221
5082
Chuyên đề
chuyende
/vanhoa/chuyende/
753557
Dịch thuật cần gì?
1
Article
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
Dịch thuật Việt Nam thời @:
Dịch thuật cần gì?
,

(VietNamNet) - Có một điều kiện rất quan trọng, nằm ngoài chuyện ngôn ngữ, đòi hỏi người làm công việc dịch thuật phải có, đó là tinh thần thái độ, cùng tư cách, đạo đức của một người đứng đắn, tử tế, có trách nhiệm trong công việc của mình.

Soạn: AM 673119 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Dịch giả Lê Bầu

Đã có nhiều bạn bè, kể cả bạn bè hành nghề văn chương, cũng như bạn bè hành nghề khoa học, thậm chí có cả một số phóng viên, nhà báo, hỏi tôi:

- Muốn có được một tác phẩm văn chương dịch, đúng và hay, thì người cầm bút dịch thuật, cần phải có những gì?

Tôi nói đùa, nhưng không hẳn đã là nói đùa:

- Cần phải học, và cần phải có những cuốn tự điển, từ điển, tử tế...

Còn như phải trả lời cho ‘thật đứng đắn’, nghiêm túc thì tôi nói:

- Trước hết là phải đến trường, đến lớp, hoặc ‘tầm sư học đạo’, cần cù học tập, nghiêm chỉnh học tập, để có lấy cái vốn thật cơ bản, rồi sau đó trau dồi thêm bằng sách báo, và đặc biệt là từ điển...để đủ sức mà ‘vật lộn’ với các con chữ của người ta. Không có một thứ ngoại ngữ nào được gọi là ‘dễ’ trên thế giới này, ngay cả những ngoại ngữ được gọi là ‘dễ học’, cũng không ‘dễ học’. Đến ngay tiếng Việt Nam, đối với người Việt Nam, là rất ‘dễ học’, - chứ sao nữa? -, nhưng người Việt Nam học được nó, cũng là ‘rất khó’...huống hồ là ‘tiếng của người ta’?

Bởi thế, tôi nghĩ rằng: Muốn có được một tác phẩm dịch đúng và hay, thì trước hết phải học tiếng của người ta, không học được tới mức ‘rất thông thạo’, thì cũng phải ở mức gọi là thông thạo. Tôi đã thấy có những người, học không đến nơi đến chốn, chỉ có được dăm ba chữ ‘lôm côm’, mà các cụ nhà Nho xưa gọi là ‘hay chữ lỏng’, cũng nhảy đại vào ‘chiến trường dịch thuật’, mà ‘múa bút làm càn’, rồi đến khi gặp phải những chỗ học ‘chưa tới’,  những chỗ ‘không thông’, khó dịch, thì nhắm mắt bỏ qua, hoặc dịch liều, dịch bậy, bằng cái sự ‘ang áng’, sai đến cả trăm phần trăm của mình, rồi tự ‘vỗ yên’ mình bằng một sự lừa dối:

- Ôi dào, ai biết đấy là đâu, chỉ có những thằng điên, khi đọc sách, mới lọ mọ đi tìm bản gốc, mà so sánh, bới móc...vả lại, trong hàng vạn độc giả, chắc gì đã có người có bản gốc, hơn nữa, người đọc sách bây giờ, thường ‘đọc ào đi’, ‘cho xong chuyện’!

Đấy là những người dịch thuật còn có một chút lương tâm, bởi họ còn biết ‘nghĩ tới’ cái sai sót ‘đáng khả nghi’ của mình, nhưng rất tiếc là họ vẫn cứ ‘làm ẩu’, dễ dàng cho qua, mà không chịu tìm hiểu, tra cứu cho ra cái đúng! Nhưng cũng còn có nhiều người tệ hại hơn, ’luôn luôn cho mình là đúng’ như những vị lãnh tụ kém cỏi, chủ quan, tự hiểu lầm mình, ‘dịch đại đi’, ’dịch phứa đi’, bất cần phải trái, đúng sai, chỉ cần giao bản thảo cho nhà xuất bản thật nhanh... rồi...sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Họ cần lợi lộc hơn là cần danh dự, nghệ thuật. Với các ‘nhà dịch thuật’ vừa ngu dốt, vừa vô trách nhiệm này, có ghép họ vào tội hình sự: ‘Thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng’, cũng chẳng có gì gọi là quá đáng.

Tôi đã từng được một cán bộ phụ trách văn nghệ hỏi :

- Bản dịch của ông A thế nào ?

