề mà khán giả băn khoăn, Thiếu hẳn những vở có trọng lượng tư tưởng, thẩm mỹ. Chúng ta chưa nhìn ra lõi của sân khấu, nên không thể có những tác phẩm lớn."  

GS, NSND Đình Quang

Chỉ cần lấy một điểm cơ bản của sân khấu kịch là xung đột để xét thì cũng thấy rõ nhận xét trên hoàn toàn hữu lý. Xung đột kịch phải là xung đột mang tính thời đại, xung đột giữa cái hiện tồn đã bộc lộ chất phản diện và cái chính diện đang manh nha xuất hiện. Điều này hoàn toàn khác với cái gọi là xung đột đơn thuần giữa cái cũ (chưa chắc đã là phản diện) với cái mới (chưa chắc đã là chính diện) hoặc giữa cái tôi cá nhân với cái lợi ích tập thể chung chung, khó thuyết phục được ai.

Nguyễn Huy Tưởng nói về Lá cờ thêu sáu chữ vàng của mình như sau: "Đề tài lịch sử chỉ trở nên có giá trị khi nó phục vụ cho đời sống hôm nay", nghĩa là ông nói đến hơi thở của thời đại, và nghệ sĩ chân chính không chỉ là thư ký của thời đại mà còn phải cống hiến, phục vụ hữu ích nhất cho thời đại mà anh ta đang sống.

Hy sinh cái tôi cá nhân vì lợi ích chung của dân tộc, nghĩa là ông đã đụng chạm đến xung đột dễ hiểu nhất, dễ nhận được sự đồng cảm nhất của công chúng. Nhưng cũng chính Nguyễn Huy Tưởng khi mới 24 tuổi đã viết nên kiệt tác Vũ Như Tô. Xung đột kịch trong Vũ Như Tô là xung đột giữa cái Thiện và cái Mỹ  (xung đột trong thế giới nhận thức), nghĩa là xung đột giữa hai yếu tố chính diện, cả hai đều xứng đáng được tồn tại mà vẫn xảy ra bi kịch. Và đấy mới là đóng góp lớn lao của ông không chỉ cho sân khấu Việt mà còn làm giàu, làm rõ thêm cho nhận thức chung của nhân loại.

Trong khi đó, sân khấu của chúng ta hiện nay mới chỉ dừng lại ở đề tài hậu chiến, thiếu vắng những nhân vật mang trong nó xung đột đặc trưng của cuộc sống hôm nay. Điều này có nghĩa là sân khấu đương đại dù đang cố gắng vật lộn tìm lối thoát nhưng cũng chưa chạm tới mối xung đột giữa cái cũ và cái mới hiểu theo cách đơn thuần như Nguyễn Huy Tưởng nói về đề tài lịch sử thông qua Lá cờ thêu sáu chữ vàng, càng không thể chạm tới mối xung đột mang dấu hiệu bản chất của nhận thức trong Vũ Như Tô.

NSND Doãn Hoàng Giang đang chỉ đạo buổi tổng duyệt 50 năm sân khấu Việt Nam.

NSND Doãn Hoàng Giang thừa nhận: "Hơi thở thời đại của sân khấu hiện nay mới dừng lại ở đề tài hậu chiến, còn những vở diễn đương đại thì hơi ít, hoặc không có ở một số loại hình sân khấu. Hiện chúng ta còn thiếu những biên kịch trẻ, và quan trọng nhất là chúng ta đang thiếu những người năng nổ dám xông vào những vấn đề xã hội đang nhức nhối hiện nay. Theo tôi đất nước ta đang trong giai đoạn làm quen với kinh tế thị trường. Những người làm văn hóa nghệ thuật, các biên kịch – đạo diễn cũng đều đang phải làm quen với giai đoạn sống mới này, và họ cần thời gian để thay đổi cách nghĩ, cách tư duy và cách xâm nhập cuộc sống".

Chiến tranh đã lùi xa đủ cho một thế hệ mới sinh sau 1975 trưởng thành và tạo lập nên sự nghiệp của họ, nhưng sân khấu lại chưa bắt nhịp được cùng họ, chưa hiểu được họ nên chưa thể chuyển những mối ưu tư dằn vặt cũng như niềm khao khát, quan niệm về hạnh phúc, khổ đau của họ lên sân khấu thì đúng là sân khấu đã tách rời với cuộc sống đương đại, sân khấu chỉ còn là hoài niệm về một thời đã qua.

