(VietNamNet) - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gửi Kiến nghị số 52/HSH đến các cơ quan lãnh đạo Đảng và Chính phủ về việc chọn vị trí xây dựng Nhà Quốc hội trên khu di tích Cấm Thành...
Dưới đây là toàn văn Kiến nghị này:
Qua báo chí và Website Chính phủ, chúng tôi biết hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá-Thông tin chuẩn bị, trình Quốc hội Đề án xây dựng Nhà Quốc hội tại khu vực 18 Hoàng Diệu. Đây chính là không gian Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ năm 2003, được các nhà khoa học trong nước và chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao, được các vị lão thành cách mạng, nhiều nhà quản lý và nhân dân cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt quan tâm. Nhận thấy đây là một vấn đề hết sức hệ trọng và nhạy cảm, thay mặt Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, thực hiện chức năng tư vấn mà Đảng và Chính phủ đã giao cho các hội khoa học và công nghệ, chúng tôi xin được phát biểu một số ý kiến và kiến nghị như sau.
Trước hết, chúng tôi xin cảnh báo việc xây dựng Nhà Quốc hội tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu có thể gây một số hệ quả:
1. Kể từ khi phát hiện năm 2003 cho đến năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Bộ Văn hoá-Thông tin đã thành lập Hội đồng tư vấn, các Tiểu ban nghiên cứu và tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên đề và hội thảo khoa học toàn quốc. Về phương diện khoa học, tuy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu lâu dài, nhưng qua thảo luận các nhà khoa học càng ngày càng thống nhất về nhận thức giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và yêu cầu bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích. Sự nhất trí cao biểu thị tập trung trong Hội thảo khoa học toàn quốc ngày 19 và 20-8-2004 do Viện Khoa học xã hội Việt nam tổ chức với sự tham dự của gần 200 nhà khoa học cả nước và Hội nghị ngày 18-2-2006 do Bộ Văn hoá-Thông tin chủ trì với sự có mặt đại diện Bộ Xây dựng, Viện Khoa học xã hội, Văn phòng chính phủ, UBND Hà Nội, Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Hội Khoa học lịch sử, Hội Kiến trúc sư cùng nhiều cơ quan và nhà khoa học các ngành liên quan.
Giá trị của khu di tích được nhất trí đánh giá như sau:
- Đây là một quần thể di tích nằm trong Cấm thành tức trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, nơi tập trung những kiến trúc cung đình và các loại hình di vật tiêu biểu nhất của quốc gia qua các vương triều.
- Khu di tích này có tầm quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô nước ta thời cổ-trung đại, là nơi hội tụ lịch sử-văn hoá dân tộc Việt Nam qua 10 thế kỷ.
Trên cơ sở nhận thức giá trị và ý nghĩa của khu di tích nêu trên, giới khoa học và cơ quan chức năng đã đi đến kết luận đồng thuận đề nghị bảo tồn lâu dài toàn bộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, gắn kết hữu cơ với thành cổ Hà Nội thành một quần thể di tích lịch sử-văn hoá để phát huy giá trị trước mắt và lâu dài. Phạm vi bảo tồn cũng được thống nhất xác định bao gồm không chỉ khu khai quật 19.000 m2 mà cả những di tích trên mặt đất và dưới lòng đất, trong phạm vi trung tâm của Hoàng thành tức khu Cấm thành, không nên xây dựng các công trình kiên cố xâm hại đến di tích trong khu vực này.
Trên cơ sở ý kiến đồng thuận đó, Bộ Văn hoá - Thông tin và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã có báo cáo trình Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Tại văn bản số 98/TB-VPCP ngày 26-6-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận nhất trí chủ trương bảo tồn lâu dài toàn bộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu theo đề xuất của Bộ Văn hoá-Thông tin. Nay Chính phủ lại chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội tại khu vực 18 Hoàng Diệu là trái với kết luận nêu trên của Thủ tướng và coi như phủ nhận những ý kiến đề xuất đầy tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học mà không có sự giải thích thoả đáng, có sức thuyết phục. Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ gây sự bất bình và bức xúc trong giới khoa học.
2. Về phương diện quốc tế, ngày 10 và 11-8-2004, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tư vấn quốc tế về di tích Hoàng thành Thăng Long. 25 chuyên gia quốc tế thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, đều đánh giá cao giá trị khu tích và cho rằng khu di tích có giá trị mang ý nghĩa khu vực và thế giới. Nhiều chuyên gia các nước Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha, ý đã đến nghiên cứu và một số chính khách như Tổng thống Pháp J. Chirac, Thủ tương Nhật Bản Koizumi đã đến thăm khu di tích, đều phát biểu đánh giá cao giá trị di sản văn hoá, bày tỏ ý kiến muốn được hỗ trợ, cộng tác với Việt Nam để nghiên cứu và bảo tồn. Đặc biệt, Tổng giám đốc UNESCO, ông Koichiro Matsuura đến thăm khu di tích ngày 27-7-2005, phát biểu đánh giá rằng: "Hoàng thành Thăng Long có rất nhiều tiềm năng được công nhận là Di sản thế giới. Khu di trích này có giá trị văn hoá và lịch sử vô cùng quan trọng, và chiểu theo Công ước về Di sản văn hoá thế giới, nó hoàn toàn có thể được xem là di sản văn hoá của nhân loại", "Hà Nội đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vào năm 2010, vì vậy, UNESCO sẽ nỗ lực giúp đỡ để sớm công nhận Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hoá Thế giới".