Tôi nói thẳng theo kiểu bỗ bã:

- Ông ấy dịch sai ‘bỏ mẹ’ đi...

- Nhưng tôi thấy ông ấy là người rất cẩn thận.

Một lần nữa, tôi lại nói thẳng:

- Cẩn thận không có nghĩa là kiến thức!

Vâng! Tôi công nhận, sự cẩn thận có thể nâng cao chất lượng bản dịch, có thể tránh được nhiều sai sót, lầm lẫn, nhưng rõ ràng không thể thay thế cho một kiến thức nông cạn.

Nói tới sự cần thiết về sự thông thạo tiếng của người ta, tôi muốn nói thêm một điều: Nếu người dịch thuật ‘thông thạo thêm được’ phong tục tập quán của nước ấy, bằng cách tra cứu, tìm hiểu, hoặc thực mục sở thị ‘tại trận’, thì sẽ rất bổ ích cho bản thân người dịch cũng như làm chú thích, giải thích cho độc giả, mỗi khi gặp phải những phong tục tập quán lạ mà ở nước ta không có, thí dụ chuyện về ‘chiếc giường’, đại khái trong bản gốc, tác giả viết: Cả vợ chồng bố, vợ chồng các con lớn, cùng các con nhỏ... đều ngủ chung trên chiếc giường ấy.

Sao mà kỳ thế? ‘Kỳ’ là bởi vì người Việt Nam ta không có khái niệm, tập tục: Tất cả mọi người trong gia đình ngủ chung trên một ‘chiếc giường’, mà ‘mỗi cặp’ phải ngủ trên những chiếc giường riêng, nhưng chuyện ‘ngủ chung’ này, trước đây, là có thật trong những gia đình nông dân ở vùng giá lạnh của Trung Quốc. Vả lại, dịch ra tiếng Việt là ‘giường’ chẳng qua chỉ là chuyển tải cái ý ‘nơi ngủ’ cho gọn, cho dễ hiểu mà thôi, thực ra phải dịch là ‘giường bục’, ‘giương bệ’. hay ‘giường sàn’, bởi lẽ, nó chỉ là một cái bục, hoặc một cái bệ được đắp bằng đất, hoặc xây bằng gạch, nhiều khi chạy hết chiều dọc, hoặc chiều ngang trong nhà, ở giữa để rỗng, bắt cho khói cùng nhiệt dư của nhà bếp chạy qua đó trước khi toả ra bên ngoài để làm cho ‘giường’ nóng lên, ngủ cho ấm... Nếu biết vậy, người dịch làm một cái chú thích, độc giả sẽ đỡ ngỡ ngàng, không nghi ngờ người dịch, dịch sai, dịch lầm nữa.

Lại như, trong số nhà cổ của Trung Quốc có một loại nhà, có tên là ‘nhà tứ diện’, hay ‘nhà bốn mặt’, một kiểu nhà hầu như Việt Nam ta không có, mà nếu có, nó cũng khác hẳn kiểu nhà của Trung Quốc, cho nên nếu ta cứ ‘trần trần’ mà dịch là ‘nhà bốn mặt’ e rằng độc giả sẽ phải hỏi: ‘Cái bốn mặt’ ấy nó ra thế nào ? Nếu người dịch biết, mà làm một chú thích nho nhỏ, người đọc sẽ hình dung ra kiểu nhà đó ngay lập tức: Đó là bốn ngôi nhà được xây quanh bốn bề một khu đất, đầu hồi sát nhau, nhìn ra một sân chung, nằm chính giữa dùng để sinh hoạt chung cho người sống trong cả bốn ngôi nhà. Kiểu nhà này rất tiện cho những đại gia đình ‘tam tứ đại đồng đường’ ngày xưa, mỗi gia đình sống riêng trong mỗi ngôi nhà, nhưng lại không bị chia cắt, vì có một sân chung cho ‘sinh hoạt tập thể’, cho nên vẫn rất gần gặn, thấy nhau hàng ngày, tiếp xúc với nhau hàng ngày...

Tất nhiên, sự thông thạo phong tục tập quán của người ta, không phải là điều kiện bắt buộc người dịch thuật phải có như sự thông thạo về ngôn ngữ, nhưng như đã nói, nếu có được, nó sẽ rất bổ ích cho việc dịch thuật.

Bên cạnh đó, theo tôi, còn có một điều kiện rất quan trọng, nằm ngoài chuyện ngôn ngữ, đòi hỏi người cầm bút làm công việc dịch thuật phải có, đó là tinh thần thái độ, cùng tư cách, đạo đức của một người đứng đắn, tử tế, có trách nhiệm trong công việc của mình.

