221
443
Văn hoá
vanhoa
/vanhoa/
1319340
Hành trình tư tưởng của L. Tostoi
1
Article
null
Hành trình tư tưởng của L. Tostoi
,

- “Chừng nào Tolstoi còn sống, còn đi theo luống cày sau cài cày, sau con ngựa trắng của mình - thì còn buổi sáng đầy sương, còn mát rượi, còn không gì đáng sợ, ma quỷ còn say giấc - và đội ơn Chúa! Tolstoi đang đều bước - đó là mặt trời đang lên cao. Nhưng nếu mặt trời lặn, nếu Tolstoi chết - thì cái gì sẽ đến?”- Alexandre Blok.

LBT: Cùng với thế giới kỷ niệm 100 năm ngày mất của văn hào Nga vĩ đại Lev Nicolaevich Tostoi, được sự đồng ý của PGS Phạm Vĩnh Cư, chúng tôi xin đăng tải bài viết nhan đề: Hành trình tư tưởng của Tostoi nhằm giới thiệu một Tostoi triết gia sáng giá còn chưa được hiểu thấu đáo như Tostoi với sự nghiệp văn chương chói lọi. Với bản lĩnh "không thể mua chuộc được" cộng thêm tình yêu nước Nga, tình yêu con người gần như thực hiện di huấn của Thượng đế đã phần nào cắt nghĩa được tại sao nhân loại gọi ông là thiên tài văn học, vị thánh của nước Nga. Đọc Tostoi và những trang viết về ông, có thể trong chúng ta nảy sinh câu hỏi: Tại sao Việt Nam không có những văn tài như thế? Câu trả lời hoàn toàn do chính chúng ta và xem ra cũng không mấy khó khăn!

Hành trình tư tưởng của L. Tostoi

Mô tả ảnh.
Lev Nikolaevich Tolstoi (1828-1910)

Một trăm năm về trước, khi nhà văn Nga Lev Nikolaevich Tolstoi (1828-1910) qua đời trong niềm thương tiếc của nhiều triệu con người trên khắp mọi châu lục, công luận thế giới, đánh giá sự nghiệp của ông, chúng khẩu đồng từ đặt tên tuổi ông lên cạnh không chỉ Homère, Shakespeare, Goethe mà còn Phật Đà, Kitô, Lüther. Một trong những nghệ sĩ ngôn từ lớn nhất của loài người và đồng thời một nhà cải cách tôn giáo đã sáng lập một học thuyết tôn giáo mới cũng dành cho toàn thể loài người, không phân biệt dân tộc, quốc gia, đẳng cấp xã hội như đạo Phật và đạo Kitô.

Những định danh như thế, tưởng chừng xốc nổi và hời hợt, chỉ dựa trên trực giác và liên tưởng và còn xa mới bao quát được hết các mặt phức tạp và các đặc điểm hệ trọng trong cái hiện tượng vô tiền khoáng hậu mang tên Lev Tolstoi, xem ra lại thâu tóm được bản chất, tầm vóc và ý nghĩa của hiện tượng ấy tốt hơn rất nhiều khảo luận, chuyên luận, luận văn về Tolstoi mà ngày nay đã không thể nào thống kê được. Chúng cũng tiên lượng được khá chính xác cái số phận bất an, ba chìm bảy nổi và chưa biết hồi kết mà di sản của Tolstoi, với học thuyết tôn giáo - đạo đức của ông, phải chịu đựng trong thế giới ngày nay.

Như mọi người đều biết, Tolstoi xuất hiện trên trường quốc tế như là nhà chính luận và nhà truyền giáo sau khi Tolstoi - nghệ sĩ đã giành được nơi đây vinh quang chói lọi. Rõ ràng, đây là một hậu thuẫn, một tiền đề thuận lợi để thế giới lắng nghe tiếng nói của ông. Nhưng nếu mà nhà tư tưởng Tolstoi không có thực lực thì tiếng nói ấy đã mau chóng chìm lẫn trong đại dương đa thanh đến hỗn độn của những tư trào, những học thuyết, những đảng phái tranh giành quyết liệt ảnh hưởng đến trái tim, khối óc con người trong bối cảnh thế giới cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Nhưng không như Gogol ở Nga và vượt xa Hugo và Zola ở Pháp, tiếng nói của Tolstoi - nhà hoạt động xã hội đã mau chóng thu lượm được sức mạnh thu phục nhân tâm ở trong và ngoài nước Nga, khiến những tử thù của ông, nắm trong tay quyền lực nhà nước và quyền lực tôn giáo, trong vòng ba thập niên lúc nào cũng ngay ngáy lo sợ. Được lưu truyền rộng rãi nhận xét của chủ nhiệm một tuần báo chính trị - xã hội có uy tín ở Nga thời ấy (A. Suvorin): “Ở nước chúng ta có hai Sa hoàng: Nikolai đệ Nhị và Tolstoi. Tolstoi đang làm lung lay ngai vàng của Nikolai, mà Nikolai thì lại không làm gì được với Tolstoi”.

