221
5082
Chuyên đề
chuyende
/vanhoa/chuyende/
757026
Cần định hướng xuất bản về phía thị trường
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Dịch thuật Việt Nam thời @:
Cần định hướng xuất bản về phía thị trường
,

(VietNamNet): Cái gọi là “vấn nạn dịch” thực chất chỉ có thể giải quyết được trên điều kiện có một nền xuất bản khỏe mạnh, một thị trường với đầy đủ quy luật đào thải, chứ không phải một cái chợ tù mù rặt những chôm chỉa và xin-cho, những thưởng phạt tùy tiện.

Soạn: AM 681259 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Nhật Anh

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nhật Anh, Giám đốc Công ty Nhã Nam - đơn vị liên kết xuất bản cuốn Cuộc đời của Pi.

Theo ông, đâu là (những) nguyên nhân sâu xa nhất, có tính quyết định, đối với thực trạng dịch thuật ở nước ta hiện nay - mà có người không ngần ngại dùng những từ như “đáng báo động”, “thê thảm”?

Thực ra, theo tôi thời nào cũng vậy, trong dịch thuật ngoài những bản dịch tốt cũng có những bản dịch tồi. Thời Sài Gòn cũ ra được rất nhiều đầu sách, lựa ra vô số những tác phẩm lớn: thời thượng có, tinh hoa có… nhưng trong số các bản dịch người ta cũng vớ phải vô số những cuốn sách tồi, do người dịch kém kiến thức, do sinh ngữ không giỏi, do động đến những tác phẩm cao siêu mà tiếng Việt chưa đủ sức chuyển tải, khiến bản dịch đọc như hũ nút, chỉ muốn ném sách đi thôi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dường như ta không còn thói quen châm chước cho những bản dịch tồi, sai nghĩa và nhất là ngô nghê tiếng Việt như ngày xưa nữa.

Về thực trạng dịch thuật hiện nay, nguyên nhân chính hẳn là sự “rệu rã” của xuất bản. Tôi chỉ nói một cách cảm tính rằng thị trường sách có lẽ đang ở trong giai đoạn “nát bét” và cực kỳ “nhiễu”: thật giả lẫn lộn, sách nhái, sách rẻ tiền, sách ăn trộm, sách chôm chỉa… đầy rẫy, cộng với tệ nạn “lăng xê” vô tội vạ... Độc giả đi mua sách sẽ phải sục vào cả cái đống thượng vàng hạ cám đó để chọn lựa mà không có bất cứ sự trợ giúp nào! Một thị trường nhỏ bé, với mức tiêu thụ trung bình 1000 bản/đầu sách như vậy chỉ đáng gọi là một cái chợ. Dịch giả không sống nổi bằng nghề dịch, vẫn phải làm việc khác, dịch chỉ là do say mê hoặc để kiếm thêm, người làm sách thì tìm mọi cách để giảm chi phí, để có ít lãi… hòng sản xuất tiếp một cuốn khác tương tự..., thì việc không chăm chút, đầu tư cho sách, cho bản dịch là điều hiển nhiên. Một thị trường 1000 bản sách như vậy tự nó có thể chứng tỏ nhiều điều hẳn sẽ lí thú cho các nhà nghiên cứu văn hóa, còn vì sao có cái thị trường như vậy thì cũng xin nhường cho các nhà nghiên cứu. Theo tôi, lí do về thị trường này góp phần không nhỏ trong việc hạ thấp chất lượng của sách dịch. Một cái chợ sách nhỏ hẹp như vậy có thể sẽ triệt tiêu cả sự cạnh tranh về chất lượng. Bởi, anh càng làm kỹ, làm đẹp cho một cuốn sách thì anh càng lỗ vốn.

Nhiều người trong chúng ta, mỗi khi nhắc tới những vấn nạn của dịch thuật - và của rất nhiều những vấn nạn khác của đất nước - thường tỏ ra bi quan trước khả năng giải quyết các vấn nạn đó một cách rốt ráo, có thực chất. Ông có chia sẻ sự bi quan đó không? Nếu có, cá nhân ông nên làm gì? Nếu không, ông đề xuất những giải pháp gì?

Vâng, tôi cũng chia sẻ sự bi quan ấy. Quả thật bây giờ nhà nước phải đương đầu với nhiều “vấn nạn” quá, thành ra rất khó cho nhà nước… Cái gọi là “vấn nạn dịch” thực chất chỉ có thể giải quyết được với điều kiện có một nền xuất bản khỏe mạnh, một thị trường với đầy đủ quy luật đào thải, chứ không phải một cái chợ tù mù rặt những chôm chỉa và xin-cho, những thưởng phạt tùy tiện.