Tôi đã từng được nghe nhiều biên tập viên của nhiều nhà xuất bản phàn nàn về cung cách làm ăn của một số ‘dịch giả’, thậm chí bản thân tôi cũng biết được rằng, có những nhà ‘dịch thật’, đã dịch được nhiều sách hay, và cũng có được tiếng tăm nhất định, cũng như sự tín nhiệm của một số nhà xuất bản ...nhưng rồi chẳng hiểu vì ‘cơn cớ gì’, người ấy ‘biến chất’ đi, trở thành ‘suy thoái’, chạy theo tiền mà làm ẩu. Cụ thể là thế này:

Bằng vào ‘uy tín’ của mình, người đó ký hợp đồng dịch với một nhà xuất bản, đem sách về, xé thành nhiều tập mỏng, đem thuê sinh viên đang học tại trường, hoặc đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, với giá rẻ, để ăn chặn, bóc lột sinh viên đang rất cần tiền để duy trì cuộc sống. Thôi thì trong cơ chế thị trường, chuyện cá lớn nuốt cá bé, cũng cứ coi như tạm chấp nhận được đi... Nhưng chất lượng bản dịch cuốn tiểu thuyết ấy ra sao, đó là vấn đề đáng nói. Trước hết, trong số sinh viên đi dịch thuê ấy, có người giỏi, người kém, hoặc tất cả đang còn ở dạng ‘ thoát nạn mù ngoại ngữ’, cho nên khi gặp phải những chỗ chưa học tới, khó dịch, thì họ cũng ‘bỏ thẳng cánh’, ‘không thèm dịch’, coi như bỏ sót hoặc bỏ quên, rồi đem nộp cho ông ‘đầu nậu’, lấy ‘tiền tươi’ rẻ mạt, và cũng không thèm báo cho ông ta biết chỗ mình đã bỏ qua không dịch, với một lý do rất ‘khoái trí’ trong đầu: ‘Tiền nào của ấy’... rất chi là sòng phẳng... Thế rồi cái nhà ông ‘đầu nậu’ kia, cũng cùng một giuộc, một phường làm ẩu, không thèm kiểm tra, đối chiếu gì hết, cứ đem từng tập đã thuê dịch ‘rẻ tiền’ ấy, ập lại, coi như một bản thảo đã được dịch hoàn chỉnh, nộp ngay cho nhà xuất bản, để làm sao lấy được tiền càng nhanh càng tốt... Sự bỏ trống, theo kiểu ‘không thành kế’ này, cũng đã từng thu được ‘thắng lợi’ như Khổng Minh Gia Cát Lượng, nhưng phần nhiều đã bị những biên tập viên sắc sảo, có kiến thức, ưa phân tích lô gích, phát hiện... Bản thảo bị trả về dịch... bổ sung...làm lại, rồi cũng từ đấy, nhà xuất bản ‘gút bai’ luôn ông ‘dịch giả’ này...Thế là tiếng tăm, uy tín, của ông ta đã tạo dựng được, đành đem đổ xuống sông, xuống biển, táng vào hàm cá mập... trắng!

Nói đi cũng cần phải nói lại, tôi lại nói giả dụ như: Những tập bản thảo ‘rời rạc’ thuê dịch rẻ tiền kia, đã được những sinh viên giỏi, có tài năng, có trách nhiệm, tuy biết bị bóc lột, trả giá rẻ mạt, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng bản dịch, đến mức ‘không sai một chữ’ - điều này, thật khó đạt được, bởi không một nhà dịch thuật nào dám cả gan tuyên bố mình dịch không sai một chữ, thế nào cũng có sai sót, sai không nhiều thì ít, đó là cái chắc! - Nhưng dù được tới mức như vậy đi chăng nữa, thì ở đây ta lại phải nói tới chuyện ‘ văn phong‘.