Nhưng đây, một phát biểu nhìn nhận vai trò, ý nghĩa của Tolstoi từ một góc độ hoàn toàn khác. Năm 1908, trong dịp thế giới kỷ niệm 80 năm sinh Tolstoi, Alexandre Blok, một nhà thơ trẻ, sáng tác theo khuynh hướng mới, tuyệt không thể hi vọng được Tolstoi khen ngợi, đã đăng trên báo bài viết ngắn mang tên “Mặt trời bên trên nước Nga”, với những dòng kết như sau: “Chừng nào Tolstoi còn sống, còn đi theo luống cày sau cài cày, sau con ngựa trắng của mình - thì còn buổi sáng đầy sương, còn mát rượi, còn không gì đáng sợ, ma quỷ còn say giấc - và đội ơn Chúa! Tolstoi đang đều bước - đó là mặt trời đang lên cao. Nhưng nếu mặt trời lặn, nếu Tolstoi chết - thì cái gì sẽ đến?”

Mô tả ảnh.
Những trang viết về văn hào Tostoi

Một thụ cảm, một nhận thức như vậy về Tolstoi - như là người thầy chung của nhân loại, như là hiện thân của lương tâm không ngơi nghỉ và không thể mua chuộc của loài người - là phổ biến thời ấy, nó đã biến Yasnaya Polyana, điền trang của nhà văn, thành điểm hành hương của hàng trăm khách thập phương và điểm đến của hàng vạn bức thư từ nhiều miền đất gần xa, mà trong đó những người viết cho Tolstoi, đồng tộc lẫn ngoại tộc, hỏi ý kiến của ông, đề nghị ông phát biểu về nhiều vấn đề của đời sống rất nhiều khi không liên quan gì đến văn chương, nghệ thuật.

Trong những bức thư như thế, mà Tolstoi đã trả lời, được chọn và đưa vào sách này không chỉ thư của các văn sĩ châu Âu đã hoặc sẽ đoạt giải Nobel - Henryk Sienkiewicz, Bernard Shaw, Romain Rolland, mà còn của một luật sư Ấn Độ chưa được mấy người biết đến, đang sống ở Nam Phi và lãnh đạo cuộc đấu tranh phi bạo lực dành các quyền công dân của một cộng đồng thiểu số người Ấn ở vùng này - người mai sau sẽ trở thành lãnh tụ tinh thần của dân tộc Ấn Độ và được cả thế giới gọi là Mahatma (Thánh) Gandhi - từ trẻ thấm nhuần những tư tưởng tôn giáo - đạo đức của Tolstoi, Gandhi mong mỏi được nghe thấy từ Tolstoi lời cổ vũ cho phương pháp đấu tranh mà ông đã chọn lựa, và ông đã nghe thấy. Cũng thuộc số người đã trao đổi thư từ với Tolstoi có hai nữ sinh Mỹ da màu Lizzie Walker và Martha Tyler ở một thị trấn hẻo lánh của bang Indiana - họ yêu cầu Tolstoi cất tiếng lên án những tội ác của người da trắng hà hiếp người da đen trên quê hương họ, và Tolstoi đã cất tiếng phỉ nhổ những tội ác ấy, đồng thời khuyến dụ những người bị áp bức nên hành xử thế nào với những kẻ áp bức họ…

Nhưng rồi tiếng nói cương trực, vang dội toàn cầu của Tolstoi im bặt vĩnh viễn, song thế sự mà tiếng nói ấy thực ra chưa tác động được đến, vẫn tiếp diễn dường như theo kịch bản đã được duyệt trước. Năm năm sau khi ông qua đời, giữa khói lửa của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, mà ngay Tolstoi, với nhạy cảm đặc biệt của ông với những biểu hiện của chủ nghĩa quân phiệt, của chạy đua võ trang và chuẩn bị chiến tranh, cũng không tiên đoán được, nhà văn Nga D. Merezhkovski, bình luận bộ nhật ký của Tolstoi vừa được in, chua chát viết: “Người mới đây còn là thủ lĩnh tư tưởng của chúng ta, Lev Tolstoi, tuồng như bỗng dưng đánh mất hết quyền lực của mình - tuồng như bỗng dưng toàn bộ trở nên không đúng lúc, không cần thiết, không hiện đại, không hợp thời; chúng ta không biết phải làm gì với ông, cũng như, thực tình mà nói, với tất cả các hiền giả, các bậc thầy, các nhà tiên tri. Hình như chưa bao giờ lại lộ rõ như hiện nay sự bất lực của tinh thần con người trước sức mạnh vô hồn của vật chất: cho dù những con người của tinh thần có nói gì, có nghĩ gì, có cảm thấy và có làm gì - bên ngoài họ sẽ không có gì đổi thay”.

