(VietNamNet) - Gần đây nhờ có truyền hình cáp, tôi được xem kênh Arirang của Hàn Quốc, và vì thế, có một số suy nghĩ về nền âm nhạc của ta.
Một chương trình nhạc Hàn Quốc tại Việt Nam |
Vậy mà chữ nhạc pop thì ai ai cũng nghe quá nhiều, và nhiều lúc không để ý nó là gì nữa. Nó chính là Văn hoá quần chúng. Vì sao vây? Vì múa và hát bình dân là một nhu cầu rất thiết yếu của con người.
Tôi không phải là một nhà lý luận phê bình, nên không tham vọng có thể trả lời một câu hỏi về tổng thể các ngành nghệ thuật được, Tuy vậy, riêng về mảng âm nhạc, tôi có thể khẳng định rằng, hiện nay, âm nhạc ở tầm “văn hoá quần chúng” đã chiếm lĩnh đến trên 99% nền âm nhạc VN.
Gần đây nhờ có truyền hình cáp, tôi được xem kênh Arirang của Hàn Quốc, và vì thế, có một số suy nghĩ về nền âm nhạc của ta.
Trên kênh Arirang, luôn luôn có nhiều những chương trình hoà nhạc đỉnh cao của thế giới. Như opera Carmen của G.Bizet. Ballet Romeo Juliet, của S. Procofiev... Các bản giao hưởng kinh điển, sonate, tam tấu, tứ tấu v.v.. hoàn toàn do người Hàn Quốc biểu diễn với trình độ quốc tế.
Trong lúc phát sóng, họ chạy những hàng chữ để giới thiệu tác giả, tác phẩm và còn phân tích đâu là phần mở đầu, phần phát triển, chủ đề 1, chủ đề 2 v.v… Rõ ràng họ rất có ý thức để quảng cáo cho toàn thế giới biết đến sự phát triển vượt bậc của âm nhạc chuyên nghiệp của Hàn Quốc. Và họ cũng có ý thức giáo dục sự phát triển toàn diện về văn hoá trong đó có âm nhạc đỉnh cao cho công dân của họ.
Cách đây khoảng ba chục năm, trên đài phát thanh của ta cũng đã có những chương trình giới thiệu âm nhạc đỉnh cao như thế, Vừa phát nhạc vừa phân tích tác phẩm. Lúc đó ta chưa có đài truyền hình. Vậy bây giờ ta đã có rất nhiều kênh truyền hình nhưng những chương trình âm nhạc như trên đã không còn, và những chương trình bây giờ chủ yếu là gì ? Đó là những chương trình âm nhạc tầm “Văn hoá quần chúng” hoàn toàn độc chiếm những giờ vàng trên TV của ta như : Bài hát Việt, Con đường âm nhạc, Sao Mai điểm hẹn v.v... “Trông người lại ngẫm đến ta” nghĩ mà buồn cho chiến lược phát triển con người toàn diện của ta. Nhân cách con người luôn gắn liền với môi trường văn hoá. Có ai lo chuyện này ở tầm quốc gia không nhỉ?
Những phương tiện thông tin như báo chí và tivi chính là nguồn gốc tạo dựng nên mặt bằng thẩm mỹ của Việt Nam hiện nay. Thậm chí, có nhà báo của ta (trên báo Văn hoá thể thao) còn ví pianiste Clayderman (nhân dịp anh ta sang biểu diễn ở TP HCM ) với Beethoven thì quả là duy nhất trên thế giới có chuyện này! Nếu anh Clayderman biết chuyện ví von như thế này, chắc chắn anh ta sẽ rất xấu hổ.
Đối với những người làm nhạc chuyên nghiệp, thì anh ta còn không thể so với Đặng Thái Sơn của ta. Các nhà báo viết về âm nhạc ở ta không phân biệt nổi đâu là văn hoá quần chúng (vd như Clayderman, Paul Mauriat, Kitaro, Yanni v.v… các loại nhạc như nhạc Rock, nhạc Jazz, Nhạc World music, nhạc Hip-hop v.v… tóm lại là các dòng nhạc pop, nôm na là Văn hoá quần chúng, đều rất phổ biến trên toàn thế giới) với dòng nhạc đỉnh cao đã tiếp nối từ Bach,Mozart, Beethoven… đến Debussy, Ravel, Stravinsky…
Cũng may mà 10 năm nay, tuy còn ít ỏi, chúng ta cũng đã có những buổi hoà nhạc như: hoà nhạc Hennesy, hoà nhạc Toyota , hoặc một số chương trình của Dàn nhạc giao hưởng VN với các chỉ huy nước ngoài và Đặng Thái Sơn. Những chương trình này cũng góp phần nào cân bằng lại những giá trị thẩm mỹ của âm nhạc VN.
Hy vọng trong tương lai gần, ta cũng sẽ có những chương trình âm nhạc để giáo dục công dân phát triển nhân cách toàn diện như chương trình trên kênh Airang của Hàn Quốc.
-
Đặng Hữu Phúc
(Giảng viên khoa sáng tác – Nhạc viện Hà nội)Ý kiến của bạn?