Theo ông, liệu có thể có một giải pháp tổng thể hầu cải thiện tình hình dịch thuật hiện nay hay không? Cá nhân tôi không tin rằng một giải pháp mang tính hành chính sẽ có thể có hiệu quả thực tế. Song, một giải pháp được sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan - nhà xuất bản, đơn vị làm sách, dịch giả, v.v. - và được tất cả các bên này thực hiện một cách nghiêm cẩn, nhất quán, một giải pháp như vậy là có thể.

Tôi thì lại tin vào một giải pháp tổng thể trong xuất bản hơn là các giải pháp dành riêng để giải quyết “vấn nạn dịch”. Giải pháp đó là định hướng xuất bản về phía thị trường (VNN nhấn mạnh). Cứ cái gì là thị trường, cái đó sẽ tự động phải trở thành tốt. Trở thành thị trường lớn, không còn bao cấp, nhiều cạnh tranh, chỉ khi đó mới có nhiều người giỏi tham gia dịch sách, viết sách được.

Nền dịch thuật của chúng ta đã làm được gì trong việc giới thiệu những cuốn sách quan trọng nhất của nhân loại cho người Việt Nam? Chúng ta còn thiếu những gì và phải dịch những gì trong những cuốn “sách cái” ấy của nhân loại?

Đối với cái mà anh gọi là “những cuốn sách cái của nhân loại” ấy, chắc chắn là Việt Nam chỉ mới dịch được rất ít. Các tác phẩm triết học kinh điển, ngoại trừ của Karl Marx, hầu như chưa được dịch. Sài Gòn cũ đã dịch một một ít tác phẩm của Platon, Descartes, Bergson, Nietzsche, Heidegger, Jaspers, Jean-Paul Sartre... Aristote thì miền Bắc cùng thời kỳ mới dịch được Nghệ thuật thơ ca... Theo tôi, về mặt này thì xuất bản ở Sài Gòn cũ có ý thức hơn nhiều so với chúng ta hiện nay; hầu hết các triết gia lớn, các tên tuổi lớn trong văn chương đều đã có bản dịch, tuy chất lượng còn hạn chế. Dù vậy, phải nói rằng thời đó có những dịch giả thực sự say mê những tác phẩm mà họ dịch, và trong số đó có những người dịch tuyệt vời, như trường hợp dịch giả Cao Văn Luận với bản dịch những tác phẩm của Henri Bergson... Còn trong lĩnh vực văn học, cụ thể là cổ văn Trung Hoa chẳng hạn, Sài Gòn cũ cũng ra được những bộ sách rất tốt, rất có ích, mà rất nhiều trong số đó bây giờ chúng ta cứ điềm nhiên in lại, chẳng hề hấn gì... vì cũng chẳng ai dịch hay hơn được, thí dụ như bộ Kinh Thi của Tạ Quang Phát, hay bộ Cổ Văn của Hoàng Khôi...

Tuy nhiên, nhìn chung, đối với sách văn học thì chúng ta còn thiếu nhiều, những tác phẩm kinh điển như bộ sách Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust hay Ulysses của James Joyce... còn chưa ai dám động đến, trong khi Trung Quốc đã dịch từ đời nảo đời nào rồi! Nếu cho những cuốn “sách cái” là nền tảng để chúng ta lớn lên thì quả thực chúng ta đã và đang bị thiệt thòi quá. Đó là chưa kể việc giới thiệu văn học hay triết lý hiện đại trên thế giới thì còn vô cùng hạn chế, cho đến giờ, khi Việt Nam đã tham gia công ước Berne thì sẽ còn ít và hạn chế hơn nữa... Đã có một thời Việt Nam dịch và xuất bản rất nhiều các tác phẩm văn học Nga-Xô viết, tuy nhiên, sau thời hoàng kim ấy, văn học Nga hiện đại hầu như biến mất hẳn...

Ông là một người làm sách từng cho ra nhiều đầu sách văn học nước ngoài với chất lượng dịch được đánh giá chung là tốt, như Cuộc đời của Pi (Yan Martel), Giữa miền đất ấy (J.M.Coetzee), Thiếu nữ đánh cờ vây (Sơn Táp), v.v. Ông đã trang bị cho mình một đội ngũ cộng tác viên dịch thuật và biên tập như thế nào? Cách làm sách như trên của ông có mâu thuẫn với yêu cầu thành công về thương mại không?

