(VietNamNet) - Quả bóng âm nhạc đã bị đẩy ra ngoài đường biên lý luận mà các cầu thủ của cả hai đội vẫn chạy rất hăng trên sân cỏ.
>> Tranh luận nảy lửa về nhạc Việt
>> Nghe nhạc Hàn Quốc, trông người mà ngẫm đến ta
>> Bệnh “gào” của ca khúc Việt
>> Về nền ca khúc quần chúng không nhạc đệm Việt Nam
Có thể tạm đưa ra một nhận xét khách quan rằng, vì cả hai phía đang cố gắng bảo vệ quan điểm của mình bằng mọi giá nên trong những lời phản biện đã có hơi hướng của sự cực đoan cố hữu. Quả bóng âm nhạc đã bị đẩy ra ngoài đường biên lý luận mà các cầu thủ của cả hai đội vẫn chạy rất hăng trên sân cỏ.
Điểm gây nên cuộc tranh cãi kịch liệt này ban đầu chỉ là: sự mất cân đối giữa dòng âm nhạc bác học và dòng âm nhạc quần chúng không nhạc đệm, chính xác hơn là sự bành trướng thái quá của dòng âm nhạc bình dân đã nuốt chửng dòng âm nhạc bác học trong đời sống hiện tại. Nhưng cuộc tranh luận nồng nhiệt và nảy lửa về nhạc Việt đã sa lầy chính ở điểm này: Những người bảo vệ và muốn bảo vệ dòng âm nhạc quần chúng, âm nhạc không nhạc đệm lầm tưởng rằng những những người bảo vệ, đề cao dòng âm nhạc bác học đang chĩa mũi dùi về phía mình để chỉ trích hoặc không muốn sự có mặt của dòng âm nhạc quần chúng trong đời sống này nữa!
Từ sự lầm tưởng đáng yêu và xuất phát từ tình yêu nồng nhiệt với âm nhạc quần chúng như vậy chắc chắn sẽ cảm thấy bị xúc phạm quá lớn và dĩ nhiên là phải lên tiếng để...chỉ trích, phản bác lại cho xứng tầm đối thủ. Nỗ lực này cũng giống như nỗ lực gõ vào cánh cửa không bị khoá bao giờ!
Trên thực tế thì bất chấp mọi lý luận hoặc đạo đức học trong nghệ thuật, cả hai dòng âm nhạc này vẫn cứ tồn tại, cứ thản nhiên phát triển từ thế kỷ này sang thế kỷ khác và ở bất cứ đâu thì dòng âm nhạc bình dân cũng vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn, được lòng số đông công chúng hơn nhiều so với dòng âm nhạc bác học và như có một sự công bằng đầy minh triết, ở bất cứ quốc gia nào thì dòng âm nhạc bác học cũng vẫn cứ chiếm được lòng tôn kính, ngưỡng vọng của công chúng, kể cả những công chúng vốn chỉ yêu thích dòng âm nhạc không nhạc đệm.
Vấn đề này sẽ trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn nhiều nếu cả hai dòng nhạc này cùng phát triển một cách bình đẳng và không loại trừ nhau. Vấn đề này sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều nếu dòng nhạc hàn lâm bác học phát triển mạnh, lan toả ngày càng sâu rộng trong đời sống và nó nâng cao dần năng lực thẩm mỹ âm nhạc của công chúng.
Mỗi dòng âm nhạc và cả lớp công chúng của nó đều phải chứng tỏ sức hấp dẫn mãnh liệt cũng như sự tồn tại hữu lý của mình trong đời sống thực. Không thể đổ lỗi cho sự kém phát triển của mình bằng cách chỉ trích sự phát triển dù là thái quá của tất cả những cái không phải là mình. Nếu cần phải biện minh cho sự yếu kém của dòng âm nhạc bác học ở ta thì nên tìm lý do ở cách quản lý, đầu tư chưa có sự cân đối và các phương thức truyền thông đã quá thiên lệch khi thông tin không đúng và không đầy đủ về dòng nhạc này trong khi đó lại lăng xê và thông tin cũng không đúng nhưng quá dư thừa về dòng âm nhạc quần chúng.