Trong văn học nghệ thuật, những người cầm bút, mỗi người đều có văn phong riêng của mình, nếu văn phong của ai cũng như ai, thì làm gì còn cái gọi là ‘cá nhân chủ nghĩa’ nữa? Mà trong văn chương nghệ thuật lại đòi hỏi, mỗi tác giả, phải có cái ‘cá nhân chủ nghĩa’ của mình, cũng như trong số mười mấy chú lính chì của Anđecsen đều giống hệt như nhau, duy chỉ có chú lính chẳng may bị thiếu mất một chút chì khi đổ khuôn, làm chú bị cụt mất một chân, và chính cái đặc điểm ‘cụt chân’ này, mới khiến chú có ‘sự tích’, ‘hành trạng’ riêng của mình, nghĩa là mới thành chuyện, nên chuyện...Với cả chục cái văn phong - giả dụ như tập tiểu thuyết đó có chục người dịch chung - đem ập vào với nhau, thì tập tiểu thuyết của người ta sẽ mang một thứ văn phong ‘hổ lốn’, như thế là ‘phản’ sách của người ta, chứ đâu còn phải là ‘dịch’ sách của người ta nữa? Cho nên, nhân đây, tôi xin nói thêm một điều rằng: Tôi phản đối việc hai ba bốn người dịch chung một cuốn tiểu thuyết, dù đó toàn là những người dịch giỏi giang, vì văn phong không thể nào ‘thống nhất’ được.

Dịch thuật, tôi nghĩ, còn đòi hỏi ở người dịch một sự cẩn thận, chu đáo, cẩn thận chu đáo đến tỷ mỷ... Như trên tôi đã nói, ‘Cẩn thận không phải là kiến thức’, nhưng sự cẩn thận, chu đáo, có thể bổ sung cho cái khiếm khuyết về kiến thức của mình rất nhiều. Bởi chỉ do thiếu kiến thức, có người đã dịch chữ ‘Tử viết’, mà xưa nay, người ta đã vẫn dịch đúng là: ‘Không Tử nói rằng’ thành: ‘Đữa trẻ nói rằng’, vì người đó mới chỉ học được, ‘viết ‘ là ‘nói’, ‘tử’ là ‘đứa trẻ’, nên dịch thế. Lại như dịch tên một nhân vật trong truyện Thuỷ Hử, xưa nay vẫn dịch là ‘Tống Giang, Cập Thời Vũ’, thành ‘Ông Tống Giang gặp mưa’, chữ ‘cập thời vũ’ mà dịch là ‘gặp mưa’ là sai hoàn toàn, nếu muốn dịch cái tên gọi đó theo nghĩa đen trong tiếng Việt, như kiểu ‘Hắc Tiểu Tử’ (truyện của Mạc Ngôn) thành ‘Thằng Cu Đen’, thì phải dịch là ‘Ông Tống Giang Mưa thuận’ hay “Mưa Kịp Thời’ mới là đúng.

Về sự cẩn thận, chu đáo, tôi xin đưa một thí dụ rất nhỏ sau đây:

Có một lần, trong khi ngồi dịch, tôi vớ phải tên một con côn trùng, mà theo như tác giả nói, thì nó sống ở nơi ẩm thấp trong nhà. Tôi tra mấy cuốn từ điển thường dùng, đều không thấy ghi chữ ấy, nên không tìm được ‘tên thật’ của nó. Tôi gọi điện thoại hỏi mấy anh bạn làm giáo sư, rất giỏi cả bạch thoại lẫn Hán văn, nhưng họ đều không biết đó là con gì. Tôi lại đi hỏi một anh bạn, chữ nghĩa Trung Quốc cũng vào hạng rất khá, lại sống ở Trung Quốc rất lâu, và anh đã trả lời tôi ‘ngay tắp lự’:

- Nó là con sâu đo anh ạ!