Nhã Nam là công ty xuất bản mới, nhưng đã xác định mục tiêu số một là ưu tiên cho văn học dịch, vì thế, chúng tôi đã sớm thiết lập được mối quan hệ khăng khít với các dịch giả hàng đầu hiện nay. Có thể nói họ là những dịch giả hạng nhất trong lĩnh vực văn học mà họ quan tâm như các dịch giả Dương Tường, Châu Diên, Phạm Tú Châu, Trần Đình Hiến, Sơn Lê, Lê Hồng Sâm... Trong lúc đó, chúng tôi cũng tìm kiếm các dịch giả mới, những người rất giỏi ngoại ngữ và yêu thích văn học đến nỗi sẵn sàng chịu khổ vì nó... Đó là trường hợp của dịch giả Trịnh Lữ với bản dịch Cuộc đời của Pi cực kỳ nhuần nhuyễn; sau Cuộc đời của Pi anh đã nghiễm nhiên ngồi ở chiếu trên của làng dịch... Rồi phải kể đến chị Tố Châu, người dịch cuốn Peter Pan bằng một thứ tiếng Việt dễ chịu, hóm hỉnh kinh khủng; chị Tố Châu dịch Thiếu nữ đánh cờ vây còn được Giáo sư Đặng Thị Hạnh khen “hay hơn cả nguyên bản” (!) Theo tôi, đó là những người sinh ra để... dịch, ở họ có cái gì đó như là năng khiếu thiên bẩm về ngôn ngữ.

Về biên tập viên, dĩ nhiên chúng tôi cũng có ý thức phải chọn được những người làm việc cẩn trọng để cộng tác. Các biên tập viên ở Nhã Nam là những người có ý thức trong công việc họ làm, họ thường xuyên phải trao đổi với các dịch giả, và trong nhiều trường hợp, họ đã phải tìm đến những chuyên gia, một khi dịch giả cũng phải chịu bí. Có những trường hợp, như cuốn Hội họa Trung Hoa qua lời vĩ nhân và danh họa, trong quá trình làm việc cùng dịch giả, chúng tôi đã phải tìm người hiệu đính hết sức mất công, vì tên tự tên hiệu của các họa sĩ Trung Hoa thì nhiều vô số kể, mà ông Lâm Ngữ Đường lại viết bằng tiếng Anh, chuyển được sang âm Hán Việt là cả một vấn đề... Cuốn sách ra được, dù vẫn còn một số chỗ chưa ưng ý, nhưng đó đã là bao nhiêu cố gắng của chúng tôi rồi...

Còn làm sách cẩn thận thì có mâu thuẫn với thành công về thương mại hay không ư? Không bao giờ! Hoàn toàn ngược lại mới đúng. Bản dịch đưa đến dịch giả giỏi, anh phải trả tiền cao hơn, thời gian dịch lâu hơn, nhưng cuốn sách của anh sẽ tốt hơn, mang lại cho anh uy tín về lâu dài... Còn ngược lại, dịch tồi, làm ẩu, anh sẽ lãnh đủ. Chúng tôi thực sự đã nhiều lần phải phát sợ trước bản dịch tồi của những người dịch không phải là không có tiếng tăm... Kiểm tra lại với nguyên bản, và một số bản dịch sang các thứ tiếng khác, chúng tôi thật sự bàng hoàng! Chúng tồi tệ và vô lối, vừa ẩu, vừa sai... đến mức về sau chúng tôi không dám gặp lại họ nữa. Khi anh dịch như thế, gần như anh đã làm điều gì đó chẳng khác gì kẻ bất lương. Có vài trường hợp chúng tôi đã cắn răng tổ chức dịch lại, và chịu mất tiền oan. Đành tự an ủi nhau rằng đó là học phí để nhận diện dịch giả.

·         Thụ Nhân thực hiện

 

Chuyên đề Dịch thuật Việt Nam thời @:

Suy nghĩ về dịch thuật

Về một hướng phát triển cho hoạt động dịch thuật 

Dịch thuật cần gì?

Cần xác định một thái độ đối với thực trạng dịch thuật

Phải có một quyết sách văn hóa ở cấp vĩ mô

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương (Phần 1)

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương  (Phần 2)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,