Khởi đi từ tình yêu âm nhạc đến chỗ suy tôn hoặc độc tôn chỉ một dòng nhạc rồi gán cho nó những giá trị duy nhất đúng thì chắc chắn sẽ đi đến độc tài trong âm nhạc mà mọi sự độc tài trên đời này đều không đáng thèm muốn, ít nhất là ở cái cách thức nó thể hiện với tất cả những gì không phải là nó.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục trích đăng các ý kiến tranh luận sôi nổi và đặc sắc về vấn đề này.
Nhạc sĩ Nguyễn Lưu:
Rock fan (ảnh minh hoạ) |
Tuy vậy, ở góc độ chủ thể sáng tạo, nhiều người cho rằng để làm ra cuốn tiểu thuyết đồ sộ hay một opera sẽ phải có sự chuẩn bị kỹ hơn và để thưởng thức nó cũng phải là người có một quá trình chuẩn bị. Việc áp đặt một quan điểm nào đó là khiên cưỡng, bởi trong từng điều kiện cụ thể, về sở thích, học vấn và thời gian, hoàn cảnh, không ai giống ai cả và cuộc trao đổi ý kiến mà tôi được xem và đọc trên mạng chính là biểu hiện rất đáng quan tâm về thực trạng đời sống âm nhạc ở Việt Nam.
Rất hoan nghênh VietNamNet đã đem đến cuộc trao đổi này và chỉ với chừng ấy ý kiến, người ta đã kịp nhận ra nhiều điều, đa số ý kiến tích cực đã tỏ thái độ ủng hộ NS Đặng Hữu Phúc và theo tôi thì đây là xu hướng chủ đạo, rất đáng hoan nghênh. Có sự đồng cảm ở đây, như thể nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh khi thấy con em mình tiếp thu quá nhanh lối sống xa lạ mà bỏ quên truyền thống, thấy con em mình không muốn đọc sử Việt và chỉ đua đòi để chạy theo cái “mới” từ tóc tai, quần áo cho đến lối thể hiện đi ngược lại nếp sống dân tộc, từ đó dẫn đến hiểu biết chưa đầy đủ về cái tôi và thậm chí dẫn tới nhiều ngộ nhận khác.
Đừng nghĩ rằng cái bên Tây bên Tàu có thì ta cũng phải có, nhầm lo đấy! Cuộc sống mới thật đa dạng và hiện tượng vàng thau lẫn lộn là khó tránh, gần đây, chắc anh Đặng Hữu Phúc và nhiều người đều thấy những vụ đạo nhạc của một tác giả trẻ, vụ đạo thơ của một ca sỹ, đạo văn của một nhà thơ làm MC hay đạo ý tưởng ở địa hạt tranh cổ động…và đó là điều mọi người hay chính cuộc sống phải chấp nhận, nó sẽ nhanh chóng qua đi, như thể Album “Chát” rồi sẽ trở nên một vết sẹo nhỏ trên con đường hội nhập của nhạc Việt.
Xin trở lại bài viết của NS Đặng Hữu Phúc. Có lẽ, sự bức xúc (rất đáng trân trọng) của anh đã khiến tác giả đặt ra quá nhiều vấn đề và làm độc giả dễ mệt mỏi. Sự lạm phát danh xưng nhạc sỹ và những chương trình ca nhạc kém chất lượng, những CD tràn lan các ca khúc yêu đương rẻ tiền, đã thật sự là nỗi lo của nhiều thế hệ Việt Nam, bởi ai cũng biết, tình yêu là chuyện muôn thuở, cần tôn trọng, song đâu chỉ có thứ tình yêu lứa đôi, vả lại thứ tình yêu được hét lên và gào rú bằng những ca từ sáo rỗng đâu đáng được quan tâm. Nếu để ý ta sẽ thấy nhiều tội phạm ở lứa trẻ có những thói quen xấu như chát đêm, ăn mặc, phát ngôn lố lăng và đến khi đã vào khám, nhiều người trong số này chỉ biết đến thứ âm nhạc ấy. Bên cạnh đó cũng thấy trách nhiệm của Hội Nhạc sỹ Việt Nam là không tổ chức giới thiệu những sáng tác tốt đến với công chúng, kể cả các tác phẩm được giải thưởng.