Sau thế chiến thứ nhất là thế chiến thứ hai, còn tàn khốc và dã man hơn, với những thảm cảnh và tội ác khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì mà ngòi bút Tolstoi đã khắc họa, và giữa hai cuộc đại chiến ấy trên tổ quốc của Tolstoi đã diễn ra toàn những thứ mà sinh thời Tolstoi đã không mong muốn tí nào, đã không biết mệt mỏi cảnh báo, ngăn ngừa đồng bào mình - cách mạng, nội chiến, rồi một chính thể chuyên chế mới, còn bóp nghẹt tự do của con người hơn chế độ cũ. Dưới chính thể mới ấy người ta đã đối xử với Tolstoi cũng không như ông mong muốn: đề cao đến mức tuyệt đối hóa sáng tác văn học của ông, biến nó gần như thành một thứ khuôn vàng thước ngọc cho mọi người cầm bút trong hiện tại và tương lai nhưng lại hạ thấp cũng hết mức Tolstoi - nhà tư tưởng, xem cái phần ấy trong di sản của ông là vĩnh viễn thuộc về quá khứ và không cần thiết tí nào cho công cuộc xây dựng xã hội mới, con người mới.

Những trước tác quan trọng nhất của Tolstoi - nhà tư tưởng trên thực tế trở thành bất cập đối với công chúng độc giả, đồng thời những người noi theo học thuyết của Tolstoi trong xã hội bị ráo riết truy bức. Trong vòng bảy thập niên, nhà tư tưởng Tolstoi được biết đến, được nghiên cứu và quảng bá ở nước ông ít hơn ở bất cứ nước nào của phương Tây, nơi do nhiều lý do cũng thống ngự nhiều định kiến về Tolstoi và trong ý thức xã hội cũng định hình một quan niệm rập khuôn về ông như là một nhà văn kỳ tài và một triết gia yếu kém, nhưng đồng thời trong những giới học thuật vẫn tiếp tục sự nghiên cứu và kiến giải Tolstoi trong chỉnh thể sáng tác và nhân cách của ông.

Song dĩ nhiên đã không thể nói về ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng Tolstoi ở các nước Âu - Mỹ thế kỷ XX nơi những thần tượng mới: Nietzsche, Freud, Heidegger, Sartre, Derrida… lần lượt chiếm lĩnh tâm trí của công chúng có học, đẩy vào chỗ râm tối thậm chí ra ngoài lề của không gian văn hóa - tư tưởng, nhiều thiên tài của các thế kỷ trước. Đều bước với các nhà tư tưởng hiện đại và hậu hiện đại, không ít các văn nghệ sĩ tiên phong chủ nghĩa ở phương Tây - trái ngược với sự “phong thánh” Tolstoi - nghệ sĩ ở nước Nga Xô viết và các nước đồng minh - từ những năm 60 ra sức chối từ di sản văn chương của Tolstoi, coi nó thuộc về một giai đoạn đã vĩnh viễn bị vượt qua của nghệ thuật ngôn từ…

  • PGS Phạm Vĩnh Cư (Còn tiếp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,
,
4 đội quốc tế tham dự thi pháo hoa quốc tế 2011
4 đội quốc tế tham dự thi pháo hoa quốc tế 2011

(Vietnamnet) - 4 đội quốc tế tham dự thi pháo hoa quốc tế 2011

Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao
Những trang phục Halloween ấn tượng của các ngôi sao

Siêu mẫu Heidi Klum làm Người Sắt, Meredith Vieira mặc giống Lady Gaga còn vợ chồng nhà Mariah Carey thì thành lính cứu hoả...

Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao
Chiêm ngưỡng căn phòng triệu đô của các ngôi sao

Cùng People ghé thăm chốn riêng tư nhất của các ngôi sao nổi tiếng thế giới.

Triệu Vy lấy lại phong độ

"Én nhỏ" hào hứng tham gia buổi chụp hình bìa cho tạp chí ELLE số tháng 10.

,
,
,