Tôi ‘khả nghi’ cái nghĩa ấy, bởi tôi ‘lý luận cùn’ rằng: Sâu đo nó đâu sống ở nơi ẩm thấp trong nhà - như trong bản gốc tác giả đã viết - mà nó phải sống ở ngoài vườn, trên lá trên cây kia chứ! Tôi ‘cẩn thận’ kiểm tra ngược lại bằng cách tra từ ‘con sâu đo’ tiếng Việt sang tiếng Trung Quốc, và tôi đã tìm ra ba chữ ‘tiểu kiều trùng’ - con côn trùng di chuyển bằng cách (co mình lại) bắc cầu - Thế là tên con côn trùng tôi cần tìm vẫn còn nguyên là ‘một bí mật’, một ‘thách thức’.Tôi lại phải đành mầy mò, ‘tự lực cánh sinh’, đi tìm ở những cuốn từ điển khác mà trong nhà tôi không có...Cuối cùng, đúng là ‘Hoàng Thiên bất phụ hữu tâm nhân’, tôi đã lôi được tên cái ‘con phải gió’ ấy ra, nó là ‘ con cuốn chiếu’. Thực ra, tên cái con côn trùng ‘dớ dẩn’ đó, tôi cứ dịch đại thành ‘ con rết’, ‘con bọ mát’ gì đó, miễn là có tên một con côn trùng cũng ‘ chẳng ai biết đó là đâu’, mà vạch vòi, trách tôi là dịch sai. Nhưng tôi cứ nghĩ, cẩn thận, chu đáo, dịch cho đúng, thì vẫn hơn...Bởi tôi đã gặp bản dịch chỉ vì không cẩn thận chu đáo một ‘tý tỳ tỵ’ thôi, mà đã dịch sai đến hai chỗ, trong một câu vỏn vẹn có 7 chữ: Bẩy chữ đó trong bài tuỳ bút có tên ‘ Nụ cừơi thường trực’, (‘Khai khẩu thường tiếu’ - Tên bài tôi dịch không giống với tên của người dịch trước), của Giả Bình Ao là: ’Đại học tốt nghiệp, tam thập giới..’ mà người dịch đã dịch thành: ‘Tốt nghiệp đại học khoá mười ba...’ Cái sai quá đơn giản đầu tiên là ‘tam thập’ đáng lẽ phải dịch là ‘ba mươi’ lại dịch thành ‘mười ba’... Còn chữ ‘giới’, thì quả là có ‘rắc rối’ hơn một chút, bởi vì hiện nay trên báo chí Trung Quốc, người ta dùng chữ ‘giới’ đúng là để chỉ chữ ‘khoá’ thật, ví dụ như ‘Đại hội khoá 10’. ‘Quốc Hội khoá 9’ vân vân, nhưng người dịch không biết rằng chữ ‘giới’ còn có một nghĩa cổ, được người ta dùng như chữ ‘niên’, chữ ‘tuế’, nghĩa là ‘tuổi’, cho nên khi dịch mấy chữ này, còn cần phải căn cứ thêm vào mấy chữ tiếp đó, mà dịch thành: ‘Tốt nghiệp đại học, tuổi đã 30, còn ế vợ, nên phải nhờ bè bạn mối lái...’ mới đúng, chứ còn dịch là: ‘Tốt nghiệp đại học khoá 13, còn ế vợ...’ là sai bét. (Dịch văn của ông Giả Bình Ao, cần phải nhớ một đặc điểm của ông nhà văn này là, thỉnh thoảng ông lại đá cổ văn vào trong văn chương của mình, nếu không, sẽ ‘hiểu lầm’ ông ấy ngay lập tức).

Sự cẩn thận, chu đáo của biên tập viên trong nhà xuất bản, trong toà báo, cũng là điều vô cùng cần thiết, bởi như đã nói ở trên, chính do sự cẩn thận, chu đáo mà biên tập viên đã phát hiện ra cái bản dịch lôm côm, với nhiều chỗ ‘nộp quyển trắng’, vì khó, không dịch nổi, và thứ ‘văn phong hỗn loạn’ do nhiều người dịch kia. Nhưng ngược lại, do sự thiếu cẩn thận chu đáo, mà báo Tiền Phong (Số chủ nhật, 42, năm 2005) đã để có một sai sót nhỏ, đáng tiếc:

Một cuốn tiểu thuyết của một tác giả người Trung Quốc với cái tên nguyên văn bằng chữ Hán là ‘Lang đồ đằng’, nhưng khi được giới thiệu bằng hai bài báo của hai tác giả, in trong cùng một số báo này đã khiến người đọc tưởng nó là hai cuốn tiểu thuyết khác nhau, do hai tác giả Trung Quốc viết:

Một cuốn mang tên: Lang Đồ Đằng (Sùng bái Sói) của Khương Tuất.

Một cuốn mang tên: Tô-tem Sói của Khương Nhung.