Ta cứ thấy việc Tây Tàu hát pop, rock, rap rồi bảo nhạc Việt đang phát triển, phải làm thế, thậm chí nói mấy vị nào đó là cổ lỗ sĩ, già rồi, lạc hậu rồi, xin lỗi, nếu không có thế hệ nhạc sỹ đi trước, trong đó có những nhạc sỹ-chiến sỹ, liệu chúng ta có được một gia sản âm nhạc đáng tự hào như hôm nay, nếu cứ lấy cái quyền tự do để lớn lối đòi nọ đòi kia thì liệu nhạc Việt sẽ đi đâu, về đâu? Rất cần tôn trọng và ưu ái tuổi trẻ-là những chủ nhân ông tương lai của đất nước, tuy nhiên cũng cần uốn nắn những thị hiếu lệch lạc của một bộ phận tuổi trẻ, kể cả sự hỗn hào đây đó khi bộc lộ chính kiến trên một diễn đàn mang tính dân chủ song còn thiếu sự chắt lọc và kiểm soát.
Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của NS Đặng Hữu Phúc về việc nhiều nhạc sỹ phối khí xuất hiện có thể sẽ làm xấu đi hình ảnh của bản thân giới nhạc sỹ. Tuy nhiên, cần thấy rằng ngay ở các nước tiên tiến cũng có những loại nhạc sỹ khác, họ là những kỹ thuật viên chuyên giúp các tác giả (kể cả chuyên nghiệp) việc phối khí, miễn là sự hiện diện của họ không làm lu mờ ý tưởng của tác giả (ca khúc) và không gây nên những lộn xộn như ở ta và điều này khiến cho NS Đặng Hữu Phúc và nhiều người bất bình. Không nên xúc phạm đến những tác giả có tài năng, có công lao và có nhiều sáng tác từng để lại dấu ấn, nhưng do nhiều hoàn cảnh nên chưa kịp trang bị những phương pháp tiên tiến để thể hiện tác phẩm của mình.
Trong trường hợp này, giới truyền thông không vô can. Lăng xê quá đà, nói về âm nhạc mà không hiểu thấu đáo về nó, dễ dãi trong xét duyệt chương trình ca nhạc, đều đáng phải rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, ta nên thông cảm với báo giới, đâu phải ai trong đó đều là các nhà lý luận âm nhạc nên sự nông cạn đây đó là dễ hiểu, nhưng báo giới đã đem sự kiện âm nhạc đến với công chúng là có công. Cũng chẳng nên đặt yêu cầu các nhạc sỹ lý luận phải đi viết lách để hướng dẫn dư luận, nghe nó thế nào (!), bởi mỗi xã hội đều có sự phân công của nó. Bức tranh của “tôi” nếu có bạn góp phần tô điểm thêm theo như ý “tôi” sẽ càng đẹp chứ sao, miễn là có tên “bạn” ở đấy, còn nếu “tôi” tự pha màu được thì nó càng quý, phải không NS Đặng Hữu Phúc?
Không một tác giả, một ý kiến nào (chẳng hạn của anh Đặng Hữu Phúc) đủ sức thay đổi tất cả, cũng không thể đòi hỏi mọi ý kiến đều phải nêu được một giải pháp gì đó có tính khả thi, dù có chút cấn cá, cuộc tranh luận trên VietNamNet và bức xúc của NS Đặng Hữu Phúc là rất đáng hoan nghênh.
Trung Thành (Sư phạm Nhạc hoạ TƯ):
Thưa bạn Leykimkim, và một số bạn cùng quan điểm với bạn Leykimkim. Nếu mà bạn có một mảnh vườn, bạn không có “giáo án” trồng cây gì, cứ để tự nhiên, thì cái gì sẽ mọc lên? Chắc chỉ có cỏ dại thôi phải không bạn? Tôi thật không tưởng tượng nổi suy nghĩ của bạn là việc nghe nhạc lại không phải học?
