Một hình nhân khổng lồ bằng bong bóng được thả lên bầu trời, một không gian chất đầy hàng ngàn vỏ bia lon, một ngọn tháp cao 17m, hai con bò và một con cá mập được ướp xác…
Rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật tạo hình hiện nay đang chứng minh cho một xu hướng nổi trội của nghệ thuật đương đại, trường phái “khổng lồ”.
Cái đấy mà là nghệ thuật à?
Hình nhân của Pawel Althamer. |
Một cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại Trung & Đông Âu diễn ra tại Bỉ mới đây đã khiến du khách “ngã bổ chửng” khi người ta bơm phồng và thả lên bầu trời quảng trường t’Zand ở thành phố Bruges một “quả bóng” dài hơn 20 mét được tạo dáng hình một người đàn ông rắn rỏi và trần như nhộng. Đó chính là chân dung tự họa của Pawel Althamer.
Althamer là một nhà điêu khắc lấy cảm hứng từ sự tha hóa và cô đơn của con người làm đề tài chủ đạo. Với “Quả bóng bay” của mình trên bầu trời nước Bỉ vừa qua, nghệ nhân này dường như giễu nhại tham vọng của các nghệ nhân nổi tiếng bằng cách cho trình làng một tác phẩm mang tính “xem thường công chúng” (!), và tạo ra những phản ứng như là được mua vui, bị khiêu khích, như muốn bị công chúng chê bai: “Cái đấy mà là nghệ thuật à?”.
Nghệ thuật đương đại đang bon chen giữa một xã hội ngày càng rối bời vì có quá nhiều tác nhân kích thích thị giác khắp nơi và cái hình nhân khuấy động bầu trời kia của Pawel Althamer không phải là trường hợp duy nhất. Những tác phẩm khổ lớn, tạo ra những hiệu ứng vang dội và lan tỏa hay những chủ đề triển lãm gây sốc, hoặc quá sốc, dường như đang là xu hướng thời thượng hiện nay của nghệ thuật đương đại.
Một vị giám đốc bảo tàng tại châu Âu cho rằng “Trường phái khổng lồ hiện được xem là bản sắc của nền nghệ thuật đương đại. Các nghệ nhân ngày nay phải cố gắng chinh phục người thưởng lãm để có thể có được một chỗ đứng trong một môi trường ngày càng ồn ào và hối hả, nhưng lại đang bị bão hòa thông tin. Họ phải cạnh tranh với các khung hình ảnh xuất hiện ngày càng nhiều và nhan nhản trên các phương tiện truyền thông và trên mọi hình thức quảng cáo, những cảnh tượng hoành tráng ngự trị và chiếm lĩnh các thành phố lớn và trên khắp các bức tường của các tòa nhà chọc trời”.
Và vốn dĩ để chính bản thân mình và tác phẩm của mình được công chúng chú ý đến, và nếu có thể, muốn thưởng thức, thì các nghệ nhân hiện nay phải chọn lọc các chủ đề và các hình ảnh tạo ra cảm giác mạnh, càng mạnh càng tốt.
Nghệ nhân Thụy Sĩ Thomas Hirschhorn đến bảo tàng Dhondt- Dhaenens tại Bỉ và rải đầy ra sân hơn 2 triệu vỏ lon bia loại 33 cl. Ông tìm thấy “chất liệu” cho sáng tác của mình từ một mẩu tin vắn đăng trên một tờ báo địa phương, trong đó ghi rằng một người đàn ông đã uống hết 24 lon bia mỗi ngày và vứt vỏ lon bia ra ngay trong căn nhà mình mà chẳng hề dọn dẹp và ông này đã bỏ căn nhà đó ra đi từ 8 năm nay.
Hirschhorn đặt tên cho tác phẩm này là Too too - Much much. Và du khách đến tham quan sẽ được phát mỗi người một đôi ủng đặc biệt để bước đi ngay trên đống lon bia vương vãi đó. Âm thanh “rào rào” từ mỗi bước chân đi sẽ tạo ra một cảm giác khó tả và cả… khó chịu. Nhưng hiệu ứng giác quan đến tức thì, phản ứng từ phía du khách đa phần là tích cực. Thực tế thấy rằng chuyện này mà xảy ra trong nửa đầu của thế kỷ trước chắc chắn đã làm tốn không ít giấy mực từ giới phê bình nghệ thuật.
Điểm nổi bật của nghệ thuật trình diễn là sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình. Khi xem các tác phẩm của Thomas Hirschhorn hay Pawel Althamer hẳn sẽ tìm thấy vô số các ý nghĩa và các chi tiết nhỏ lẻ, vặt vãnh nhưng tinh tế, những gì mà các bích chương quảng cáo không thể lột tả được.