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 197/VPCP-VX ngày 12-1-2006, số 98/TB-VPCP ngày 26-6-2006), UBND thành phố Hà Nội và Bộ Văn hoá -Thông tin đã nộp hồ sơ đăng ký trình UNESCO công nhận Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hoá Thế giới. Ngày 13-6-2006, UNESCO đã cử ông Giovanni Boccardi phụ trách Tiểu ban Châu á - Thái Bình Dương sang làm việc với phía Việt Nam để giúp đỡ Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ chính thức trình UNESCO.
Nay lập Đề án xây dựng Nhà Quốc hội tại 18 khu vực Hoàng Diệu dù trên khu D hay khu D, C (theo sơ đồ khai quật khảo cổ học), là xâm hại đến tính nguyên gốc và toàn vẹn của khu di tích. Đây là hai yêu cầu rất nghiêm ngặt của UNESCO và như vậy là ta đã tự tước bỏ khả năng đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích Hoàng thành là Di sản Văn hoá Thế giới. Điều đó chắc chắn sẽ gây ra sự bất bình trong nhân dân và khó giải thích trước công luận quốc tế về thái độ ứng xử của một quốc gia văn minh đối với một di sản văn hoá mang tầm cỡ quốc gia và thế giới như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
3. Trong hơn ba năm qua, tất cả kết quả phát hiện và nghiên cứu với sự đánh giá cao của các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã được nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đón nhận với niềm xúc động và tự hào. Một số di vật chọn lọc được tổ chức trưng bày tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế và hàng trăm ngàn lượt người đến xem, để lại hàng trăm bài phát biểu cảm tượng biểu thị sự xúc động sâu sắc và nguyện vọng tha thiết mong được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ cho bảo tồn toàn bộ khu di tích để phát huy giá trị và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Trong số đó có bà con Việt kiều và khách tham quan nước ngoài. Trên mảng Internet cũng liên tục đăng tải nhiều phát biểu đầy xúc động và tâm huyết của nhiều bà con Việt kiều từ các cháu học sinh, sinh viên cho đến các tầng lớp xã hội và những người có chính kiến khác nhau. Văn hoá thấm sâu vào con người Việt Nam và luôn luôn là mẫu số chung của cộng đồng dân tộc, là chất keo kết dính con người Việt Nam trên mọi miền của đất nước và các vùng hải ngoại xa xôi. Xây dựng Nhà Quốc hội trên Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ không đồng tình, thậm chí có thể có những phản ứng bất lợi cho uy tín của lãnh đạo và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.
4. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân và đại biểu quốc hội là những người đại diện cho quyền lợi, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, hoàn toàn không nên xây dựng Nhà Quốc hội trên khu di tích mang ý nghĩa thiêng liêng mà kiến trúc hiện đại chắc chắn sẽ phá vỡ không gian văn hoá-lịch sử và dù thu hẹp đến đâu cũng xâm hại một di sản văn hoá vô giá của dân tộc được các tầng lớp nhân dân rất quan tâm và mong muốn được bảo tồn toàn bộ. Chúng tôi tin rằng các đại biểu Quốc hội ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, sẽ có quyết định sáng suốt, hợp lòng dân.
Trên cơ sở nhận thức trên, chúng tôi xin kiến nghị:
1. Đảng và Chính phủ sớm có chủ trương chính thức bảo tồn toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng đã phát lộ gắn liền với thành cổ Hà Nội và cả vùng Cấm thành, qui hoạch thành một Công viên lịch sử -văn hoá Thăng Long-Hà Nội (hay một Quần thể di tích lịch sử-văn hoá Thăng Long-Hà Nội), giao cho UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các ngành liên quan và các cơ quan khoa học, tranh thủ sự tư vấn và hỗ trợ của UNESCO và quốc tế, xây dựng qui hoạch bảo tồn và lập kế hoạch triển khai từng bước phù hợp với điều kiện nước ta và đặc điểm của di sản. Khu di tích này cần sớm lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản Văn hoá Thế giới.
2. Trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình cần có toà Nhà Quốc hội với vị trí, cảnh quan và qui mô xứng đáng với vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Theo chúng tôi trong phạm vi quận Ba Đình, còn có địa điểm có thể lựa chọn để xây Nhà Quốc hội mà không xâm phạm đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đồng thời vẫn bảo đảm tính nối tiếp liên tục truyền thống văn hiến của trung tâm chính trị của đất nước từ quá khứ đến hiện đại.
Quyết định bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long liên quan đến quyết định xây dựng Nhà Quốc hội là quyết định vô cùng hệ trọng, biểu thị trách nhiệm của Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đối với một di sản văn hoá vô giá của dân tộc, trước nhân dân, trước công luận trong nước và quốc tế, trước lịch sử. Đây là một di sản không những mang tầm cỡ quốc gia mà cả tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa thiêng liêng đối với dân tộc, đối với mỗi người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Nhân dân và công luận đang nóng lòng chờ đợi quyết định sáng suốt, hợp lòng dân của lãnh đạo.
Xuất phát từ trách nhiệm và tâm huyết của những nhà sử học, chúng tôi bày tỏ một cách trung thực, thẳng thắn những đề xuất trên với niềm tin đóng góp một số ý kiến tư vấn để Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ xem xét và có quyết định đúng đắn được nhân dân đồng tình và ủng hộ.
TM/ Ban chấp hành TƯ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Chủ tịch Hội: GS. Phan Huy Lê