Ở bên Mỹ, nhạc sỹ kiêm chỉ huy vĩ đại Leonard Bernstein có làm hẳn một chương trình, như một giáo trình (ở ta có bán giáo trình này bằng DVD của Trung Quốc) để dạy cho tầng lớp trẻ tuổi nghe nhạc giao hưởng. Ở bên Anh thì có nhạc sỹ nổi tiếng của Anh là Benjamin Britten cũng có chương trình (nói như bạn là giáo án đấy ) tương tự. Nhạc sỹ Prokofiev, nhạc sỹ lớn của thế kỷ 20, đã viết tác phẩm “Pechia và chó sói” để dạy cho thiếu nhi nghe nhạc giao hưởng, bản nhạc này nổi tiếng toàn thế giới v.v...
Còn rất nhiều những “giáo án” như vậy đấy bạn ạ, Chỉ có bạn không để ý và không thích đấy thôi. Cũng như các nhạc viện trên khắp thế giới mở ra cũng đều có mục đích là những nơi dậy cho người ta nghe nhạc và đều có giáo án. Các cụ ta có câu “ đàn gẩy tai trâu “ là có ý nói những người không được dạy để nghe nhạc, thì nhạc gì đánh lên họ cũng không phân biệt được cái hay, cái đẹp của nó. Có học thì vẫn hơn là…
Trần Anh ( nhạc viện TPHCM, Email: trananh@yahoo.com):
Tôi đã đọc một số ý kiến phản hồi của các bạn, có một vài ý kiến ( như của các bạn Kha Dương, laykimkim v.v.. ) tôi thấy đã hiểu sai những ý trong bài viết của NS Đặng Hữu Phúc. Nhạc sĩ Phúc không hề bài xích văn hoá quần chúng và các thể loại âm nhạc khác mà chỉ nêu lên sự mất cân đối của âm nhạc Việt Nam. Xin trích nguyên văn “..Chúng ta không phản đối nghệ thuật quần chúng nhưng nền âm nhạc của một quôc gia mà hầu như chỉ có ca khúc quần chúng thì thật là…” và đấu tranh cho sự phát triển hài hoà của tất cả các dòng nhạc, và dòng nhạc đỉnh cao cần phải được phát triển với một tỷ lệ thích đáng vì “ âm nhạc ở tầm văn hoá quần chúng đã chiếm tới trên 99% nền âm nhạc Việt Nam”.
Cũng xin hỏi các bạn rằng: nếu một quốc gia được kể vắn tắt một thành tựu âm nhạc (tôi nhấn mạnh là chỉ được kể một thôi) của mình, thì họ sẽ kể cái gì đây? Xin nói tới các nước có nền văn hoá phát triển trước (nước có nhiều giải Nobel chẳng hạn ) tôi lấy ví dụ: nước Ba lan chắc chắn sẽ chỉ là Chopin, nước Đức chăc chắn sẽ là Beethoven, Hungari là Liszt hoặc Bartok, nước Pháp chắc chắn là Berlioz ( hoặc Debussy, Ravel) , nước Nga chắc chắn sẽ là Tchaikovsky v.v.. Nước Mỹ chắc chắn đấy sẽ là dàn nhạc giao hưởng danh tiếng như Chicago, hoăc Philadenphi hoăc một nhac sỹ giao hưởng như Gershwin chứ không thể là cái gì khác. Tuy rằng ở đó các loại nhạc Pop đều phát triển nhất thế giới (nhưng họ không thể sánh được với các nền âm nhạc đỉnh cao của Đức, Pháp, Nga đâu).
Chắc các bạn đã biết , người ta đã gửi bản thu âm giao hưởng số 9 của Beethoven lên vũ trụ, làm bản thông điệp duy nhất và đầy đủ nhất về nền văn minh của loài người cho các nền văn minh ngoài trái đất chứ? Gần đây nhất, kỷ niệm ngày thành lập khối Châu Âu tại Đức, thì buổi hoà nhạc duy nhất vẫn là Giao hưởng, và còn gì khác nữa ngoài giao hưởng số 5 của Beethoven? Ngay cả Việt Nam ta đón các nguyên thủ Quốc tế (như B.Clinton) thì cũng là Dàn nhạc giao hưởng đấy, chứ không phải là các loại nhạc khác mà NS Phúc đã kể và các bạn thì rất thích, đúng không?