Thế hệ của những Nguyễn Đình Thi, Xuân Trình, Hoài Giao, Tất Đạt, Tào Mạt, Lưu Quang Vũ,... rất am tường xã hội mà họ sống. Họ nắm bắt được xung đột thời đại và đưa nó lên sân khấu rất thành công. Xung đột giữa cái tôi cá nhân đòi quyền được tồn tại công khai và lợi ích chung chung của tập thể trong thời đổi mới đã làm nên một Lưu Quang Vũ với những vở kịch tác động mạnh tới xã hội thời đó như: Ông không phải là bố tôi, Người tốt nhà số 5, Hồn Trương Ba da Hàng thịt vv.... Công chúng đón nhận nồng nhiệt đến mức họ chờ đón những vở mới của ông từng ngày trong hy vọng phấp phỏng. Họ kháo nhau và đồn thổi qua các câu chuyện ở quán nước vỉa hè: Lưu Quang Vũ đang viết gì?

Ngoài hiện tượng Lưu Quang Vũ, Vũ Dũng Minh cũng rất thành công với vở Đôi mắt. Đề tài chiến tranh quá quen thuộc nhưng tài nghệ của ông đã đưa vở kịch lên ngang tầm thời đại: Các bác sĩ đã tận tình trả lại ánh sáng cho một anh thương binh hỏng mắt. Câu chuyện chỉ đơn giản có thế nhưng ông đã xử lý các mối quan hệ đặc trưng của thời ấy thật tài tình. Tình yêu, tình bạn và những quan niệm về giá trị cuộc sống chỉ qua giọng nói vang lên trong bóng tối dày đặc vây quanh nhân vật chính, rất giản dị mà có sức mạnh đánh thức được những tình cảm tốt lành trong mỗi con người chúng ta. Kết thúc vở kịch, không chỉ có nhân vật chính được thấy lại ánh sáng mà những ai biết suy nghĩ đều cảm thấy tâm hồn mình được thanh lọc, sạch sẽ tinh tươm hơn trước.

Cũng cần phải nói rõ thêm là thời ấy, còn có một lứa đạo diễn, diễn viên được đào tạo khá bài bản, tràn đầy nhiệt huyết sáng tạo. Những người làm sân khấu đã không chỉ "nói được những vấn đề mà khán giả băn khoăn" mà còn góp phần nâng cao năng lực nhận thức, nâng cao thẩm mỹ cho công chúng. Đó là những Nguyễn Đình Nghi, Doãn Hoàng Giang... (đạo diễn), Trọng Khôi, Lê Khanh... (diễn viên)

Nhớ về cái thời vàng son của sân khấu Việt thời đó lại chạnh lòng trước tình cảnh sân khấu hiện nay. Bao nhiêu hội diễn sân khấu đã trôi qua, bao nhiêu Huy chương vàng, Huy chương bạc, Huy chương đồng đã được trao tặng cho vở diễn, cho đạo diễn, diễn viên... Đấy là chưa kể đến những danh hiệu diễn viên trẻ tài năng như đặt kỳ vọng vào họ sau này, nhưng các nhà hát vẫn lâm cảnh tắt lửa tối đèn.

Tình trạng buồn đến mức NSND Doãn Hoàng Giang phải thốt lên: "Nói thật, tôi cũng cảm thấy chán cái cảnh quay đi Doãn Hoàng Giang, quay lại Lê Hùng… lắm rồi. Quanh đi quanh lại vẫn hai chúng tôi. Chẳng có gì chán hơn khi trong một cuộc thi mà mỗi mình mình tự chạy, còn gì là vui nữa! Phải có “thằng” nào chạy cùng để mình tìm cơ hội thò chân ra ngáng nó mới sướng chứ. Nhiều lúc cũng muốn đứng vào vệ đường chờ “thằng nào đó” chạy vượt lên để mình đuổi cho vui, mà chả có “thằng” nào!".

Đến người làm nghề mà còn chán thì ai háo hức, phấp phỏng đi xem cho được?

  • Ngân Hà - Hoàng Hường

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,