Wim Delvoye cũng thế, nghệ nhân người Bỉ này có nhiều công trình nổi tiếng nhưng sốc nhất có lẽ là chiếc máy sản xuất ra phân người (!) được đặt tên là Cỗ máy Cloaca. Được thiết kế với hình dạng và vóc dáng của một dây chuyền khoa học nghiêm chỉnh, Cỗ máy Cloaca tái hiện trước mắt công chúng quá trình hoạt động của bộ máy tiêu hóa con người: thức ăn được đưa vào từ phía bên trên máy như khi ta ăn vào miệng, và ở cuối dây chuyền hoạt động, máy sẽ tống ra ngoài chất thải rắn y như của con người! Cỗ máy Cloaca ra đời và gây tranh cãi không ít, bởi đại đa số khách đến xem đều tự hỏi: Cái máy quỷ quái và kinh khiếp đó là một tác phẩm nghệ thuật ư?
Chưa dừng ở đó, Wim Delvoye còn sáng tạo ra Art Farm dựa trên ý tưởng “Chúng ta có thể nào giết thịt một con heo đã được đặt tên như người và được xăm mình y như xu hướng thời trang của chúng ta hiện nay không?”. Thế là, Wim Delvoye bay sang Trung Quốc, mở một Nông trại Nghệ thuật tại ngoại ô Bắc Kinh. Tại đây, ông nuôi khoảng 20 chú heo và giao khoán cho các nông dân tại đây chăm sóc. Khi đàn heo còn nhỏ, chúng được xăm mình mỗi tuần một lần. Chính Wim Delvoye làm công việc này cùng với đội ngũ nhân viên mà ông thuê mướn.
Những hoa văn được xăm lên mình những chú heo lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian tại nhiều nước trên thế giới, rồi đến cả hình của nhãn hàng thời trang Louis Vuitton. Sau đó, bầy heo lớn lên, mập ra đến khoảng từ 30- 200 kg thế là những hình xăm trên mình chúng cũng càng ngày càng lớn ra. Và khi heo đã đạt được một trọng lượng lý tưởng, người ta giết chúng, lấy lại lớp da, đem đi thuộc, lồng vào khung kính và bán ra thị trường như những bức tranh nghệ thuật hoàn chỉnh. Wim Delvoye lập luận rằng, với công trình của mình trên cơ thể những chú heo, khi chúng đang được nuôi dưỡng, thì đó chính là những “tác phẩm nghệ thuật sống”, còn khi chúng chết đi, chúng cũng trở thành những “tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa”.
Nghệ thuật không cần đến viện bảo tàng
Tác phẩm xăm nghệ thuật trên lưng heo của Wim Delvoye |
Vô ích, bởi, mọi đứa trẻ đều vẽ và tô màu theo cách mà chúng muốn chứ không thể nào nghe theo người lớn. Damien Hirst chúa ghét các viện bảo tàng.
Ông cho rằng các cuộc triển lãm, trưng bày trong bảo tàng thường tạo ra một cảm giác “chết” đối với các tác phẩm nghệ thuật. Ông thích các bảo tàng, nhưng chỉ khi tác phẩm bước vào giai đoạn cuối, khi chúng đến lúc “được nghỉ ngơi cho nghệ thuật”. Nghệ nhân nào rồi sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc sự nghiệp của mình tại bảo tàng thôi, do đó, họ không có gì mà phải nóng vội, bởi, không gian bảo tàng sẽ đánh dấu giai đoạn cuối của sự nghiệp một nghệ nhân. Đây là một trong những tiêu chí của trường phái khổng lồ, khi không gian trưng bày của họ là bất cứ nơi nào có thể được, không bó hẹp, không quy củ và không… bình thường!
Trên thực tế, các bảo tàng và các trung tâm nghiên cứu nghệ thuật đều rất hoan nghênh và đón nhận các tác phẩm của trường phái này. Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật đương đại MuHKA tại Anvers (Bỉ) nói: “Các tác phẩm này tạo được sức hút rất cao vì chúng có điều kiện tiếp cận rộng rãi đến mọi tầng lớp công chúng, và đó chính là yếu tố mà chúng tôi cần có được từ các tác phẩm đó. Hiện nay, chính phủ luôn khuyến khích các bảo tàng làm sao thu hút được đông đảo khách tham quan, và vì thế cần phải có các đợt trưng bày lớn và hoành tráng.
Tuy nhiên, các nghệ nhân điển hình đích thực của trường phái khổng lồ như Thomas Hirschhorn, Pawel Althamer hay Wim Delvoye không khép mình thuộc một thể loại tạo hình nào cả, mà họ luôn ngẫu hứng và chọn cho mình một hướng đi riêng”. Nói chung, báo giới châu Âu gọi trường phái này bằng một câu rất ngắn gọn nhưng cũng rất… hiệu ứng: Big is beautiful! (Cứ bự là đẹp).
(Theo TH&VH)