Tôi không cực đoan đến mức bắt tất cả mọi người phải nghe được giao hưởng, nhưng không thể phủ nhận nó là đỉnh cao nhất của nghệ thuật âm nhạc. Muốn nghe nó, phải có tri thức cao, phải học rất nhiều.
Các ban hãy chịu khó tới nhạc viện mua một quyển sách “ Lịch sử âm nhạc thế giới” thì rõ lắm lắm. Trong đó nếu để nói về các nhạc sỹ vĩ đại đỉnh cao thì mỗi người có hẳn một chương, còn tất cả các dòng nhạc Pop khác, nhiều khi gộp lại thành một vài dòng thôi, nó có gì để nói đâu? Những quyển sách đó là của thế giới soạn ra, đáng tin lắm các bạn ạ. Giáo trình nghe nhạc là có đấy bạn Leykimkim ạ, (Ví dụ như kênh truyền hình Arirang của Hàn Quốc đang dạy công dân của họ). Cái gì mà chả phải học, chả nhẽ nghe nhạc lại không cần học và học lại không cần giáo án? Nếu bạn được học qua nhạc viện thì đúng là ở đó có giáo án nghe nhạc đấy, còn nếu bạn không muốn học nghe nhạc thì ai bắt được bạn đâu.
Một lần nữa, xin các bạn hiểu đúng ý của NS Phúc.
Minh Cầm (Khoa LSC nhạc viện TPHCM):
Trong nghệ thuật, những tác phẩm đỉnh cao cũng như các loại rượu quý, càng để lâu càng giá trị, vì vậy, nhân danh cái mới, và đương đại (như nhạc rock, nhạc Jazz…) để chê những tác phẩm đã trở thành mẫu mực là một sự kém hiểu biết về văn hoá và lịch sử. Ví dụ như Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm của Việt Nam ra đời cách đây đã trên 200 năm, nhưng đến tận bây giờ, đã có nhà thơ nào ở Việt Nam dám nói rằng giỏi hơn và viết hay hơn Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm không? Có lẽ chưa đáng học trò của họ!
Trong âm nhạc cũng thế, Những đỉnh cao lừng lững như Beethoven, Chopin, Ravel, Shostakovich v.v.. không phải thời nào cũng có, và nó cũng vĩnh cữu như đỉnh Everes vậy. Đỉnh Everes có lẽ đã có từ hàng nhiều tỷ năm rồi, Nó ra đời trong những lần phun trào địa chất, và bây giờ cũng vẫn có những phun trào địa chất hàng năm, cũng sinh ra những đỉnh núi mới, nhưng tầm cao của nó thì sao sánh nổi với Everes đã trở thành biểu tượng về độ cao.
Nói như vậy, không có nghĩa là sẽ không có cái mới trong sáng tạo nghệ thuật nữa, không có đỉnh nào cao hơn Everes trong tương lai nữa, nhưng thời gian để những sự kiện lớn và những nhạc sỹ lớn như vậy ra đời nhiều khi phải tính bằng thế kỷ, còn trong thiên nhiên là hàng tỷ năm. Còn những thứ “đồ tiêu dùng” hàng ngày như Kotex, coca cola , mỳ ăn liền vv…. rất cần thiết nhưng nào đáng kể gì…
Quốc Hải (Vancouver Canada):
Với 3 bài báo lý luận rất chặt chẽ của mình, NS Đặng Hữu Phúc thực sự đã gióng lên 3 hồi chuông làm thức tỉnh cả xã hội nhất là những người làm công tác âm nhạc về thực trạng đáng buồn của nền âm nhạc Việt Nam. Cũng giống như một cậu bé phát hiện ra “Hoàng đế cởi truồng” trong câu chuyện “Bộ quần áo mới của hoàng đế” của Anđecxen, sự hồn nhiên của cậu đã làm mọi người thấy một sự thật rất đơn giản đang phơi bày ra ngay trước mắt mọi người. Và ta cũng có thể nói theo cậu bé : “ Ô kìa, nhạc Việt không mặc quần áo”
Trang Sinh (Nhạc Viện Hà Nội):
Trong thiên nhiên, thích gặm cỏ thì chắc chắn là loài trâu, bò dê… thích bắt chuột đích thị loài mèo, loài cú; thích phấn hoa là loài ong v.v.. và v.v.. Đó là trong thế giới động vật, mỗi loài ăn một món (vật chất). Còn trong xã hội loài người, ngoài món ăn vật chất chúng ta còn có món ăn tinh thần, đó là thưởng thức văn học nghệ thuât, trong văn học nghệ thuật thì chắc chắn âm nhạc giữ một vai trò quan trọng.