Cách giới thiệu thế này, theo tôi, có hai thiếu sót. Thiếu sót thứ nhất là: Trong cùng một tờ báo, đặc biệt là trong cùng một số báo, thì biên tập nên ‘quy về’ một tên cho có sự thống nhất trên báo của mình, bởi vì chữ ‘Lang đồ đằng’ dịch là ‘Tô tem Sói’ hay ‘Sùng bái Sói’ đều đúng cả, nhưng chỉ nên dùng một tên trên tờ báo của mình. Đáng lý ra, tên tác giả là Khương Tuất hay Khương Nhung người biên tập càng cần phải hỏi ‘cho ra nhẽ’, để thống nhất lại .Bởi vì trong chữ Hán có nhiều chữ có hai âm mà âm nào cũng đúng, ví dụ như Mao Thuẫn hay Mâu Thuẫn, vẫn như nhau, hay sông Châu, sông Chu cũng vẫn là một... Song trong trường hợp này, tuy tôi chưa được chính mắt nhìn thấy tên tác giả bằng chữ Hán, nhưng tôi dám khẳng định một trong hai người đã dịch sai, bởi vì trong chữ Hán có ba chữ có thể nói là viết gần như nhau, nhưng vẫn có cái khác nhau ở một nét nhỏ trên cùng một vị trí của mỗi con chữ. Nếu không cẩn thận nhận mặt chữ, chỉ đọc lướt đi, rồi dịch thì rất dễ sai, chữ nọ dịch thành chữ kia ngay lập tức. Đó là ba chữ: Tuất, (ngọ, mùi, tuất), Nhung, (binh nhung), và Thú, (đồn thú), cho nên rất có thể có người dịch tên tác giả là Khương Thú có khi mà lại đúng cũng nên, biết đâu đấy? Nhưng sai một ly đi một dặm là vậy.

Nói đến ‘thông thạo’ chữ nghĩa của người ta, lại không thể không nói đến ‘thông thạo tiếng mẹ đẻ’ của mình, - nói chung là hai ‘cái sự thông thạo’ đó phải ngang nhau -, để mình có thể tuỳ ý, chọn lựa, sàng lọc, moi móc được trong tiếng Việt mình ra những chữ những nghĩa thật ‘môn đăng hộ đối’, không chê vào đâu được, mà làm ‘sính lễ’, làm ‘của hồi môn’ xứng đáng với tác giả. Ta không thể chấp nhận những người dịch không chịu tìm tòi trong tiếng Việt ra những chữ tương xứng, thậm chí là rất hay để dịch, mà lại lười biếng, ‘ăn không’, ‘bê nguyên đai nguyên kiện’, tiếng của người ta, âm của người ta vào, ‘làm nghèo’ tiếng của nước mình đi, thí dụ như trước đây ta đã thấy nhan nhản những tiếng ‘A ka’, ‘lách cách’, (hoàng tử, công chúa), trong phim truyền hình, trong thể thao tiếng võ thuật (vũ thuật) có sẵn (như côn, quyền, đao. kiếm...) lại bỏ đi không dùng, mà đi bê chữ u xu hay ủ xu chỉ là âm Trung Quốc của hai chữ võ thuật vào thay thế. Hay như gần đây, trên báo chí thấy xuất hiện một từ Trung Quốc mới: ‘linglei’. Nhiều người đã hỏi tôi ‘linhlây’ là gì ? Trời đất ạ, nguyên nghĩa của nó là loại khác, kiểu khác,mà Việt Nam có một từ ‘tuyệt vời’ để dịch từ này là ‘khác người’, hoặc ‘khác đời’, sao không dịch, mà lại cứ đi tỏ vẻ ‘thông thái’, ‘nhân danh cái mới’ làm khổ người đọc? Tôi cũng phản đối cái lối dịch, mà khi đọc lên, cứ như nghe người Tầu nói tiếng ta, đại khái như một câu thế này: “... Chúng tôi đã điều nghiên, phối kết hợp, thanh kiẻm tra, bám chặt mọi di biến động của đối tượng hêrôin, để phá án phi vụ này...”

Thông thạo tiếng Việt, để khỏi nói như ông đại biểu Quốc Hội, phát biểu giữa nghị trường: ‘Danh có chính thì ngôn mới...luận’, như có tờ báo đã đưa tin...

Nói tóm lại, người dịch thuật văn chương, ngoài việc cần phải thông thạo cả tiếng nước mình lẫn tiếng nước người, còn cần phải có một tư cách đứng đắn, và lòng say mê nghề nghiêp. Chính lòng say mê nghề nghiệp sẽ đem lại cho mình tinh thần trách nhiệm và lối làm việc cẩn thận, chu đáo, rồi ‘hậu quả’ của điều này sẽ nâng cao được sự ‘giỏi giang’ cả hai thứ tiếng, làm phong phú thêm kiến thức của mình...                                         

  • Lê Bầu (dịch giả)
     

Chuyên đề Dịch thuật Việt Nam thời @:

Cần xác định một thái độ đối với thực trạng dịch thuật

Phải có một quyết sách văn hóa ở cấp vĩ mô 

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương  (Phần 1)

Suy nghĩ về dịch thuật và ngôn ngữ văn chương  (Phần 2)

 

* Ý kiến, quan điểm của bạn?

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,