Hãy nói cho tôi biết bạn thích nhạc gì, tôi có thể đoán bạn là ai, tầm văn hoá của bạn ra sao? Chẳng hạn bạn thích nghe Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ ư? Có thể là bạn là một người buôn bán nhỏ, hoăc là một bà nội trợ, hoặc làm dịch vụ. Hoặc làm về nghề nông. Bạn thích nhạc cải lương ư? Có thể bạn ở thành thị trong những khu phố lao động, bạn cũng có thể là một người có một sạp hàng nho nhỏ. Bạn thích nhạc của Richar Clayderman? bạn là một người hơi lãng mạn, tình cảm, và có thể bạn thích hào nhoáng, lịch sự và thích sự đơn giản. Còn bạn thích thuốc lắc, thích đua xe tốc độ, thích giao du ban bè, thích thức khuya đi chơi đêm ư? chắc chắn là bạn thích nhạc Rock, nhạc Hip-hop rồi. Đó là tầng lớp thanh niên thời đại mới, thời đại công nghiệp mà.
Và bạn hãy đoán xem, một nhà bác học, ví dụ như Anhxtanh ông ta sẽ thích nghe nhạc gì? Bach, Mozart, chăng? dễ đoán quá phải không. Đúng, rất đúng ông ta nghiện nhạc của Mozart.
Có bao nhiêu loại người, thì cũng có chừng ấy thứ âm nhạc, Nhạc cho những người đi làm thuê, nhạc cho những người bình dân, nhạc cho những kẻ trọc phú mới phất. Và cũng có nhạc cho những người phát minh. (Ví dụ Anhxtanh và Mozart)
Từ ngàn xưa, Khổng Tử đã nói rằng nghe nhạc của một nước có thể đoán được vận nước đó thịnh hay suy, kẻ quân tử nghe nhạc chắc phải khác kẻ tiểu nhân. Vậy một người nước ngoài, muốn hiểu về xã hội Việt Nam hiện đại, đơn giản có thể nhìn qua lăng kính âm nhạc, người Việt Nam hiện nay chủ yếu là nghe nhạc gì?
Trong một xã hội phát triển hài hoà, sẽ có rất nhiều tầng lớp người có trình độ văn hoá khác nhau, và sẽ có rất nhiều thứ âm nhạc cho các tầng lớp đó, ta không thể áp đặt thứ nhạc của tầng lớp này cho tầng lớp khác.
Nhưng hiện nay, có thể thấy, nhạc bình dân ( như các loại nhạc Pop, jazz, rock, hip-hop, R&B, ….) và ca khúc quần chúng đã độc chiếm âm nhạc Việt Nam ( cứ mở các kênh của đài truyền hình TƯ, cứ xem các loại báo chí hàng ngày, thì thấy rất rõ) . Dòng nhạc đỉnh cao đang biến mất dần, không có chỗ đứng trong đời sống của người Việt hiện nay.
Đúng là tầng lớp bình dân thì ở bất cứ đâu trên thế giới cũng chiếm số đông và nhạc bình dân cũng như vậy. Nhưng hầu như chỉ có nhạc bình dân độc chiếm thì quốc gia đó sẽ như thế nào? Bộ mặt văn hoá của quốc gia đó ra sao?
Từ đó ta có thể thấy trình độ dân trí của ta rất thấp, thích đi làm thuê, bắt chước. Không có tầng lớp trí thức ưu tú, không có âm nhạc đỉnh cao cũng không thể có văn hoá đỉnh cao, Và dĩ nhiên là sẽ không thể có những nhà phát minh… Tôi nghĩ, chính là NS Đặng Hữu Phúc muốn nói như vậy qua các bài viết của mình
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Nhạc trẻ hiện nay đúng là “chơi rất to” nhưng sức truyền cảm của nó chẳng bao nhiêu, thậm chí là không có. Các bài hát đó được nhiều người nghe không vì thưởng thức nghệ thuật, chẳng vì nghiền ngẫm ý nghĩa, nội dung mà nó được nhiều người nghe vì:
Thứ nhất là do “công nghệ lăng xê” đã quảng cáo quá mức khiến cho khán giả tò mò đi xem. Mặt khác, người đi xem nhiều chẳng qua vì chẳng còn chỗ nào để đi. Thực tế các sân chơi lành mạnh, những nơi phổ biến âm nhạc đúng nghĩa rất ít, thậm chí là chẳng có ở một số tỉnh thành. Nhưng liệu trong số họ có ai xem đó là tác phẩm âm nhạc “ruột” của mình chăng ? Nó có thời gian tồn tại như các bài hát của Trịnh công sơn hay không ?
Thứ hai là do việc thực hiện một album ca nhạc bây giờ quá dễ. Dễ từ vấn đề kinh phí (thực tế các ca sĩ “choi choi” làm một album ca nhạc chưa đến 100 triệu đồng-rẻ hơn một chiếc Dylan, mà ngày nay xe này rất nhiều trên đường phố), việc xin phép cho đến việc thực hiện và phát hành. Chỉ cần không phản động, không kích động bạo lực, tình dục, không vi phạm thuần phong mỹ tục, không đụng đến vấn đề nhạy cảm về văn hóa, tôn giáo, thì cứ được cấp phép cho làm. Còn phát hành ư ? Càng dễ. Chỉ cần đem đến các quán cà phê tặng đĩa và 50 ngàn là được phát ra rả. Đem vào tiệm dưới hình thức ký gởi, chia huê hồng cho chủ, thế là OK thôi.
Thứ ba là đi xem nhiều chẳng qua là để “ngắm đùi, ngắm rốn” , “nghía hàng” của các ca sĩ vì phần lớn đều ăn mặc thiếu vải.
Thứ tư là do các nhạc sĩ không có cảm xúc thật để viết, thậm chí là không có trình độ để viết nhạc hay. Đấy là chưa nói đến cái tâm, cái tôi của nhạc sĩ. Họ viết để ca sĩ hát, ca sĩ cần họ viết để cho hát. Họ chỉ chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo đồng tiền. Bạn nào đó nói đó là do công sức của nhạc sĩ cần phải trân trọng ư ? Mời bạn đọc tác phẩm “Đời Thừa” của Nam Cao.
BUI HUNG SON (lop qlvh 6b DAI HOC VAN HOA HA NOI):
Muốn nhận xét, đánh giá khách quan một vấn đề nào đó cần phải là người am hiểu vấn đề ấy và đứng ở lập trường trung lập. Tôi không lên án gay gắt nhạc trẻ Việt Nam hiện nay nhưng cũng kông hoàn toàn ủng hộ. Vẫn có những ca khúc hay và những ca sĩ tốt nhưng xét cho cùng thì đấy chỉ là số ít. Phần lớn nhạc trẻ Việt bây giờ đang và có lẽ sẽ còn bị nhiễm xu hướng lai căng, bắt chước một cách ngô nghê, rẻ tiền. Cần phân biệt đâu là nhạc thị trường đâu là nhạc bác học. Trong thời điểm hiện nay khi văn hoá Việt đang đứng trước sự hội nhập thì tình trạng vàng thau lẫn lộn là điều dễ hiểu. Cần lắm sự tỉnh táo của mỗi người, cần lắm những đôi tai không bị nhiễm tạp âm. Hãy biết quý trọng và phát huy những gì là bản sắc của dân tộc. Mọi sự sáng tạo đều phải dựa trên một nền tảng vững chắc nếu không sẽ bị coi là bắt chước lai căng!
phu sy (sachsen anhalt.germany):
Mỗi lần bật tivi tôi rất ngại gặp phải các chương trình nhạc trẻ Việt Nam. Nó vô bổ, hỗn loạn, nó gào thét vô hồn. Nhạc sĩ sáng tác vì mục đích kiếm tiền thì chỉ cố làm sao sáng tác thật nhiều, thật nhanh mà không cần biết nội dung bài hát phục vụ ai. Nói tóm lại là một số người sáng tác bài hát rất kém về văn học. Thêm vào đó là một số ca sĩ không có tố chất cả về thanh giọng lẫn phong cách. Nói chung, nếu vô học và vô cảm thì không nên lên sân khấu!
Phan Bá Mạnh (K29 triết học, đại học khoa học huế; Email: haynhoco1nguoi@yahoo.com):
Hiện tôi đang là sinh viên năm thứ hai ở trường đại học Huế, là người rất say mê âm nhạc nên khi theo dõi diễn đàn về âm nhạc trên báo Vietnamnet và đặc biệt khi nghe những lời phát biểu của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc về nhạc Việt tôi xin có một số ý kiến như sau:
Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhạc sỹ Phúc khi lên tiếng phản đối và chỉ trích loại hình nghệ thuật gào rống, khoe rốn, nhảy chồm chồm… trên sân khấu. Theo tôi gào rống hay là nhảy chồm chồm… như nhạc sỹ Phúc gọi đó cũng là một nghệ thuật sân khấu trong giới âm nhạc đương đại, thậm chí còn là một nghệ thuật rất khó thể hiện và những người thể hiện được nó phải là những “nghệ nhân” thực thụ!
Nó không chỉ đòi hỏi người ca sỹ trước khi biểu diễn trên sân khấu trình bày phải có một quá trình tập luyện về giọng, về âm, về lời, tiết tấu âm điệu… rất kỹ càng mà nó còn đòi hỏi người ấy phải có năng khiếu và một sức khỏe tốt.
Không cứ chỉ là lên sân khấu đi đi lại lại bình thường theo đúng “gu” của bài hát mới là đúng, là hợp với phong cách nhạc Việt. Mỗi ca sỹ có quyền lựa chọn cho mình một hình thức biểu diễn, một phong cách nhạc phù hợp với chất giọng của mình làm sao người nghe không chỉ được thưởng thức những chất giọng mới một phong cách mới mà còn được đắm mình trong những điệu nhảy bốc lửa và hoà mình theo lời bài hát.
Hẳn mọi người vẫn còn nhớ hình ảnh của ca sỹ Anh Khoa trong “Sao Mai điểm hẹn 2006". Anh đã làm cho biết bao người phải tấm tắc khen chất giọng và tài năng… của mình khi trình bày thể loại mà theo như nhạc sỹ Phúc là rống đó! Họ đã làm cho nền âm nhạc Việt Nam bấy lâu nay vẫn thường chìm trong một phong cách đơn giản nhẹ nhàng phải thức tỉnh! Nó góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc nước nhà, và chúng ta cần phải khuyến khích, động viên họ chứ không phải ngôi đây lên tiếng chê bai họ bởi họ đã hết mình cống hiến cho nghệ thuật. Không lẽ những người một đời cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà lại là những người kém cỏi giống như lời nhạc sỹ Phúc nói hay sao?
Mỗi một ca sỹ đều muốn tìm cho mình một phong cách riêng để không trộn lẫn vào đâu được, để cho người nghe nhạc được thưởng thức những cách cảm thụ khác ngoài phong cách truyền thống vốn có khi trình bày cùng một lời bài hát.
Theo tôi gào hay rống gì gì đó là một nét phá cách lớn trong nghệ thuật và lẽ dĩ nhiên cái gì mới cũng phải trải qua khó khăn thử thách nhưng tôi tin rằng cuối cùng nó sẽ được mọi người tiếp nhận, thưởng thức. Chúc cho những ca sỹ, nhạc sỹ đã và đang hoạt động trong lĩnh vực mới mẻ này thêm nhiều thành công.
-
Ban Văn hoá VietNamNet
Ý kiến của bạn: